Trang chủ Đời sống Tâm sự Tản mạn về những câu chuyện hạnh phúc

Tản mạn về những câu chuyện hạnh phúc

72

Hạnh phúc là gì? Theo sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 10 thì hạnh phúc “là cảm xúc vui sướng hài lòng của con người trong cuộc sống khi được đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu chân chính, lành mạnh về vật chất và tinh thần”.


Khi có người khen ta thấy “sướng”, khi uống ly bia ta thấy “đã khát”. Đó là cảm xúc vui sướng hài lòng. Nhu cầu thế nào gọi là chân chính, lành mạnh xin để các nhà giáo dục, triết học nghiên cứu. Chỉ biết là nó muôn hình vạn trạng.


Đối với hàng chục ngàn công nhân tha hương cầu thực đón xe ở Xa lộ Hà Nội, từ ngã ba Tân Vạn cho đến ngã ba Vũng Tàu, trong những ngày giáp Tết thì hạnh phúc của họ là lên được một chiếc xe đò, chật thế nào cũng được, và về đến nhà trước giao thừa. Hạnh phúc đó là hạnh phúc về quê ăn Tết.


Trong khoảng thời gian đó, có người hạnh phúc vì mua được chiếc xe hơi đắt tiền, đó là hạnh phúc tự thưởng cho mình. Đối với trên 150 em nhỏ bị nhiễm HIV từ lúc mới lọt lòng thì hạnh phúc là có búp bê, có xe điều khiển để chơi, có áo lạnh bằng len để mặc khi không khí lạnh tràn về và có sữa để uống.


Còn trong thời gian đó, chương trình “Tinh thần Việt Nam hòa cùng thế giới” mô tả từng ngày sinh hoạt của các vận động viên leo núi: hôm nay anh X bị đau vai, anh Y bị bong gân do luyện tập nhiều, ngày mai anh Z bị sốt do cảm lạnh… Đó là hạnh phúc tinh thần Việt Nam hòa cùng thế giới.


Quan niệm về hạnh phúc khác nhau nhiều đến như vậy, thôi thì, ta đành gom góp nhiều đoạn chuyện đời mà nhiều người đã sáng tác, đã biết để làm quà.


***


Chàng trai A đạp xe đi lúc trời đang mưa nặng hạt mà không mặc áo mưa. Anh đi ngang qua một căn nhà thì thấy chàng trai B đang trùm chăn nhìn ra. A rét run, chỉ mong mình được trùm chăn ngồi trong căn phòng ấm cúng như B. Đối với A thì B đang là biểu tượng của hạnh phúc. B cũng rét run, vì đang bị sốt, chỉ mong mình được như B có thể đi ngoài mưa mà không thấy lạnh. Đối với B thì A đang là biểu tượng của hạnh phúc. Ước mong của cả hai đều lành mạnh.


***


Một người Anh sống nhiều năm ở Địa Trung Hải đầy nắng và gió. Lúc nào ông ta cũng nhớ về quê hương, nơi có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Sau ba mươi năm sống tha hương, ông mới được trở về sống ở quê hương. Sống ở Anh là hạnh phúc của ông ta. Đó là hạnh phúc Anh.


Cơn phấn khích nhanh chóng trôi qua, ông lại thấy khó chịu với khí hậu ẩm thấp, sương mù dày đặc. Tay chân ông nhức mỏi vì thời tiết. Ông lại mơ về vùng Địa Trung Hải đầy nắng gió. Đó là hạnh phúc Địa Trung Hải. Ước mong nào của ông cũng là chính đáng.


***


Bé Xoài đang mút cây cà rem. Trông vẻ mặt bé rạng rỡ, vui vẻ. Mọi người nói rằng bé đang hạnh phúc, cái hạnh phúc cà rem của tuổi thơ. Cà rem phần bị tan chảy xuống đất, phần bị dính vào mặt, phần dính vào quần áo, phần bị bé mút vào… bụng, cuối cùng rồi cũng hết. Để giải quyết hậu quả của hạnh phúc cà rem, mẹ Xoài phải rửa tay, thay đồ, giặt đồ… cho Xoài. Hết cà rem thì hạnh phúc cà rem cũng hết.


***


Chị Z. có nhiều sự buồn lòng do cãi vã trong gia đình. Z. nói với X.: “chắc tao đi tu mày ạ”.


X. an ủi: “thôi đừng buồn nữa, đi ăn phở gà… xả ui đi”.


Ngồi trước hai tô phở gà, X. hỏi: “từ bây giờ về sau, mày không ăn phở được không?”,


Í, mày giỡn chơi, phở làm sao mà bỏ được”. Ăn phở hẳn là một nhu cầu chính đáng. Hạnh phúc ăn phở làm sao mà bỏ được. X. kết luận: “phở còn không bỏ được, sao mày đòi đi tu”.


***


Em bé đang thả thuyền giấy trong vũng nước mưa. Một người lớn đi qua nói: “Đừng vọc nước, dơ đồ đó con”. Bé phản ứng lại: “vũng nước này con “xí” từ hồi chưa mưa lận. Không cho bác chơi đâu”.


Nhu cầu “xí” vũng nước của bé cũng rất chính đáng. Đó là hạnh phúc “xí” vũng nước mưa.


***


X nói chuyện với y:


– Trong gia đình, tao phụ trách các việc lớn, vợ tao phụ trách các việc nhỏ.


– Ê, việc nhỏ là gì hả mày?


– Thì việc mua gạo, đi chợ, mua nhà, quyết định cho thằng Tí học trường nào, thầy cô nào.


– Vậy việc lớn của mày là gì?


– Thì các vấn đề về tầng ôzôn, về xung đột giữa các nhận thức, về triết lý giáo dục.


– Việc lớn của mày xa quá không thấy được, việc nhỏ của vợ mày gần quá cũng không thấy được.


– Xa không thấy được thì tao hiểu, còn gần cũng không thấy được là sao hở mày?


– Thì như con ruồi nó đậu trên lỗ mũi của mày, mày làm sao thấy được.


– !!!!????