Trang chủ Bài nổi bật Tội ác văn hóa của thực dân Pháp với Phật giáo ở...

Tội ác văn hóa của thực dân Pháp với Phật giáo ở Việt Nam

981

Nhân danh công cuộc khai hóa văn minh, thực dân Pháp đã thực hiện những tội ác không thể dung thứ với nền văn hóa có bề dày hàng nghìn năm lịch sử của Việt Nam.

Sùng Khánh Báo Thiên Tự là ngôi quốc tự ở Kinh thành Thăng Long, được xây dựng từ năm 1056 dưới thời hoàng đế Lý Thành Tông, luôn giữ vị thế trấn quốc, quan trọng hàng đầu trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chùa từng có tháp Báo Thiên, 12 tầng cao, 40 – 60 mét, trên đặt chóp bằng đồng rất lớn, từng là 1 trong 4 đại khí quan trọng nhất nước Việt (An Nam tứ đại khí). Tháp bị mất chóp đồng vào thời nhà Minh xâm lược, nhưng vẫn tồn tại đến khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Năm 1883, thực dân Pháp cho phá hủy ngôi chùa quốc gia này để xây Nhà thờ chính tòa Hà Nội (Nhà thờ Lớn) và Tòa Khâm sứ Bắc kỳ.

Chùa Khải Tường là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn, nơi Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) chào đời trong thời gian chúa Nguyễn Phúc Ánh đến đây trốn tránh quân Tây Sơn. Khi quân Pháp tấn công Gia Định năm 1859, Đại úy Thủy quân lục chiến Pháp Barbé đã chiếm giữ chùa Khải Tường. Barbé đã cho vứt bỏ tượng Phật và đuổi các sư ra khỏi chùa. Thời gian sau đó, chùa Khải Tường trở thành một trường học của người Pháp và đến năm 1880 thì bị tháo dỡ. Nhiều năm trôi qua, trên nền chùa bỏ hoang này, chính quyền Pháp cho xây cất một dinh thự dành cho quan chức trong bộ máy cai trị. Trong thời kỳ Ngô Đình Diệm cầm quyền, công trình được dùng làm Trường Đại học Y dược. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, các các cố vấn quân sự Mỹ đã đến đây trú đóng. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, cơ sở trên được dùng làm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Chùa Báo Ân là một ngôi chùa lớn và độc đáo từng tồn tại ở Hà Nội trong khoảng 5 thập niên của thế kỷ 19. Chùa khánh thành vào khoảng năm 1842, do Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Giai đã quyên tiền dân xây dựng. Theo đề án quy hoạch lại Hà Nội, đầu năm 1886, viên Toàn quyền người Pháp là De Lanessan đã ra lệnh đốt hết các nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm, khiến khu vực quanh chùa Báo Ân chỉ còn là mảnh đất hoang tàn. Tới năm 1888, người Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Chỉ còn tháp Hòa Phong được giữ lại và là dấu tích kiến trúc duy nhất của chùa Báo Ân còn tồn tại đến nay.

Chùa Một Cột hay Chùa Mật, còn có tên khác là Diên Hựu tự hoặc Liên Hoa Đài, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, được coi là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Chùa được vua Lý Thái Tông cho xây năm 1049. Hơn 900 năm sau, vào năm 1954, quân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa. Báo Tia Sáng ngày 10/9/1954 đưa tin “…chùa Một Cột di tích liệt hạng của Hà Thành đã sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất…”. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ. Chùa Một cột chúng ta thấy hiện nay được được xây lại năm 1955.

Bức tượng A Di Đà chùa Phật Tích có từ thời Lý được các học giả xem là viên ngọc quý nhất của nền điêu khắc Việt Nam thời phong kiến. Tượng bằng đá xanh nguyên khối, cao 1,86m, tính cả phần bệ là 2,69m, có thần khí và được trang trí rất tinh xảo. Tượng đã bị quân Pháp đem ra làm bia tập bắn vào những năm 1940, khiến đầu gãy rời, vỡ ngực, thân tượng chi chít vết đạn. Một cụ già trong làng đem đầu tượng về cất giấu, sau năm 1954 đem nộp lại cho chính quyền cách mạng. Dù được phục chế nhưng ngày nay thân tượng vẫn loang lổ các dấu vết của sự phá hoại, không còn là một khối duy nhất nữa. Dù vậy, với giá trị lịch sử đặc biệt, tượng vẫn được công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam.