Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Thị giả

Thị giả

354

Sư chú Thạch Lang chỉ mới xuất gia chưa đầy hai tháng, nên sư chú cảm thấy hồi hộp, không biết phải làm gì cho đúng một thị giả. Hồi còn ở nhà, sư chú chỉ biết làm việc trong nhà, quét dọn, nấu ăn, chăn nuôi, cuốc đất, trồng khoai lan… Sư chú chưa từng săn sóc cho ai, con người bao giờ. Sư chú là người con trai út trong gia đình, nên lúc còn ở nhà sư chú chỉ biết hưởng thụ sự săn sóc, thương yêu của mạ và các anh chị mà thôi.

Cốc… Cốc… Cốc…

– Vào đi con!

Lời nói dịu dàng và ấm áp của Bổn sư như một tiếng chuông tỉnh thức chấn chỉnh lại tâm thần lo âu và hồi hộp của sư chú.

Sư chú nhẹ nhàng mở cửa bước vào phòng Hoa Cau của Thầy mình. Người đang nằm một cách thảnh thơi nơi chiếc võng và đưa mắt nhìn sư chú Thạch Lang. Lúc nào, Thầy cũng nhìn sư chú bằng đôi mắt từ mẫn và thương yêu như một bà mẹ hiền.

Sư chú chưa biết phải làm gì, thì Thầy đã mời sư chú ngồi chơi. Cung cách tiếp xử của Thầy thật là thanh thoát và rộng lượng. Thầy là một vị Hòa Thượng thâm niên, vậy mà đối xử với một sư chú dễ thương ghê! Thỉnh thoảng Thầy tự tay pha cho sư chú một chén trà nóng hổi, thơm tho. Mỗi lần như thế, sư chú đưa hết hai bàn tay và sự kính trọng để tiếp nhận chén trà ấm áp tình người.

Thầy mình dễ thương như thế, nhưng không biết tại vì sao mà sư chú cứ hồi hộp và lo sợ mỗi khi được gần gũi Bổn sư. Chắc chắn Thầy mình có một uy lực tâm linh hùng hậu vô hình nào đó khiến cho sư chú và mọi người phải luôn luôn thận trọng đến khiếp sợ. Mỗi cử chỉ của Thầy đều nhắc sư chú trở về với tỉnh thức và sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Bổn sư khả kính lên tiếng:

– Con nghe bài pháp thoại sáng nay như thế nào?

– Dạ! Kính bạch Thầy, con cảm thấy thấm thía lắm. Thầy giảng kinh Kim Cương sao mà thực tế, gần gũi và dễ hiểu quá đi!

Bổn sư từ tốn nói rằng:

– Người nào trong đại chúng cũng nghĩ rằng Thầy nói riêng cho họ. Con nghĩ như thế nào?

– Dạ! Kính bạch Thầy! Con nghĩ chuyện ấy cũng tự nhiên, dễ hiểu thôi, bởi vì bản chất tâm thức của chúng con rất giống nhau. Chính trong kinh Kim Cương, Bụt đã nói tới điểm này. “Bụt bảo thầy Tu Bồ Đề: Trong tất cả các thế giới ấy có đủ tất cả các loài chúng sinh mà tâm ý các chúng sinh ấy cũng có đủ loại. Vậy mà loại tâm ý nào trong số ấy Như Lai cũng đều biết hết. Tại sao? Tu Bồ Đề, tại vì cái mà Như Lai gọi là các loại tâm ý đều không phải là các loại tâm ý, cho nên mới gọi là các loại tâm ý. Vì sao vậy? Tu Bồ Đề, tâm quá khứ không nắm bắt được, tâm hiện tại không nắm bắt được, mà tâm vị lai cũng không nắm bắt được.’’

Thầy nhìn vào đôi mắt sư chú và thong thả hỏi tiếp:

– Con hiểu như thế nào đoạn kinh ấy?

– Kính bạch Thầy! Theo con hiểu ý của Bụt về đoạn kinh này là chúng con tuy khác nhau về tính nết, lớn lên khác môi trường, khác gia đình, có những ước mơ, tình cảm, suy tư khác nhau, nhưng dưới chiều sâu tâm thức của chúng con đều có những hạt giống buồn giận, thương ghét như nhau. Người có hạt giống sân hận mạnh, người có hạt giống ái dục mạnh, người có hạt giống si mê mạnh… Nhưng chúng con đều có đầy đủ tất cả các loại hạt giống trong tàng thức. Bởi thế Thầy nói gì cũng trúng bệnh của chúng con hết.

Nghe chú nói như thế, Thầy không nói gì mà chỉ mỉm cười biểu lộ niềm vui.