Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Thời gian với giao thừa

Thời gian với giao thừa

71

Không hiểu Đoàn Phú Tứ, một nhà văn tài năng một dịch giả uyên thâm, suốt đời chỉ làm một bài thơ độc nhất rồi chỉ viết văn mà không bao giờ làm thơ nữa, ông viết rằng:

Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian thanh thanh.

Lại còn chú thích rằng tím ngát chứ không phải tím ngắt thì ông nghĩ thế nào, thấy một thứ thời gian có màu và hương trong hoàn cảnh nào?

Nhà khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, một nhà thiên văn lỗi lạc của thời nay, của Việt Nam và của nước Pháp, ông đã tìm ra một ngôi sao mới cách trái đất ba vạn năm ánh sáng. mà ta biết một giây ánh sáng đã là ba mươi vạn cây số, không hiểu khoảng cách, con đường xa muôn triệu dặm ấy được đó bằng thời gian như thế nào trong khối óc một con người Việt Nam, tuy xa đất nước nửa thế kỷ nhưng vẫn luôn thuần khiết Việt – Nam – Hồn…

Phút giây giao thừa, thời gian vẫn một dòng tuôn chảy không hề ngừng nghỉ, đứt đoạn, nhưng ta vẫn cảm thấy có một cái gì ngừng lại, vừa mới mất, vừa đang đến, vừa ở lại, vừa thêm ra, vừa giầu lên trong ta. Bước ai đi ngoài kia trống giục và mưa bay, trong niềm xuân phơi phới, có phải là bước của thời gian. Trong này, hoa và hương, đèn và nến, tỉnh và mộng, thực và ảo, người ta yêu và người yêu ta đang hàm tiếu một loài hoa … có phải đó là hình ảnh của thời gian.

Nguyễn Du từng viết: Ngày vui ngắn chẳng tầy gang

Nhưng ông cũng viết: Ba thu dọn lại một ngày dài ghê…

Thì thời gian có là chất đàn hồi co dãn, vô lượng… Nhưng còn khốn khổ hơn nhiều là kẻ mất tự do, nằm trên cái sàn xi măng lạnh buốt, co ro trong nỗi dằng dặc khắc khoải của sự ăn năn và nuối tiếc: Một thân tù:

Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại

Một ngày yêu nhau không gặp đã dài bằng ba năm. Nhưng một ngày trong lao tù là một nghìn năm mới thấy hết nỗi thời gian là kinh hoàng. Mong sao đừng ai lầm lạc để phải lâm cảnh nghìn năm trong mỗi ngày như thế, không còn biết sáng trưa chiều tối ra sao qua cái lỗ đưa cơm nhỏ xíu lạnh băng nỗi cô đơn vò xé…

Tháng Chạp bao giờ cũng đi nhanh khiến ta phấp phỏng nỗi đợi chờ hồi hộp, nhưng cũng chừng ấy ngày, sao tháng Giêng sau Tết, thời gian dầm dề làm vậy? Chiếc đầu tầu hết hơi nước chăng nên cái bánh đà quay mệt mỏi. Thoáng một cái đã rằm tháng Chạp, bừng mất ra đã tết ông Công ông Táo, loáng thôi mà đã 30 tết, giao thừa… Còn sau Tết, lâu thế nhỉ mới đến Nguyên tiêu cho vãi già lên chùa, cho ta trẩy hội, cho người mang tình ta trong câu ca hò hẹn đến chỗ gọi là tim… Và chờ mong như bất tận, tháng Giêng mới giã tử để nắng non và gió nồm vào cuộc…

Có phải cái lúc 11h30 đêm Ba mươi tết là một ông già lụ khụ, đã có số tuổi triệu, nghìn triệu, với bộ râu vòng quanh trái đất kín cả núi cao và đại dương mà chưa hết, còn phút đầu tiên sau 12 giờ đêm là nàng gái tóc.còn đẫm sương, hài vương lá cỏ, tà áo thoảng bay hương, trẻ như vừa khai sinh, trẻ như lần đầu tiên ta soi nhau vào mắt, trẻ như giọt nước mới sa nguồn. Ông già và nàng gái gặp nhau, chúc mừng, chia tay, bàn giao, cười và khóc, đi và ở… và tất cả đều để cho ta hạt bụi giữa cuộc đời nhưng vĩ đại, vô song vì được gọi là người.

Ta đo đơn vị thời gian bằng tuần nhang và cây nến. Khói nhang thành con rồng vươn vai lan tỏa. Cây nến tạt gió khuya nên nhỏ lệ âm thầm. Có bóng thời gian trong đó, Nguyễn Du (lại Nguyễn Du) từng than thở bi phẫn:

Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tần thành một cố cung

Nghìn năm, những lâu đài cũ đã thành đường cái quan, một bức thành mới làm mai một tu mờ những cung điện ngày xưa. Ta nghe thấy thời gian xê dịch trong tâm hồn thi sĩ và thời gian hình như có lỗi đã làm thay đổi mặt đất. Nhưng nay không thể thế. Ta mừng vì mỗi ngày mỗi tháng, thời gian góp mặt bằng những công trình làm đổi thay những gì trì trệ ngưng đọng của thời gian, mà giao thừa là lúc ta với thời gian trò chuyện tri kỷ tri âm, ồn cố tri tân.

