Trang chủ Tin tức Phú Thọ: TT. Chân Quang nói chuyện với NV CT khoáng sản...

Phú Thọ: TT. Chân Quang nói chuyện với NV CT khoáng sản LK Thăng Long

317

 

Đến dự buổi nói chuyện của TT Thích Chân Quang có: ông Phạm Lê Hùng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản và Luyện kim Thăng Long; ông Trần Tư – nguyên là Cán bộ cao cấp của Bộ C.A; ông Doanh – Bí thư Đảng uỷ và ông Son – Trưởng C.A xã Thượng Cửu cùng toàn thể Cán bộ nhân viên của công ty và các Phật tử trong Đoàn.

Trước khi đi vào chủ đề chính của buổi nói chuyện, ông Phạm Lê Hùng – Tổng giám đốc Công ty đã có đôi lời giới thiệu về TT Thích Chân Quang với đội ngũ CB – CNV của mình đang hiện diện rằng: Thời gian qua, chúng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác, được nghe nhiều bài giảng của Thượng toạ Giảng sư trực tuyến trên mạng internet hoặc các đĩa CD; VCD, trong đó ấn tượng nhất là bài BIỂN ĐÔNG DẬY SỐNG. Và chúng tôi nhận xét các bài giảng của Thượng toạ, trước hết nó đề cập đến cách đối nhân xử thế của con người, trong cuộc sống đời thường qua triết lý Nhân quả của nhà Phật. Từ đó giúp ta điều chỉnh cách sống, biết tu dưỡng đạo đức, nâng cao văn hoá ứng xử trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người; đồng thời đánh thức lòng yêu Tổ quốc trong mỗi con người, đặc biệt là giới trẻ, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia, một dân tộc; và cho chúng ta bản lĩnh tự giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, khi mình gặp những vướng mắc, không lối thoát.

Ngoài ra, bàn bạc trong các bài giảng, Thượng toạ thường gợi mở một hướng đi tâm linh trong việc ứng dụng Thiền định vào đời sống thường nhật. Vì những lợi ích đó, chúng tôi trực tiếp liên hệ thỉnh Thượng toạ về đây để nói chuyện với anh em chúng ta trong ngày hôm nay. Ngoài ra, chúng tôi còn thỉnh Thượng toạ xem qua địa hình để có thể tư vấn thêm, giúp cho công việc kinh doanh của công ty chúng ta an toàn trong sản xuất, điều hoà trong lao động, làm cho cuộc sống của mỗi người tốt đẹp hơn, đóng góp nhiều cho địa phương, cho cộng đồng.

Và ý nghĩa của buổi nói chuyện này nhằm chia sẻ nhận thức, cái nhìn, kinh nghiệm sống dưới góc nhìn của đạo Phật, giúp cho Cán bộ – Công nhân viên chúng ta nhận thức được vai trò của mình mà chỉnh đốn lại lối sống hằng ngày trên tinh thần hướng thiện an vui, chứ đây không là một buổi sinh hoạt tôn giáo hay truyền đạo… Tất cả chỉ với ước muốn, bên cạnh việc phát triển kinh doanh phải song hành với việc phát triển tâm linh thì kết quả đạt được mới trọn vẹn, chỉ bởi nhìn vào lối sống ngày nay, các nhà Doanh nghiệp chúng ta thường gặp phải rất nhiều loại rủi ro mà không biết tại sao.

Được biết, công ty CP khoáng sản và luyện kim Thăng Long nằm khu vực Trung du Bắc Bộ, trên miền đất cổ, đã hoạt động khai thác và chế biến tinh quặng sắt tại xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ từ năm 2008. Từ đó đến nay, tuy gặp khá nhiều khó khăn trong kinh doanh, nhưng công ty đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, hỗ trợ đời sống người dân trong khu vực như xây dựng các hồ đập kiên cố để xử lý nguồn nước thải trong quá trình sản xuất, để bảo vệ các hồ chứa. Việc sản xuất của công ty không sử dụng hóa chất độc hại nên không nguy hại cho môi trường, lượng bùn thải của quá trình sản xuất cũng không đáng kể (đều trong giới hạn cho phép).

