Trang chủ PGVN Nhân vật Áo màu xanh sẽ xanh mãi trên đồi hoang!

Áo màu xanh sẽ xanh mãi trên đồi hoang!

418

“Mỗi Đại Xã hội, để tồn tại và phát triển được – như một con tàu lớn muốn nổi được trên đại dương và vượt được biển lớn đều cần những chiếc mỏ neo và la bàn – đều cần một nền tảng lương tâm và trí tuệ. Chiếc mỏ neo lương tâm là để giữ cho con tàu không tròng trành, không chìm đắm trước ba đào dông bão. Chiếc la bàn trí tuệ là để nó tiến được lên phía trước, không lạc lối giữa bao la trùng khơi. Tuệ Sỹ vừa là một chiếc mỏ neo, vừa là một chiếc la bàn như vậy trong truyền thống Việt Nam.

Trong một xã hội nhỏ, của một bầy người tiền sử, hay một bộ lạc chẳng hạn, nơi mọi người đều biết nhau, hoặc gần như đều biết nhau khá rõ, hầu hết các mối quan hệ đều có thể điều chỉnh theo sự vụ cụ thể, theo các lợi ích chung và riêng mà bất kỳ ai biết tư duy duy lý cũng biết không được phép xâm phạm. Chỉ trong một Đại Xã hội, khi nhiều người sống chung với nhau nhưng không có quan hệ máu mủ gì, thậm chí không hề quen biết nhau, người ta mới cần tới những chuẩn mực đạo đức, tới công lý phổ quát, và do đó, tới một nền chính trị và cai trị – tới lương tâm và tư tưởng. Tuệ Sỹ là cả lương tâm và tư tưởng.”.

Đây chính là ý Phạm Công Thiện khi ông nói về Tuệ Sỹ bằng những danh từ có thể khiến ta giật mình, nhưng không hẳn là khoa đại: “bậc thầy của cả một dân tộc, chưa nói là bậc thầy của cả thế giới”.

Để hiểu nhận xét đó, cần đặt nó trong dòng chảy lịch sử. Tuệ Sỹ là người kế thừa xuất sắc của một truyền thống đã khởi đi ít ra là từ Khương Tăng Hội (mất năm 280), và rất có thể còn lâu đời hơn thế. Truyền thống này, dẫu qua bao biến thiên, dẫu “còi rộn rã bởi hoang đương đã đổi” bao nhiêu lần đi nữa, dẫu chính thể nào, triều đại nào, quốc gia nào, lãnh tụ nào, vẫn chảy như một mạch ngầm âm ỉ, không dứt, tưới mát cho tâm hồn Việt Nam – để những con người vì tình cờ lịch sử mà quần cư ở dải đất cực nam ven Thái Bình Dương này có gì đó chung, có gì đó gọi là bản sắc, để phân biệt mình với thế giới, để tự hào một cách khiêm nhường đứng giữa thế giới.

Từ:
Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai” của Mãn Giác Thiền sư.

Tới: ”
Như kim khám phá đồng hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”
Của Trần Nhân Tông,

Rồi:
“Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then”
Của Nguyễn Trãi,

Sang:
“Hoa nở lá rơi ngay trước mắt
Cõi lòng năm tháng vẫn không thay”
Của Nguyễn Du,
Và “Ai biết mình tóc trắng.
Vì yêu ngọn nến tàn”
Của Tuệ Sỹ.

Là một mạch nguồn liền lạc, không dứt, là một minh chứng sống, hiển hiện trước mắt cho những lý lẽ tưởng như hoang đường của Phật giáo, về nghiệp, về tái sinh, về tiền kiếp. Tất cả họ đều ý thức được về mạch ngầm đấy, giống như những thành viên của một câu lạc bộ kết nạp hạn chế, họ biết mình đang đặt những viên gạch, trát những lớp vữa, đặt những kèo nhà, để xây lên ngôi nhà Việt Nam – một ngôi nhà dẫu không lớn lao bề thế, nhưng vẫn đủ ấm cúng và yêu thương.

Chính những điều này, cũng Tuệ Sỹ đã diễn giải một cách duy lý nhất có thể trong “Tổng quan về nghiệp” và nhiều công trình lớn khác của ông. Quá trình chuyển thế, chuyển kiếp đó diễn ra một cách tự nhiên, không chỉ là với những cá nhân đã nêu tên ở trên kia, mà với cả một nền tảng dần trở nên vững vàng cho tiếng Việt, văn hóa Việt, người Việt, là nguồn cảm hứng, là tri thức nhận được từ tầng tầng lớp lớp những người đi trước, dần định hình, trở nên một dòng chảy mãnh liệt, nhất quán, không gì ngăn trở nổi, “là dấu hiệu của nguồn mạch ngầm vẫn luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam”. Nhưng chắc chắn mạch ngầm đó không chỉ chảy với Phật giáo.

Cùng bước đường đấy, dân tộc đã trưởng thành lên, vượt qua sóng gió, học cách bao dung, trên một nền tảng tư tưởng rất thật, rất Việt Nam, và vươn được tới tầm nhân loại: “vai mang xiềng xích, vẫn thương bạo tàn”. Sự vượt trội của Tuệ Sỹ trong một thời đại nhiều cam go của đất nước không chỉ thuần túy là sự vượt trội của một thần đồng, một trí tuệ lớn, một tinh thần làm việc đến chết, mà chính là hiện thân cho sự vượt trội của tư tưởng, văn chương, và nhất là thi ca, so với chính trị – mọi thứ chính trị. Phải nói cho sòng phẳng: Chính trị tốt thật sự cứu giúp được cho rất nhiều người, một cách thiết thực và hữu ích. Nhưng thực tế là để định hình được bản sắc chung cho cả một tập hợp người đông đảo, luôn phải có những cá nhân đứng ra ngoài, và đứng trên, chính trị. Chậm rãi mà chắc chắn, đầy đau khổ nhưng không ngừng nghỉ, họ đều có một điểm chung: Tin rằng con người có thể làm nên những điều đẹp đẽ và nhân hậu. Đó là Henry David Thoreau và Walt Whitman của người Mỹ, là Basho và Kawabata của người Nhật, là Rilke và Caspar David Friedrich của người Đức, là Trần Tử Ngang và Tào Tuyết Cần của người Trung Hoa, là Tolstoy và Tchaikovsky của người Nga, và bao nhiêu vĩ nhân như vậy của những dân tộc khác.

Như Tuệ Sỹ.
24.11.2023

Trần Trọng Hải Minh