Trang chủ Bài nổi bật Phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Bút...

Phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Bút Tháp

394

Ngày 4/6/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định 848/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.


Theo đó, khu quy hoạch có tổng diện tích 82.053 m2, gồm toàn bộ phần đất thuộc khu vực bảo vệ của di tích, được xác định trong Hồ sơ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, có diện tích 28.032 và phần đất mở rộng nằm liền kề di tích có diện tích là 54.021m 2 để xây dựng các công trình hạ tầng phụ trợ, công trình dịch vụ khai thác và phát huy giá trị di tích.

Chùa Bút Tháp cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 30 km là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ngôi chùa nằm kề bên bờ nam Sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Mỗi một công trình kiến trúc của ngôi chùa này là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch.

Đặc biệt, trong hệ thống các pho tượng cổ của chùa Bút Tháp phải kể đến một báu vật cổ, được xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam – tượng Phật “ Thiên thủ thiên nhỡn – nghìn mắt, nghìn tay”. Điều đặc biệt của ngôi chùa mà không đâu trên đất nước ta có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm, vươn lên trời xanh, có tên là tháp Báo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn.

Mấy thế kỷ đã trôi qua, chùa Bút Tháp là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ của nước ta.

Theo quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị mới được ban hành, mục tiêu quy hoạch nhằm quản lý và bảo vệ di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt Chùa Bút Tháp trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của tỉnh Bắc Ninh và vùng phụ cận. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn, kết nối với các điểm tham quan, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và vùng phụ cận, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Ngoài quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích…, định hướng phát huy giá trị di tích Chùa Bút Tháp gắn với phát triển du lịch được xác định rất cụ thể.

Các sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm các hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống gắn với di tích như các lễ hội, các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng…; tổ chức lễ hội và các sự kiện có chủ đề lịch sử, văn hóa tại di tích Chùa Bút Tháp. Ngoài ra có tổ chức các hoạt động: trải nghiệm thực tế, biểu diễn hát Quan họ, tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương, trò chơi dân gian, tham quan cảnh quan sinh thái nông nghiệp khu vực ven sông Đuống và khu vực phụ cận; Xây dựng các chương trình, hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật của di tích Chùa Bút Tháp; Đầu tư phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng gắn với các đặc sản của địa phương.

Theo quy hoạch, tuyến du lịch nội vùng sẽ được hình thành kết nối Chùa Bút Tháp với các điểm di tích lân cận trong xã Đình Tổ, trong huyện Thuận Thành để du khách có thể tìm hiểu văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn đặc sản và thăm quan trải nghiệm tại các làng nghề thủ công truyền thống và các điểm di tích nổi tiếng của địa phương. Ngoài ra, tuyến du lịch gắn kết di tích Chùa Bút Tháp với các khu, điểm du lịch trọng điểm của vùng Kinh Bắc (Làng tranh dân gian Đông Hồ, Chùa Dâu, Chùa Phật Tích, Thành cổ Luy Lâu, Lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý, đền thờ Bà Chúa Kho,…).

Bên cạnh đó còn có tuyến du lịch liên tỉnh kết nối Chùa Bút Tháp với các khu di tích ở các tỉnh khác như Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà (Bắc Giang)…; Tuyến du lịch chuyên đề về chùa cổ Việt Nam, tham quan các làng Quan họ cổ, làng nghề truyền thống vùng Kinh Bắc và kết nối với các địa phương trong vùng đồng bằng Sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; tuyến du lịch sinh thái nông nghiệp dọc theo sông Đuống.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Bút Tháp sẽ được đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di tích quốc gia đặc biệt thông qua mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng và internet. Bên cạnh đó là xây dựng trang tin điện tử xúc tiến du lịch, phục vụ tìm hiểu thông tin về Chùa Bút Tháp bằng nhiều ngôn ngữ. Xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin, ấn phẩm quảng bá về di tích; phát triển các chương trình, ứng dụng để giới thiệu di tích qua các phương tiện điện tử; thiết kế sách, bản đồ du lịch.


Ngô Dương/ ĐĐK