Sau phần giới thiệu chung, TT Thích Chân Quang bắt đầu chia sẻ đạo lý nói về mối quan hệ giữa người làm công (công nhân, thợ) với người làm chủ (có trách nhiệm), nói về những niềm vui trong cuộc sống, trong đó nhấn mạnh mục tiêu cuộc sống của mỗi chúng ta.

Theo nhận xét của Thượng tọa, tất cả chúng ta sống trên đời này, sự thực có một động lực để cho mình sống, hy vọng, bước tới và vượt qua bao nhiêu gian khổ, đó là niềm vui – hạnh phúc trong cuộc sống. Nếu chúng ta không hy vọng ngày mai cuộc đời mình được tươi sáng hơn thì không còn nhiều động lực để phấn đấu cho chính tương lai sau này của mình. Sở dĩ chúng ta lao động vất vả, chịu đựng nghịch cảnh oan trái trong đời, chỉ vì còn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.  Nhờ đó mà chúng ta cứ sống và bước tới vươn lên.

Tuy nhiên, cái mà ta gọi là niềm vui thì tùy mỗi người chọn cho mình niềm vui để nhắm tới. Ví dụ có người chỉ nhận thức niềm vui cơ bản nhất là có ăn có mặc sao cho đủ no ấm là vui rồi. Có những người nhận thức khác hơn là phấn đấu để được một gia đình đầm ấm bên cạnh những giàu sang phú quí và danh vọng tràn đầy. Có người đi tìm niềm vui qua men rượu, cần sa, ma tuý, thuốc lá. Có một số người tìm đến niềm vui trai gái. Cao thượng hơn có người đi tìm niềm vui qua việc mài dũa đời sống tâm linh của mình.  

Như vậy, tùy sự nhận thức của mỗi người mà mạnh ai nấy tìm niềm vui miễn không ai đụng ai, cũng không được, vì khi các niềm vui trái ngược nhau thì chúng ta thấy xã hội bắt đầu mâu thuẩn, xung đột liền. Chẳng hạn, có người quan điểm niềm vui của tôi là lao động, có người cho rằng niềm vui của tôi là cống hiến (làm ra lợi ích cho xã hội). Như chúng ta ở đây khai thác quặng sắt thì không ăn được, nhưng nó sẽ mãi mãi trôi vào cuộc đời và biến ra thành nhiều sản phẩm phục vụ cho cuộc sống như bàn ghế, xe cộ,  v.v… Trường hợp này, niềm vui của các bạn là cái nhìn, vì biết ngày hôm nay các bạn lao động vất vả để mai kia có người sử dụng thành quả của mình. Nhưng có người (vào thế kỷ 17 – 18), khi chủ nghĩa tư bản phát tiển rất mạnh, những người chủ nhân rất giàu, họ nắm được công nghệ kỹ thuật, mở ra những hãng xưởng rất lớn, thuê nhiều công nhân và mục tiêu của họ (niềm vui) là chạy theo lợi nhuận (kiếm lãi thật nhiều), ép đời sống công nhân xuống cực kỳ cơ cực. Lúc đó, phát sinh mâu thuẩn dữ dội giữa giai cấp chủ nhân và giai cấp công nhân, đến nổi phải xuất hiện chủ nghĩa cộng sản để đấu tranh mà bảo vệ, giành quyền lợi cho những người công nhân.

Nếu nói trong giai đoạn hiện nay, xã hội ta cũng tồn tại hai giai cấp, đó là chủ và công nhân, có khác gì xưa đâu? Kỳ thực khác rất xa, khác ở “Nhận thức của người chủ”. Ví dụ người chủ hôm nay, khi ta đi qua một giai đoạn học tập về lý luận chính trị CNXH thì người chủ biết giá trị của công nhân, yêu quý vai trò của người công nhân và tôn trọng họ nên khác xa với thế kỷ xưa. Do đó, cũng là sản xuất, công nhân vẫn vất vả lao động làm nên sản phẩm, có khi cả công ty có lãi hay thua lỗ thì người chủ (giám đốc) vẫn nhìn công nhân mình với cái nhìn ưu ái – tôn trọng. Đó là cả cuộc đấu tranh vất vả của CNCS đối với thế giới này chứ không phải dễ.

