Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Phép tu trong ba tháng an cư kiết hạ

Phép tu trong ba tháng an cư kiết hạ

202

            Tôi nhớ lại tác phẩm Cửa tùng đôi cánh gài, tuy câu chuyện đơn giản, nhưng nhắc nhở tôi nhiều trên bước đường hoằng pháp. Nội dung câu chuyện là vị Tăng xuống núi giáo hóa chúng sanh. Trước khi đi, vị này được thầy đưa cho một cái kính chiếu yêu và một thanh bảo kiếm trí tuệ để vào trần thế cứu người và trừ tà.


            Khi thầy Tăng xuống núi rồi, đi đến đâu thấy có người nào dáng khả nghi, thầy liền lấy cái kính rọi lên họ thì thấy được hình ảnh thật sự của họ là gì. Một hôm, thầy dùng kính chiếu vào ông quan tri phủ thì thấy ông này hiện ra con heo và chiếu vào thầy tu thì thấy là con hổ. Điều này gợi chúng ta cần suy nghĩ rằng trên cuộc đời này có thầy tu như hổ, có quan như heo.


            Và vị Tăng nọ liên tục dùng kính soi chiếu mọi người trên đường đi thì cứ thấy toàn là heo, hổ, rắn, sói, ma qủy …, tất nhiên là vị này đã dùng gươm trí tuệ để giết sạch mọi thứ xấu ác trên cuộc đời.


            Một bữa nọ, thầy trở về núi, nhưng cánh cửa tùng đã đóng kín. Thầy dùng gươm chém đứt cánh cửa thì cửa vẫn liền lại như cũ. Thầy mệt quá nên nằm xuống ngủ thiếp đi. Đến lúc chú tiểu đồng đi ra, đánh thức thầy dậy. Huynh đệ gặp nhau mừng rỡ và tiểu đồng nói với vị Tăng xuống núi rằng sư phụ bảo huynh lấy kính chiếu yêu rọi vô mình, đừng rọi ai khác. Liền lúc ấy, vừa soi mình trong kính, thầy thấy mình là hung thần.


            Chúng ta kiết hạ an cư hay cũng có nghĩa là chúng ta đã trở về núi, về chùa, về tịnh nghiệp đạo tràng để soi lại bóng mình có bị biến chất hay chưa. Giữ nguyên vẹn tư cách người tu quả là khó vô cùng, còn thoái hóa thì dễ như chơi; vì Phật đạo dài xa, không biết bao giờ tới đích, nên dễ ngã lòng.


            Thật vậy, khi chúng ta ngã lòng, thì hoàn cảnh bên ngoài cám dỗ hay đe dọa. Cám dỗ và đe dọa là hai thế lực làm chúng ta càng dễ sai lầm, thay lòng đổi dạ, ngày nay gọi là biến chất, thoái hóa. Điều này rất nguy hiểm cho người tu; chính vì vậy, xưa kia Tổ sư dạy chúng ta là sơ tâm học đạo rất tốt, phải cố giữ gìn tâm này, đừng để tâm thay đổi theo hoàn cảnh.


            Tháng đầu an cư, qúy vị nên dành thì giờ soi chiếu tâm mình, lấy gương tâm mà soi sáng. Nhớ lại thuở xưa Tổ Hoằng Nhẫn dạy đệ tử làm kệ ngộ đạo là ngộ tâm gương hay bản tánh sáng suốt. Bản tánh sáng suốt được ví như gương sáng, dùng gương này chiếu vào tâm để trong sạch hóa tâm, giúp chúng ta trở thành biểu tượng cho người soi bóng, chuyển đổi thân tâm họ thành tốt đẹp trong cuộc sống của chính họ.


            Ngài Thần Tú thể hiện tấm gương của ngài qua bài kệ trình lên Tổ :


            Thân tợ bồ đề thọ


            Tâm như minh cảnh đài


            Thời thời thường phất thức


            Vật vi nhá trần ai


            Việc quan trọng trong tháng đầu mùa an cư là cần lau gương tâm chúng ta cho sạch, đừng để bụi trần ảnh hưởng làm nhơ bẩn. Thầy nào tự kiểm mình trong tháng đầu an cư, tâm hết buồn phiền, không còn so đo, hơn thua, phải trái, hoàn toàn thanh thản và thân ăn uống đạm bạc, nhưng sức khỏe vẫn tốt. Như vậy là đã tiến được trên con đường giải thoát, trần lao nghiệp chướng không còn. Tại sao có thể khẳng định như vậy.


