Trang chủ Tin tức Quảng Ninh "nhầm lẫn", khai thác than xâm hại Yên Tử

Quảng Ninh "nhầm lẫn", khai thác than xâm hại Yên Tử

92

Theo báo cáo của các đơn vị có liên quan, trong quá trình phối hợp thực hiện xác định ranh giới mỏ của Công ty 91 với Ban quản lý rừng đặc dụng Yên Tử, Phòng Tài nguyên Môi trường Uông Bí đã phát hiện có việc trùng lấn diện tích khu vực khai thác than mỏ với diện tích tiểu khu 9B – khu vực rừng đặc dụng Yên Tử.

Khu di tích Yên Tử là vùng cấm hoạt động khoáng sản. (Ảnh minh hoạ)

Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực địa khu vực mặt bằng công nghiệp, vị trí gần điểm góc số 5 khu vực khai thác mỏ ở phía Đông mỏ Khe Chuối. Kết quả đối chiếu với bản đồ thiết kế bảo vệ khoanh nuôi phục hồi tái sinh (tiểu khu 9B – Dự án 661 BQL rừng đặc dụng Yên Tử) với địa hình thực tế cho thấy, điểm 5 nằm trong khu vực rừng đặc dụng Yên Tử.

Khu vực Đông mỏ Khe Chuối  trước đây do Tổng Công ty than Mạo Khê quản lý khai thác. Năm 1996, Tổng Công ty Than VN (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam – TKV) đã "để lại" cho Tổng Công ty than Đông Bắc quản lý, khai thác trên cơ sở diện tích được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) giao cho Tổng Công ty Than VN theo quyết định số 481/QĐ-QLTN ngày 8/6/1995.

Năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại thông báo số 109/TB-VPCP ngày 26/4/2008 của Văn phòng Chính phủ về sản xuất, kinh doanh than và các giải pháp xử lý nạn khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép khai thác than khu vực Đông mỏ Khe Chuối cho Tổng Công ty Đông Bắc tại Giấy phép số 2809/GP-BTNMT ngày 31/12/2008, với diện tích 0,18km2, bằng phương pháp hầm lò.

Sự việc được UBND thị xã Uông Bí phát hiện vào ngày 23/3/2009, khi Công ty TNHH một thành viên 91 (thuộc Tổng Công ty than Đông Bắc – TKV) có công văn gửi UBND huyện Uông Bí, Đông Triều để mời cùng tham gia vào việc bàn giao, công bố mốc giới và làm các thủ tục để công ty tiến hành khai thác than tại khu mỏ Đông Khe Chuối.

Toàn bộ diện tích 0,18km2 có trữ lượng khai thác 754.660 tấn than, công suất 30.000tấn/năm có thời hạn là 14 năm kể từ ngày ký giấy phép tại khu Đông mỏ Khe Chuối, nằm hoàn toàn trong khoảnh 1, tiểu khu 9B rừng dặc dụng Yên Tử.

Trao đổi cùng VietNamNet, ông Lê Văn Hợp, Người phát ngôn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo Luật Khoáng sản, UBND các tỉnh, thành phố phải lập, khoanh định các vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản nếu xâm hại các khu di tích lịch sử. Khu di tích Yên Tử là vùng cấm hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh Quảng Ninh phải đưa khu vực này vào vùng cấm hoạt động khoáng sản để bảo vệ.

Về nguyên tắc, trước khi cấp phép cho Tổng Công ty Đông Bắc khai thác than tại khu vực Đông mỏ Khe Chuối – hiện được xác định là có sự trùng lấn với diện tích tiểu khu 9B, khu vực rừng đặc dụng Yên Tử, Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xác nhận khu vực này có nằm trong vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản hay không để có cơ sở cấp phép theo quy định.

Khi đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản số 4487/ UBND-CN ngày 20/11/2008 xác nhận khu vực Đông mỏ Khe Chuối không thuộc vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép số 2809/GP-BTNMT ngày 31/12/2008.

Nhưng trên thực tế, diện tích cấp phép nêu trên cho Tổng Công ty Đông Bắc đã trùng lấn với tiểu khu 9B – khu vực rừng đặc dụng Yên Tử. Đây có thể là sự "nhầm lẫn" của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh trong việc xác định tọa độ vùng đệm của rừng đặc dụng thuộc khu di tích Yên Tử trong khu lập hồ sơ cấp phép.

Theo ông Hợp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Địa chất và Khoáng sản VN kiểm tra và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã nhận trách nhiệm về sự "nhầm lẫn" trên.

Theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Địa chất và Khoáng sản VN đã có văn bản số 639/ĐCKS-KS ngày 21/4, yêu cầu Tổng Công ty Đông Bắc dừng mọi hoạt động khai thác tại khu vực này, đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở ngành tính toán, điều chỉnh tọa độ khu vực khai thác than ra ngoài vùng đệm của rừng đặc dụng Yên Tử.

Khi hoàn tất hồ sơ, tỉnh Quảng Ninh sẽ có văn bản đề nghị và Bộ sẽ chỉ đạo Cục Địa chất và Khoáng sản VN kiểm tra lại một lần nữa, trước khi điều chỉnh tọa độ và giấy phép khai thác tại khu vực Yên Tử.