Cái đạo đức của xã hội chủ nghĩa là như thế! Nhờ quan điểm CNXH, cái niềm vui của người chủ không phải là lấy lợi nhuận mà chính là tạo được công ăn việc làm cho công nhân, tạo được sản phẩm cống hiến, đóng góp cho xã hội. Do quan điểm nó khác nên cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Chúng ta thấy rằng: Ngày xưa, xã hội xảy ra xung đột mâu thuẫn vì niềm vui của người chủ là đi tìm lợi nhuận cho cá nhân mình; nhưng ngày hôm nay mục tiêu của người chủ là làm sao tạo được công ăn việc làm cho mọi người và đóng góp cho xã hội. Hai mục đích này khác nhau. Nhân đây, Thượng tọa chia sẻ: Chùa chúng tôi đã nhiều lần tiếp đón Doanh nghiệp dẫn cả đoàn công nhân lên thăm viếng và chúng tôi cũng nói quan điểm này. Chúng tôi nhắc nhở Giám đốc phải hứa trước Phật là yêu thương công nhân mình như ruột thịt và anh ấy đã thực hiện rất tốt, ai nấy đều hoan hỷ, cuộc đời đẹp hơn là vì vậy.

 Do nhận thức của ta thế nào là niềm vui, hạnh phúc của cuộc sống, nên khi ta đi tìm những niềm vui hạnh phúc có tính cách cá nhân thì bắt đầu sản sinh ra mâu thuẫn, xung đột, chứ đừng tưởng khi ta đi tìm niềm vui cho bản thân thì không ảnh hưởng đến người khác. Đã đến lúc con người phải xét lại những niềm vui ta đang đi tìm, để người này thấy được mục đích, niềm vui của người kia và cuộc đời mới bắt đầu hạnh phúc được. Đạo lý mà chúng ta đi tìm, đó là cái hạnh phúc của đời thường; tình yêu tổ quốc; và tâm linh.

Chúng ta sống trên đời đa phần đì tìm niềm vui hạnh phúc trong đời thường. Và quyền của mọi người là được có điều này, vì hiến pháp quy định. Hiến pháp quy định chúng ta sinh ra đời được quyền đi tìm hạnh phúc. Cái hạnh phúc này ta hay hiểu là hạnh phúc đời thường (tức có miếng ăn miếng mặc, được học hành, có mái ấm gia đình). Đồng thời có một hạnh phúc khác nữa là tình yêu tổ quốc, đó là sự cống hiến lớn lao cho cộng đồng của mình. Chúng ta sống không vì sự riêng tư mà bắt đầu nhắm tới mục tiêu là cống hiến cho những cộng đồng lớn hơn, mà đặc trưng là tổ quốc mình. Dù đứng ở vai trò nào ta cứ thế mà làm, chỉ cần đổi cái tâm. Chẳng hạn, trước đây ta cũng làm những công việc thế đó với mục tiêu dùng đồng lương đem về nuôi sống gia đình, nhưng bây giờ thay đổi lại, ta nhận thức rằng khi làm như thế là đóng góp cho đất nước mình thì ngang đây cái nhân cách – cách làm – tâm hồn ta khác liền, và niềm vui lớn lên gấp bội lần. Quan điểm của ta lúc này là vừa làm việc để có đồng lương mà sống nhưng cũng là góp phần cống hiến xây dựng đất nước.

Lại nữa, dù ta có cao thượng; có yêu nước, nhưng có cái thực tế ta phải chấp nhận là ai rồi cũng phải chết, cuộc đời sẽ đi qua, nhưng sau cõi chết là gì. Có phải chết là mất hết hay ta vẫn còn cuộc sống phía sau đó mà vẫn phải tiếp tục, phải đối diện, đi qua. Sự thật, chưa chắc chết là hết. Nếu vậy, một ngày kia sau khi chết ta ở đâu, và có con đường nào mở ra hạnh phúc vĩnh cửu hơn so với đời sống tạm bợ của thế gian này. Khi nghĩ được những vấn đề đó thì bắt đầu ta mở ra một hướng đi về tâm linh.  

