Trang chủ PGVN Cửa thiền Sư thầy “gà trống nuôi con”

Sư thầy “gà trống nuôi con”

106
Chùa Thịnh Đại nằm tại thôn Thịnh Đại, xã Đại Cương, huyện kim Bảng , tỉnh Hà Nam – đây là ngôi chùa không chỉ là nơi cho du khách và các phật tử đến cầu bình an, mà còn là mái ấm yên bình của hàng chục em nhỏ cơ nhỡ không nơi nương tựa suốt 20 năm qua.
 

Từ bao năm nay, chùa Thịnh Đại đã trở thành mái ấm an lành cho hàng chục trẻ em mồ côi, bất hạnh.

 
Nhân duyên  với đạo và đời
 

Có lẽ cảm nhận được hoàn cảnh của mình không được may mắn như những đứa trẻ khác trên đời, nên các cháu rất chăm ngoan không bao giờ vòi vĩnh, hay đòi hỏi gì. Dưới bàn tay chăm sóc của sư thầy Thích Việt Hòa, hàng chục đứa trẻ côi cút không nơi nương tựa đã ngày một lớn lên và trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.

Khi nhắc đến chùa Thịnh Đại người ta thường nghĩ ngay đến sư thầy Thích Việt Hòa, người đã dành trọn tình yêu thương cho chục đứa trẻ có số phận không may mắn.
 Sư thầy Thích Việt Hòa sinh năm 1969 trong một gia đình cha là cán bộ xã, mẹ là nông dân ở huyện Xuân Trường (Nam Định). Anh chị em trong gia đình, mỗi người chọn cho mình một chí hướng, còn thầy lại đi theo con đường xuất gia tu hành. Năm 14 tuổi, thầy lên chùa Vạn Linh học các giáo lý nhà Phật, sau đó được một năm xuất gia tu hành như một nhân duyên. Năm 1991 thầy tới chùa Thịnh Đại. Sau những khó khăn gian khổ ban đầu, đến nay ngôi chùa đã được xây dựng khang trang và thầy cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho đại gia đình hiện nay.
Thầy tâm sự: "Ban đầu, mình chỉ nhận một, hai cháu. Sau đó nhiều người biết nên ở đâu có trẻ bị bỏ rơi họ cứ mang đến chùa ngày một nhiều hơn. Hiện nay tổng số các cháu đang được nhà chùa nuôi dưỡng đã hơn 40".
Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh những đứa trẻ vui đùa ở sân nhà chùa hay quấn quýt bên sư thầy, thì sẽ chẳng ai biết được đằng sau những nụ cười đó là bao nỗi bất hạnh của từng mảnh đời, số phận. Các em đều cùng chung cảnh ngộ: Thiếu đi tình thương của cha mẹ…
Khi tôi hỏi về một cháu đang ngon giấc trong chiếc nôi nhỏ, ánh mắt thầy nhìn cháu trìu mến: "Cháu tên Hà Anh, bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi mới chào đời. Người ta đặt cháu ở cổng bệnh viện trong thùng mì tôm. Khi đó cháu nhỏ lắm nặng chưa đến 1kg nên phải nuôi trong lồng kính tại bệnh viên sau đó mình mới đưa về chùa. Cái tên Hà Anh cũng là do mình đặt cho cháu".
Có lẽ cảm nhận được hoàn cảnh của mình không được may mắn như những đứa trẻ khác trên đời, nên các cháu rất chăm ngoan không bao giờ vòi vĩnh, hay đòi hỏi gì. Dưới bàn tay chăm sóc của sư thầy Thích Việt Hòa, hàng chục đứa trẻ côi cút không nơi nương tựa đã ngày một lớn lên và trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.
 

“Nhà chùa chỉ ao ước là có thể xây dựng được căn nhà phía sau cho các cháu thoải mái hơn…". Ảnh: TG

Một mình xoay sở
Chuyện chăm sóc con cái thường dành cho phái nữ. Chăm sóc một đứa trẻ đã đủ vất vả, huống hồ lại chăm sóc cả đàn con đang ở tuổi ăn tuổi học; đặc biệt với một nhà tu hành như thầy Hòa.
Mọi chi phí sinh hoạt của cả đại gia đình đều phụ thuộc vào công đức của phật tử nên khó khăn cứ chồng chất khó khăn.
Thầy chia sẻ: "Khi mới nhận các cháu về nuôi, vất vả lắm! Có những đêm có cháu bị sốt, thức trắng đêm để trông cháu là chuyện hết sức bình thường. Để trang trải thêm cho các cháu, nhà chùa tự trồng rau quả,  làm hương để bán".
20 năm qua, các con đều được thầy Hòa nuôi nấng chu đáo, khi đến tuổi đi học các em đều được cắp sách đến trường.
Thầy cho biết: "mình phải làm tất cả các việc từ nấu cơm, đưa đón các cháu đến trường. Cháu lớn thì có thể tự đi còn cháu nhỏ hơn thì phải đưa đón. May mắn, có ba bác phật tử đến chùa, phụ giúp chăm lo cho các cháu".
Khi chúng tôi hỏi về trăn trở của mình, giọng sư thầy trầm hẳn xuống: "Hiện nay chỗ ăn ở, sinh hoạt đã quá tải từ lâu trong khi các cháu lại đông nên rất bí, nhất là vào mùa hè. Nhà chùa chỉ ao ước là có thể xây dựng được căn nhà phía sau cho các cháu thoải mái hơn…".
Niềm hạnh phúc
Trở lại góc trưng bày trong phòng khách nhà chùa, tôi chăm chú xem những bằng khen cùng những tấm huy chương của thầy suốt những năm qua và những bức hình lưu niệm của các em đã từng nuôi dưỡng ở đây. Trong số đó có những em đã lập gia đình hoặc thi đỗ vào các trường đại học cao đẳng, khuôn mặt thầy Hòa rạng rỡ tự hào cho biết: "hiện nay có 16 em đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội, trong đó có nhiều em đã ra trường và đi làm". Đặc biệt trong những người con của thầy, em Nguyễn Sơn Tùng đã từng đạt huy chương vàng Karatedo năm 2009.
Lúc chia tay mái ấm tình thương cũng là lúc các con thầy Hòa đi học về. Nhìn cảnh người cha chạy ra đón các con, chúng tôi rưng rưng!
Có thể cuộc sống của các em đang gặp khó khăn, tình cảm yêu thương bị thiếu hụt nhưng điều này đang dần được lấp đầy dưới mái ấm tình thương của chùa Thịnh Đại..