Trang chủ Tết Việt Phong tục Tết quê

Tết quê

44

Đó là cái tết cách đây hơn 25 năm. Hồi đó, má tôi đã mất, em gái tôi đi lấy chồng xa, nhà chỉ còn lại ba tôi, một ông già ốm yếu và thằng em út 12 tuổi. Làng tôi có tập quán là sau khi cúng đưa ông Táo về trời thì người ta bỏ tất cả những công việc đồng áng để tập trung lo chuẩn bị Tết. Họ sửa sang, trang hoàng nhà cửa, tát đìa làm khô, rọng cá để ăn tết; rồi gói bánh tét, làm dưa kiệu, đi chợ mua đồ…

Hầu hết những công việc này cần đến bàn tay phụ nữ. Thế mà gia đình tôi hoàn cảnh quá neo đơn, thử hỏi ba tôi và thằng Út làm sao lo xiết? Càng nghĩ tôi càng nóng ruột.

Và rồi cầm lòng không được nên tôi bỏ tất cả những dự tính vui tết để lên xe đò đổ đường hơn 100 cây số về quê.

Về đến nhà, tôi thấy ba tôi chạy sấp chạy ngửa lo tết. Thằng Út thì mừng quýnh và rụt rè hỏi xin phong pháo “chuột”. Đã 28 tết rồi mà nhà cửa tềnh toàng và chẳng thấy chuẩn bị được bánh trái gì. Ba tôi bảo: “Năm nay thất mùa, con ơi! Ba chạy lo trả nợ muốn hụt hơi, mình ăn tết nghèo một năm. Đậu, nếp làm bánh ba lo rồi, chiều sắp nhỏ sang gói giúp. Mai ba đi chợ mua mấy trái dưa về chưng bàn thờ”.

Tôi xoay trần ra dọn dẹp nhà cửa, lấy mấy cái bìa báo dán lên, rồi cắt giấy ngũ sắc làm một ít hoa cảnh, màn cửa… Vậy mà chỉ thoáng chốc, căn nhà lá rệu rã, nhện giăng vì thiếu bàn tay phụ nữ trở nên sáng rực. Tuy nó hoa hòe hoa sói một chút nhưng cũng không sao, như thế cũng dễ “bắt mắt” người quê.

Chiều một chút, mấy đứa con gái ở xóm kéo đến. Chúng là bạn của em gái tôi. Năm nay, em gái tôi có chồng xa, tôi cứ tưởng các em sẽ không ghé nhà, vậy mà… Năm đứa con gái xộc vào nhà rồi đi tuốt ra chái bếp, chúng mang theo cả dụng cụ nướng bánh bông lan, bánh kẹp, sên mứt dừa… Một đứa trong đám hỏi: “Bột, trứng gà, dừa… đâu Út? Lấy cho mấy chị làm bánh”.

Chái bếp nhà tôi cứ râm ran tiếng cười nói từ chiều đến tối. Đứa xắt dừa, đứa sên mứt, đứa đánh bột, đứa nướng bánh bông lan. Có hai đứa rảnh tay vào nhà trên cuốn mùng, mền, chiếu, gối… đem ngâm để khi làm bánh xong, cả năm đứa xúm lại giặt. Đám con gái còn bắc nồi lên kho giùm một nồi thịt kho hột vịt mà ba tôi mới đi chia lúa về.

Sáng 29 tết, mấy bà già trong xóm vốn là bạn láng giềng của má tôi lại kéo đến để gói bánh tét giúp. Dì Ba lấy lá chuối, chuẩn bị dây buộc; cô Bảy lo đậu, nếp, mỡ; mợ Út rảnh tay thì dọn dẹp bếp núc… Họ làm tất cả những công việc chuẩn bị tết mà ngày xưa má tôi làm.

 

Gói bánh tét – Ảnh: CTV

Chẳng phải chỉ ở quê tôi mà gần như tất cả xóm làng miền Tây Nam Bộ đều có những hội gói bánh, nướng bánh vạn vần đổi công như thế. Gọi là hội cho nó văn vẻ chứ thật ra 5-7 người rủ nhau làm cho vui. Hội được thành lập không có vận động. Hội ra đời một cách tự nhiên. Cô Bảy đến giúp nhà chị Hai gói bánh, nướng bánh; chị Hai cũng trở lại nhà cô Bảy giúp, riết rồi thành một hội. Nhiều người thì làm nhanh lại vui, tăng thêm không khí tết.

Và khi tập hợp đông người làm, người ta dễ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Chị dạy em, dì dạy cháu, mấy cháu gái 5-6 tuổi đi theo chơi rồi dần dần cách làm bánh nhiễm trong máu thịt. Thế nên,một lớp phụ nữ khéo tay ra đời mà không cần phải học làm bánh ở các lớp hướng nghiệp như học sinh phổ thông bây giờ.

Nhìn các em gái nướng bánh, các cô, dì gói bánh, tôi nghe khóe mắt cay cay. Tôi xúc động bởi hai lẽ. Một là từ ngày má tôi mất, em gái tôi đi lấy chồng xa, căn nhà sau và cái chái bếp của nhà tôi trở nên lạnh tanh như nhà hoang. Bởi thế, tôi nghiệm ra rằng người phụ nữ làm những công việc trầm lặng và hết sức bình thường trong nhà nhưng họ đã thắp lên ngọn lửa đầm ấm của gia đình, làm ra cái hồn gia đình.

