Trang chủ Tết Việt Phong tục Tết Nguyên đán: Dịp nhớ về cội nguồn, tổ tiên

Tết Nguyên đán: Dịp nhớ về cội nguồn, tổ tiên

81

Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, là dịp rũ bỏ những gì không tốt đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.


Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương Lịch hay Tết Tây, thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch và nói chung kéo dài khoảng 5–6 ngày, tạo điều kiện cho những thành viên gia đình sinh sống làm ăn ở nơi xa có thể về quê vui cảnh đoàn viên ít ngày. Nhưng ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên.


Hai chữ “Nguyên Đán” ( 元旦 ) có gốc chữ Hán; “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “Đán” là buổi sáng sớm. Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân Tiết ( 春節 ), Tân Niên ( 新年 ) hoặc Nông Lịch Tân Niên ( 農曆新年 ).


Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Nhiều người muốn được khấn vái trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Nhiều người cũng muốn thăm lại nơi họ đã từng sinh sống với gia đình trong thời niên thiếu. Đối với nhiều người xuất thân từ nông thôn Việt Nam, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với giếng nước, mảnh sân nhà. “Về quê ăn Tết” đã trở thành thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn.


Tuy là Tết cổ truyền của dân tộc nhưng tuỳ theo mỗi vùng, mỗi miền của Việt Nam hoặc theo những quan niệm về tôn giáo khác nhau nên Tết có thể có nhiều hình thức, nhiều phong tục tập quán (địa phương) khác nhau.


Tất niên


Đối với Tết cổ truyền, dịp tất niên là lúc mọi nhà chuẩn bị cho Tết, mua tích trữ thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Lý do là nhiều hoạt động mua bán sẽ bị ngưng trệ trong và sau Tết, chừng một vài ngày đến một tuần, do mọi người đều nghỉ ăn Tết. Nhu cầu mua sắm vào dịp này cũng một phần là vì các nhà thường chuẩn bị tài chính cho dịp Tết từ năm cũ. Những nhà làm nghề nông cũng tích trữ vật nuôi hay hoa màu từ trong năm cũ cho dịp Tết.


Bước vào bất cứ nhà nào trong thời điểm cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn.


Cúng Tất niên


Sắp dọn bàn thờ


Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn.


Cũng có nhà cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…


Hoa giấy Thanh Tiên là một loại hoa được làm thủ công tại làng Thanh Tiên, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Nghề hoa giấy Thanh Tiên có trong danh mục thống kê về các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19 (theo Đại Nam nhất thống chí) và hiện vẫn còn bảo tồn. Hoa chỉ bày bán trong dịp Tết Nguyên Đán. Ở Thừa Thiên-Huế, hầu như gia đình nào có bàn thờ đều sử dụng loại hoa này để thờ cúng.


Cúng ông Táo


Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình. Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.


Cúng Tất niên


Lúc đầu được hiểu như là hoàn tất (công việc) trong năm, tức cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng nên dần dà, mọi người đều cúng. Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.


Cúng Giao thừa


Cúng Giao thừa hay lễ Trừ Tịch: Theo tục lệ cổ truyền thì “giao thừa” được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.


Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã. Đôi khi có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển. Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc. Bắt đầu vào lúc giao thừa, và cũng kết thúc vào lúc giao thừa.


Theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Cao đài Từ điển giải nghĩa trừ tịch 除夕 thì trừ: bỏ đi, bớt ra, cuối năm; tịch: đêm và Giao thừa 交承 thì giao: giao tiếp và thừa: tiếp tục. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để ” khu trừ ma quỷ”.


Sau khi cúng Giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. Ở Nam bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất. Sau khi cúng xong, xem như Tết thực sự đã đến với gia đình.


Pháo Tết:


Trước đây, đúng vào phút Giao thừa, mọi người thường đốt pháo Tết. Theo lời truyền miệng dân gian, pháo được cho nổ vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỷ của năm cũ (vì người xưa đã tin rằng ma quỷ sợ tiếng động lớn) và chào đón năm mới. Pháo càng dài và lớn, nổ càng lâu, kêu càng to, cháy ra nhiều xác phác pháo và cháy hết thì càng được cho là điềm lành của năm mới. Tuy nhiên do nguy cơ cháy nổ, sát thương và ô nhiễm môi trường mà từ ngày 1-1-1995, pháo Tết đã bị cấm ở Việt Nam. Nay được thay thế bằng bắn pháo hoa do nhà nước tổ chức, hiện chỉ có ở các thành phố lớn do giá thành còn đắt.






Bai viet xuan Mau Ti - click here to read