Trang chủ PGVN Phật giáo Gia Lai với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phật giáo Gia Lai với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Gia Lai có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46,2% dân số. Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cùng tăng ni và bà con phật tử triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về các vùng dân tộc thiểu số.

89

THƯỜNG XUYÊN DUY TRÌ CÁC HOẠT ĐỘNG AN SINH

Đồng bào Phật giáo Gia lai thường xuyên quan tâm hoạt động từ thiện, góp phần an sinh xã hội ở các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ảnh Thanh Nhật
Đồng bào Phật giáo Gia lai thường xuyên quan tâm hoạt động từ thiện, góp phần an sinh xã hội ở các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ảnh Thanh Nhật

Sư cô Thích Nữ Quảng Như – Trưởng Ban từ thiện của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai cho hay: “Với phương châm phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật, Ban từ thiện của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, cùng các chùa, tịnh xá, tăng ni và đồng bào phật tử trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…, bình quân mỗi năm trị giá khoảng trên 10 tỷ đồng. Riêng năm 2023 vừa qua, tổng các hoạt động từ thiện của Phật giáo toàn tỉnh trị giá hơn 22,5 tỷ đồng, thiết thực góp phần an sinh xã hội tại tỉnh nhà”.

Tiêu biểu ở các địa phương trong tỉnh, như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Mang Yang, dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thích Trí Thức đã tổ chức các hoạt động như tặng máy lọc nước, sách vở, quần áo cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở các trường bán trú tại xã Đê Ar, xã Đak Trôi, xã Kon Chiêng… Tịnh xá Ngọc Lai (huyện Ia Grai) tổ chức các hoạt động xã hội bình quân mỗi năm khoảng trên 1 tỷ đồng. Cùng với đó, Tịnh xá đã xây dựng 18 công trình nước sạch sinh hoạt tập trung tại 12 thôn làng vùng dân tộc thiểu số của huyện, xây tặng nhiều căn nhà tình thương và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số…

Trong năm qua, đồng bào Phật giáo huyện Chư Sê đã tích cực công tác từ thiện xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Bà con phật tử, cùng các mạnh thường quân của Chùa Mỹ Thạch (thị trấn Chư Sê) và chùa Phước Viên (xã HBông) đã giúp đỡ 2 hộ gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang nuôi con nhỏ và có người thân bị bệnh hiểm nghèo – gồm ông Kpui Bel ở làng Tel xã Ia HLốp và gia đình ông Đinh Vel tại làng Ring Răng, xã Dun. Mỗi gia đình được hỗ trợ gói an sinh gồm 11 triệu đồng tiền mặt và phần nhu yếu phẩm trị giá 1 triệu đồng.

Gia đình ông Siu Năm, hộ nghèo ở xã Dun huyện Chư Sê được Tịnh xá Phú Cường quan tâm xây dựng căn nhà mới, ổn định sinh hoạt đời sống. Ảnh Thanh Nhật
Gia đình ông Siu Năm, hộ nghèo ở xã Dun huyện Chư Sê được Tịnh xá Phú Cường quan tâm xây dựng căn nhà mới, ổn định sinh hoạt đời sống. Ảnh Thanh Nhật

Hay tại xã Dun (huyện Chư Sê), ông Siu Năm là hộ nghèo, khó khăn về nhà ở cũng đã bày tỏ: “Tôi rất vui và xúc động vì trong năm qua được Tịnh xá Phú Cường quan tâm giúp đỡ kinh phí xây dựng căn nhà mới có diện tích khoảng hơn 50m2, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống và yên tâm hơn mỗi khi thời tiết bước vào mùa mưa bão. Tôi sẽ cố gắng làm ăn để ổn định đời sống”.

Bên cạnh đó những năm qua, đồng bào phật giáo đã tham gia xây dựng công trình hạ tầng giao thông một số nơi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Chùa Minh Quang (TP.Pleiku) đã xây dựng và bàn giao công trình “Cây cầu từ thiện”, tạo thuận lợi về giao thông cho một số làng dân tộc thiểu số và người dân tại khu vực vùng ven phường Chi Lăng. Tịnh xá Phú Cường huyện Chư Sê phối hợp với Niệm Phật Đường Viên Minh (Quận 7, TP.Hồ Chí Minh) đã xây tặng công trình “Cầu nhân ái”, kết nối giao thông các làng đồng bào dân tộc thiểu số giữa vùng giáp ranh xã Ia Pal với xã Kông HTot huyện Chư Sê.

Công trình “Cầu nhân ái” đã kết nối giao thông các làng đồng bào dân tộc thiểu số giữa vùng giáp ranh xã Ia Pal với xã Kông HTot huyện Chư Sê. Ảnh Thanh Nhật
Công trình “Cầu nhân ái” đã kết nối giao thông các làng đồng bào dân tộc thiểu số giữa vùng giáp ranh xã Ia Pal với xã Kông HTot huyện Chư Sê. Ảnh Thanh Nhật

Tương tự, chùa Thanh Trung (thị trấn Đak Đoa) vận động bà con phật tử tại chùa góp kinh phí và liên hệ nguồn tài trợ của bà con phật tử Quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh, để xây dựng chiếc cầu tràn qua con suối thuộc địa bàn làng Kóp xã Kon Gang, kết cấu đúc bê tông cốt thép, dài gần 20m. Ông Đinh Bưch – một người dân ở làng Kóp phấn khởi bộc bạch: “Dân làng cảm ơn nhà Chùa đã quan tâm làm chiếc cầu tràn, giúp bà con vào khu sản xuất, cũng như vận chuyển nông sản vào mùa thu hoạch được thuận lợi hơn so với trước đây, nên bà con phấn khởi lắm…”.

