Trang chủ Tết Việt Phong tục Tâm linh người Việt trong khói hương ngày Tết

Tâm linh người Việt trong khói hương ngày Tết

154

Có thể nói, hương đã len lỏi vào tận cùng ngóc ngách của đời sống và có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam nói riêng và của người châu Á nói chung.

Nghề của cái “tâm” và “cái “duyên”

Công nghệ sản xuất hương đơn giản, dụng cụ có thể tự tạo hoặc mua sắm không tốn kém, nguyên liệu làm hương đều lấy từ thảo mộc, vốn sản xuất cũng không đòi hỏi lớn lắm, thế nhưng không phải ai cũng có "duyên" với nghề này. Nghề làm hương thực sự vất vả và đòi hỏi cái tâm.

Nói về nghề làm hương, có thể kể đến nhiều làng nghề nổi tiếng ở đất kẻ Chợ hay ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, nơi được coi là cái nôi truyền thống chính là làng hương Dốc Lã (Hưng Yên).

Nghề làm hương ở Dốc Lã có từ hàng trăm năm nay, được truyền qua nhiều thế hệ. Theo cụ Nguyễn Văn Các – một gia đình có truyền thống làm hương lâu năm ở làng, Nghề làm hương ở Dốc Lã có từ hàng trăm năm nay, được truyền qua nhiều thế hệ. Các cụ già ở đây kể lại, tổ nghề là cô gái họ Mai, cũng là người Dốc Lã. Cô đẹp người đẹp nết, khéo tay hay làm, lớn lên lấy chồng người Trung Quốc. Một lần trở về thăm quê hương, thấy bà con làng xóm nghèo khổ, cô liền bày cho họ nghề làm hương để kiếm sống. Dần dần, làm hương được coi là một trong những nghề cha truyền con nối của làng. Sau khi được truyền nghề, qua thời gian cùng sự sáng tạo tinh tế, nghề làm hương ở Việt Nam ngày một tiến bộ. Cũng từ đó, nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng.

Chỉ cần bước chân qua cổng làng là cảm nhận được mùi hương trầm thơm ngào ngạt, thanh tao lan toả. Những mẹt, ống phơi tăm tre nhuộm phẩm đỏ rực xòe ra như đóa hoa hàng ngàn cánh. Giàn phơi hương cũng trải khắp trong nhà, ngoài ngõ, màu vàng của bột hương, màu đỏ của chân hương đan xen nhau tạo nên bức tranh rực rỡ.

Người Dốc Lã đã gắn bó lâu năm với nghề làm hương nên từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể đảm nhận tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Chẳng hạn như khâu nhồi bột cần thanh niên, những người có sức khỏe để bột được đều, dẻo; khâu xe, gói hương nhẹ nhàng hơn nên dành cho người già và trẻ em; riêng khâu phơi hương cần đến sự khéo léo của bàn tay phụ nữ.

Để làm hương, chỉ riêng hương liệu đã là sự tổng hợp của gần 200 vị thuốc nam như: đại hoàng, thương truật, mộc hương, xuyên khung, đan bì, cam thảo, đinh hương, tùng tế tân, nhục đậu… Tất cả tán thành bột mịn, pha trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định. Nó tạo nên mùi hương riêng mang đến sự thành công danh tiếng. Anh Phạm Thành, một người thợ trong làng, cho biết: “Tỷ lệ pha chế được các gia đình giữ kín như bí quyết gia truyền bởi khâu này rất quan trọng, nó quyết định đến mùi thơm, độ bền của hương. Mỗi khi xong một mẻ, người thợ phải đốt thử để kiểm tra chất lượng, xem hương có cháy đều, cháy hết không”.

Cũng theo anh Thành, hương có nhiều loại như: nén, vòng, vuốt, sào… Hương nén là loại hương được nhiều người thắp. Que hương có chiều dài chừng 30 – 40 cm, đường kính 2 – 3 mm, cốt làm bằng tre ngâm dễ cháy, phần thuốc bọc quanh khoảng 2/3 chiều dài nén hương, màu vàng hoặc đen, thời gian cháy 20 – 30 phút. Hương vòng cũng dùng thuốc bột như hương nén nhưng trong thành phần được trộn thêm keo do không có cốt tre để đỡ, thời gian cháy lâu hơn (1 – 2 ngày).

