Trang chủ Tết Việt Phong tục Tết nay đã khác tết xưa

Tết nay đã khác tết xưa

99

Cùng với sự phát triển của đất nước,  tết hôm nay đã có nhiều điểm khác xưa – những sự lo lắng chuẩn bị cho tết cũng đã khác trước rất nhiều.

Nỗi lo tết của ngày xưa

Ngày xưa khi kinh tế còn khó khăn, người dân làm việc vất vả quanh năm, chỉ mong đến ngày tết được đầy đủ, có thể mua tấm áo mới cho trẻ nhỏ. Từ sau ngày cúng ông Táo lên trời là không khí tết đã tràn ngập khắp các nẻo đường, ngõ phố, từ người già đến trẻ con đều háo hức trong lòng, gia đình nào cũng tất bật cho những công việc chuẩn bị tết. Người dân chuẩn bị cho tết từ trước đó cả nửa tháng, đàn ông lo dọn dẹp nhà cửa, đi tìm được cành đào ưng ý, phụ nữ lo mua quần áo cho trẻ nhỏ, lo gói bánh chưng….

Đối với những người phụ nữ, riêng việc chuẩn bị cho nồi bánh chưng đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. Trước tết khoảng một tuần các bà, các mẹ đã phải chuẩn bị mua lá dong gói bánh. Đi chợ chọn được lá dong cho tết cũng rất công phu, lá dong phải là lá bánh tẻ (lá không non, cũng không già quá). Để lá dong dễ gói bà, mẹ phải rửa lá trước khi gói bánh mấy ngày, lau khô rồi buộc vào cột nhà cho héo đi thì gói bánh mới không lo lá bị rách. Có được lá dong ưng ý rồi, phải mua gạo nếp ngon, nếp gói bánh phải chọn loại nếp như nếp cái hoa vàng  hạt to tròn, thơm và dẻo…

Nhân bánh chưng thường là thịt ba chỉ, đậu xanh và tiêu đen xay. Trước kia, khi những nguyên liệu dùng để là nhân bánh chưa có bán sẵn như ngày nay, tất cả những nguyên liệu đều phải làm một cách thủ công nên rất công phu. Đậu xanh là loại đậu còn cả vỏ nên cần ngâm nước cho nở đầy rồi dùng tay bóp nhẹ để lấy hết vỏ. Xóc chút muối và hấp chín đậu, sau đó đánh tơi nhuyễn. Dây lạt để gói bánh cũng được chuẩn bị rất kỹ, lạt phải là loại lạt được chẻ từ cây giang, hoặc cây vầu thì mới chặt, dai và chắc, không lo khi cột bánh bị đứt. Khi bắt đầu những công việc đầu tiên cho nồi bánh chưng là đã có thể cảm nhận được không khí ngày tết đến rất gần.

Tâm lý chung của người Việt là vào năm mới, tất cả đều phải mới để mong một năm may mắn, tốt đẹp hơn năm cũ và người Việt cũng có tục “kiêng” quét nhà trong những ngày tết nên trước tết nhà cửa phải được trang trí, quen dọn rất tinh tươm, sạch sẽ. Trước tết cả tháng, ngôi nhà đã được thay lớp sơn mới. Tục lệ ngày xưa dùng vôi để trừ tà ma, vì vậy quét vôi nhà vào dịp tết không những để làm đẹp cho nhà, mà còn giữ một phong tục xưa. Nếu trong xóm có một nhà quét vôi, thì hầu như mấy nhà chung quanh cũng theo đó sơn phết lại nhà mình. Với lớp vôi mới các ngôi nhà trông sáng và khang trang hơn hẳn.

Tết xưa, dù bận tới đâu người dân cũng sẽ không quên đi phiên chợ tết mua hoa cho tết và cũng không quên mua quần áo mới cho trẻ con. Để chọn được cây mai, cành đào ưng ý trong dịp tết cũng tốn khá nhiều thời gian. Chọn mua được một cây mai, cành đào đẹp ưng ý trưng trong nhà trong dịp tết ngoài ý nghĩa tạo cho cho xuân thêm hương, thêm sắc, còn có ý nghĩa sâu xa là mong ước và hy vọng một năm mới đến sẽ mang tài lộc, sức khỏe và hạnh phúc đến cho mọi người. Thú chơi hoa ngày Tết cũng chính là sự tinh tế trong tâm hồn người Việt. Vì vậy những ngày giáp tết nhà nhà lại tất bật đi chợ hoa.

