Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Phật tử Long An: Đạo tâm thông minh, tinh tấn tu học,...

Phật tử Long An: Đạo tâm thông minh, tinh tấn tu học, hết lòng hộ trì Chính pháp

137


Đạo Phật xuất hiện cách đây hơn 25 thế kỷ và được du nhập vào Việt Nam khá sớm, trải qua những thăng trầm của lịch sử, từng chịu đựng biết bao thử thách khắc nghiệt, nhưng vẫn đứng vững và mỗi ngày một lớn mạnh, nhờ có đủ ba yếu tố: khế lý, khế cơ và khế thời. Trên phương diện khế lý, đương nhiên lấy nguồn cảm hứng từ sự giác ngộ của Đức Thế Tôn dưới cội bồ đề, nhưng với truyền thống khế cơ và khế thời vốn có, ngay từ buổi đầu, Phật Giáo đã tạo nên những liên hệ mật thiết trên con đường hội nhập. Trải qua hơn hai ngàn năm truyền bá và phát triển, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng Phật Giáo đã tạo được những gắn bó tốt đẹp với dân tộc Việt Nam nói chung, với Phật tử Long An nói riêng qua các mặt như đạo tâm, tu học, hộ trì chánh pháp…


ĐẠO TÂM:


Chúng ta biết rằng cuộc đời này vô thường biến chuyển, từ xưa đến nay biết bao sự việc đã đổi thay, kiến thức và mức sống của nhân loại không ngừng phát triển. Cũng như thế, cho dù giáo lý của Đức Phật từ xưa đến nay vẫn y như nhất, nhưng trình độ nhận thức về Phật giáo của những người con Phật nói chung, Phật tử Long An nói riêng cũng đã khác xa so với các thời đại trước.


Kể từ khi Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Long An được thành lập đến nay ( 1983 – 2006 ), trải qua nhiều nhiệm kỳ hoạt động, Chư Tôn Đức đã mở ra các đạo tràng tu tập Bát Quan Trai, đạo tràng Niệm Phật, đạo tràng tụng kinh Pháp Hoa … để hướng dẫn Phật tử. Nhờ đó, đạo tâm của Phật tử Long An ngày càng kiên cố, sự tu tập ngày càng tinh tấn, sự thông hiểu giáo lý ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên địa bàn tỉnh Long An.


Mỗi khi đi Chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe Chư Tăng Ni thuyết pháp, hay tự xưng “Tôi là Phật tử”, chúng ta biết những người ấy đều là Phật tử, nghĩa là con của Phật, đã tự nguyện đi theo con đường của Phật, đáng cho chúng ta quý trọng, nhưng quý hơn hết phải là một Phật tử có đạo tâm. Để trở thành một Phật tử được xem là có đạo tâm, đạo Phật không nhất thiết đòi hỏi người ấy phải thực hành những điều khó khăn, nhưng vẫn đòi hỏi những đức tánh mà người Phật tử có đạo tâm cần phải có cốt để làm cho đời sống người ấy được thăng hoa, nói cách khác là được tốt đẹp hơn trong hiện tại và mai sau. Những đức tánh đó là:


a) Đức Tin: Người Phật tử có đạo tâm trước tiên phải tin rằng đức Phật là một bậc Đại Giác Ngộ, những điều Ngài giảng được ghi lại trong kinh điển đều là Chân lý, nhưng niềm tin ấy phải được đặt trên nền tảng của trí tuệ, đức Phật đã từng dạy là: “Hiểu Ta rồi hãy tin Ta, nếu tin Ta mà chẳng hiểu Ta, ấy là phỉ báng Ta vậy!”.


b) Giữ giới: trước khi đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài dạy chư Tăng phải lấy giới luật làm Thầy, cho nên người Phật tử có đạo tâm cần nhất phải quy y Tam Bảo, gìn giữ Năm giới cho được nghiêm túc, luôn luôn nhớ Giới là Thầy. Giới đứng đầu trong Tam Học, có giữ Giới hạnh tâm mới Định, tâm có định mới phát sanh Trí Huệ. Đây là con đường chấm dứt mọi khổ đau, làm cho an lạc trong hiện tại và giải thoát trong tương lai.




