Trang chủ Thời đại Tư tưởng dung hợp của Phật giáo Trúc Lâm với việc xây...

Tư tưởng dung hợp của Phật giáo Trúc Lâm với việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc hiện nay

Ngày nay, đất nước Việt Nam được hòa bình độc lập, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đó là thành quả của sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ đất nước của dân tộc ta qua mấy nghìn năm lịch sử; là sự lãnh đạo sáng suốt anh minh, tận tâm của các vị lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ, đã đoàn kết được sức mạnh của toàn dân tộc, phụng sự cho đất nước, cho dân tộc. Những bài học vô giá từ tư tưởng dung hợp của Phật giáo Trúc Lâm, nhất là Phật Hoàng Trần Nhân Tông phát huy tác dụng, góp phần làm cho đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

70

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ thuở ban sơ lập quốc, định quốc, kiến quốc, vệ quốc đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm, biến động, và trong suốt tiến trình đó, Phật giáo Việt Nam luôn khăng khít, keo sơn cùng vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định: Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành máu thịt cùng dân tộc Việt Nam trong suốt hơn hai nghìn năm qua. Lịch sử Việt Nam đã minh chứng bất kỳ giai đoạn nào của đất nước ta, Việt Nam thanh bình, thịnh trị, phồn vinh thì Phật giáo Việt Nam cũng phát triển hưng thịnh, đất nước nô lệ, suy yếu thì Phật giáo cũng suy vi. Như Bác Hồ từng nói: Đất nước được độc lập, thì đạo Phật mới mở mang.

Một minh chứng cho điều này là đất nước Đại Việt nửa sau thế kỷ thứ X (vào những năm 979 – 981) lâm vào giai đoạn khủng hoảng, bất ổn, thù trong giặc ngoài, vua Lê Đại Hành lúc đó đã tham vấn Thiền sư Pháp Thuận về vận mệnh của đất nước. Đặt trong lúc vận nước nguy nan mới thấy được sự tin tưởng tuyệt đối của vua Lê với thiền sư Pháp Thuận. Để nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của sự tập trung nguyên khí, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc dưới ánh sáng niềm tin trí tuệ hòa hợp của đạo Phật, Thiền sư Pháp Thuận đã dùng hình ảnh vận nước như dây mây quấn quýt, hết sức bền chặt:

“Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn

Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh”.

Dịch nghĩa:

Trả lời vua hỏi về vận nước

Vận nước như mây quấn

Trời Nam mở thái bình

Vô vi trên điện các

Xứ xứ hết đao binh.

Ở một giác độ, bài Quốc tộ của thiền sư Pháp Thuận cùng với bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, có thể xem đây như là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta từ thế kỷ thứ X trong tinh thần dân tộc của Phật giáo. Và kết quả đúng như lời chỉ giáo của thiền sư Pháp Thuận, nên từ đó về sau, vua càng kính tin trọng vọng thiền sư hơn.

Phật giáo đã được bản địa hóa tại Việt Nam, với tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha từ ngày đầu công nguyên có mặt tại Việt Nam đến nay đã trải qua hơn hai nghìn năm, văn hóa Phật giáo đã là một thành tố vô cùng quan trọng trong nền văn hóa dân tộc. Ngay từ khi có mặt tại Việt Nam, chùa không chỉ là nơi nương tựa tinh thần, thực hiện đời sống tâm linh, mà còn là nơi dạy đạo đức, dạy chữ, dạy võ, sinh hoạt văn hóa của Nhân dân và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức độc lập tự chủ dân tộc cho người dân. Nhiều vị quốc sư, thiền sư, đại sư, cao tăng có công giúp nước, giúp dân, cố vấn chính sự cho các đời vua trong việc trị quốc an dân.

Một số vị tiêu biểu như thiền sư Ngô Chân Lưu (hậu duệ của vua Ngô Quyền) giúp vua Đinh Tiên Hoàng lập ra nước Đại Cồ Việt được phong làm Khuông Việt Thái sư. Thời tiền Lê có thiền sư Pháp Thuận, đặc biệt quốc sư Vạn Hạnh có công rất lớn đối với hai triều đại Tiền Lê và nhà Lý. Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) vốn là chú tiểu trong chùa được thiền sư Vạn Hạnh và thiền sư Khánh Vân nuôi dạy cả văn lẫn võ và Phật học, sau này trở thành bậc thánh đế minh quân mở ra thời kỳ huy hoàng cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Phật tử thái úy Lý Thường Kiệt công lao hiển hách trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Thời Trần có quốc sư Trúc Lâm Viên Chứng bậc thầy dạy cho vua Thái Tông Trần Cảnh thông suốt, dung thông được chí nguyện xuất gia tu hành và bổn phận trách nhiệm của một ông vua đối với đất nước, khi vua lên núi Yên Tử muốn xuất gia. Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung là anh của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn vừa là thiền sư vừa là đại tướng quân cống hiến cả đời cho đất nước, cho Phật giáo. Vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông… đều là những bậc có đạo đức trí tuệ hơn đời vừa là minh quân thánh chúa, vừa là những thiền gia tu đạo, đắc đạo, mộ đạo. Thánh đăng ngữ lục đã ghi lại công đức hành trạng của năm vị vua đầu đời Trần kể trên đối với đất nước và đối với Phật pháp.

