Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Phật giáo Việt Nam: Hai câu chuyện, một tâm trạng

Phật giáo Việt Nam: Hai câu chuyện, một tâm trạng

119

Câu chuyện thứ nhất

Làng tôi có 5 ngôi chùa, chùa nào cũng được xây dựng khang trang và có ni sư trụ trì. Tối hôm 29/3  vừa qua ở gần nhà tôi có một cụ bà hơn 80 tuổi từ giã cõi đời. Cụ cũng là một phật tử quy y tại chùa làng đã lâu. Gia đình bà cụ đã đi mời các nhà sư trong làng đến khâm niệm lúc phát tang nhưng không mời được thầy chùa nào chỉ vì những lý do đơn giản:

– Thầy thì không biết khâm niệm

– Thầy thì không phải gia đình nào cũng đủ thân thiết và “ có điều kiện” để mời thầy

– Thầy vì bận chuẩn bị cho ngày vào hè mùng 1 tháng tư tại chùa.

Gia đình cụ ấy đã phải chạy đôn chạy đáo mời ông thầy cúng ở làng khác cách đó mấy cây số đến khâm niệm và tiền công thì cũng không nhỏ.

Người ta thường nói, nghĩa tử là nghĩa tận, một phật tử đi đường gặp một tai nạn chết người hay một đám tang cũng khởi tâm từ niệm mấy câu hồng danh A Di Đà Phật hoặc mấy biến chú vãng sinh cho người đó. Ấy vậy mà một phật tử ở làng, lúc qua đời mà không nhờ được nhà sư khâm niệm không biết lòng từ bi của các thầy ở nơi đâu?

Đó là chưa nói đến tình trạng các ni sư chỉ đơn thuần là người canh chùa, thủ nhang, chùa không có đạo tràng tu học, thầy chưa bao giờ giảng pháp lấy một câu.

Đạo Phật là đạo từ bi, giáo hội lâu nay luôn nêu cao khẩu hiện “ phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Khẩu hiệu thì vẫn là khẩu hiệu, nhà sư là người thầy dẫn dắt tâm linh cho hàng Phật tử, nhưng khi phật tử có chuyện tâm linh cần được nhà chùa giúp đỡ thì lại vắng bóng quý thầy, không biết cái gì mới đáng để quý thầy phục vụ chúng sinh?

Đáng buồn, những sự việc như thế, đáng lẽ được nhà sư đến khâm niệm và nhân dịp này nhà sư giảng giải về sinh tử luẩn hồi, về cái chết là quy luật của cuộc đời và con người ta chuẩn bị gì cho cái chết để được tái sinh vào các cõi lành, giảng giải cho gia quyến phải báo hiếu như thế nào mới đúng chính pháp và có lợi lạc.

Việc làm ấy không chỉ lợi lạc cho cả người mất lẫn người đang sống, mà còn là sợi dây gắn kết người dân với chùa, với đạo Phật. Rất tiếc nhiều chuyện tâm linh như thế quý thầy bỏ mặc Phật tử để rồi họ phải cầu đến thầy bùa thầy cúng, dễ rơi vào mê tín, vừa lãng phí mà không lợi ích.

Câu chuyện thứ 2

Sáng sớm đến công ty vào trang Phattuvietnam.net nhận được thông báo tổ chức Phật đản của Hà nội năm nay  rất đơn sơ và tẻ nhạt. Thật buồn.

Phật đản loanh quanh một hồi rồi lại trở về tổ chức ở Chùa Quán sứ chật hẹp. Đâu rồi những Phật đản tổ chức lớn tại quảng trường cung văn hóa hữu nghị, nào đâu hành trình mấy chục cây số đạp xe rước Phật của thanh niên Phật tử đem không khí Phật đản từ thành phố đến tận thôn quê, còn đâu chương chương trình âm nhạc Hương sen màu nhiệm, đêm ca nhạc mừng Phật đản của các câu lạc bộ Phật tử các chùa góp lên lời ca tiếng hát mừng đức thế tôn, đâu rồi 30 xe hoa Phật đản diễu hành khắp các con phố thủ đô và ngoại thành.

Cứ ngỡ những sự kiện đó sẽ trở thành truyền thống, năm ngoái làm đã tốt năm nay sẽ lại tốt hơn. Ai ngờ, một sự tụt dốc không phanh.

Có thể có lý do này, lý do kia không thể thuê địa điểm tổ chức tại quảng trường cung văn hóa Hữu Nghị, nhưng với một danh sách dài các quý thầy trong ban tổ chức Phật đản, có đầy đủ từ hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni mà chương trình Phật đản của Trung ương và Hà nội thì không thể có một chương trình Đại lễ Phật đản đơn sơ đến như vậy.

Một tôn giáo có lịch sử 2000 năm trên đất Việt nam, một tôn giáo một thời đã từng là quốc giáo và hiện giờ có số lượng tín đồ lớn nhất trong các tôn giáo nhưng thử hỏi người dân ngày Phật đản là ngày nào thì nhiều trả lời người không biết.

Nực cười thay một tôn giáo có mấy trăm năm lịch sử và tín đồ chiếm 1/10 dân số cả nước nhưng thử hỏi ngày Giáng sinh là ngày nào thì đứa trẻ ngoại đạo lên 5 cũng biết.

Tại sao tôn giáo khác đã có thể biến ngày lễ của họ thành ngày lễ hội của cộng đồng. Đơn giản họ đã khéo léo tổ chức, quảng bá ngày đó thông qua hàng hoạt chương trình sôi động, thu hút được đông đảo mọi người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi thành phần tôn giáo. Trước ngày giáng sinh cả tháng, các nhà thờ, giáo xứ, xóm đạo đã rực rỡc cờ hoa, đèn trang trí, con chiên đến tập dượt chuẩn bị các chương trình cho ngày giáng sinh.

Còn bên đạo Phật thì sao? Đến ngày Phật đản rồi, nhiều chùa vẫn cửa đóng then cài, không băng rôn, không cờ, không trang trí. Nhiều chùa, nhiều thầy coi ngày lễ Phật đản không bằng ngày lễ cầu an dâng sao giải hản đầu năm, ngày lễ vào hè.

Giá như những hình ảnh người dân chen chân đầu năm đến chùa Phúc Khánh lễ dâng sao giải hạn thay bằng hình ảnh ngày Phật đản người dân nô nức đến chùa tắm Phật để gọi rửa tâm mình thanh tịnh thì quý biết mấy.

Nhiều người nói rằng tổ chức Phật đản không cần cần hình thức, chỉ cần tu tập là được rồi. Đó chỉ là sự ngụy biện. Ngày đản sinh của đấng thế tôn, đấng đại giác ngộ, đấng đại từ bi không đáng để chúng ta tổ chức tưng bừng hay sao?

Tổ chức Ngày Phật đản quy mô hoành tráng đó là một cách quảng bá ngày Phật đản đến toàn thể cộng đồng, là dịp chúng ta gieo duyên cho mọi người đến với đạo Phật điều đó không đáng sao?

Tổ chức Phật đản thế nào để chúng ta có một mùa Phật đản “ bội thu” , còn nếu cứ tổ chức Phật đản năm nay đơn điệu, trầm lắng, cho có lệ thì e rằng 5 năm, 10 năm và 20 năm nữa thì nhiều người vẫn không biết Phật là ngày là ngày gì và lúc đó họ đã cải đạo sang tổ chức ngày Giáng sinh mất rồi.

Tổ chức ngày Phật đản quy mô, tươi vui, rộn ràng là kỳ vọng của Phật tử, cũng là đòi hỏi chính đáng của người Phật tử đối với giáo hội của mình.

Quý thầy lãnh đạo giáo hội nghĩ gì về vai trò và trách nhiệm của mình khi để mỗi năm đến mùa Phật đản, người Phật tử vẫn phải mang tâm trạng canh cánh và mênh mang vì giáo hội đã không tổ chức được Phật đản như kỳ vọng của Phật tử, mỗi năm đến mùa Phật đản trang diễn đàn Phattuvietnam vẫn còn nhiều lời bình luận mang tâm trạng buồn.

Hai câu chuyện ở trên ở 2 cấp độ khác nhau tưởng chừng như chẳng có liên quan gì đến nhau, nhưng nó có cùng bản chất, phản ánh thực trạng của Phật giáo VN hiện nay.

Đó là một bức tranh với nhiều gam màu sáng tối khác nhau, chưa có sự bừng sáng đồng đều. Le lói đâu đó trong bức tranh là những điểm sáng như chùa Hoằng Pháp, Phật Quang, Diên Quang, chùa Bằng, Phật giáo Huế, hệ thống Thiền viện Trúc Lâm… Ở bức tranh đó, nét chủ đạo vẫn là sự xa rời Phật tử và thiếu sự dấn thân hoằng dương Phật pháp phụng sự chúng sinh.

Nhiều Phật tử đang ít nhiều cảm thấy lo lắng cho tiền đồ Phật giáo Việt Nam.