Những ngày gần tết, có rất nhiều việc phải lo toan, nhưng đó là cái lo của sự phấn khởi, hào hứng. Thường là sáng hai mươi chín âm lịch cả nhà sẽ dậy sớm chuẩn bị gói bánh chưng. Rồi nguyên ngày hôm đó phải có người ngồi canh nấu bánh. Sáng hôm sau khi bánh được vớt ra, xếp gọn ghẽ, mùi bánh thơm phưng phức, báo hiệu Tết sắp tới. Sáng ba mươi, đi phiên chợ cuối cùng của năm cũ, rồi về làm cơm cúng ông bà tổ tiên để sẵn sàng đón ngày đầu năm. Chính những tất bật chuẩn bị cho năm mới như thế khiến không khí tết thêm rộn ràng.

Tết nay có thêm nhiều nỗi lo khác

Hiện nay, ở nhiều nơi, nhiều gia đình do điều kiện kinh tế đã khá giả hơn, nên người lớn, trẻ con quanh năm ăn ngon mặc đẹp, do vậy không còn háo hức đợi ngày tết như trước nữa. Thời kinh tế thị trường , thứ gì cũng bán sẵn, phụ nữ không lo gói bánh, thức ăn sẵn cũng có rất nhiều nên việc chuẩn bị tết đơn giản hơn trước. Tết nay người ta lo nhiều hơn đến việc tàu xe về ăn tết, đi du lịch, rồi vấn đề an toàn thực phẩm…

Tết Nguyên đán là dịp gia đình xum họp nên những người dù tha hương nơi xa cũng cố gắng về ăn tết với gia đình, để được cáo yết tổ tiên, gặp mặt ông, bà, cha, mẹ, anh em, bạn bè. Ngày nay, khi  xã hội ngày một phát triển, những người đi làm, đi học xa gia đình ngày một nhiều, chính bởi vậy mà ngày tết những người ở xa luôn lo lắng đến vấn đề tàu xe. Trong nhiều năm gần đây, cứ  mỗi dịp tết , đến các bến xe, bến tàu hay cả ở sân bay tại những thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM… lại tấp nập hành khách đặt vé từ trước cả tháng vì luôn phấp phỏng ,lo lắng khó mua vé, hết vé… Vậy là tết ngày nay thêm một nỗi lo nữa.

Trong những dịp nghỉ lễ dài như Tết Nguyên đán là dịp các công ty du lịch tổ chức nhiều hơn các chuyến di lịch. Bởi đối với một số gia đình có điều kiện kinh tế thì tết không phải là lúc gặp gỡ, họp mặt mà là thời gian để nghỉ ngơi, đi du lịch. Cũng có lẽ vì vậy, người xưa hay gọi là “Ăn tết” nhưng ngày nay người ta hay dùng từ “Nghỉ tết” hơn. Với kiểu nghỉ tết mới này mà trước tết nhiều người chuẩn bị đặt vé cho các chuyến đi du lịch xa.

Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng lên rất nhiều và đi liền với đó là nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi nhu cầu tiêu dùng lớn, nếu không kiểm soát tốt sẽ là cơ hội để các sản phẩm thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng bung ra thị trường… Với các món đồ ăn sẵn hiện nay, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm: hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ, thịt gia súc, gia cầm bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y, bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa đỏ tẩm ướp hoặc nhuộm hoá chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc… Những phát hiện ấy đã khiến mỗi người dân nơm nớp với nỗi lo mua phải thực phẩm "bẩn". Bên cạnh đó, đáng lo ngại là hầu hết thực phẩm không nguồn gốc đều sử dụng phụ gia, đặc biệt là phẩm màu độc hại, quá liều lượng cho phép. Hiện nay, có những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm ngoài tầm quản lí của cơ quan chức năng khiến cho thị trường vẫn phát hiện các loại thực phẩm không "sạch"…

Ngày tết đến, dù tết xưa hay tết nay vẫn trăm ngàn nỗi lo để chuẩn bị cho tết nhưng nỗi lo đã khác nhiều so với xưa.

Hơn hết, trong ngày tết thời hiện đại, các gia đình lại xum họp bên nhau chắc hẳn cũng thấy nuối tiếc bởi nỗi lo khác đi thì một số nét đẹp văn hóa của cái Tết cổ truyền xưa cũng đã không còn nhiều trong cái Tết  nay.