Trang chủ Đời sống Tâm linh Phật giáo và phong thủy

Phật giáo và phong thủy

2043

Đức Phật dạy : Như Lai xuất hiện ở đời không ngoài 2 mục đích nói lên sự thật về khổ và con đường diệt khổ. Ngoài 2 mục đích này, Đức Phật không nói gì khác, mặc dù cái biết của Ngài vượt rất xa với con người, không một pháp nào trên hành tinh này Đức Phật nhìn không thấu, không tường tận như người đứng trên ngã tư nhìn xuống 4 phía. Cái biết của Phật như lá trong rừng còn những gì Ngài nói chỉ là nắm lá trong tay. Nghĩa là những gì Ngài không dạy vì nó không giải quyết được tận gốc rễ khổ đau cho chúng sanh. Nhưng không có nghĩa những gì Phật không nói là không đúng, không có giá trị trong cuộc sống này.
Như vậy đứng trên phương diện Phật học thì phong thuỷ không phù hợp chứ không có nghĩa là mê tín, không đúng với thực tiễn cuộc sống với mọi người trong xã hội ngày nay. Ông bà ta hay nói giúp ngặt không giúp nghèo, nghĩa là muốn giúp người khó khăn về vật chất là chúng ta phải tạo cho họ điều kiện để họ có thể tạo cho mình cuộc sống ổn định về lâu dài, chứ không phải là một bữa, hai bữa là xong. Nhưng trên thực tế đa số các hình thức từ thiện ngày nay chỉ giúp người vượt qua khó khăn tức thời, bằng hình thức giúp các phần quà. Và đồng thời cũng có một số người khó khăn thích hình thức giúp tức thời hơn phương thức phát triển bền vững.

Ở đây cũng vậy lời dạy của Đức Phật là chân lý bất di bất dịch có thể giúp tất cả chúng sanh vượt thoát mọi khổ đau, tiến đến quả vị Thánh. Còn phong thuỷ chỉ có giá trị giúp con người vượt qua khó khăn tạm thời, nhưng không phải không có giá trị tích cực.

Phong thuỷ là một hệ thống học thuật được con người tích luỹ tri thức trong quá trình lao động hơn 4000 ngàn năm lịch sử, là một hệ thống tri thức khoa học chứ không phải là mê tín dị đoan như một số người vẫn nghĩ. Nó bị khoác lên chiếc áo mê tín bởi rất nhiều lý do.

Thứ nhất do người học chưa tới, nhưng muốn vẽ vời những điều thần bí để hù doạ những người nhẹ dạ cả tin mà trục lợi bản thân. Thứ hai là do tính bảo thủ người á đông, chỉ truyền dạy cho con cháu, đệ tử làm cho các tri thức chân chính bị hạn chế phát triển rộng rãi, từ đó dẫn đến tam sao thất bản v.v…

Vậy phong thuỷ là gì? Thuật ngữ phong thuỷ rất rộng, nhưng có thể hiểu một cách đơn giản là “tàng phong tụ khí”. Tức là khí vận chuyển cần thông thoáng, tránh bị xung đối hay bị ngăn chặn. Khí trong nhà nếu như được cân bằng là giải pháp tạo sự hài hòa giữa nơi cư trú với môi trường xung quanh.

Triết học phương đông cho rằng vũ trụ được hình thành bởi 5 yếu tố vật chất cơ bản là: kim, mộc, thuỷ, hoả và thổ gọi là ngũ hành. Và con người là một tiểu vũ trụ nên bên trong con người chúng ta vẫn bao hàm 5 yếu tố cơ bản trên. Mọi hoạt động sống của con người cần phải đảm bảo hài hoà với đại vũ trụ, thế mới phát triển ổn định. Học thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc là một tri thức rất khoa học được áp dụng rất rộng trong nhiều lĩnh vực đời sống con người như trong y học, trong xây dựng nhà cửa, trong mệnh lý học v.v .

Nói như vậy, không nghĩa phong thuỷ là chìa khoá vạn năng quyết định tốt, xấu, thịnh suy của một đời người. Các bậc tổ sư, đại sư phong thuỷ danh tiếng từ cổ chí kim dạy rất nhiều thuật phong thuỷ để cải tạo nhà cửa, phần mộ tổ tiên để giúp người được sự tốt đẹp nhất, đúc kết một câu chân lý là “ Tâm bất thiện phong thuỷ vô ích”. Qua đó ta có thể hiểu, phong thuỷ chỉ là một yếu tố góp phần tác động đến đời sống con người, chứ không mang yếu tố quyết định số phận một con người.

Ví như cái cây, cái gốc là quan trọng nhất, cái gốc được hiểu là tâm thiện, tâm phúc đức. Còn phong thuỷ là cành, lá hoa góp phần tạo cho cây thêm vẻ xanh tốt, tươi đẹp. Các bậc đại sư phong thuỷ trứ danh dạy, một con người muốn phát triển toàn diện, ổn định và phát triển phải hài hoà được ba yếu tố: Thiên – Nhân – Địa. Thiên ở đây được hiểu là Trời, mà Trời muốn ban phúc hay giáng hoạ con người dựa trên hành vi thiện ác từng người chứ không phải tuỳ thích. Nhân là mối quan hệ ứng xử của ta với mọi người xung quanh, Địa chính là đất là phong thuỷ nhà cửa chúng ta sinh sống.

