Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Thùy Trang: Bình an và hạnh phúc nhờ đạo Phật

Thùy Trang: Bình an và hạnh phúc nhờ đạo Phật

355

Nhóm phóng viên www,phattuvietnam.net xin tường thuật buổi phỏng vấn nhân dịp CLB TNPT HCM giao lưu với Chị.

PV: Chị có thể chia sẻ đôi chút về nghề ca hát và các thành công mà chị đã gặt hái được?

CS Thuỳ Trang: Thuỳ Trang đã theo nghiệp ca sĩ được 18 năm, những gì đã gặt hái được tuy không phải là quá rực rỡ hay có sự nổi trội một cách rõ ràng như các ca sĩ trẻ hiện nay, nhưng Thuỳ Trang cũng có được một vị trí trong lòng công chúng của dòng nhạc mà mình đã chọn. Có thể đó là một duyên lành lớn, khi các chương trình biểu diễn của mình, thường rất ít quảng cáo hoặc ít được thông tin đại chúng, nhưng luôn được khán giả, nhất là Phật Tử ủng hộ và dành cho Thuỳ Trang một sự quan tâm nhất định.

Ca sĩ Thùy Trang lễ Phật trước khi giao lưu với CLB TNPT TP.HCM

PV: Nhân duyên nào đã đưa chị đến với Đạo, và vì sao chị lại lựa chọn các bài hát ca ngợi tinh thần Phật Giáo để biểu diễn?

CS Thùy Trang: Lúc nhỏ, Thuỳ Trang thường hay theo mẹ đi Lễ Chùa. Khi đó, Thùy Trang chỉ biết lễ Phật và cầu nguyện điều an lành đến mà thôi, chứ cũng chưa có tìm hiểu gì sâu hơn về giáo lý. Sau khi mẹ mất, thì Thuỳ Trang thường hay đi với chị của mình và bắt đầu quy y từ đó. Trang có một duyên may là thường được các quý thầy mời tham gia biểu diễn văn nghệ, nhưng lúc đó, Trang lại có một suy nghĩ như thế này : Chùa chiền là nơi thanh tịnh, trang nghiêm, mình mà biểu diễn thì sẽ gây ồn ào không phù hợp, nên thời gian đầu, Trang không dám nhận lời.

Cho đến khi, có một nhạc sĩ, mời mình đi thu âm bài hát "Tụng Kinh Hồi Hướng Công Đức", Trang mới nhận ra đây chính là các bài kinh mà mình vẫn hay đọc hồi còn nhỏ. Nhưng khi chuyển các bài kinh này qua nhạc, thì Trang lại thấy ý nghĩa các bài kinh trở nên gần gũi và dễ đi vào lòng người hơn. Trang thấy mình vẫn có thể hát mà không làm mất đi cái trang nghiêm, thanh tịnh vốn có của chốn Thiền Môn. Trang có thể dùng lời ca tiếng hát của mình để cúng dường và truyền tải cảm xúc về Đạo đến mọi người. Và từ đó, Thùy Trang đã bắt đầu dùng lời ca tiếng hát của mình cúng dường Chư Phật và truyền tải niềm tôn kính Phật đến các khán giả của mình.

PV: Chị thường chọn các bài hát dân tộc để thể hiện. Xin chị cho biết vì sao lại đi theo dòng nhạc này khi mà xu thế hiện giờ là nhạc trẻ, sôi động?

CS Thùy Trang: Trang xuất thân từ một nghệ sĩ cải lương. Từ nhỏ, ba của Trang biết sử dụng các nhạc cụ dân gian như đàn bầu, đàn cò… Thấy con mình có năng khiếu ca hát nên cũng dạy các bài hát nho nhỏ. Lớn lên một chút thì có mời thầy về dạy thêm.

Cho đến một hôm, Trang tình cờ thấy Trường Sân Khấu có thi tuyển vậy là Trang đi thi, thi đậu loại A, nhận học bổng rồi xin gia đình đi học cái mình yêu thích.

Sau đó, bên Nhạc Viện họ có ý thành lập một nhóm nhạc dân tộc, trường Sân Khấu gửi Trang qua cộng tác. Trang bắt đầu bước qua dòng nhạc dân tộc từ đó. Hình như Trang được Tổ đãi thì phải, từ khi hát nhạc dân tộc, Trang có rất nhiều may mắn, như được chọn làm đại diện tham gia Festival Châu Á, dù năm đó, có rất nhiều nghệ sĩ lớn như : Đình Văn, Bích Phượng, Ngọc Điệp, Ngọc Yến. Rồi sau Festival đó, Trang lại được biểu diễn dòng nhạc dân tộc tại cuộc thi Hoa Hậu Hàn Quốc…

Trang nghĩ ở thời nào cũng có người thích những ca khúc mượt mà, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước. Những ca khúc trữ tình sâu lắng như vậy, lúc nào cũng có một vị trí nhất định trong lòng khán giả. Nghĩ vậy nên Trang quyết định chọn dòng nhạc phù hợp với tố chất của mình. Dần dần, Trang khẳng định vị thế, cũng như có một đối tượng khán giả dành riêng cho dòng nhạc của mình, mà không phải chạy theo xu thế.

PV: Người ta thường nói, người nghệ sĩ như một con tằm nhả tơ, phải lấy tâm tư, trải nghiệm của mình vào các tác phẩm của mình. Vậy, với tư cách vừa là một nghệ sĩ, vừa là một Phật tử, chị nghĩ sao về điều này, xin chị chia sẻ?

CS Thuỳ Trang: Thuỳ Trang thấy, chữ "Nghề", dường như ông trời đã định sẵn cho mỗi người. Vừa là nghề mà cũng vừa là nghiệp vậy. Mình cũng như bao người khác, cũng phải đi làm, kiếm sống như bao người khác mà thôi. Tuy nhiên, đã làm thì mình phải làm hết sức, hết lòng với niềm yêu nghề.

Trang thường tâm niệm câu “Vun phân tưới nước cho cây, thì mình sẽ hưởng quả ngọt”. Đây cũng là một chân lý, trong mối tương quan nhân quả mà Trang cảm nhận được từ đạo lý của nhà Phật, rồi áp dụng nó như một kinh nghiệm vào nghề nghiệp của mình và cuộc sống.

PV: Ngoài việc ca hát thiện nguyện như trên, chị có áp dụng những điều Phật dạy vào cuộc sống không ạ? Nếu có, xin chị cho biết giáo lý Đạo Phật đã có tác động như thế nào đến đời sống của chị?

CS Thùy Trang: Thùy Trang biết đến Đạo là do truyền thống tâm linh của gia đình. Hơn nữa, Trang nghĩ việc dùng lời ca tiếng hát của mình cúng dường, đó cũng giống như việc mình gieo trồng công đức, báo đáp ân của Tam Bảo. Mọi thứ đều xuất phát từ tấm lòng.

Thùy Trang thường hát ở rất nhiều chùa, và Trang nhận thấy, mỗi năm, số lượng tín đồ Phật Giáo ngày càng đông và lớn mạnh hơn nhiều so với năm trước đó. Nhìn họ thành tâm chắp tay với Đức Phật, Trang cảm động lắm. Hình ảnh này đã gieo vào Trang một suy nghĩ, mình đi biểu diễn, dù có bận lắm, cũng dừng lại, chắp tay Lễ Phật một chút.

Và từ đó, Trang nhận ra rất nhiều điều màu nhiệm trong cuộc sống. Đúng như lời Phật dạy, gieo niềm tin bạn sẽ gặt hái nhiều phép màu. Cuộc sống gia đình của Trang rất hạnh phúc. Đặc biệt là Trang nhìn thấy tâm của mình thay đổi rất nhiều, bình an hơn.
Như các bạn đã biết, nghề ca sĩ là một nghề cạnh tranh rất khốc liệt, một sân khấu không thể có hai ngôi sao cùng nổi tiếng như nhau được.

Rồi chuyện mất show diễn, bị bạn diễn giành mất buổi diễn… cũng vẫn xảy ra, nếu như trước kia, Trang sẽ buồn lắm, thậm chí có chút ganh tỵ nữa. Nhưng nhờ có Phật Pháp, đọc hiểu kinh Phật, Trang mới bỏ được cái tật xấu nay đó. Trang làm theo lời Phật dạy, xem thành công của người khác cũng như là của mình vậy, nên Trang không còn buồn nữa.

Trang thấy việc được –  mất không còn quá quan trọng với mình như trước nữa, mà cái quan trọng là tâm hồn của mình như thế nào, chỉ cần hết lòng và yêu nghề là được rồi.

PV: Chị có thể chia sẻ cùng các bạn về sự màu nhiệm của Phật Pháp trong cuộc sống được không ạ?

CS Thùy Trang: Thùy Trang xin chia sẻ với các bạn 1 câu chuyện có thật, là chuyện của một anh ca sĩ, rất than với Trang. Câu chuyện của anh làm Trang rất xúc động và tác động nhiều đến niềm tin kính Phật của Trang.

Anh ca sĩ này, trước đây rất được mọi người ái mộ. Nhưng cuộc sống nghệ sĩ chắc các bạn cũng biết, sau ánh hào quang thì thường có nhiều điều bất cập. Anh chàng này, sau giờ ca hát, thường phung phí tiền bạc vào các cuộc vui chơi, trác táng. Tiền bạc kiếm ra rất nhiều, nhưng nghề ca sĩ rất khắc nghiệt và chỉ có một thời, nên chẳng lâu sau, anh ta lâm vào tình trạng túng quẫn, không ai mời đi hát nữa. Đến mức không có tiền lo cho mẹ, phải rao bán nhà. Khi đó, anh ta mới đến trước mẹ Quan Âm khóc và dâng lên mọi tâm tình của mình. Anh sám hối xin làm lại cuộc đời, mong muốn đóng góp lời ca tiếng hát của mình vào những việc có ý nghĩa hơn.

Mà thật là màu nhiệm, quả nhiên, ngay sau đó anh nhận được rất nhiều lời mời đi hát, cuộc sống ổn định hơn.

Anh thay đổi cách sống, khác hẳn và sống có ích hơn. Anh phát nguyện sẽ luôn mang lời ca tiếng hát cúng dường, đền ân Tam Bảo.

Đó là một trường hợp mà Trang thấy và cảm nhận được sự màu nhiệm của Phật Pháp, không chỉ đến với Trang, mà với bất cứ ai có niềm tin kính, học theo Ngài.

PV: Với các bạn trẻ ngày nay, chị có chia sẻ gì thêm không ạ?

CS Thùy Trang: Từ kinh nghiệm sống của Thùy Trang, Trang khuyên các bạn một câu “Hãy vun phân tưới nước cho cây, bạn sẽ hưởng quả lành trái ngọt”. Các bạn nếu có điều kiện, thì nên đọc kinh Phước Đức, làm việc thiện, niệm Phật thường xuyên, bạn sẽ thấy có rất nhiều điều màu nhiệm đến với mình. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý sức khỏe. Có sức khỏe và tấm lòng thì thành công sẽ tự tìm đến với mình.

PV: Xin cám ơn Chị Thuỳ Trang buổi trò chuyện đầm ấm và giản dị. Chúc chị ngày càng có nhiều niềm vui và thăng tiến hơn trong công việc.