Nghe tiếng nói cười của phụ nữ trong chái bếp, tôi cảm thấy buồn tủi và thương nhớ những người phụ nữ trong gia đình mình. Hai là khi nhìn những em, những chị, những má đang thực hiện nghĩa cử xóm giềng một cách cảm động và vô cùng khéo léo, tôi đã nhận ra vẻ đẹp về phẩm hạnh của phụ nữ nông thôn.

Chiều 30 tết, lễ cúng rước ông bà ở xóm tôi bao giờ cũng vui như mở hội. Cả xóm kéo nhau đi từ nhà này đến nhà khác. Mỗi nhà họ chỉ ăn vài miếng, uống 2-3 ly rượu, chừa bụng để còn đi nhiều nhà. Đến giao thừa là ai về nhà nấy để dự lễ thắp nhang mừng tuổi ông bà. Đây là cái nếp của làng tôi có từ rất xa xưa. Tôi đã chếnh choáng hơi men ở nhà bạn nhưng cũng phải chạy về để kịp tắm rửa, thay quần áo mới, cùng gia đình lạy ông bà.

Về đến nhà, tôi thấy mọi người đang loay hoay bày hoa quả, bánh trái, trà rượu lên bàn thờ. Anh Ba tôi đi trực trên xã cũng phải cuốc bộ ba cây số đường đồng trong đêm trừ tịch để về. Chế Hai tôi cũng lội bộ hai cây số sang.

Đối với ba tôi, cúng giao thừa là việc “bất di bất dịch”. Con cái phải về đủ mặt để cúng giao thừa. Lúc hành lễ, ba tôi giống một ông cha cố chỉ huy các con chiên ngoan đạo. Ông tắm rửa sạch sẽ, thay bộ đồ đẹp nhất rồi thắp nhang khấn vái. Sau đó, ông quỳ xuống cùng con cháu lạy bốn lạy trước bàn thờ tổ tiên.

Hồi nhỏ, tôi và anh Ba tôi không “nhập tâm” lắm với quan niệm của ba nên có đôi lần chểnh mảng. Mỗi lần như vậy là ba tôi giận suốt một năm trời. Cách giận của ba không có sự nổi nóng, la rầy mà ông bỗng trở nên trầm mặc.

Chúng tôi đã lớn tồng ngồng, vậy mà ba tôi vẫn mắc mùng cho ngủ. Khuya, ông vào mùng soi đèn đốt muỗi. Lâu lâu anh em tôi về nhà, ba tôi làm gà đãi như thượng khách. Ông gắp cho anh em tôi những miếng thịt ngon nhất mà ông chẳng ăn miếng nào.

Và rồi, với giọng buồn buồn, ông nói: “Ông nội, bà nội tụi bay mãn phần quá sớm, không kịp chăm sóc con cháu nên tụi bay đâu có thấy công lao của ông bà nội. Chỉ có ba mới thấy được miếng đất nuôi sống gia đình mình là do ông bà nội dọn rừng, khai hoang đến tứa máu tay. Má mày cũng vậy, bà nổi tiếng giỏi giang nhưng lại mãn phần sớm quá nên đối với các con, bả không lo lắng chu đáo. Vì vậy, công lao nuôi dưỡng của bả tụi mày không nhớ. Ba thì ba sợ nên ba cố gắng lo để khi ba theo ông theo bà, tụi bay còn nhớ mà giao thừa về lạy trả ơn…”.

Nói xong, ba tôi gắp cho mỗi đứa con trai một miếng thịt rồi nói tiếp bằng giọng ngọt xớt: “Ăn đi con!”. Ba tôi nói đến đâu, anh em tôi nổi da gà tới đó, rồi đâm sợ và không bao giờ dám bỏ buổi cúng đêm giao thừa nữa.

Kể từ đó về sau, hễ chắp tay quỳ trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương là tôi lập tức nhớ đến cái dáng lực lưỡng cầm dao dọn rừng của ông nội tôi, nhớ má tôi trầm mình dưới ruộng sâu trong những chiều mưa cấy lúa để nuôi anh em tôi. Đó là nhân cách, là tâm hồn của những con người biết trước biết sau.

Anh không nhớ công ơn cha mẹ thì làm sao biết đường nuôi dạy con cái. Anh không tỏ tường công lao trời biển của tổ tiên thì làm sao hiểu được đất nước gian truân đến cỡ nào. Đã không hiểu thì không thể yêu. Đã yêu thì nó còn làm ta hiểu và yêu nhiều thứ khác. Ta nhớ ơn mẹ ta như thân cò lặn lội đồng sâu thì ta cũng sẽ nhớ cánh đồng ấy hoài thai hạt gạo để cùng mẹ nuôi ta phổng phao thành người…

Làng tôi xưa nghèo lắm, cả xóm toàn là nhà mái lá vách đất. Nhiều người cả đời không biết Sài Gòn tròn méo ra sao. Thế mà cả làng không nghe trộm cắp, không bao giờ nghe tranh chấp vài tấc đất. Người ta lấy lễ đãi nhau, giữ gìn tình làng nghĩa xóm.

Đạo nghĩa ấy được lưu truyền từ đời này qua đời khác, ăn sâu vào máu thịt người quê. Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh của nông thôn, giúp nông dân vượt qua bao gian nan, hoạn nạn. Để giờ đây, nông thôn còn những thứ quý giá mà con cháu tìm về mỗi lần tết đến.