            Chúng ta nhìn vào gương Thế Tôn ắt biết được. Ngài có hai đặc thù mà người thường không có. Một là cấu trúc cơ thể đặc thù, không đói khát, không mệt mỏi, đau yếu và trí tuệ sáng suốt siêu tuyệt. Đó là thân kiểu mẫu để tiến tu giác ngộ, giải thoát.


            Đức Phật có được thân tướng trọn lành như vậy vì từ vô lượng kiếp, từ khi phát tâm Bồ đề cho đến ngày thành Vô thượng Đẳng giác, Ngài không tạo ác nghiệp, hay nói khác là Đức Phật đã sạch nghiệp. Một trong những điểm đặc biệt siêu việt của Đức Phật là ba nghiệp thân khẩu ý trong sạch. Thân nghiệp sạch, nên Ngài không bệnh hoạn, có sức khỏe phi thường và hảo tướng hiện đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Chúng ta tu hành, có được một số tướng hảo nào là biết mình đã sạch được một phần thân nghiệp. Hoàn toàn không có tướng hảo nào, tự biết chúng ta còn nghiệp nặng.


            32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Phật phát xuất từ việc không phạm 4 điều sai lầm căn bản là sát, đạo, dâm, vọng. Thường ốm yếu, bệnh hoạn là do sát nghiệp đời trước nhiều, hôi dơ xấu xí là gốc từ tham dục.


            Đức Phật dạy Tỳ kheo muốn đi trên con đường giải thoát thì không được phạm 4 trọng tội sát, đạo, dâm, vọng. Phạm một trong 4 tội này mà Phật đã ví như cây dừa bị chặt đứt ngọn, không lên được hoặc ví như hòn đá vỡ, không thể nào hàn gắn lại được.


            Tự kiểm xem nếu còn phạm bốn trọng tội này là điều nguy hiểm cho việc tu hành của chúng ta. Tuy nhiên, theo tinh thần Đại thừa, Đức Phật cho phép sám hối. Nếu phạm tội căn bản này mà quyết lòng sám hối, lạy Phật thì tội chúng ta cũng tiêu lần.


            Kinh nghiệm bản thân tôi thấy rõ tiền nghiệp mình sát sanh nhiều, nên kiếp này thường đau yếu, nhất là lúc còn ở gia đình hay lúc xuất gia thời niên thiếu trên dưới 20 tuổi. Mặc dù còn trẻ, nhưng tôi vẫn đau yếu luôn. Tuy nhiên, nhờ siêng năng lạy sám hối, thì tuổi càng lớn sức khỏe lại càng tốt và đến nay đã 64 tuổi mà vẫn thuyết pháp liên tục được. Tôi lấy kinh nghiệm mình mà nhắc qúy thầy phạm tội đời trước nhiều, nên siêng năng lạy Phật sám hối, lần lần cũng sạch nghiệp.


            Ngoài ra, lúc trẻ tôi đau yếu nhiều, nên lười tắm, mồ hôi ra nhiều thì đứng gần đại chúng tụng kinh, họ khó chịu với cái mùi hôi của mình. Biết vậy, tôi siêng năng tụng kinh Pháp Hoa, lạy sám hối Hồng danh Phật một mình. Khoảng thời gian sau, tự nhiên tôi không ra mồ hôi nữa. Từ đó, tôi tâm đắc câu khai kinh Pháp Hoa : Giả nhiêu tạo tội quá sơn nhạc, bất tu diệu pháp lưỡng tam hàng. Dù cho tội nhiều hơn núi, chỉ cần thực tu diệu pháp cũng được sạch nghiệp.


            Nhiều kiếp trước đã tạo quá nhiều tội lỗi, nên ngày nay bệnh hoạn, xấu xí, hôi dơ, nghèo khổ, bốn thứ ác nghiệp này đeo bámmình. Ta hạ quyết tâm tu, cuộc sống nhất định sẽ thay đổi. Nhờ pháp Phật lau được gương tâm trong sáng, từ đó, nhìn về pháp, về cuộc đời sáng lần. Tôi nhắc qúy thầy nên dành tháng đầu an cư để kiểm tra toàn bộ quá khứ của chúng ta, gần nhất là những việc diễn tiến trong 9 tháng truyền giáo vừa qua của mình.


            Bước thứ hai khi đã sạch nghiệp thì chúng ta tham Thiền. Không phải lúc nào cũng áp dụng Thiền pháp được, không đủ tiêu chuẩn thì không thể nhập Thiền. Người bệnh hoạn, tật nguyền không thể tham Thiền, vì không có khả năng làm được như người khỏe mạnh.


