Trang chủ Người thời nay Rick Mayo Smith: Đạo Phật giúp tịnh tâm, lắng dịu

Rick Mayo Smith: Đạo Phật giúp tịnh tâm, lắng dịu

80

Đến Việt Nam từ năm 1988, khi tình hình kinh tế, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tại sao ông lại quyết định sống và làm việc tại đất nước chúng tôi?

Năm 1988, lần đầu tiên sang Việt Nam, tôi cũng hơi bỡ ngỡ vì mọi thứ đều khác biệt so với ở Mỹ và Hồng Kông, nơi thứ hai tôi sống trước khi qua Việt Nam. Lúc đó, thành phố có nhiều xe đạp, xe gắn máy không nhiều lắm và rất ít xe hơi.

Ngày đầu tiên dạo phố, tôi ngạc nhiên xen lẫn thích thú khi thấy những người bán hàng rong với quanh gánh trên vai, những bác xích lô trưa nắng chang chang vẫn vô tư ngả lưng trên xe đánh một giấc ngon lành, rồi chiều chiều có rất đông người ngồi ăn uống trên các lề đường, cụng ly “dzô, dzô” rôm rả. Hầu như mọi sinh hoạt từ ăn, uống đến ngủ, nghỉ đều diễn ra trên phố…

Những gì trông thấy khiến tôi cảm nhận đây là một đất nước nhiều tiềm năng, thanh bình và đầy sức sống, con người lại thân thiện, cần cù và năng động. Tuy nhiên, do mới bắt đầu đổi mới nên vẫn thiếu đầu tư vào kinh doanh và luật đầu tư nước ngoài cũng còn rất sơ sài.

Sau thời gian tìm hiểu thị trường, văn hóa của Việt Nam, tổ chức nhiều chuyến thăm Việt Nam cho các đại biểu của Phòng Thương mại Mỹ và Hồng Kông, đồng thời đưa một số nhà lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài để tìm hiểu xem thế giới kinh doanh như thế nào, năm 1999, tôi quyết định thành lập Indochina Company (tên gọi đầu tiên của Indochina Capital) chuyên tư vấn đầu tư và phát triển các dự án trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng, công nghệ thực phẩm và nước giải khát.

Chúng tôi đã tư vấn thành công cho nhiều công ty, như Citicorp Capital và Morgan Stanley, Gạch men Mỹ Đức… Mỹ Đức cũng là tên của vợ tôi, một phụ nữ đúng chất Việt Nam: thông minh, duyên dáng, giỏi “giữ chồng” và nhân hậu.

Chúng tôi quen nhau từ công việc, Mỹ Đức làm trợ lý cho tôi và trong các kế hoạch, dự án kinh doanh, cô ấy giúp tôi tìm hiểu thông tin, giải thích cho tôi nhiều thứ, kể cả “tập quán” làm ăn của người Việt, làm phiên dịch, dạy tôi ăn món Việt, nói tiếng Việt… Cô ấy chính là một trong những lý do khiến tôi thích Việt Nam và gắn bó với mảnh đất này – nơi chôn nhau cắt rốn của ba đứa con tôi.

Vậy gia đình ông sống theo phong cách Mỹ hay Việt?

Cả hai. Trong bữa cơm hằng ngày, chúng tôi vừa ăn món Mỹ, vừa ăn món Việt. Các con tôi học trường Pháp nên nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, nói chuyện với cha bằng tiếng Anh, với mẹ bằng tiếng Việt. Nói chung, chúng tôi cố gắng dung hòa hai tập quán, phong cách sống.

Chẳng hạn, gia đình tôi vẫn giữ thói quen hôn nhau trước khi ra khỏi nhà, trở về và khi về phòng riêng, tôn trọng tự do cá nhân nhưng vẫn giữ nếp trò chuyện cởi mở, chia sẻ với nhau mọi chuyện, giữ thói quen thăm viếng ông bà, người thân vào ngày nghỉ cuối tuần. Những ngày Tết, các con tôi vẫn khoanh tay, xếp hàng để được cha mẹ lì xì và thích theo mẹ đi chùa lễ Phật.

Hình như ông cũng “sùng” đạo Phật vì bức ảnh lớn trên tường, đối diện bàn làm việc của ông là ảnh của một vị sư?

Lúc còn độc thân tôi đi nhà thờ nhưng từ khi lấy vợ, theo cô ấy đi chùa, tôi cũng bắt chước rì rầm khấn vái. Theo tôi, đạo nào cũng giúp con người hướng thiện, “tinh lọc” tâm hồn cho trong sạch, nhưng không hiểu sao mỗi khi vào chùa, nhìn thấy tượng Phật hoặc các vị sư, tăng, tôi bỗng thấy tâm hồn thư thái, thanh tịnh lạ lùng.

Thời gian đầu làm việc ở Việt Nam, tôi thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí rất căng thẳng, nhưng thật kỳ lạ, khi nhìn vào bức ảnh vị sư tổ, tôi liền cảm thấy như có một “phép mầu” giúp tôi tịnh tâm, lắng dịu những phút căng thẳng, mệt mỏi và bực dọc, những phút “mình không còn là mình”.

Khi đó, tôi thường nhắm mắt tự nhủ, muốn thành công phải kiên nhẫn, phải rèn luyện sức chịu đựng bền bỉ và phải cầu nguyện. Ngoài ra, để giữ sức khỏe, luyện tâm và luyện sức chịu đựng, tôi còn tập yoga, ngồi thiền và đi bơi.

Thường xuyên làm công tác từ thiện xã hội như xây trường học, xây nhà tình nghĩa cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, tài trợ trang thiết bị y tế cho các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa, việc làm này của ông bà phải chăng xuất phát từ triết lý nhà Phật?

Như đã nói, vợ tôi là người giàu tình cảm và nhân hậu nên cô ấy thường hay bận lòng khi gặp những mảnh đời bất hạnh. Bản thân tôi cũng sinh ra trong một gia đình thích làm công tác từ thiện, mẹ tôi là một nhà xã hội học, bố tôi làm ở Hội Khuyến học Thế giới, nên chúng tôi rất hợp ý nhau trong việc làm từ thiện.

Trong những chuyến du lịch, chúng tôi thường tìm đến những nơi còn khó khăn, những người thiếu thốn, bất hạnh để tìm cách giúp đỡ. Một lần đến vùng sâu ở tỉnh Dắk Lắk, thấy ở đây còn nhiều ngôi trường làm bằng tre nứa, bàn học ghép sơ sài bằng ván, kê trên cọc tre tạm bợ khiến học sinh ngồi học rất dễ bị vẹo cột sống, ngoài ra còn bị suy giảm thị lực vì thiếu ánh sáng. Mỹ Đức nói với tôi: “Điều kiện học thế này sẽ ảnh hưởng không ít đến sức khỏe, tương lai của những đứa trẻ nơi đây. Em muốn xây cho chúng một ngôi trường đạt tiêu chuẩn”.

Tôi ủng hộ cô ấy ngay và chúng tôi đã cho xây ngôi trường tiểu học mới, mua thêm học cụ, tài trợ thêm trang thiết bị khám chữa bệnh và thuốc men cho ngành y tế huyện, xây tặng huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam 10 căn nhà tình thương, tặng 40 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo…

Thấy tôi và Mỹ Đức làm việc thiện, các con tôi cũng làm theo. Đứa con gái đầu của tôi hiện đang ở Trung Quốc để cùng các tổ chức thiện nguyện bảo vệ những con gấu trúc đang có nguy cơ tuyệt chủng.