Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Phương pháp hoằng hoá giáo dục Phật tử thực tiễn

Phương pháp hoằng hoá giáo dục Phật tử thực tiễn

474

Dẫn nhập: Làm văn hóa và giáo dục trong tinh thần đạo Phật là thực hiện sứ mệnh hoằng dương Chính pháp để cứu độ quần sinh. Điều ấy có nghĩa là chính văn hóa và giáo dục tự nó phải cưu mang đầy đủ nội dung của giác ngộ và giải thoát. Chính vì thế, làm văn hóa và giáo dục là sứ mệnh, là trách nhiệm trọng đại mà mỗi Tăng, Ni và Phật tử đều phải thực hiện. Như vậy văn hóa và giáo dục Phật giáo là phương tiện để khai mở trí tuệ giác ngộ giải thoát, đồng thời trang trải đức từ bi bao la trong mọi trái tim của con người. 

Hơn nữa, thực tế xã hội Việt Nam ngày nay, số lượng tuổi trẻ sinh sau năm 1975 đã chiếm đến khoảng 65% dân số cả nước. Với một khối lượng thanh thiếu niên to lớn như vậy, vai trò giáo dục thế hệ trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là Phật giáo Việt Nam cần phải nhận định thật sáng suốt trách nhiệm của mình trước tiền đồ của dân tộc và đạo pháp mà thế hệ trẻ là thành phần chủ lực. Phật giáo Việt Nam nếu không gánh vác trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay thì cũng đồng nghĩa là tự mình đóng kín cánh cửa để đi vào tương lai. Công tác giáo dục phải được thực hiện theo đúng chức năng và ý nghĩa của nó.
 
 
1.Tinh thần trách nhiệm cá nhân: Đức Phật đã nói về nghiệp, Tăng chi và Trung bộ kinh chỉ rõ "người là tác nhân, là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp". Do đó, mỗi thành viên phụ trách hướng dẫn Phật tử phải nêu cao tinh thần sống tu tập và làm việc với trí tuệ, giới luật và nhân quả; tức chịu trách nhiệm với những vấn đề liên quan về công việc phân nhiệm hoằng pháp từng thành viên, tuyệt nhiên không được đùn đẩy phó thác công việc khi muốn nhận chức mà không muốn làm việc hoặc có làm việc nhưng tự ty tự mãn, làm việc chiếu lệ, qua loa. Chúng ta kiên quyết đã làm thì phải chịu trách nhiệm với nhân quả, giới luật, giáo hội và pháp luật. Cần có tư tưởng lắng nghe và nhìn lại công việc hoằng pháp của mình, không đánh giá quá mức, cần thông qua những buổi họp liên ngành để tìm ra nguyên nhân, điều kiện để hoằng pháp, khắc phục tính ai làm người nấy chịu, tôi làm tôi không chịu, hoặc nói trớ, bâng quơ, giận hờn, chỉ trích việc làm của người khác, mà trái lại cần phải có trách nhiệm chia xẻ công việc chung.
 
2. Hoằng pháp theo căn cơ: Mỗi người có một tầm nhìn và cách sống không giống nhau, do đó căn cơ mỗi người cũng có vô vàn sự khác biệt. Chúng ta đem Phật pháp vào đời, cần tham cứu kỹ lưỡng tâm lý Phật giáo, tâm lý con người, tâm lý đạo đức cũng như cần biết cách cư xử của các tôn giáo bạn, cần biết về tín ngưỡng dân gian để hoằng pháp không chướng ngại. Không thể hễ muốn giảng pháp thì pháp sư đăng đàn mà không biết hội chúng chỗ đó ra sao, cần hỏi mình có đầu tư soạn bài trước khi nói chuyện với quần chúng hay liệu giảng bài Phật pháp có thích hợp với người nghe hay không v.v.
 
Hoằng pháp trong giới trẻ, chúng ta cần chủ trương đem tinh hoa giáo lý Phật dạy thời cổ xưa biến thành giáo lý trẻ trung ngọt lịm, có thể màu mè hoa văn nhưng chất liệu không thay đổi, thay vì phải gán thêm những tư tưởng văn hoá dân gian già nua, thô sơ và cũ kỹ vào tư tưởng của lớp trẻ bâng quơ. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, trong toàn bộ lịch sử các nền văn minh nhân loại đang tồn tại hay đã biến mất, không một học thuyết nào mà không từng bị nhận thức của người đời sau vượt qua. Có học thuyết bị vượt qua và bị đào thải ngốn luôn học thuyết bị vượt qua, rồi được phục hoạt. Nhưng có rất ít học thuyết được phục hoạt mà bản chất không bị biến dạng. Giáo lý của Phật đã khẳng định luật vô thường nên vấn đề là khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ, chứ không phải là vấn đề bị hay không bị vượt rào và đào thải. Với giới trẻ, ngày nay họ sẽ không chịu đóng khung rập khuôn theo mô hình xưa bày nay làm, mà phải là, để họ tự tư duy và cùng nhau đem ra mổ xẻ, khẳng định các vấn đề liên quan.
 