            Tham Thiền đòi hỏi tiêu chuẩn sạch nghiệp, tức thân khỏe, trí sáng. Nếu thiếu trí sáng suốt và không có minh sư hướng dẫn, dễ rớt vào cảnh ma. Phải có trí bén nhạy để nhập Thiền, trụ Thiền.


            Trên bước đường tu, tôi thí nghiệm pháp này thấy rõ là sám hối sạch nghiệp, cầu Phật gia bị, nói theo kinh Pháp Hoa là ta đã trồng căn lành ở các Đức Phật và được Phật gia bị thì gia công Thiền quán nhằm tưới cây bồ đề của chúng ta lớn nhanh.


            Bước đầu phải sạch nghiệp và bước thứ hai vô Thiền dễ, vì thân không bệnh, tâm yên ổn, nên ngồi là nhập Thiền liền. Trái lại, lúc nghiệp còn nặng, tức thân bệnh, tâm buồn chán, mỏi mệt thì làm cách nào nhập Thiền được.


            Ngài Trí Giả dạy muốn tu Thiền phải dứt tất cả duyênvụ. Khi chún gta kiết giới, có phân chia chúng nội Thiền hay thanh tịnh Tỳ kheo và chúng ngoại Thiền hay chúng duyên vụ. Dù tu lâu, làm lớn cũng là chúng duyên vụ nếu lo làm việc cho đại chúng, cho cuộc đời.


            Chúng duyên vụ hy sinh cho người nội thiền, như tôi trong ba tháng an cư phải đi thăm tất cả trường hạ, sách tấn đại chúng, nên không ở yên được, khó thanh tịnh. Hoặc Thượng tọa trụ trì chùa Long An phải lo việc ăn ở cho đại chúng, làm sao vô Thiền được; dù có Thiền thì tiền bạc, cơm gạo đủ thiếu đều hiện ra đầy đủ.


            Tôi đã từng hành Thiền, nên biết rất rõ điều này, nếu là tri khố thì cứ thấy rau cải, thức ăn trong lúc Thiền. Nuôi chúng, lo cho chúng, làm cho chúng … có phước báo thật; nhưng thực sự cũng phải gánh phần thua thiệt vì tâm gương chúng ta toàn là gạo nếp, nước tương, đậu hũ … làm sao sáng nổi. Muốn tâm trong sạch, chỉ còn cách dùng pháp Phật quét sạch hoàn toàn những việc dính mắc này cho đến mức đạt được vô tâm.


            Các thầy ở nội Thiền nhờ chúng ngoại Thiền lo việc ăn ở đầy đủ, thì phải nỗ lực tu hành đạt được thành quả nhất định để đáp đền công ơn đại chúng. Trái lại, chỉ lo hưởng thụ, không tu đắc đạo, đời đời kiếp kiếp cũng không trả hết món nợ sâu nặng này.


            Tháng thứ hai an cư, nỗ lực đi sâu vào Thiền định để phát huy trí tuệ. Tỳ kheo mà tâm không tập trung, trí không sáng suốt, không phải đệ tử Phật. Bước đầu phải tập tâm bình ổn trước, chưa nói đến Thiền định, gọi là tĩnh tâm hay tập trung tư tưởng. Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, ngủ phải tập trung; xin nhắc lại đây mới là tập trung, chưa phải Thiền.


            Muốn tập trung, chúng ta phải tìm một đối tượng hay một điểm tựa để tập trung; nếu không thì tâm tán loạn. Và điểm tựa phải có sức thuyết phục, hấp dẫn, mới tập trung được. Tôi học pháp tập trung ở Nhật Bản là tập trung vô mũi kiếm. Thiền sư Nhật thường là những kiếm khách lỗi lạc. Cách tu Thiền của họ khởi đầu bằng tập luyện võ thuật, lấy đó làm pháp tu Thiền; mới nghe chúng ta thấy lạ, nhưng điều này rất thực tế và đúng đắn.


            Lúc còn sinh viên, tôi chơi thể thao hơn người vì có sức tập trung cao, nên bắn tên rất chính xác. Từ tập trung, đến nín thở và đứng thần, tức mắt nhìn trùng trùng vô tiêu điểm; đôi mắt gần như hai tia lửa, vì tập trung mạnh, người nhìn thấy phải sợ. Đầu tiên, Thiền sư dạy tập trung vô hồng tâm là chấm đỏ ở giữa để bắn trúng vô điểm ấy . Về sau, tập trung vô đấu pháp, nhìn thẳng vô mũi kiếm của đối phương để đỡ. Đứng trước đối thủ có tầm cỡ, nếu lơ đễnh là chết liền.