Sự tương tác qua lại giữa các hệ tư tưởng triết học nếu chúng có cơ hội giao lưu là một vấn đề mang tính tất yếu. Tức là nếu có giao lưu ắt có sự tiếp thu, tiếp biến. Mối tương quan giữa Phật giáo (Ấn Độ) và Nho giáo và Lão – Trang (Trung Quốc), vốn được xem là những cái nôi của nền văn minh nhân loại, cũng không đi ngoài quy luật này. Trong lịch sử văn hoá tư tưởng, mối quan hệ giữa Phật – Đạo – Nho vô cùng phức tạp, có giao lưu, giao thoa, có điều hòa, có tiếp biến, thậm chí có cạnh tranh, nhưng xu hướng chủ yếu vẫn là hòa đồng, dung hợp.

Xu hướng này đã manh nha từ khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc. Để người dân bản xứ dễ tiếp nhận Phật giáo, các nhà sư thường mượn những thuật ngữ của Nho gia và Đạo gia tương tự với tư tưởng Phật giáo, vốn đã rất quen thuộc với người dân ở đây. Ngược lại, các Nho sĩ, Đạo sĩ cũng thấy được sự bổ túc cần thiết của tư tưởng Phật giáo vào sự khiếm khuyết của Nho gia và Lão gia, nhất là phương diện hình nhi thượng học.

Xu hướng dung hòa các hệ tư tưởng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân tộc Việt Nam trên từ vua, quan, danh sĩ, trí thức đến các thiền sư, nho sĩ, đạo sĩ, bình dân. Từ thế kỷ thứ II, thiền sư Mâu Bác đã viết Lý hoặc luận (195 – 198). Đây là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam bàn về mối quan hệ giữa ba hệ tư tưởng Phật – Đạo – Nho. Lý hoặc luận gồm có 37 điều: 3 điều đầu trình bày về Phật giáo; 8 điều luận về Lão giáo; 1 điều tổng kết, còn lại 25 điều tập bàn về mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo. Điều này giúp chúng ta thấy được, ngay từ cuối thế kỷ thứ II mối tương quan giữa Phật và Nho đã trở thành một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông, sau khi lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh tan quân Nguyên – Mông đã nhường ngôi lại cho con trai và lên núi Yên Tử xuất gia tu hành, trở thành Sơ tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – thiền phái Phật giáo nhất tông mang tư tưởng độc lập của dân tộc Việt Nam, được người đời tôn xưng Phật Hoàng – Phật Việt Nam. Chủ thuyết “Cư Trần lạc đạo” (Đời đạo lưỡng toàn không trở ngại nhau), tùy duyên tùy tục, hòa quang đồng trần, hộ quốc an dân đã trở thành minh triết sống trong dân tộc Việt Nam từ đó đến nay và về sau.

Các sử gia đều ghi nhận Việt Nam thời nhà Trần, nước Đại Việt ta uy chấn khắp nơi, là cường quốc trong vùng Đông Nam Á, và vị thế lớn trên trường quốc tế, sau khi lập nên những chiến công vang dội, đánh bại quân Nguyên – Mông hùng mạnh, phát triển mọi mặt của đất nước, từ quân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị, văn học, nghệ thuật, tư tưởng… Nhà Trần, nhất là thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã xây dựng một nước Đại Việt thanh bình thịnh trị, người dân được ấm no, hạnh phúc, Phật giáo phát triển rực rỡ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần viết nên những trang sử vàng cho đất nước, cho Phật pháp thời Trần chính là quốc sách tập trung tinh hoa nguyên khí toàn dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các thành phần tinh anh trí thức trên cơ sở tinh thần dung hợp.

Như chúng ta biết, văn hóa dung hợp là một trong những đặc điểm quan trọng của văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng. Dựa trên nền tảng tư tưởng yêu nước, yêu hòa bình đó, các vị vua thời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã đưa ra các quyết sách hòa hợp, dung hòa các tầng lớp trí thức Phật – Đạo – Nho; dung hợp tịnh hành các hệ tư tưởng; tập Trung đoàn kết phát huy tinh hoa sức mạnh toàn dân tộc, cùng hướng tới mục tiêu vì Dân vì Nước. Chính những điểm chung này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của các vua nhà Trần, đã viết những trang vàng lịch sử cho dân tộc, khiến con cháu ngàn đời sau tự hào.

Tài liệu tham khảo

1. Thích Thanh Quyết, Trúc Lâm Yên Tử – Phật giáo tùng thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018.

2. Nhiều tác giả, Từ điển văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1993.

3. Hà Văn Tấn, Sự sinh thành Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2017.

4. Vĩnh gia Huyền giác, Chứng đạo ca, Hòa thượng Tuyên Hóa lược giảng, Vạn Phật thánh thành dịch và ấn hành, Hà Nội, 2003.

5. Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Hà Nội, 1989.

6. Thượng sĩ ngữ lục, bản chữ Hán, lưu trữ Thư viện Hán Nôm, Hà Nội.

7. Trần Văn Chánh (1999), Từ điển Hán Việt, Nxb. Trẻ.

8. Trần Lê Sáng chủ biên, Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.

9. Lê Mạnh Thát (2000), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, tập 1,2,3, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

Vũ Đăng Minh – Trưởng Ban Tôn giáo,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam