Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Tìm về chốn Tổ Liễu Quán (Phú Yên)

Tìm về chốn Tổ Liễu Quán (Phú Yên)

355

 

Trong 3 ngày, từ 01 đến 03-10, từ Nha Trang đoàn chư tôn đức vượt đường dài gần 200km tìm về quê hương Tổ Liễu Quán, vị thiền sư trác tuyệt khơi nguồn, phát tích dòng thiền Liễu Quán ở xứ Đàng Trong. Khi đến Phú Yên, đoàn cung thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Đồng Giải- nguyên Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củng Sơn (Phú Yên), trụ trì chùa Linh Đài (Hòa Đa), Tuy An, làm Trưởng đoàn. Tháp tùng có TT Thích Quảng Tâm, ĐĐ Thích Nguyên Truyền và nhóm cộng sự.



Điểm đến đầu tiên là về thăm chùa cổ Châu Lâm tại thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An nơi Tổ Liễu Quán xuất thân. Đại lão Hòa thượng Thích Đồng Giải kể: Tổ Liễu Quán họ Lê, húy Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán, sinh ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi (1667) tại xã Bạc Mã, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân, nay là thôn Quảng Đức xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Chùa cổ Châu Lâm ở phía Nam núi Aman tại thôn Quảng Đức do Tổ Phật Đoan dòng Lâm Tế đời thứ 35 khai sơn vào cuối thế kỷ XVII. Chùa ở trên độ cao 10m có chánh điện, nhà đông, nhà tây. Đền thờ Tổ Liễu Quán được ngài Khế Tâm  xây dựng  phía tây chùa ở độ cao 20m. Đền xây kiên cố, tầng lầu thờ Tổ Liễu Quán. Tầng dưới thờ Bia Tổ chạm khắc bằng đá Non Nước. Mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau phần dịch tiếng Việt. Những năm chiến tranh chùa bị hư hại nặng vậy mà chùa còn lưu giữ tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 2.000 cân, cao 1,5m và bia bằng đá ghi 24 vị nữ đệ tử của thiền sư Pháp Lâm, đã hoằng hóa ở chùa Viên Thông tại Huế.



 

Đại lão HT Thích Đồng Giải, nói tiếp Tổ xuất thân từ một gia đình nghèo, năm 12 tuổi Ngài phát tâm xuất gia, được thân phụ đưa đến chùa Hội Tôn, thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên. Năm 23 tuổi Ngài ra Thuận Hóa cầu đạo với Hòa thượng Giác Phong chùa Báo Quốc. Năm 28 tuổi Ngài thọ Sa di  và hai năm sau được Hòa Thượng Từ Lâm cho thọ Cụ túc giới. Năm Kỷ Mão (1699), Ngài bắt đầu cuộc hành trình tham vấn cầu đạo khắp các thiền lâm. Đến năm Nhâm Ngọ (1702), Ngài đến núi Long Sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) bái yết Hòa thượng Tử Dung cầu dạy pháp tham thiền. Hòa thượng Tử Dung dạy Ngài tham cứu: “Vạn pháp quy nhất, nhứt quy hà xứ?” – (Muôn pháp về một, một về chỗ nào?)

Được câu tham cứu ấy, Ngài trở về chùa Hội Tôn (Cổ Lâm) Phú Yên ngày đêm tham cứu ròng rã 6 năm… Một hôm, nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu:  “Chỉ vật truyền tâm nhân bất hội xứ” bổng nhiên Ngài tỏ ngộ.




Sau hơn 50 năm hành đạo, Tổ đã khai sơn truyền thừa, tiếp tăng độ chúng, đã độ được 49 đệ tử xuất gia đắc pháp trở thành những bậc danh tăng thạc đức, khai sơn nhiều chùa khắp các tỉnh miền Trung và miền Nam.  Cuối tháng 11 năm Nhâm Tuất, trước khi viên tịch, Tổ  viết bài Kệ từ biệt:

Thất thập dư niên thế giới trung

Không không sắc sắc diệc dung thông

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

Hà tất bôn man vấn tổ tông.

Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742) sau lễ trà sớm, Tổ hỏi: Bây giờ là giờ gì? Đệ tử đáp: Giờ Mùi. Tổ an nhiên viên tịch. Việc tâu lên, chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc lập bia và ban thụy hiệu là “Chính Giác – Viên Ngộ Hòa Thượng”.

Sau khi rời Chùa cổ Châu Lâm, đoàn đã về thăm tổ đình Từ Quang (Đá Trắng). Chùa do Tổ Pháp Chuyên, đời thứ 36 dòng Lâm Tế sáng lập năm Đinh Tỵ (1797). Đoàn cũng đã về thăm tổ đình Hồ Sơn do Tổ Tế Căn khai sơn, hiện nay do Hòa thượng Thich Nguyên Đức trụ trì.  Điểm đến sau cùng, đoàn về thăm Tổ đình Bảo Tịnh, trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Yên, nơi Tổ Liễu Quán khai sáng năm 1706, kết thúc cuộc hành trình tìm về chốn Tổ.