Trang chủ Tin tức Quảng Ninh: Chùa Tiêu Dao Khóa Tu An Lạc 1 Ngày

Quảng Ninh: Chùa Tiêu Dao Khóa Tu An Lạc 1 Ngày

291

Ngày 30/08/2019 tức ngày 1/8 năm Kỷ Hợi chùa Tiêu Dao, P. Hạ Khẩu, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức khóa tu 1 ngày dành cho quý thiện nam, tín nữ, Phật tử.

Nhận lời mời của Đại Đức: Thích Tâm Tịnh – Trụ trì chùa Tiêu Dao, Đại Đức: Thích Thanh Văn – phó Trưởng Ban kiêm Chánh thư ký Ban trị sự GHPGVN huyện Hoành Bồ đã Quang lâm về chùa Tiêu Dao thuyết giảng khóa tu 1 ngày với chủ đề: “Trở về Chân Tâm”

Đại Đức chia sẻ: Con người vốn có 1 bản tánh Phật, tuy nhiên do tiếp xúc 6 trần nên ít nhiều cũng có những sự vọng tưởng mê muội mà quên đi chánh niệm. Do đó con người làm sao cần làm chủ Chánh niệm trong cuộc sống, vì có chánh niệm tức là có sự tỉnh giác, có tỉnh giác tức là tánh giác đang có mặt. Tánh giác có mặt tức là chân tâm đang làm việc. Do đó thực hành chánh niệm tức là đang trở về chân tâm.

Chân tâm và vô ngã liên quan mật thiết với nhau. Trở về chân tâm thì không còn ngã, cho nên đây là phương pháp thứ hai để tu vô ngã, dùng phủ định và xác định.

Để trở về chân tâm chúng ta có thể tu tập nương theo bốn câu của Lục tổ Huệ Năng nói về bổn tánh trong kinh Pháp Bảo Đàn.

  1. Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.
  2. Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt
  3. Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
  4. Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động.

Câu thứ năm, “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”, chúng ta không cần dùng đến, vì đây là cái tánh năng khởi của tâm, chính cái tánh năng khởi này nó làm cho chúng sinh bất giác mê lầm, chạy theo vọng tưởng. Nhưng khi tỉnh giác trở về được bổn tánh thì nó biến thành diệu dụng, thần thông tự tại của chư Phật và Bồ tát.

Tự tánh tức là bổn tánh của tâm, nói tự tánh hay bổn tánh hay chân tâm đều giống nhau. Do đó chúng ta có thể lập ra phương châm dưới đây để tu hành:

  1. Chân tâm vốn tự thanh tịnh, nên không ái luyến, nếu ái là ngã ái.
  2. Chân tâm vốn không sanh diệt, nên không cần sợ hãi, nếu sợ là ngã sợ.
  3. Chân tâm vốn tự đầy đủ, nên không ham muốn, nếu muốn là ngã muốn.
  4. Chân tâm vốn không dao động, nên thường vắng lặng, nếu khởi niệm là ngã khởi.

Vai chính trong công việc tu hành là tâm. Khi tâm mê, quên bổn tánh thì nó trở thành vọng tâm, và vọng tâm tạo ra cái ngã, và ngã tiếp tục tạo ra hậu tánh là những tánh phiền não. Khi tâm ngộ, tỉnh giác, từ bỏ hậu tánh phiền não, tìm về bổn tánh thì tâm trở thành chân tâm.

Muốn trở về chân tâm (vắng lặng) mà sao lại hành động theo vọng tâm, vọng tưởng, để những thói quen, tập khí của vọng tâm dẫn dắt?

Cuối buổi giảng Đại đức kết luận: Càng tập nhớ bổn tánh, nhớ những đức tính của chân tâm và áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày thì chắc chắn sẽ loại trừ được phiền não. Luôn nhớ bổn tánh tức là có chánh niệm, là sống với ông chủ, với chân tâm, với Phật tánh, và cùng lúc diệt trừ luôn được cái ngã.

Kết thúc buổi giảng, đại chúng vào nghi lễ: Sám Hối Hồng Danh Bảo Sám, do Đại Đức: Thích Tâm Tịnh chủ sám

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận

CTV. Chùa Tiêu Dao