Trang chủ Người thời nay Sư thầy dùng điện thoại 200 nghìn đi khắp núi rừng A...

Sư thầy dùng điện thoại 200 nghìn đi khắp núi rừng A Lưới

81

Đi tu nhờ thuyết pháp… chợ đen

Mất mẹ lúc mới tròn 1 tuổi, bố của chú Nguyễn Bê (tên ngoài đời của thầy Thích Tâm Phương) sống tại làng Dưỡng Mông thượng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ biết cố gắng làm bất cứ công việc gì miễn có tiền để nuôi 6 con ăn học.

Tuy nhiên một mình gồng sức lo cho 7 miệng ăn nên cuộc sống gia đình của chú Nguyễn Bê đã cực nay càng khó khăn hơn.

Tâm sự về tuổi thơ của mình, thầy Tâm Phương chia sẻ: “Quê của tôi có truyền thống theo Phật giáo, nên từ nhỏ tôi sớm tiếp cận giáo lý nhà Phật. Tôi hay đến chùa Dưỡng Mong gặp gỡ tiếp xúc với Chư Tôn đức tại Tổ đình Tường Vân (Huế) về đây làm ruộng.

Hồi đó nhà nghèo lắm anh, mỗi lần đến bữa ăn là không có gạo, phải đi vay từng lon gạo của bà con lối xóm để nấu cơm, nên đến kỳ đóng học phí lớp 6, tôi không thể mở miệng xin tiền… nên tự ý nghỉ học.

Khi bố tôi biết, ông đánh tôi dữ lắm. Tôi là con út nên bố rất thương, nhưng không có tiền làm sao giờ…” thầy Tâm Phương cười nói

Thầy Tâm Phương và đấng sinh thành của mình

Thầy Tâm Phương và đấng sinh thành của mình

Sau khi nghỉ học, chú Bê phụ giúp gia đình bằng cách đi bán bánh mỳ ổ. Một năm sau, chú xin vào làm tại cơ sở sản xuất bánh mỳ luôn.

Thời gian đó, chú Bê đi chùa thấy hình ảnh chư tăng thanh thoát, an lạc nên cảm phục và muốn đi xuất gia lắm. Nhưng bố không cho, với lại nghĩ phải giúp gia đình một thời gian nên chú bé Nguyễn Bê quyết định gác lại đi làm kiếm tiền đã.

6 năm sau, chú cảm thấy đã đến lúc nên xuất gia. Chú quỳ lạy xin bố và anh chị em thì bị mọi người phản đối, không ai cho đi cả, thậm chí chị gái khóc nhiều, xé rách cả một vạt áo. Lúc đó chú dùng cách “thuyết pháp chợ đen” để bố cho đi.

Nói về phương pháp này, thầy Tâm Phường cười giải thích: “tôi thuyết phục bố, gọi là giảng cho bố nghe (gọi đùa là thuyết pháp chợ đen), chắc cụ bùn nhưng nén lại cho tôi đi. Tôi đi rồi… cụ khóc”

Để được đi tu, thầy Tâm Phương phải dùng cách “thuyết pháp chợ đen” với bố của mình

Để được đi tu, thầy Tâm Phương phải dùng cách “thuyết pháp chợ đen” với bố của mình

Tu rồi… quyết học lại

Sau khi theo cố Trưởng lão HT. Thích Minh Châu, thầy Tâm Phương cho biết: “Với sự chuyên tâm tu học, sau 2 năm học luật nhà Phật và công quả trong chùa, tôi được Bổn sư (PV- cố HT Minh Châu) cho đi thọ Sa di năm 2000 và 5 năm sau thì thọ giới Tỷ kheo.”

Vào chùa, 2 năm sau thầy Phương mới xin đi học lại lớp 6. “Vui lắm anh ơi, ai cũng chọc cả, nhưng tôi đã quyết chí, thì không có ngại chi hết. Lúc đó, cả chùa còn tán thán (PV- khâm phục). Vì sợ lớn tuổi học không vào, nên tôi xin đi học lại lớp 6, hệ chính quy chứ không phải hệ bổ túc.

Tôi thấy mình phải học hệ chính quy để ôn lại kiến thức căn bản và có thể học lên cao hơn. Vì điều này nên tôi phải vừa lo làm việc chùa vừa chăm chỉ ngày đêm học bài trên lớp. Nhưng được đi học tôi vui lắm!”