 
Chúng ta nên thực hiện các chương trình hoằng pháp cho giới trẻ được đào sâu từ các nội dung, hình thức, phương tiện công cụ hoằng pháp có đạo đức văn hoá phù hợp với nhịp điệu cuộc sống. Chẳng hạn như tăng cường việc soạn thảo các tập sách bí quyết sống và sinh hoạt tuổi trẻ bao gồm các cẩm nang, sổ tay, nhật ký học tập và làm việc. Khi phân nhiệm đội ngũ thanh niên trẻ lãnh đạo, cần chia tổ thống nhất, phân công soạn tài liệu chương trình hoạt động từng hạng mục. Cần giữ mối liên hệ mật thiết các thành viên, mở nhiều chương trình tu học tâm linh, kết hợp các hoạt động từ thiện để giáo dục tính nhân văn từ bi hỷ xã cho các em Phật tử. Cần xây dựng và phát triển các chương trình định hướng giáo dục, quyết tâm đẩy mạnh tiêu chí Phật hóa gia đình mà lực lượng truyền giáo nòng cốt sẽ chuyển dịch từ các em gương mẫu, xung phong ảnh hưởng trong quần chúng thay vì trước đây là các bậc người già, cha mẹ… Cần ứng dụng mạnh mẽ việc hoằng pháp phổ quát bằng truyền thông báo chí Phật giáo, kết nối điện tử, theo kịp với xã hội hiện đại v.v, thông qua việc tư vấn kiến thức đời sống, tâm đắc và giải đáp thắc mắc trong tu học, giao lưu các hội đoàn thanh niên, hiện đại hoá ngôn ngữ giao tiếp để các em hướng ra thế giới học tập, trải nghiệm khám phá, phát triển tâm linh đời sống thế giới. Ngược lại, không như thế thì có thể các em tuổi trẻ sẽ phải tự mò mẫm, loay hoay chạy loạn và hành xử theo lối tiêu cực, dễ gây ra hậu quả xấu vì tuổi trẻ cho rằng mình lúc nào cũng không biết, chúng cần tìm cái hay, cái mới và luôn muốn khẳng định mình. Ngoài ra, các đơn vị phân ban Hướng dẫn Phật tử cần thường xuyên phối hợp với các cơ quan đoàn thể liên ngành, tổ chức các khoá học và tập huấn ngắn ngày trong đó có cả trại hè, lễ hội dân gian trong giới trẻ, triển lãm, giao lưu hướng nghiệp, quan hệ công sở trường học, lý tưởng kỹ năng sống hoà bình an lạc, không xung đột tranh chấp giữa cá nhân với hoàn cảnh, giữa thế giới nội tâm với thế giới bên ngoài. Các hoạt động phải mang tính đa dạng, cuốn hút , hấp dẫn, mới mẻ, linh hoạt, nhẹ nhàng và ít tốn kém thì sẽ có kết quả cao.  
 
3. Tinh thần hoằng pháp thực tiễn: Chúng ta sẽ thấy rằng phần lớn các rối loạn, sầu muộn của tuổi trẻ, của người lớn đều do tư duy của họ gây ra, nhất là những tư duy về quá khứ không thiết thực, về những tương lai hão huyền. Quan sát đời sống cá nhân, có thể phát biểu rằng 90% cuộc sống mình bị đánh mất bởi các tư duy và mộng tưởng sai lầm ấy. Vì vậy muốn hoằng pháp thực tiễn chúng ta cần củng cố đội ngũ lãnh đạo về chuyên trách hoằng pháp: làm việc theo tinh thần lục hoà, phân công phân việc, họp bàn kế sách, giao ban từng thành viên phụ trách, thực hiện đúng theo phương châm trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi. Quyền lợi ở đây là kết quả mặc nhiên của sự vận hành nhân quả, từ việc khởi công trồng trọt, cuối mùa thu hoạch- cây cuối sẽ tự nhiên ra hoa và kết trái. Chúng ta hãy để cho quyền lợi đến một cách tự nhiên với việc ra sức dấn thân, phát triển kỹ năng và công cụ hoằng pháp, thành tựu Phật sự để chia xẻ lục hoà công bằng với mọi người, và tu tập, chia xẻ công đức quyền lợi cho người khác.
 
