Trang chủ Thời đại Những ‘nhà tu hành’ robot

Những ‘nhà tu hành’ robot

Thời đại công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra không ít robot có chức năng an ủi tâm hồn con người, giống như những nhà tu hành.

90

Robot này đã tụng kinh cho những người đi lễ chùa tại một ngôi chùa Phật giáo ở Kyoto, Nhật Bản trong vài năm qua.

Với khuôn mặt làm từ da tổng hợp silicon và “cặp mắt” camera, robot này sử dụng AI để giao tiếp với những người hành hương và tụng kinh ban phúc cho họ bằng tiếng Nhật, kèm theo lời dịch ra tiếng Anh và tiếng Trung Quốc cho du khách nước ngoài.

Mặt, đôi bàn tay và vai của Mindar được bọc một lớp da silicone, trong khi ở những phần còn lại của cơ thể robot, có thể nhìn thấy rõ ràng các bộ phận cơ khí. Bên trong hộp sọ robot có chứa hệ thống dây điện.

“Nhà sư” robot có tên là Mindar cao khoảng 1,8m, được nhà nghiên cứu Hiroshi Ishiguro của Đại học Osaka, Nhật Bản thiết kế với chi phí gần 1 triệu USD.

Robot này không phân biệt giới tính. Nó có thể chuyển động đầu, cánh tay, thân mình và nói bằng giọng êm dịu, thuyết giảng về lòng trắc ẩn cũng như sự nguy hiểm của sự tức giận, những ham mê của bản năng.

“Hãy buông bỏ cái tôi ích kỷ… Những ham muốn trần tục không khác gì một người lạc lối trên biển”, robot nhắc nhở những người đi lễ.

Tương tự “nhà sư” robot Mindar, robot mang tên “Người điều hành thần học” (SanTO) của chuyên gia về robot Gabriele Trovato hoạt động giống như một linh mục Công giáo, cho phép những người đi lễ đặt những câu hỏi liên quan đến đức tin.

Ông Trovato, Phó giáo sư tại Viện Công nghệ Shibaura ở Nhật Bản cho biết: “Chức năng chính của robot SanTO là trở thành người hỗ trợ cầu nguyện, đặc biệt là đối với những người cao tuổi. Bộ nhớ của nó có chứa đựng một lượng lớn giáo lý, bao gồm toàn bộ Kinh thánh”.

Phó giáo sư nói: “Thiết kế của robot SanTO được kết hợp các yếu tố của nghệ thuật, bao gồm cả tỷ lệ vàng, để truyền tải cảm giác về một vật thể thiêng liêng, phù hợp với chức năng của nó”.