Người nào mà có được ba mục tiêu: thứ nhất là niềm vui trong đời thường: ăn mặc, gia đình, bạn bè, làm lụng, một chút hưởng thụ; đồng thời ta có thêm niềm vui thứ hai là có lý tưởng sống,  biết làm là để cống hiến cho một cộng đồng lớn hơn chứ không phải chỉ để lãnh lương. Người nào nhận thức được mục tiêu thứ hai này thì nói theo nhân quả nghiệp báo, nói theo tâm linh, cái phúc của họ bắt đầu vượt lên và chuẩn bị cho quả báo lớn đến. Còn mục tiêu thứ ba, người nào sống mà biết tư duy trăn trở về những điều khó nhìn thấy của cuộc sống sau khi chết và đi tìm điều đó để định hướng, đặt chổ cho ta sau khi chết là gì thì ta lại thấy cuộc sống hiện tại của người đó phải đầy tránh nhiệm, không được sống bình thường nữa. Bằng không, nếu ta sống nhỏ hẹp, ích kỷ thì sau khi chết ta sẽ ở một nơi cực kỳ đau khổ. Một là đọa làm thú; hai là những hồn ma vất vưởng đói kém; và cái thứ ba nặng hơn là xuống địa ngục bị trừng phạt dưới đó, do tội lỗi đã gây ra mà luật pháp ở trần gian không xét xử hết. Đối với cái luật của tâm linh, của cõi âm thì không bỏ sót một hạt bụi tội nào hết. Do vậy, khi ta mơ hồ hình dung về cõi đó thì trong cuộc sống hiện tại, ta sống hết sức có trách nhiệm, có đạo đức vì biết rằng cuộc sống sau kia mới là cuộc sống lâu dài. Còn cuộc sống này coi vậy chứ mấy mươi năm trôi qua rất nhanh.

Vì vậy, khi ta đi tìm cái niềm vui của cuộc sống này, nếu không có nhận thức, mạnh ai nấy tìm cho mình một mục tiêu sống riêng thì xã hội có xung đột, có mâu thuẩn. Tuy nhiên, nếu ngày nào đó có cơ duyên để được tư duy về niềm vui của mình, của mọi người, ta sẽ hiểu: Một hạnh phúc của đời người phải bao gồm cả ba yếu tố: một là đời thường; thứ hai là hạnh phúc trong tình yêu lớn đối với đất nước nhân loại và cái thứ ba là hạnh phúc của đời sống tâm linh chân chính thì ta mới trở thành cuộc sống trọn vẹn, đầy đủ, có ý nghĩa.  

Thượng tọa cũng nói thêm, trong ba cái hạnh phúc mà ta đi tìm đó, cái gọi là hạnh phúc đời thường mà nếu khéo ứng xử, biết giúp đỡ qua lại với cái tâm tử tế, vị tha thì bổng thành cái phúc cho mình. Ngược lại, cũng trong cuộc sống đời thường mà ta nhỏ nhen, hơn thua, ích kỷ thì thành cái tội. Mà tội hay phúc, nếu tích lũy lâu sẽ thành lớn chuyện do quả báo của nó. Có hai loại quả báo: một loại là do chính mình hưởng; và một loại đức và phúc để dành cho con cháu mình. Có một quy luật, hễ cha mẹ ông bà sống tốt thì con cháu sẽ phát, còn nếu con cháu hư hay tật nguyền là do ông bà có sai lầm gì đó, nên bố mẹ phải sám hối trước dù không biết trước kia mình đã phạm tội gì. Chúng ta thấy phúc đức của gia đình và dòng họ sẽ luôn có ảnh hưởng tới con cháu chứ không phải không. Cũng vậy, khi sống trong đời thường mà ta chịu khó quan tâm, hay giúp đỡ người chung quanh, làm gì được cho người khác cứ gắng thêm một chút thì tích thành cái phúc cho ta.