Còn nhìn theo quan điểm Phật giáo, thì Thiên có thể hiểu là nhân tạo tác trong quá khứ của mỗi chúng ta, chúng ta sanh ra được phú quý hay bần cùng là do nghiệp tạo tác trong kiếp trước. Còn Nhân được hiểu là mọi hành động nghiệp ta tạo ra trong đời sống hiện tại, và Địa chính là phong thuỷ. Như vậy phong thuỷ chỉ chiếm 1/3 trong 3 yếu tố tạo nên sự phát triển ổn định tốt đẹp của một con người. Chứ không phải là chìa khoá vạn năng quyết định sự thành bại một kiếp người. Bởi thế mới nói “nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy”.

Cho nên có thể hiểu khi mệnh tốt thêm phong thủy tốt như gấm thêm hoa, còn khi mệnh tốt mà phong thủy xấu thì sẽ làm giảm cái tốt một phần nào đó thôi. Cũng vậy khi mệnh xấu mà phong thủy tốt thì phong thủy góp phần làm giảm thiểu những thiệt hại phần nào do mệnh xấu mang lại, còn cả hai cùng xấu thì tai họa ập đến khỏi phải bàn.

Một ví dụ rất đúng được hệ thống thành tri thức phong thủy từ xưa tới nay là những ngôi nhà nào làm nhà vệ sinh trong nhà mà ở phương vị Tây bắc. Thì chủ nhân trong ngôi nhà đó có những ảnh hưởng xấu nhất định, nếu phương vị tây bắc không có những vật hay âm thanh, màu sắc hóa giải. Và sự ảnh hưởng đó không phải ai cũng giống nhau, tùy theo phước đức mỗi người mà có sự khác nhau. Nhưng chắc chắn một điều là có ảnh hưởng đến sức khỏe, vận may của chủ nhân trong ngôi nhà đó, bất luận tuổi tác, hay phúc đức có hay không.

Qua thực tế kinh nghiệm mấy năm qua xem phong thủy cho mọi người bản thân nhận thấy lời Đức Phật dạy luôn là chân lý. Phât dạy: Chánh báo tốt thường đi kèm y báo tốt. Nghĩa là nhiều người có phước, tâm biết tu tập hướng thiện lớn thì thường họ không xem phong thủy trong xây dựng nhà cửa nhưng khi xem thì nhà họ ở đã rất phong thủy.

Tóm lại nếu đứng trên quan điểm Phật giáo nhìn phong thủy thì phong thủy là không phù hợp, không phải là chánh kiến trong Phật giáo. Thế nhưng không vì thế mà phong thủy không có giá trị trong cuộc sống này, như đã nói phong thủy chính là hoa, lá góp phần tạo thêm vẻ đẹp của một cái cây.

Nói vậy là để ta có một cái nhìn thoáng hơn, không qua hà khắc, lấy quan điểm lập trường của mình mà phê phán mọi thứ là tà kiến là phi pháp. Mọi lời dạy của Đức Phật cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải là mặt trăng, ta bảo thủ chấp ngón tay là mặt trăng quả là dại dột. Trên con đường hoằng pháp đem chân lý của Phật Đà vô thượng đến mọi tầng lớp trong xã hội, là một con đường hết sức khó khăn, đòi hỏi người hoằng phải biết vận dụng nhiều phương tiện dẫn dắt khác nhau. Bởi chúng sanh như Phật dạy có nhiều căn tánh khắc nhau, thế Phật mới phương tiện nói ba thừa, chư Tổ sư mới lập ra môn học ngũ minh.

Thông thường đại đa số quần chúng đến với Phật giáo bằng con đường tình cảm, ít ai đến bằng sự hiểu biết cao thượng lúc sơ cơ. Quần chúng đến với vị Tăng thường là gia đình họ có sự phiền toái, bất an, vợ chồng bất hòa v.v. Lúc đó họ tìm đến chúng ta, nhờ ta xem phong thủy, không thể nào bạn phán phong thủy là mê tín, Phật giáo là không xem phong thủy, rồi rao giảng một loạt lời dạy cao quý của Đức Phật. Như thế Phật sẽ bảo chánh Pháp được rao giảng không đúng thời, không đúng đối tượng. Bởi vì lúc đó họ sẽ không tiếp thu được lời dạy của chúng ta đâu. Mà cũng sẽ tìm đến người thầy khác, đôi lúc người đó lại dẫn họ vào con đường phi pháp hơn.

Thay vì đó chúng ta khéo léo biết vận dụng phong thủy đáp ứng nhu cầu trước mắt họ, rồi từ từ hướng dẫn vào con đường Phật pháp, thì con đường truyền bá chánh Pháp sẽ thuận lợi hơn là đả phá nó ngay từ đầu.

Thích Phước Trí