            Sức tập trung tạo ra hiệu lực phi thường, tôi phát hiện điều này trên thực tế là có một thầy bị cọp đuổi, ông nhảy lên ngọn cây liền lập tức; nhưng sau đó, hoàn hồn rồi, không còn cọp nữa; thì không thể leo xuống được. Hoặc có người bị giặc rượt, họ tức tốc chui vô bụi tre một cách dễ dàng; nhưng sau đó thì ra không được. Có thể hiểu rằng khi sợ quá, tâm họ đi thẳng mạnh vào một điểm, tạo được những điều kỳ diệu. Người đắc thần thông cũng ở dạng này vì lực tập trung cao, làm được việc phi thường mà bình thường không làm nổi.


            Thiền sư dạy đấu kiếm, bắn cung và sau cùng bắt ngồi yên tĩnh tâm thì tôi vẫn thấy đường kiếm của đối thủ di động trong đầu tôi, thấy được đấu pháp, mới có sáng tạo. Như vậy Thiền sư ấn chứng là đạt kết quả.


            Tiến thêm bước nữa, không phải nghĩ đến đấu pháp; vì đã tập trung được rồi thì bắt đầu tham Thiền là tham thoại đầu, tức tìm một ý trong kinh để tập trung tư tưởng vô đó và trí sẽ theo sức tập trung đó mà sáng ra. Thiền sư đắc đạo cho chúng ta một thoại đầu hay một chữ để chúng ta chú ý vô chữ này, việc này cho đến khi ý sâu xa trong kinh được bừng sáng.


            Riêng tôi, tham thoại đầu trình cho Thiền sư, tôi thường lấy kiến giải về kinh Pháp Hoa. Vì trong lúc tham thoại đầu, tôi cứ nghĩ đến các vị Phật trong kinh. Nhờ tập trung mạnh vào các vị Phật mà tôi có nhân duyên, tôi cảm giác như được Phật phóng quang gia bị, như Phật hiện trước mặt tôi hay có tia sáng vô hình làm tâm tôi sáng lên.


            Trước kia luyện kiếm thì phát hiện được đấu pháp mới và nay tham thoại đầu cũng thấy ý nghĩa mới trong kinh, thấy Phật dạy một câu, một kệ ngộ rồi thì ca ngợi công đức Như Lai cùng kiếp không hết.


            Có thể nói tháng thứ hai của mùa an cư quan trọng vì chúng ta đã đi sâu vào Thiền định, tham quan Tịnh độ của chư Phật mười phương và tiếp nhận sự gia bị của các Ngài. Được như vậy, thì tháng thứ ba, chúng ta làm gì ?


            Mục Kiền Liên sau khi tu tập, đắc được huệ nhãn, đạo nhãn, Ngài quan sát lục đạo tứ sanh, thấy mẹ mình sanh trong loài ngạ qủy đói khát mà cơm dâng đến miệng cũng không ăn được.


            Ý này cho thấy khi bị đọa ngạ qủy, dù có nhiều của báu mà chỉ vài hạt cơm, họ cũng không hưởng được; ví như người bị bệnh nặng không thể nào nuốt thức ăn, không phải cứ cúng là họ ăn được.


            Người đắc đạo nhìn sự việc và có cách sống khác người thường, nên Mục Kiền Liên mới hỏi Đức Phật. Hiểu biết không đến nơi đến chốn thì phải cầu Phật là ngưòi hiểu biết tất cả chỉ dạy. Trên bước đường tu của chúng ta cũng thế, việc nào chúng ta thấy biết, làm được là đơn giản; những việc chúng ta không biết thì phải trở về nhập định, hay nói cách khác, phải tu để hỏi Phật. Nếu Phật hiện hữu trên cuộc đời, Ngài là bậc minh triết chúng ta đến cầu học; nhưng Ngài không còn hiện diện thì ở đâu có thiện tri thức tài giỏi, chúng ta tìm đến để học hỏi, không mắc cỡ. Nếu mắc cỡ, không dám học với người nhỏ hơn mình thì phải ôm cái dốt suốt đời. Thiết nghĩ ở trên cuộc đời, học hỏi lẫn nhau là bình thường, vì không ai hiểu biết trọn vẹn. Nhất là những thầy trẻ ngày nay được hưởng điều kiện văn minh tốt hơn, nên dễ hiểu biết hơn chúng ta, chẳng có gì đáng mắc cỡ khi phải học cái mình chưa biết với thiện tri thức nhỏ tuổi và nhỏ địa vị hơn mình. Không biết mà nói càn thì hại cho ta và người. Cái người chưa biết mình dạy họ và cái mình chưa biết thì học với người. Học và dạy để phát huy hiểu biết của chính mình và người là việc tốt cần thực hiện suốt đời.