Ngay trong đời này, nếu khi về già mình được no đủ, vui vẻ, ấm áp thì biết lúc trước ta đã sống rất tử tế với mọi người và với con cháu, ta thấy chúng thành công lên từng ngày. Ngược lại, tội cũng vậy, trong nhân quả nếu ta hay câu mâu, ích kỷ, chê bay chút xíu thì khi quả báo tới, cuộc sống về già của ta bổng cô quạnh, khốn khó, không chỗ nương thân và con cháu ta không thành đạt như mơ ước. Còn nếu phạm những tội nghiệp nặng hơn thì đọa luôn địa ngục. Cho nên, trong ba mức độ hạnh phúc thì trong cuộc sống đời thường, tuy ta phải đấu tranh, làm lụng vất vả để tìm miếng ăn nhưng ngay trong đây đã có niềm vui, có đạo đức và có cơ hội để ta gieo những hạt giống tốt xuống trong cuộc đời mình nếu ai biết đi tìm. Do đó, khi một người có sự tinh tế, có trí tuệ, khéo léo thì cuộc sống này tràn đầy cơ hội để ta gieo những niềm vui vào lòng người và cũng chính là niềm vui của cuộc đời mình. Đó là niềm vui trong đời thường, không lớn lắm nhưng gần gũi và dễ chịu.

Còn niềm vui trong tình yêu tổ quốc, đòi hỏi phải có trái tim lớn và trí tuệ lớn. Ví dụ đôi khi công việc của ta phải lo cho rất nhiều người thì thường ta có cái nhìn lớn. Cho nên khi nói tình yêu tổ quốc mình dễ nhận thức, vì trái tim lớn, trách nhiệm lớn, cái nhìn lớn quen rồi. Nhưng nếu cuộc sống ta đơn giản hơn, không phải lo cho nhiều người mà chỉ lo cho gia đình bé nhỏ hay lo công việc trong cơ quan thì khi nghe đến tình yêu tổ quốc, ta cảm thấy có vẻ xa vời nhưng đừng bỏ quên điều đó. Trong Luật Nhân Quả, trái tim lớn sẽ mở đi ra một cảnh giới lớn và bước lên một vị trí lớn. Không phải khi không mà người ta đầu thai kiếp này rồi từ từ leo lên địa vị quyền cao chức trọng, mà bởi vì đời trước họ đã có trái tim lớn. Đó là dòng nghiệp hay nhân quả đã đưa đẩy họ đến vị trí lớn, trách nhiệm lớn. Cho nên muốn mở cuộc đời ra thì ta phải mở trái tim trước. Phật dạy chúng ta phải thay đổi tâm hồn mình để có được hạnh phúc lớn là vậy, vì nhân quả là bắt đầu từ tâm của ta.

Để thực tế hơn, Thượng tọa khuyến khích anh em công nhân: Tuy rằng ta vẫn phải xúc từng sẻng quặng, đào đất, đào đá hay vận hành từng chiếc máy nhỏ nhưng lòng mình không được quyền nhỏ. Và mục đích sống của ta, hãy cố gắng như Phật dạy là mở trái tim cho lớn, dù thân phận hay công việc ta nhỏ. Vì việc nâng trái tim ta lên thành lớn không tốn đồng nào; cũng không cần học để lấy bằng cấp nào, mà chỉ cần thay đổi một chút nhận thức, đó là mỗi ngày ta nhìn núi nhìn sông và nói với lòng mình “Con nguyện yêu thương tổ quốc này”; hoặc mỗi ngày khi đi ngang bóng cờ tổ quốc, ta cúi đầu xuống rồi nguyện với lòng “Con nguyện yêu thương tổ quốc này”. Chỉ mỗi ngày nói một câu như thế, bắt đầu trái tim sẽ mở ra dần.

Thế là cuộc sống ta bắt đầu khác; khác từ tâm hồn cho tới lối cư xử của ta với mọi người, tức là ta yêu thương con người nhiều hơn là làm những điều tử tế tốt lặt vặt trong cuộc sống đời thường. Và quả báo dành cho cõi giới ta đi tới cũng sẽ khác, vì cái nhìn của ta với con người được soi rọi, dẫn dắt bằng tình yêu tổ quốc. Cho nên để bước lên nấc thứ hai, tìm được niềm vui đó thì nhận thức phải lớn hơn nhiều. Người nào trong tim bắt đầu thắp được cái tình yêu lớn thứ hai này thì bổng nhiên họ ngập tràn hạnh phúc, mà chưa cần đợi quả báo tới, chưa cần ai khen. Mà cái thứ hai này chúng tôi muốn các anh em hãy nâng bước mình lên, vì tình yêu tổ quốc nằm trong trái tim anh sẽ tan chảy, tự nhiên truyền vào dòng máu con cháu của anh và nhân quả đẩy lên, nhiều khi đến năm sáu đời sau trong dòng họ mình có sự xuất hiện một vĩ nhân