Người Dốc Lã vẫn phơi hương trên giàn, dưới trời nắng gió để hương khô đều, màu sắc tươi đẹp, giữ được mùi hương thay vì sấy hương theo phương pháp công nghiệp. Bởi sấy bằng lửa nhanh hơn nhưng hương thường bị mất mùi, xỉn màu, hình thức và chất lượng đều không đạt yêu cầu. Theo kinh nghiệm của người làm hương, nếu nắng giòn chỉ cần phơi 1-2 ngày là khô, trời râm thì phải lâu hơn. Vào lúc trời mưa bất chợt thì không biết chừng nào mới khô, vì thế người làm hương cũng phải biết dự báo thời tiết để quyết định thời gian làm hàng.

Nghề làm hương không cầu kỳ trong khâu chọn người, nhưng không phải ai muốn cũng làm được. Đầu tiên là thu mua nguyên liệu và chế biến bột hương, bụi hương, mùi hương thường làm cho đầu óc căng thẳng, nhiều người không chịu được đã phải bỏ nghề. “Không phải duy tâm, nhưng nghề làm hương liên quan đến tâm linh, thần thánh, vì thế người làm phải trung thực, không được làm uế tạp đến nghề. Bột hương phải chọn loại tốt, đảm bảo chất lượng, đóng gói hương không bao giờ được thiếu dù chỉ là một que”, cụ Nguyễn Thị Phan cho biết. Có lẽ, chính vì điều này mà hàng trăm năm đã trôi qua, dân Dốc Lã vẫn sống được với nghề cha truyền con nối, tuy không giàu nhanh nhưng uy tín lâu bền.

Theo dòng thời gian, một số gia đình làng nghề hương xạ Dốc Lã ra thành phố mở hiệu chuyên bán hương nổi tiếng như Quảng Thái, Vạn Hoa, Hoàng Phát (Hà Nội), Đồng Phát (Hà Đông), Hồng Phúc (Huế), Đồng An Xương (Sài Gòn), Đồng An Mỹ (Hải Dương),… Mùa làm ăn của làng chủ yếu là từ cuối năm đến hết tháng giêng, nhưng quanh năm cả làng chẳng bao giờ hết việc. Hàng làm ra được xuất đi Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, vào TP. Hồ Chí Minh, thậm chí ra cả nước ngoài.

Xuân về dâng nén nhang thơm

Nén nhang thơm dâng đất trời, tiên tổ đã trở thành nét đẹp văn hóa người Việt. Vào khoảnh khắc giao hòa trời đất giữa năm mới và năm cũ, cả gia đình quây quần bên nhau, thắp trên bàn thờ một vài nén hương thơm rồi tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã khuất.

Chẳng biết tục lệ thắp hương có từ bao giờ và do ai sáng lập. Cả đến vua Trần Nhân Tông – vị vua duy nhất trong lịch sử đã xuất gia – cũng thừa hưởng và dùng hương rất nhiều trong mỗi lần đến chùa. Nhiều người Việt xưa có thói quen, khi đi xa về thường thắp hương trên bàn thờ. Với những người sắp đi xa lại cũng thắp hương để mong lên đường an toàn, may mắn. Ngày Tết đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm, chúng ta luôn bắt gặp những hình ảnh rất quen thuộc: Những cụ ông, cụ bà, những nam thanh nữ tú tay cầm hương, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, phúc lộc thọ khang ninh… Đây là một nét văn hóa đẹp được tồn tại từ rất lâu, đem lại cho người ta một sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.

Một nén hương thơm mỗi khi Tết đến, Xuân về để cầu chúc hạnh phúc cho mọi người trong gia đình, để cầu xin bình an trong năm mới và để cho không khí của những ngày đầu năm thêm ấm áp và tươi vui… Nén hương lúc này trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân Việt, góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.