            Ngoài việc học hỏi thiện tri thức, chúng ta còn hỏi Phật, nghĩa là nhập định hỏi Phật trong mười phương. Vì Đức Phật Thích Ca có giới thiệu chư Phật mười phương, mỗi vị Phật có một việc làm khác nhau. Muốn biết việc cầu siêu thì xem kinh Di Đà, chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca giới thiệu Đức Phật A Di Đà có 48 lời nguyện, trong đó có nguyện độ sanh. Trong kinh nói rõ muốn được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc của Đức Phật Di Đà phải có tâm nguyện thế nào, phải làm những việc gì, thì theo đó mà thực hiện ngay trong cuộc sống này. Làm đầy đủ những điều ấy, chắc chắn khi mãn duyên Ta bà, sẽ đi về cảnh giới Cực lạc của Ngài. Hoặc muốn được Phật Di Đà, Bồ Tát Quan Âm, Thế Chí tiếp độ vãng sanh lúc lâm chung thì phải nhất tâm niệm Phật, còn cô hồn các đảng không bao giờ niệm Phật và cũng không thể niệm Phật được thì làm sao mà Phật rước được.


            Theo tôi chúng ta còn có cách là hết lòng nghĩ đến người quá cố, nếu ta có đức hạnh thì khuyên họ dễ nghe. Phải nghĩ cho đúng về họ để gặp được họ ở thế giới tâm linh, mới cứu được.


            Có thể khẳng định rằng người tu cần có lực tập trung mạnh, định lực cao và dùng sức định tĩnh ấy mà nghĩ về người chết đang ở thế giới nào giống như chúng ta đang nghĩ về Phật. Nghĩ đến Phật để tâm chúng ta thanh tịnh và nghĩ về chúng sanh để giúp họ vơi bớt nghiệp. Thực tế cho thấy người bị sa cơ thất thế, sắp chết hay sắp bị tù thì chúng ta bảo gì họ cũng nghe. Còn người giàu có sung sướng, chúng ta khuyên không được. Kinh nghiệm tôi lúc còn ở Nhật Bản, có một học sinh lớp 12 nhờ tôi bảo lãnh sang Nhật học, vì sợ ở Việt Nam bị đi lính chết. Tôi trả lời bảo lãnh thì được, nhưng không có phước đức thì cũng không đi được. Tôi bảo anh ta tụng kinh Pháp Hoa, lạy Phật, ăn chay; anh nghe lời làm theo răm rắp. Nhưng đến khi sang Nhật được rồi, thì tháng đầu còn ăn chay, niệm Phật; tháng thứ hai coi bộ lơ là và tháng thứ ba thì không thấy mặt anh ta đâu.


            Tôi nghĩ độ chúng sanh ở địa ngục, ngạ qủy, súc sanh thì dễ hơn độ người ở cõi phước. Cầu nguyện và cứu độ được người đau khổ thoát khỏi chốn tam đồ, khi họ gặp lại ta, chắc chắn là mừng lắm. Tôi tu Pháp Hoa có nhiều đệ tử là vậy, vì họ tái sanh nhớ ơn cứu khổ nên hết lòng với tôi.


            Các thầy độ thế giới âm không cho bằng cấp, chỉ cần có tấm lòng thương tưởng họ và nhờ nương đức độ của các thầy mà họ giải thoát được và tái sanh trở thành quyến thuộc một lòng một dạ theo các thầy.


            Trong tháng thứ ba của mùa an cư, ta tu được vài đạo phẩm, dùng đó để cảm hóa người đau khổ, đưa họ trở về nhân gian và tiếp tục giáo hóa họ tu hành. Đó là quá trình tu trong ba tháng an cư kiết hạ mà tôi nhắc nhở chư Tăng nên áp dụng pháp nào tu cho đạt kết quả thực sự. Dùng thành quả tu chứng để độ sanh, đền trả bốn ơn trong mùa Vu Lan.


            Cầu nguyện chư Phật gia hộ qúy Thầy luôn an lành trong chánh pháp.