Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Thương lắm vị tết xưa

Thương lắm vị tết xưa

51

Rồi thật ngẫu nhiên, câu chuyện phiếm của chúng tôi chuyển sang chủ đề tết. Cô bạn đi bên níu tay tôi xuýt xoa: "Giá tết mà cứ đi thế này thì thật hay. Tớ chẳng muốn về quê sớm làm gì. Ba ngày tết ở nhà chán phèo!”.

Kể câu ấy cũng không có gì lạ, ngược lại đó còn là cảm nghĩ chung của chúng tôi lúc đó. Bởi dẫu không ai nói ra, nhưng chúng tôi đều cảm thấy một điều: dường như phong vị tết quê nhà đang nhạt dần theo thời gian!

Và tôi cũng thèm lắm cái không khí tết một thời đã xa. Cũng vì vậy mà lòng thoáng buồn.

Ngày nhỏ, cứ nghe người lớn nhắc tết sắp đến là lòng tôi háo hức lạ lùng. Thế nào mẹ cũng mua cho tôi bộ quần áo mới. Với những đứa trẻ nghèo, quen mặc quần áo cũ của anh chị thì một bộ quần áo mới của riêng mình để xúng xính trong ngày đầu năm là cả giấc mơ.

Tôi vẫn bật cười mỗi khi nhớ cảnh năm bảy đứa chạy lăng xăng ngoài ngõ khoe nhau áo quần: "Không phải của thừa đâu nhé! Áo mới toanh, tớ mặc vừa như in đây này!”. Thế là dẫu còn một tháng nữa mới hết năm, tết như đã gõ cửa những tâm hồn thơ dại.

Ngày nay, những đứa trẻ vẫn thích được mua quần áo tết, nhưng cái háo hức đã vợi đi nhiều, bởi với chúng, đó không còn là món quà mơ ước mà một năm chỉ có một lần.

Tôi nhớ ngày xưa những ngày cuối đông hửng nắng, sân nhà nào cũng lủng lẳng những bó hành, bó cần đợi được muối dưa.

Ngày cuối năm, tiếng lợn kêu inh xóm. Những gia đình đông anh em thường chung nhau một con lợn ngày tết. Bọn trẻ chúng tôi hò nhau: ”Nhà ông B. đụng lợn chúng mày ơi! Sang xem thôi!”.

Ngày cuối năm, rặng tre xao xác, cánh bèo mặt ao theo sóng dập dềnh. Trong ngõ ngoài ao nhộn nhịp tiếng người bàn chuyện tết, tiếng xoong nồi loảng xoảng, tiếng cá bì bõm đớp những váng mỡ gà nổi trên mặt nước.

 

Ngày cuối năm, bên nồi bánh sôi sùng sục, người lớn ngồi chuyện trò rôm rả, trẻ con túm tụm bên than hồng để nướng khoai.

Gió liu riu, ngọn lửa chốc lại bùng lên soi những khuôn mặt nhọ nhem đang xuýt xoa thổi miếng khoai nóng hổi.

Đêm ấy, trẻ con ngủ lăn bên bếp, mẹ có “đào” dậy cũng cứ khăng khăng trong cơn ngái ngủ:” Ứ, con phải nằm trông bánh”…

Ngày cuối năm, bọn trẻ loăn quăn bên ông, bên bố phụ gói bánh chưng. Những lá dong xanh mượt, những âu đậu vàng ươm, thúng gạo trắng ngần, từng miếng thịt mỡ béo ngậy… đều trông ngon mắt vô cùng.

Ngày cuối năm, mẹ lúi húi bắc nồi nước lá mùi thơm ngát, giục con ra tắm. Kể cũng buồn cười, có đứa lười tắm, sợ nước cực kỳ, hằng ngày người lớn giục mỏi miệng cũng chẳng chịu rửa chân, vậy mà hôm đó lại ngoan ngoãn cho mẹ kỳ cọ.

Ngày cuối năm hương trầm thơm ngát, mẹ tôi cùng chị tôi thu dọn cửa nhà. Tôi lúi húi bên bàn, cùng mấy đứa hàng xóm ngồi vẽ cành đào hay cắt giấy điều làm hoa rồi đính lên cành mận. Hồi ấy nhà nào chơi đào, quất kể cũng là sang, và vì càng hiếm có nên chúng càng làm ngày tết thêm đặc biệt.

Nồi bánh chưng tuổi thơ! Giấc mơ Lang Liêu đêm 30 tết năm nào giờ đây càng xa vắng. Cái cầu ao ngày tết, tiếng lợn inh ỏi cuối năm… đã thành quá khứ. Ngày nay người lớn bận làm ăn, chiều cuối năm còn tất bật với công đồng áng, hàng hóa. 

Bánh chưng xanh, giò chả, thịt gà, đào quất, kẹo bánh… hầu như không nhà nào thiếu nhưng tất cả những thứ ấy đều thiếu hơi ấm gia đình, thiếu cái ước vọng thiêng liêng từng gửi vào trong đó. Làng ngày một vắng, phần vì thanh niên đi làm ăn xa hoặc lấy vợ cưới chồng biền biệt nơi đất khách, phần vì trẻ con ngày một ít, thiếu tiếng cười giòn ríu rít ngoài sân. Tôi nhớ mồng một tết năm kia, bác hàng xóm nhìn mấy đứa trẻ nhà bên, chạnh lòng rưng rưng khóc: ”Nuôi con nuôi cháu lớn, giờ nó đi biền biệt, tết cũng chẳng thèm về với hai thân già này”. Còn tôi, trước bàn thờ ông, không khỏi bùi ngùi. Từ ngày ông đi, chẳng còn cảnh ấm cúng cả gia đình quây quần gói bánh chưng.

Ngày xưa, trẻ con vui vì được mừng tuổi. Mỗi bao lì xì 500đ, 1.000đ người lớn trao dù chẳng đáng là bao nhưng đứa nào cũng sướng vì kèm theo đó là lời chúc: “Chóng nhớn, học giỏi”. Tiền ấy, bố mẹ chẳng dám cho con cầm vì lũ trẻ chúng tôi ngày ấy ngố đâu biết tiêu tiền.

Bây giờ trẻ con vui vì được tiền mừng tuổi nhiều hơn, và chúng cũng khôn hơn chúng tôi ngày xưa. Không ít đứa trẻ ngày nay khi người lớn chưa kịp rút bao lì xì đã thắc mắc: “Sao bác không mừng tuổi cháu?”. Không ít đứa nhận được tiền còn giở ra đếm và chê ít. Buồn thay, một nét văn hóa đẹp đang biến đổi, hình thành mưu cầu vật chất trong lòng con trẻ! Buồn thay hương sắc thiên nhiên xưa vẫn còn mà vị tết đang phai!