Trang chủ Tin tức Tổng duyệt bản giao hưởng Khai giác mừng Đại lễ Phật đản...

Tổng duyệt bản giao hưởng Khai giác mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc

338

Bản giao hưởng hợp xướng gồm 7 chương kéo dài 40 phút, dựa trên lịch sử 7 tuần thái tử Shiddarta giác ngộ thành Phật, tìm ra chân lý cứu khổ, giác ngộ, giải thoát, đem lại hòa bình và an lạc cho nhân loại.



Đại đức Tiến sĩ Thích Đức Thiện: “Bản hợp xướng truyền thông điệp của Đức Phật về hòa bình, về trí tuệ đến với tất cả mọi người để cùng xây dựng thế giới hòa bình, an lạc, đúng với tinh thần của ngày Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Âm nhạc là một kênh hoằng pháp, để tất cả mọi người vượt qua bất đồng ý kiến để cùng xây dựng một xã hội hòa hợp.”


Bản giao hưởng Khai giác là tác phẩm của nhà soạn nhạc Việt kiều Nguyễn Thiện Đạo. Ông phải mất nhiều năm nghiên cứu về Phật giáo để lĩnh hội được những tinh thần cơ bản của Văn hóa Phật giáo để đưa vào âm nhạc. Ông đã quyết định không viết bản giao hưởng theo 12 bán cung của âm nhạc phương Tây mà sử dụng ngũ cung được biến đổi và từ âm nhạc dân tộc để viết lên Khai giác.



Nhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Thiện Đạo: “Tôi đã quyết định triệt để đi từ dòng nhạc truyền thống Việt Nam như chèo, tuồng, tài tử Nam bộ, đặc biệt là bộ trống hùng hậu của nghệ thuật Tuồng ở vùng Tây Sơn.”


Đây là một chương trình hòa nhạc mang tầm vóc lớn và lần đầu tiên được thực hiện trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bản giao hưởng là thông điệp về một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, thân thiện, yêu chuộng hòa bình, và một Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngang tầm thời đại.  



Tăng sinh Thích Di Sơn – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội:


“Tôi rất vui mừng được tham gia vào bản hợp xướng này. Chúng tôi đến đây là để đọc kinh bát nhã, mong muốn rằng câu kinh này sẽ hòa theo tiếng nhạc để mãi bay vút vào không gian, truyền đến khắp mọi người, khắp chúng sinh thông điệp từ bi và cứu khổ của Đức Phật trong kỳ Đại lễ Phật đản quốc tế.”


 


 



Từ hơn một tháng nay, các ca sĩ, nhạc công, vũ công, Tăng sinh đã bắt đầu luyện tập . Do số lượng người tham gia lớn nhất từ trước đến nay nên việc chỉ đạo luyện tập cũng khá gian nan.



50 Tăng sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam sẽ tụng kinh Bát nhã hòa vào giàn hợp xướng


Các ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công đến từ Nhạc viện quốc gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội), Giàn nhạc giao hưởng quốc gia…





Đây là một sự kiện lần đầu tiên được tổ chức trong lịch sử Phật giáo Việt Nam