 
Việc huy động đội ngũ tài năng trẻ làm nồng cốt để trợ lực cho chư tôn đức lãnh đạo và học hỏi kinh nghiệm khi làm việc. Điều này chúng ta cần phát hiện và tuyển mộ người có năng lực công tác, không kể họ có điều kiện làm việc đã chín muồi hay chưa hay là nhắm chừng người đó là bất tài vô tướng, không thể lãnh đạo Phật giáo tương lai. Đối với việc phân công trọng trách hoằng pháp cho các Tăng Ni trẻ, chúng ta nên để họ độc lập suy nghĩ và phát huy mọi tài năng cống hiến. Theo đó, chúng ta phải đứng sau yểm trợ, đôn đốc, động viên và giúp đỡ Tăng Ni trẻ hoằng pháp, tránh xa việc chê bai, tự tôn tự mãn về kinh nghiệm của mình để Tăng Ni trẻ không khởi các tư tưởng đánh giá xấu đạo đức trách nhiệm và tuệ giác của người chỉ đạo. Bởi vì Tăng Ni trẻ không thấy được tư tưởng và đạo đức toả sáng từ những người đi trước, cũng như họ không được giáo dục ngũ minh và định hướng đúng mức từ Tăng đoàn, chưa kể đó là việc phát tâm của họ theo nhân duyên thời cuộc, gặp chướng duyên dễ nản mà lý ra, họ phải nặn óc, bắt tay làm việc cùng các thế hệ đàn anh. Dù rằng họ có thể chịu trách nhiệm việc mình làm; thế nhưng, với phương pháp xử lý không khôn khéo của người thầy và Tăng đoàn, Tăng Ni trẻ sẽ thối chí và xa lánh công việc Phật sự đã giao phó.
 
Với các Phật tử, chúng ta làm sao để Phật tử khởi tâm bồ đề từ việc làm Phật sự chân chánh và có hiệu quả, để họ tin tưởng vào người lãnh đạo, trung thành với tổ chức hoằng pháp, từ đó luôn sẵn lòng ủng hộ các công tác Phật sự khi cần thiết. Cần tránh xa những suy nghĩ bất cần, ôm đồm công việc hoặc là không liên đới với các đồng sự khác, khiến mình dần đà trở thành tiêu cực rồi rơi vào lao lý của quyền thế kiêu căng tự phụ. Đừng đánh giá công việc quá mức khi có chút thành tựu trong hoằng pháp. Chúng ta đã biết rằng các tổ chức Phật giáo ở nước bạn như Thái Lan, Đài loan, Sri Lanka …đã phát triển huy hoàng và bỏ xa PGVN ta đến cả hàng thập kỷ. Muốn thu hẹp khoảng cách đó, chúng ta phải phát huy mọi nguồn lực Tăng đoàn và không thể bàng quang, quản lý thờ ơ, lỏng lẻo với Phật sự. Tuyệt nhiên cần tăng tính minh bạch, cần ứng dụng tin học điện tử trong quản lý, phát huy mọi sở trường, sở đoản để hoằng pháp rải rác khắp các mặt từ lĩnh vực giáo dục, giảng kinh thuyết pháp, ứng phú đạo tràng, từ thiện xã hội đến việc khuyến khích làm sao phát triển nền kinh tế Phật giáo và các lĩnh vực thuần hoà, đem đạo vào đời rất dễ thành công như y tế, âm nhạc, phim ảnh, hội hoạ…Chúng ta nên mạnh dạn xây dựng lộ trình hoằng pháp trong hiện tại và tương lai bằng cách phát hoạ các chương trình sinh hoạt tâm linh cụ thể dành cho kế hoạch tu học hàng tháng hằng tuần, hằng ngày. Điều này Tăng đoàn cần liên tục mở ra các cuộc họp yết ma để vạch ra lịch trình hoạt động cụ thể, nhằm chia xẻ và thảo luận trực tiếp trong suy nghĩ mỗi thành viên.
 
 
Kết luận: Một nền giáo dục biết khởi động áp dụng và điều hợp những yếu tố trên đây một cách linh động thực tiễn thì hạnh phúc và an lạc sẽ đến từ cuộc sống mang tính giáo dục nhân quả, nó dung hợp và chuyển hóa một cách hiện thực và sống động. Việc hoằng pháp giáo dục Phật tử quan trọng là tầng lớp trẻ ngày nay nếu được đầu tư đúng hướng thì sẽ làm phát sinh ý thức tự trách nhiệm về hành vi nhân quả thiện ác đối với cá nhân và cộng đồng; sau đó là sản sinh các khả năng tự tín sáng tạo nơi các đối tượng được giáo dục. /. 
 
Tham luận dự Hội thảo do BHDPT TW tổ chức  – Tây Nguyên và miền Trung 2009 của ĐĐ. Thích Đạt Đức – Phó Trưởng ban HDPT Trung ương- Đặc trách  Phật tử Hải ngoại.