Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Trần Thái Tông với chủ trương thiết lập Thiền phái Trúc Lâm...

Trần Thái Tông với chủ trương thiết lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

2136

Không phải ngẫu nhiên Lễ bộ Thượng Thư Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu, tri Kinh diên sự, Đôn Thư bá, Trụ quốc, Lê Tung vâng theo sắc chỉ biên soạn “Việt giám thông khảo tổng luận”, có đoạn viết rằng:


Triều Lý trải qua 8 đời vua, ngôi truyền hơn 200 năm, bậc đáng khen là Thái Tổ có độ lượng là đế vương. Thái Tông có tư chất trí dũng. Thánh Tông có lòng yêu nước thương dân, Nhân Tông có đức ban ơn dân. Song Thái Tổ lập hoàng hậu ba ngôi, tình vấn vít yêu, mà đạo nhà không chính. Thái Tông làm ra núi năm ngọn, đương tang lại vui, mà đạo hiếu đã vơi.


Thánh Tông theo vết của Thái Tổ mà lập hoàng hậu quá định chế. Nhân Tông quá nghe theo lời mẹ đẻ mà giam chết mẹ đích, còn như cấm các con gả con gái lấy chồng, mà Thần Tông thì say đắm nữ sắc quá lắm. Yêu nuôi kẻ bề tôi dâm loạn thì Anh Tông thật quá nuông chiều tiểu nhân.


Cao Tông lấy hoang dâm làm thích, Huệ Tông lấy tửu sắc làm vui. Đạo tu tề trị bình của đế vương có như thế chăng? Bề tôi trong triều thì có Lý Huệ Thành được ký thác vua côi, Tô Hiến Thành được giữ chức phụ chính, cũng phảng phất như trung ái của Y Doãn, Chu Công, cố nhân đáng khen. Còn những bậc như Đào Cam Mộc, Đào Thạc Phụ, Lương Nhậm Văn, Đào Xử Trung, Lý Đạo Kỷ, Liêu Gia Trinh, Kim Anh Kiệt, Tào Lương Hàn, Dương Cảnh Thông, Nguỵ Trọng Hoằng, Lưu Vũ Nễ, Lý Công Bình, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Kinh Tu, không biết can vua để nêu tục tốt, cho nên chính trị không được bằng đời cổ là phải. Đến như Đỗ Anh Vũ kiêu dâm, Đàm Dĩ Mông ngang ngược, có kể làm gì”.


Trần Thái Tông ứng mệnh trời trao cho, nhận Chiêu Hoàng nhường ngôi, có đức nhân hậu, có tính giản dị chắc chắn, đánh giặc yên dân, mở khoa thì lấy người giỏi. Tể tướng thì chọn người tôn thất hiền năng, triều điển thì định ra lễ nghi hình luật, chế độ nhà Trần do đấy hưng thịnh”.


Rõ ràng, lời nhận định trên đã cho chúng ta có một cái nhìn khá khách quan lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước lúc thịnh vượng cũng như trên đà suy vong của triều đại nhà Lý, để rồi phải trao vận mệnh quốc gia cho triều đại nhà Trần.


Tại đây, ngoài sức mạnh toàn dân, vai trò lãnh đạo của các ông vua đối với thần dân qua các triều đại vô cùng quan trọng đối với xã hội phong kiến. Điều này, ít nhiều lý giải, mỗi khi nhà vua, người đứng đầu bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền không đủ tài đức lãnh đạo, quản lý đất nước thì sẽ dẫn đến sự suy sập, ngược lại một ông vua nhân từ trí đức song toàn thì có thể lãnh đạo nhân dân giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong nước, cũng như đối phó các thế lực đế quốc lân bang và tập trung nhân lực tài lực xây dựng và phát triển quốc gia hùng mạnh.


Việc vua Trần Thái Tông lên ngôi báu khai sáng ra triều đại nhà Trần là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đất nước bấy giờ. Một là thâu giang sơn về một mối, thống nhất từ trong ý chí thể hiện qua hành động. Hai là trên dưới đồng lòng, cùng nhau xây dựng phát triển đất nước thịnh vượng và bảo vệ vững chắc các thành quả đạt được với bất cứ thế lực nào cố tình đe doạ. Ngoài việc thực hiện trọn hai mục tiêu đề ra, Trần Thái Tông còn đặt cho mình một nhiệm vụ hết sức trọng đại cần phải được đề cập là Ngài chủ trương đặt nền móng thống nhất các thiền phái hiện có như Tỳ- ni- đa- lưu- chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, tiến đến sát nhập và hình thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử duy nhất đời Trần.


Hay nói một cách chính xác và cụ thể, người khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông làm đệ nhất Tổ, nhưng người có công đặt nền móng thiết lập cho Thiền phái Trúc Lâm phát triển và truyền thừa từ mô hình tổ chức cho đến nội dung tu tập hành trì, tất cả đều mang tính độc lập và thể hiện bản sắc dân tộc là Trần Thái Tông.