TU HỌC:


Nói đến người Phật tử là nói đến hai trong bốn chúng đệ tử của Đức Phật. Khi tiếp nhận giáo pháp của Đức Phật, người Phật tử có bổn phận phải nỗ lực tinh tấn tu tập, thực hành và góp phần truyền bá giáo pháp, tức là góp phần chuyển pháp luân để đem ánh sáng giác ngộ giải thoát cho đời. Do đó, giới Phật tử cư sĩ là lực lượng cần phải tu học để trong hoàn cảnh thuận tiện sẽ trở thành tu sĩ, vì các tu sĩ Phật Giáo hầu hết đều xuất thân từ thành phần cư sĩ. Như vậy Phật tử cư sĩ là đối tượng vô cùng quan trọng trong việc phát triển xây dựng; xây dựng gia đình và xã hội theo đúng chánh pháp, để chuẩn bị hoàn cảnh tốt đẹp cho việc tự độ và độ tha của mình.


Một người Phật tử nếu mà không chịu Học, Hỏi, Hiểu và Hành thì sẽ rơi vào tà kiến, làm những điều xằng bậy như những người bình thường khác. Cho nên trước tiên người Phật tử phải học hỏi bằng cách nghe thuyết pháp ở chùa hay nghe băng đĩa do quý Tăng Ni giảng. Nên đọc kinh, sách, báo Phật giáo để hiểu những giáo lý đức Phật đã dạy. Nên thân cận những bậc chân tu, những người thiện tri thức để thấm nhuần đạo hạnh. Nên gần gũi những bạn đạo đã tu học nhiều năm, có đạo đức để học hỏi luận đàm cho trí huệ mình được khai mở thêm.


Kế đến là phải tu tập, công phu hằng ngày, tùy theo mình chọn lựa pháp môn tu cho thích hợp với bản thân là ngồi thiền, niệm Phật hay tụng kinh. Lúc mới bắt đầu tuy còn có nhiều khó khăn nhưng nếu cố gắng thì sẽ vượt qua, cần nhất là phải chuyên cần tinh tấn, ngày nào cũng phải công phu, thời khóa luôn giữ đúng giờ. Để tránh những khách khứa, giờ công phu tốt nhất là từ 5 đến 6 giờ sáng, lúc ấy sẽ không ai quấy rầy mình được cả,và đó cũng là lúc không khí trong lành, yên tĩnh, giúp cho tâm trí dễ được an định và trong sáng, bắt đầu cho một ngày mới an lành.


Mục đích của đạo Phật không nhằm thỏa mãn tính tò mò của con người, mà là làm thế nào để “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc” cho chúng sanh. Và người muốn được chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc không thể chỉ tìm hiểu hay bàn cãi suông mà là thực tế phải hành theo lời giáo huấn của Phật. Bởi vì hiện tại nếu chúng ta được thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau thì đó chính là Tịnh Độ, Niết Bàn ở đó vậy.


HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP:


Như trên đã nói, người Phật tử cần tu tập để phát triển trí tuệ nhằm giải thoát sanh tử luân hồi. Thứ nữa là nên tập hộ trì chánh pháp, bằng cách bố thí, cúng dường ( Phước Huệ song tu, đồng đăng bỉ ngạn ); thứ nhất là tạo phước đức cho bản thân Phật tử, thứ hai là tập cho quen tánh buông xả, để đến khi chết không tiếc thương, không bận bịu một cái gì, nhờ vậy nên thanh thản ra đi, lúc ấy chỉ tưởng nhớ đến Phật, nhờ đó mà Cận Tử Nghiệp sẽ giúp người Phật tử sanh về cảnh giới lành.