Riêng niềm vui hạnh phúc trong tâm linh thì có ba điều cho chúng ta nói với nhau. Để có thể hiểu về tâm linh ta phải hiểu về nhân quả. Để đặt vấn đề tâm linh ta phải đặt vấn đề sau khi chết. Và để có niềm vui tâm linh ta phải thực hành thiền định là ngồi thiền như Đức Phật ngồi để tịnh tâm, vì đời sống tâm linh cần ba điều này. Mà người nào bước được vào đời sống tâm linh này thì giá trị của họ vượt lên. Ví dụ trước đây, ta có thể nghèo, có thể học ít nhưng nếu hiểu kỹ về nhân quả; biết rõ con đường đi của kiếp này kiếp sau và có thực hành thiền định thanh tịnh vô ngã thì người này bỗng dưng bước lên đẳng cấp cao hơn mọi người mà ai cũng công nhận, vì họ đang đi trên con đường làm Thánh. Còn nếu người đó cái tâm linh sâu xa chứng đạt thì họ thật sự là vị Thánh, ta quỳ dưới chân người đó lễ lạy, cũng rất là xứng đáng. Nên giá trị của tâm linh là như vậy.

Và điều Phật muốn chúng ta là ai cũng có một đời sống tâm linh phong phú để vượt khỏi thân phận làm người này. Phật nói thân phận làm người coi vậy nó ngắn ngủi, vô thường, tạm bợ mà trầm luân sanh tử và đau khổ kéo dài. Chỉ người nào có đời sống tâm linh cao thượng thì người đó mới trở thành Thánh và thoát khỏi cái tầm thường, tạm bợ, khổ đau của kiếp người.

Đức Phật! Ngài mở ra một con đường tâm linh cho thế giới và những lời dạy của Đức Phật được các nhà Lãnh đạo thế giới đều trân trọng. Ngày hôm nay thế giới càng văn minh tiến bộ thì giá trị đạo Phật càng được đề cao. Và suốt 45 năm thuyết pháp Đức Phật đã để lại một kho tàng kinh điển vô giá nhưng ta nhớ ba vấn đề:

1/ Ta phải hiểu sâu vê Luật Nhân Quả.

2/ Ta hiều một đời sống ngoài cõi người này, nhất là những cõi sau khi chết.

3/ Phải thực hành thiền định để an tỉnh nội tâm. Chính ba điều đó là cánh cửa đi vào tâm linh.

Kế đến, qua lăng kính của Luật Nhân Quả, của những cõi sau khi chết và của thiền định vô ngã, Thượng toạ sử dụng lập luận giải thích để làm sáng tỏ ba vấn đề trên. Và những ví dụ thường mang tính thời sự, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục đạo đức, xây dựng lý tưởng sống cho mọi người, nhất là về lý tưởng sống của thanh thiếu niên ngày nay.

Sau cùng, Thượng toạ mong rằng mọi người sống đời sống hết sức bình thường của con người nhưng không tầm thường, vì ai cũng chuẩn bị cho mình vượt lên cao hơn tới chỗ hoàn hảo, tuyệt đối. Đó là con đường mà Phật gọi là giác ngộ. Để hạnh phúc từ nơi ta lan tỏa khắp mọi người và cuộc sống vì thế tràn đầy ý nghĩa hơn.

Trước khi chia tay, ĐĐ Thích Nghiêm Giám, hướng dẫn đội ngũ nhân viên một vài thế khi công đơn giản để bảo vệ sức khoẻ.

Dưới đây là một số hình ảnh về toàn cảnh buổi nói chuyện của TT Thích Chân Quang (BRVT) với Cán bộ – CNV Công ty Cổ phần khoáng sản và Luyện kim Thăng Long – Chi nhánh Phú Thọ (xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).