Nói về chuyện đi học bị chọc, thầy Phương cho biết thêm: “Hồi đó sư bà Diệu Tấn hay đùa, chú Bê đi học mà nhà trường tưởng là giám thị, vì tôi to xác, lại lớn tuổi nên ngồi bàn sau”

Để đạt như ngày nay, thầy Tâm Phương hiểu điều quan trọng nhất là đạo tạo nhân lực

Để đạt như ngày nay, thầy Tâm Phương hiểu điều quan trọng nhất là đạo tạo nhân lực

Dù bài vở nhiều nhưng thầy Phương vẫn làm tốt công việc được giao hằng ngày. Thầy đã cố gắng để không phụ lòng của sư phụ. Vừa học xong sơ cấp và tốt nghiệp cấp 3 xong, thầy Phương mới tiếp tục thi vào Trường trung cấp Phật học để tìm hiểu giáo lý nhà Phật thêm 4 năm, rồi trải qua 4 năm nữa ở Học viện Phật giáo tại Huế.

Cái duyên với vùng núi cao

Nói về cái duyên đến với vùng núi cao A Lưới, thầy Tâm Phương chia sẻ: Dù đến năm 2009, thầy mới học xong Học viện, nhưng năm 2008, Giáo hội tại Huế đã phân thầy về tham gia Phật sự tại huyện A Lưới. Rồi trải qua nhiều chức vụ được giao, giờ đây thầy đang giữ quyền Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện.

Theo thầy Phương so với thành thị thì việc hoằng pháp ở vùng cao gặp rất nhiều khó khăn. Như chuyện cái ăn mặc của đồng bào vùng cao, tín ngưỡng dân gian hay trình độ dân trí còn thấp… ngay chính ngôn ngữ bất đồng cùng là trở ngại cho công tác truyền bá giáo lý đạo Phật tại đây.

Tuy nhiên, với sự kiên trì và hỗ trợ của Chư Tôn đức, chính quyền địa phương và bà con Phật tử, hiện nay tại A Lưới, số lượng đạo hữu Phật tử từ vài chục nay đã hơn 700, Gia đình Phật tử (GĐPT) hơn 300 em, nhiều cơ sở Tự viện mới thành lập như Niệm Phật đường Sơn Thủy và Sơn Nguyên…

Các hoạt động Phật sự đã diễn ra thường xuyên như tổ chức khóa Tu Bát Quan Trai và Niệm Phật, cho các em trong GĐPT sinh hoạt đều đặn, làm lễ Quy y Tam Bảo cho đồng bào dân tộc, thuyết giảng Phật pháp… cùng các hoạt động khác như tặng quà từ thiện, khám chữa bệnh, trao học bổng…

Ngoài ra, Ban Trị sự Phật giáo huyện A Lưới cũng đã lập trang web chia sẻ những giáo lý Phật pháp cũng như các hoạt động Phật sự đang diễn ra

Thầy Phương cảm thấy vui và hạnh phúc khi được sống và làm việc với đồng bào dân tộc.

Thầy Phương cảm thấy vui và hạnh phúc khi được sống và làm việc với đồng bào dân tộc.

Suốt thời gian làm việc, đã để lại trong lòng thầy Tâm Phương nhiều niềm vui, nỗi buồn như chuyện: Một mẹ Phật tử người dân tộc Pà Cô tặng thầy 1 món quà đó là bọc mía và lúc thầy hoan hỉ đón nhận thì bác Phật tử lại rơi nước mắt.

Hay chuyện một số tổ chức từ thiện lấy danh nghĩa giúp đỡ bà con nghèo ở A Lưới để vận động tài chính. Họ xuống từng nhà để quay phim chụp hình và lấy danh sách nhưng không thấy quay trở lại làm cho bà con bức xúc… Đối với đồng bào dân tộc vùng cao thì lời hứa rất quan trọng.

Hình ảnh sư thầy Tâm Phương trên đường

Từ đó thầy cho rằng, làm gì cũng phải có cái tâm mới gắn kết được mọi người. Thầy Phương cười nói: “Thầy cảm thấy vui và hạnh phúc. Đồng bào khi họ không biết đến đạo Phật thì thôi chứ họ đã tin rồi thì họ tuyệt vời lắm. Cốt yếu mình phải sống hết lòng với bà con thì mọi chuyện sẽ vô cùng thuận lợi!”

Nhắc đến thầy, ai cũng cười mà nói: “Ai đời một thầy làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện mà còn là Tăng chúng của Tổ đình Tường Vân (Huế) như thầy Tâm Phương hay không? Dù chỉ với chiếc xe Đam (xe Honda dành cho nữ), cái điện thoại 200.000đ… nhưng hình bóng thầy trải dài khắp núi rừng A Lưới – Thừa Thiên”

Trích Nguồn tin: http://www.giadinhonline.vn/su-thay-dung-dien-thoai-200-nghin-di-khap-nui-rung-a-luoi-d29734.html