Trong thời Đức Phật, giáo đoàn Tỳ Kheo phát triển mạnh mẽ là do sự hộ trì, đóng góp xây dựng của những người Phật tử cư sĩ. Tên tuổi các vị vua như Bimbisara, Ajatasattu, Pasanedi…, các đại cư sĩ như Anathapindika, Visakha, Jivaka, Mahanam, Ambapali…


Đức Phật từng dạy cư sĩ Anathapindika: “Này gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì các Tỳ Kheo bằng cách cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và dược phẩm…”. lời dạy ấy đã thành truyền thống hộ trì chư Tăng Ni của các Phật tử cư sĩ kể từ 25 thế kỷ qua. Thực ra, với vai trò ngoại hộ của mình, nếu không có sự đóng góp công sức của hàng Phật tử cư sĩ thì Phật giáo không thể nào phát triển được.


Đức Phật đã dạy Tăng Ni là những vị có trách nhiệm duy trì chánh pháp; còn Phật tử là những người có trách nhiệm hộ trì chánh pháp, cho nên ngày nay mỗi Phật tử phải làm tròn trách nhiệm của mình. Cổ Đức cũng đã từng dạy: “Phật Pháp hưng long do Tăng già hoằng hóa, Thiền môn hưng thạnh nhờ đàn tín phát tâm”. Vì vậy, chúng ta thấy Phật tử cư sĩ là đối tượng truyền bá, học tập và thực hành giáo lý của Đức Phật. Chính các Phật tử đang sống trong lòng xã hội, đang sống trong các lĩnh vực thuộc cơ sở hạ tầng cũng như các kiến trúc thượng tầng mọi sinh hoạt của con người, người Phật tử phải xây dựng gia đình và xã hội trở nên Chân, Thiện, Mỹ theo tinh thần Phật Giáo.


Tóm lại ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến công lao xây dựng và phát triển Phật giáo của giới Phật tử, vì đệ tử Phật gồm có Tứ chúng, trong đó có hai chúng là Cư sĩ Nam và Cư sĩ Nữ. Chúng ta thử nghĩ xem nếu không có Phật tử, tức là những Phật tử có điều kiện tốt, có nhân duyên tốt để tu tập thì tu sĩ sẽ không có, và nếu tu sĩ không có thì sẽ không có Tăng già để hoằng dương chánh pháp. Thực tế lịch sử đã chứng minh muốn xây dựng và phát triển Giáo Hội Phật Giáo cần phải có sự đóng góp tích cực công sức của giới Phật tử cư sĩ. Và để được như thế, người Phật tử với truyền thống đóng góp, xây dựng và phát triển Đạo Phật, là những người đang sống trong lòng xã hội, nhạy bén với các vấn đề của thời đại, nên cần phải có phương hướng hoạt động cụ thể để hành động vì lý tưởng của Phật giáo, vì hạnh phúc của số đông:


– Trong lúc tham gia các hoạt động Phật sự, Phật tử cần phải tranh thủ được sự chứng minh và lãnh đạo của chư vị Cao Đức.


– Người Phật tử cần phải giữ bổn phận đối với chư Tăng Ni, chư Tôn Túc trong Giáo Hội, tham gia các công tác Phật sự tại địa phương, thường xuyên đến Chùa để nghe kinh học pháp, cúng dường Tăng Ni…


– Người Phật tử phải không ngừng tu tập giáo lý của Đức Phật để tự mình thăng tiến và làm gương cho những người chung quanh. Xây dựng gia đình và xã hội có nếp sống năng động, phù hợp với thời đại nhưng vẫn lấy giáo lý Phật Đà làm kim chỉ nam. Nói chung, cần thể hiện nếp sống Phật giáo trong tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt của gia đình và xã hội.



Chúng ta hãy nghe Paul Adam, một học giả uyên thâm giáo lý Đức Phật đã viết trong bài thơ sau đây:


“Bao kẻ đi tìm trong quá khứ,


Vạn pháp huyền vi của cuộc đời


Bao kẻ tìm trong ngày sẽ lại


Cành hoa chớm nở đượm màu tươi


Nhưng ngươi, nên hãy hóa lòng ngươi


Thành đỉnh trầm trong cảnh lặng thôi”.


Nói tóm lại, đạo Phật tuy cao siêu nhưng cũng không quá xa rời thực tế, thật đúng với câu: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, kháp như cầu Thố giác”. Đúng như một học giả Tây phương đã nói:” Đạo Phật là một phương pháp sống thực tế trong đời sống hằng ngày”.