PHẬT GIÁO TỪNG BƯỚC ĐI VÀO ĐỜI SỐNG

Duy trì nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp trong sinh hoạt đạo tại các chùa, tịnh xá ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh Thanh Nhật
Duy trì nét văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp trong sinh hoạt đạo tại các chùa, tịnh xá ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh Thanh Nhật

Chùa Bửu Tịnh là đơn vị đứng chân ở gần vùng giáp ranh giữa thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa, cũng là nơi có nhiều tín đồ phật tử là đồng bào dân tộc thiểu số. Chùa đã thường xuyên tuyên truyền vận động bà con phật tử chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn – nhất là Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”. Các hộ đã được hướng dẫn cách sản xuất hiệu quả, từ bỏ các tập tục lạc hậu, vươn lên trong sản xuất và đời sống mới…

Trong số khoảng 200 hộ đồng bào Jrai thường tham gia sinh hoạt tại Chùa Bửu Tịnh, có vợ chồng ông Rơ Com Năh ở xã Ia Broăi huyện Ia Pa – “Trước đây gia đình mình gặp rất nhiều khó khăn, được Chùa Bửu Tịnh và bà con phật tử giúp đỡ, hướng dẫn về kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất, chịu khó làm ăn, nên kinh tế, đời sống gia đình tôi ngày càng ổn định và khá lên…” – ông vui vẻ bộc bạch.

Thượng tọa Thích Giác Duyên – Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh chia sẻ: “Để đáp ứng nhu cầu tham gia sinh hoạt Phật giáo của người dân tộc thiểu số tại khu vực huyện Chư Sê và Chư Pưh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã làm các thủ tục, hồ sơ theo quy định, đề nghị cấp thẩm quyền xem xét quyết định cho phép thành lập Tịnh xá Phú Cường (đứng chân tại xã Ia Pal huyện Chư Sê) vào năm 2011. Những năm sau đó, cấp thẩm quyền tiếp tục cho phép thành lập Tịnh xá Ngọc Đồng (tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê), với khoảng hơn 750 phật tử người Jrai và Bahnar sinh hoạt đạo; thành lập Tịnh xá Ngọc Chư (tại xã Kông HTok, huyện Chư Sê), với hơn 500 phật tử người Jrai và Bahnar, của 2 xã Kông Htok và Ayun huyện Chư Sê tham gia sinh hoạt đạo”.

Việc thành lập 3 tịnh xá Phú Cường, Ngọc Đồng, Ngọc Chư đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 3.500 phật tử dân tộc thiểu số huyện Chư Sê và Chư Pưh tham gia sinh hoạt đạo. Ảnh Thanh Nhật
Việc thành lập 3 tịnh xá Phú Cường, Ngọc Đồng, Ngọc Chư đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 3.500 phật tử dân tộc thiểu số huyện Chư Sê và Chư Pưh tham gia sinh hoạt đạo. Ảnh Thanh Nhật

Cũng theo Thượng tọa Thích Giác Duyên: Đến nay tại 3 tịnh xá Phú Cường, Ngọc Đồng, Ngọc Chư đã có hơn 3.500 phật tử dân tộc Jrai và Bahnar thuộc một số xã của huyện Chư Sê và Chư Pưh tham gia sinh hoạt đạo. Các tịnh xá đã kết hợp hài hòa giữa sinh hoạt tôn giáo với việc phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số tại chỗ khi xây dựng các hạng mục hạ tầng trong tịnh xá, cũng như duy trì việc sử dụng cồng chiêng, đàn tơ rưng và các nhạc cụ, các điệu múa dân tộc kết hợp vào các buổi lễ và sinh hoạt tôn giáo… Các tịnh xá còn tổ chức nhiều khóa tu mùa hè, để tạo cơ hội thanh thiếu niên phật tử dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt đạo với với các bạn người Kinh, qua đó góp phần xây dựng mối đoàn kết dân tộc và tôn giáo ở địa phương.

Phật tử Đinh Nay Huỳnh – dân tộc Bahnar, pháp danh Ngọc Liên đang sinh hoạt đạo tại Tịnh xá Ngọc Đồng bộc bạch: “Qua thời gian nhiều năm đến Tịnh xá và được sự hướng dẫn trực tiếp của các sư, tôi thấy thuận lợi là tất cả phật tử dân tộc thiểu số được trao đổi, hướng dẫn học tập những điều hay, lẽ phải, mang lại lợi ích. Nhờ đó, bà con trong làng đã chăm lo làm ăn và quan tâm nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. Bà con cũng được hiểu biết và thực hành báo hiếu trong đạo Phật, từ bỏ những thói quen xấu và tập tục không còn phù hợp, biết sống theo pháp luật và không nghe kẻ xấu dụ dỗ làm điều xấu…”.

Các phật tử người dân tộc thiểu số đã được các chùa hướng dẫn những điều lẽ phải, làm điều lợi ích, biết sống theo pháp luật và không nghe kẻ xấu dụ dỗ làm điều xấu. Ảnh Thanh Nhật
Các phật tử người dân tộc thiểu số đã được các chùa hướng dẫn những điều lẽ phải, làm điều lợi ích, biết sống theo pháp luật và không nghe kẻ xấu dụ dỗ làm điều xấu. Ảnh Thanh Nhật