Năm qua, có một lần ta bị cái bọng răng làm khổ. Sao cái đêm ấy nó lê thê làm vậy? Đến bao giờ những chiếc kim đồng hồ mới mang sức con ngựa lưu tinh, xích thố để đưa ta đến bình minh, gặp ông nha sĩ, mặc dù ngày thường, ông nha sĩ còn đáng sợ hơn ngáo ộp với trẻ con. Vì ông đục ông mài, ông cầm ống kim tiêm bằng kền, cái kim bằng thép, bắt ta há miệng để ông hành tội. Thời gian tấy lên, xua tan giấc ngủ chập chờn. Thời gian ám ảnh, thời gian nung mủ trong ta…

Và ngày ta nhận tin người bạn từ trăm xa sẽ về thăm. Thành phố không có con chim khách lích tích đôi chân nhỏ trên cành, nên ta đành chờ qua tiếng cô bé rao bánh mỳ buổi sáng, anh bánh khúc ời ợi khuya sâu, cho thời gian nhanh lên một chút, nói như Xuân Diệu:

Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi…

Con đường cao tốc lên sân bay đã gần thêm được 14km vẫn là lămg lắc, mệt nhoài, mỏi mắt. Mãi chưa thấy dòng chữ trên bảng hiệu gọi giờ máy bay hạ xuống… Bao nhiêu điều thời gian cháy lên thành khói làm khô cả cổ, đắng cả miệng, cay cả lòng trong nỗi trông chờ khao khát. Những người mẹ già chờ con ra đi biền biệt, những người vợ trẻ ngóng chồng hun hút đâu đâu thời gian có dài như thế, có đong đầy lên hoài vọng như ta? Có lẽ nó nhắc ta tới một hôm xưa có người chồng trẻ gõ đế giày cồm cộp ngoài hành lang nhà đẻ, nghe tiếng rên rỉ kêu than của vợ mình trong cơn tái tạo loài người, trong niềm vui và nỗi đau sinh nở. Thời gian đã ngừng lại sau cánh cửa đóng kín, chỉ có bóng áo trắng và lách cách dao kéo, còn ngoài này là rùng rợn hồi hộp, lo âu như cả trái đất đang nghiêng ngửa chao đảo.

Giao thừa cũng là một sinh nở, có đau không, có vui không, hỡi thời gian vừa rất xưa vừa rất mới?

Và cũng thật lạ lùng, thời gian mang sức của mũi tên, độ tốc hành của cơn bão cấp không đo được khi hai người đi bên nhau trong bóng cây đem hẹn. Hoa gì thơm trên tóc vậy, hay chính là hương thời gian mà Đoàn Phú Tứ đã cảm nhận, đến lượt ta, ta ngỡ ngàng thấy trong đôi mắt người yêu có hai vầng trăng vừa mọc đã lặn vào bóng rợp: đến lúc phải chia tay.

Nhà văn Nga gốc Do thái nói: "Thời gian ủng hộ chúng ta”. Ta hai mươi tuổi thời gian hoàn toàn ủng hộ nhưng bạn ta sáu mươi, nằm trước ngưỡng cửa của tâm can tỳ phế đang bị thời gian tàn phá, thì thời gian nói gì trong đêm bệnh viện, trên chiếc giường cũng trăm người đã ngủ, có người còn ngủ vĩnh viễn không bao giờ dậy nữa, hơi vẫn ám vào chăn chiếu?

Thời gian ấy là cũ hay mới, mà giao thừa thì bao giờ cũng tinh khôi như lửa hoàn nguyên mảnh thủy tinh thành chiếc bình pha lê lóng lánh nhất đời?

Không hiểu phải cần bao nhiêu năm để con rắn, loài bò sát biến thành con chim biết bay mà dấu tích còn lại là hàng vẩy trên đôi chân chim? Thời gian là điều ta không dễ gì hiểu được, nó bắt đầu từ đâu, bao giờ và sẽ chấm dứt ở đâu, lúc nào? Ta đang ở quãng giữa hay phía đầu phía cuối? Gần một trăm lần giao thừa của mỗi đời ta, thật ngắn ngủi, nếu so sánh thì trăm xuân ấy có bằng một cái chấm đầu bút chì so với đường xích đạo vòng quanh thân trái đất? Thế mà có người còn phí hoài thời gian của mình, tự đốt mình thành tro ma túy, trong men rượu, trong tội phạm, trong những cái gọi là "giết thì giờ". Thì giờ hay thời gian có tội gì đâu mà ta giết nó, hỡi người bạn mến thương đang cùng ta chung một giao thừa.

Bạn đọc từ đầu bài trong năm cũ đến đây có khi đang sang năm mới. Con Tuất đã qua, con Hợi đã tới. Ta thêm một tuổi, ta thêm thời gian hay bớt đi thời gian của cuộc sống, chỉ mình ta biết, mình ta hiểu, mình ta cảm. Thời gian là đồng minh hay kẻ thù, tùy thun vào ta, nó nhanh hay chậm, nó là mũi tên hay con sên, cũng do ta, nông dân hay thi sĩ, nhà khoa học và anh khờ… mà thôi.

Dù sao thì cũng mừng nhau ta có thêm một giao thừa, mốc thời gian cụ thể của cuốn lịch đời ta quý báu.