Trang chủ Quốc tế Phật tử yêu cầu chính phủ Ấn Độ nâng ngày lễ Phật...

Phật tử yêu cầu chính phủ Ấn Độ nâng ngày lễ Phật đản (Vesak) lên hàng lễ lớn chính thức của quốc gia.

113

Trên lá quốc kỳ của Ấn độ: Ngay chính giữa của sọc trắng, có hình một bánh xe mầu xanh dương để biểu tượng cho Phật Pháp, bánh xe của qui luật luân hồi tại thủ đô Sarnath Lion. Cái biểu tượng ở chính giữa lá cờ còn được gọi là ‘CHAKRA’, là một biểu tượng của Phật giáo đã có từ 200 năm trước tây lịch.


Bức thư cũng nói rõ thêm vì lẽ Đức Phật đã đi truyền dạy Phật pháp của người khắp cùng miền trung bắc Ấn độ, và đã phái các bậc cao tăng của người đến mọi miền đất nước, thì không lý do gì nước Ấn độ lại không chính thức công nhận
ngày lễ Phật đản (Vesak).


 


Rõ ràng là lá quốc kỳ của Ấn độ mang dấu hiệu của Dhammacakka, cái bánh xe của quy luật luân hồi, biểu tượng cho Phật Pháp. “Ngay cả tại đất nước láng giềng Bangladesh, một nước mà đa số theo Hồi giáo và chỉ có một thiểu số dân là Phật tử thì ngày Phật đản cũng được ăn mừng như một ngày lễ chính thức của quốc gia,” bà Vishaka đã tuyên bố như trên.


Sau đây là nguyên văn của bức thư yêu cầu


———————————————————————


Kính gửi thủ tướng Ấn độ, ông Manmohan Singh
Kính thưa ngài thủ tướng,


Vào tháng 12 năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã nhất trí trong quyết định ban hành ngày Lễ Phật đản (Vesak), là ngày đánh dấu đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập niết bàn, là một ngày lễ quốc tế chính thức.



Vào ngày 15 tháng 5 năm 2000, một học giả cao tăng người Hoa kỳ, tỳ kheo Bodhi, đã lên tiếng đại diện cho tất cả các Phật tử và những người yêu kính và quý trọng thông điệp uyên thâm và hòa nhã của đức Phật. Ông đã phát biểu trước Liên Hiệp Quốc vào ngày lễ chính thức mừng Phật đản rằng:



Từ thế kỷ thứ 5 trước tây lịch đức Phật đã từng là Ngọn Đuốc của Châu Á, một vị đạo sư mà pháp của ngài đã sáng rực cả một vùng trải khắp từ thung lũng Kabul về phía tây đến Nhật Bản ở hướng đông, từ Sri Lanka dưới miền nam lên tận Siberia ở miền bắc. Nhân cách siêu phàm của đúc Phật đã khai mào cho một nền văn minh được hướng dẫn bằng những lý tưởng đạo đức cao thượng và nhân bản, và đã đưa đến một truyền thống tâm linh rực rỡ làm cho cuộc sống của hằng triệu người trở nên thanh cao với những ước mơ siêu việt. Hình dáng thanh nhã của đức Phật đã là tiêu đề cho những công trình tráng lệ trong mọi ngành nghệ thuật và văn hóa, hội họa, điêu khắc và kiến trúc.



Từ nụ cười hiền hòa và vô tư của ngài đã nở ra những kho tàng kinh luận nhằm thấu triệt giáo lý uyên thâm của ngài. Ngày nay, khi mà Phật giáo đã trở nên phổ thông trên toàn thế giới, và đã thu hút một số tín đồ càng ngày càng thêm đông đảo và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn hóa phương tây. Vì thế cho nên thật là một điều đáng làm khi mà Liên Hiệp Quốc đã dành riêng ra một ngày trong năm để tỏ lòng tôn kính đến một bậc có trí óc dũng mãnh và một trái tim độ lượng vô bờ, một đấng mà hằng triệu người từ nhiều quốc gia đang tôn sùng như là một vị thầy, một vị đạo sư đưa đường chỉ lối.


Chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi được biết nước Ấn độ, trong số tất cả các nước, vẫn còn chưa có được ngày lễ chào mừng Phật đản Vesak!


Vì lẽ Đức Phật đã đi truyền dạy Phật pháp của ngài khắp cùng miền trung bắc Ấn độ, và đã phái các bậc cao tăng của người đến mọi miền đất nước Ấn độ, thì không lý do gì nước Ấn độ lại không chính thức công nhận ngày lễ Phật đản Vesak



Ngoài ra tại Ấn độ vẫn còn đó những công trình tráng lệ mang dấu tích của Phật giáo đã một thời hiện diện cùng khắp, thì tại sao chính phủ Ấn độ vẫn chưa để dành ra được một ngày để tưởng niệm và tỏ lòng tôn kính đến đức Phật?



Lá quốc kỳ của Ấn độ còn mang dấu ấn Dhammacakka, bánh xe của quy luật luân hồi, biểu tượng cho Phật Pháp, thì vì lý do gì mà nước Ấn độ lại không chính thức đón mừng lễ Vesak?


Thêm vào đó thì số Phật tử người Ấn nay đã có trên hàng triệu người, thì tại sao chính phủ Ấn vẫn còn e dè, lần lửa trong việc tưởng niệm ngày thiêng liêng nhất của tất cả những người con Phật? “Ngay cả tại đất nước láng giềng Bangladesh, một nước mà đa số theo Hồi giáo và chỉ có một thiểu số dân là Phật tử thì ngày Phật đản cũng đã được công nhận như một ngày lễ chính thức của quốc gia. Thật là một điều đáng hổ thẹn khi nước Ấn độ không trân trọng tưởng niệm ngày lễ Vesak, một ngày đã được Liên Hiệp Quốc dành riêng và cũng là một ngày mà các Phật tử trên thế giới tưởng nhớ và hân hoan chào mừng người con vĩ đại nhất của họ!


Chúng tôi rất thiết tha mong mỏi rằng lễ Vesak sẽ được chính thức công nhận là một ngày lễ trọng đại của quốc gia Ấn độ, để tỏ lòng tôn kính đến đấng đã dày công vén màn u minh, xua tan đêm tối, đức Phật Gotama
Xin thành thật cám ơn sự chiếu cố của quí vị đến vấn đề cấp thiết nêu trên.



Kính tạ,
Kenand Visakha Kawasaki
Ủy ban Phật Sự ( Buddhist Relief Mission )
75 Anniwatte, Kandy 20000


Tâm từ Tiến dịch