Trang chủ Thời đại Tìm hạnh phúc từ bên trong

Tìm hạnh phúc từ bên trong

Harsha Nagaraju là một người Ấn Độ sinh sống ở TP Mysore, không xa đô thị Bangalore lớn nhất ở miền Nam Ấn. Khoảng 15 năm trước, Harsha đã từ bỏ công việc của một kỹ sư hóa học để sống cuộc đời “du mục” sau khóa thiền Vipassana 10 ngày.

151

Xê dịch tới tỉnh thức

Không chỉ từ bỏ công việc và ngành nghề được đào tạo, chàng thanh niên sinh ra trong một gia đình Ấn giáo truyền thống này còn thoát ly cả đức tin Hindu để đi theo Phật giáo Tây Tạng. Những chuyến xê dịch đưa Harsha đến Bắc Ấn Độ, vùng đất có văn hóa và lối sống khác xa so với Nam Ấn. Harsha như được mách bảo đã tìm được nơi mình thuộc về, bên những rặng núi tuyết Himalaya thân thuộc.

Tôi gặp Harsha tại Dhramsala, một thị tứ ở vùng hạ Himachal Pradesh, vào mùa thu 2016. Đó là chuyến đi để tôi tham gia một khóa học thiền. Từ lần gặp gỡ đó, tôi và Harsha kết nối mạnh mẽ rồi trở nên thân thiết. Tôi mời Harsha tới TPHCM vào cuối năm 2016 khi tôi bắt tay tạo dựng Ngôi nhà Văn hóa Tây Tạng Om Himalayas. Tôi đồng cảm sâu sắc và sẻ chia được với Harsha nhiều điều vì năm 2014 sau chuyến xê dịch đến Nepal – Tây Tạng, tôi cũng từ bỏ công việc viết báo để trở thành một kẻ “du mục” quanh rặng Tuyết sơn.

Sau này tôi không còn đi Himalaya đơn độc mà thường chia sẻ những chuyến đi về vùng đất này đến nhiều người. Tôi nói với các bạn đồng hành: “Những chuyến đi đến Himalaya có thể thay đổi cuộc đời bạn theo cách nào đó. Thay đổi đầu tiên có thể đến từ một bài học giúp ta thức tỉnh”. Và thực tế, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi, cả những biến cố, những thăng trầm. Nhưng vui hay buồn, khổ đau hay hạnh phúc, thăng hoa hay gục ngã đều là những trải nghiệm, những bài học có giá trị mà ở đó nếu một người học được bài học biết ơn cả những vấp ngã, những khổ đau, họ có thể xê dịch đến với một đời sống an vui, thức tỉnh.

Khi người Bhutan bối rối

Người Việt trong những năm gần đây thường chọn Bhutan là một điểm đến vì thương hiệu “Đất nước hạnh phúc”. Nhiều người tò mò ở đất nước hạnh phúc, người ta sống như thế nào? Tôi đã đến Bhutan nhiều lần, tiếp xúc và trò chuyện với người Bhutan sống ở thành phố lẫn những vùng hẻo lánh trên núi cao. Họ tôn trọng những giá trị hạnh phúc mà quốc gia mình vun đắp. Thậm chí, Bhutan còn không thích khách du lịch đến đất nước mình vì họ nghĩ rằng đời sống của người dân Bhutan có thể bị “ô nhiễm” bởi những vị khách chất chứa quá nhiều khổ đau, căng thẳng và bất mãn. Nhưng vài năm gần đây, có vẻ người Bhutan… đang bối rối. Giới trẻ Bhutan, những người muốn đi ra bên ngoài xem thế giới định nghĩa hạnh phúc có giống mình không, đang muốn thực sự tìm kiếm những giá trị phù hợp với họ.

Khi đi chậm rãi ở những giao lộ không đèn giao thông tại Paro, Thimphu (2 thành phố lớn nhất của Bhutan), tôi nhận ra, không thể lấy công thức hạnh phúc của người Bhutan để ứng dụng cho người Việt. Một quốc gia nằm nép mình dưới chân rặng Himalaya với dân số chưa đầy 1 triệu người, lựa chọn hạnh phúc của họ là một nền kinh tế phi công nghiệp. Họ lấy chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GHN) làm tiêu chí quan trọng hàng đầu trong khi cả thế giới chọn GDP bình quân đầu người làm tiêu chí đánh giá mức độ phát triển. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của tổ chức đánh giá độc lập New Economist Foundation (NEF) của Anh, ở châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã xếp trên Bhutan về mức độ hạnh phúc từ năm 2021. Chúng ta thậm chí còn lọt vào tốp 5 thế giới, vượt qua nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao hơn.

Người Việt đến Bhutan, từ chỗ ngưỡng mộ hạnh phúc của một dân tộc khác, lại có thêm cơ hội để chiêm nghiệm về hạnh phúc của chính mình.

Hạnh phúc có sẵn ở nhà

Khi bước ra ngoài, người Việt có thể cảm nhận được những hạnh phúc thật ra đang ở trong tầm tay mình, chẳng qua ta chưa nhìn thấy và chưa dành sự biết ơn cho thực tại. Thế nhưng, đến Bhutan, nhiều người chắt lọc được điều giá trị: một đời sống tinh thần và tâm thức có điểm tựa. Hạnh phúc cũng đến khi ta cân bằng sự đủ đầy bên trong và bên ngoài, có đủ sức khỏe, bình an và trải nghiệm sống.

Cú sốc Covid-19 đã gây ra quá nhiều nỗi đau, tổn thương cho nhân loại. Nhưng đó cũng là bài học tỉnh thức cho từng cá thể. Sự chuyển hóa trong nhận thức đang diễn ra một cách tự nhiên. Tăng trưởng và sung túc vẫn là khát khao của từng quốc gia, từng con người nhưng bên cạnh đó, mỗi cá thể đang dần nhận ra giá trị của sự cân bằng, những của cải tinh thần có thể cứu rỗi từng con người để rồi chữa lành

MẠNH DUY – Người sáng lập Ngôi nhà Văn hóa Tây Tạng