Sự kiện ra đời dòng thiền này có ý nghĩa rất lớn, nó đáp ứng nhu cầu lịch sử của dân tộc là xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập tự chủ không chỉ được xác định trên cương thổ biên giới về địa lý mà còn độc lập tự chủ trên mọi phương diện lĩnh vực chính trị kinh tế, văn hoá và ngay cả tôn giáo. Thế nên, dù trong cương vị là vị Hoàng đế, hay là Thái thượng hoàng hay là vị Thiền sư. Ngài luôn khát khao thiết lập dòng thiền mới mang tính cách Đại Việt và thật phù hợp với bối cảnh lịch sử dân tộc đã sang trang và tình hình phát triển của đất nước Đại Việt.


Theo Nguyễn Duy Hinh, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời dựa trên hai tiền đề xã hội và tôn giáo hình thành trong hoàn cảnh lịch sử của nước nhà. Về mặt xã hội, nhà Trần trong buổi đầu mới thành lập, công việc cấp bách thiết thực nhất đặt ra trước mắt các nhà lãnh đạo tối cao là xây dựng một ý thức hệ độc lập thống nhất gồm 4 mục đích chính:


1. Thoát khỏi sự lệ thuộc chặt chẽ về ý thức hệ với nước ngoài để thanh toán hoàn toàn mọi cơ sở của nước xâm lược.


2. Làm cơ sở tư tưởng để thống nhất ý thức dân tộc về mặt chính trị để củng cố sự thống nhất dân tộc một bước nữa.


3. Làm công cụ thống nhất quyền lực vào chính quyền Trung ương, tức quy tụ vào họ Lý và Trần.


4. Làm phương diện giải quyết các mân thuẫn nội bộ dân tộc chủ yếu là giai cấp lãnh đạo và đông đảo nhân dân quần chúng nhằm duy trì một trật tự xã hội và cũng tức là duy trì ngai vàng của dòng họ.


Về mặt tôn giáo, nhà Trần phải lựa chọn Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cần phải thay đổi nội dung của các thiền phái để đáp ứng các yêu cầu căn bản như đã nói trên. Vì thế, nhà Trần chủ trương lập ra một Thiền phái có nội dung tư tưởng độc lập, thể hiện đúng tinh thần bản sắc dân tộc hơn, hướng đến các mục tiêu sau:


1. Tự mình phân biệt với Thiền tông ở Trung Quốc biểu lộ tính độc lập.


2. Thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại quốc của các phái Thiền tông trong nước.


3. Vượt lên trên sự khác biệt của tất cả các tông phái Phật giáo cũng như các tín ngưỡng phi Phật giáo để nhằm thống nhất ý thức hệ. Không chịu trách nhiệm về sự khác biệt và đụng độ đã xảy ra trong lịch sử giữa các phái Thiền tông với nhau cũng như Thiền tông với các tín ngưỡng khác, do đó thu hút các tín ngưỡng khác.


4. Tự khoác cho mình chiếc áo một tôn giáo mới – tuy rằng thực tế chỉ là một phái, với đầy đủ các yếu tố để thu phục quần chúng.


Thực tế, tư tưởng lập Thiền phái mới được manh nha từ khi Phật giáo chủ trương mới, nhập thế, tuỳ tục, tùy duyên nhưng bất biến để đáp ứng các yêu cầu lịch sử dân tộc đặt ra của một đất nước vừa độc lập và đang thực hiện thống nhất trên mọi phương diện.


Là ông vua đầu tiên nhà Trần, dưới cái nhìn của một nhà chính trị. Trần Thái Tông càng cương quyết thực hiện ý tưởng đó. Khi chấp nhận lời khuyên của Quốc sư Phù Vân như là quan điểm chính trị phục vụ đạo pháp và dân tộc. “Phàm làm đấng quân nhân thì phải lấy ý muôn thiên hạ làm tâm của mình” thì ý tưởng thống nhất các thiền phái thành “Phật giáo Nhất tông” là điều tiên quyết đối với sứ mệnh quốc gia và cả đạo pháp.


Dưới ảnh hưởng và uy tín của nhà vua vào thế kỷ thứ XIII, ba Thiền phái Tỳ – ni – đa – lưu – chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã theo thời gian lịch sử, dần dần sát nhập khiến cho Thiền phái Yên Tử thành Thiền phái Trúc Lâm duy nhất đời Trần, thống nhất tất cả các Thiền phái thời bấy giờ. Người khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, mệnh danh là Trúc Lâm Đại đầu là Điều ngự Giác Hoàng, nhưng người có công đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm phát triển từ mô hình tổ chức cho đến nội dung tu tập hành trì là Trần Thái Tông.


Rõ ràng, Trần Thái Tông đã thực hiện hoài bão của mình kể từ ngày ông trở về kinh đô nắm giữ triều đại, tuy nhiên Ngài vẫn chuyên tâm nghiên tầm kinh điển Phật và cả Nho suốt gần 10 năm trời. Ngài đã nỗ lực công phu tu tập, hành trì và cuối cùng cũng chứng ngộ Trần Thái Tông bừng sáng lý nghĩa kinh Kim Cương, một bản kinh giới thiệu trí tuệ giải thoát có thể giúp hành giả thấy rõ thực tướng của vạn hữu, xuất hiện từ sự dập tắt các ngã tưởng bao gồm ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng, pháp tưởng, phi pháp tưởng, tưởng, phi tưởng.


Hay nói cách khác, Ngài đã trực ngộ bản kinh Kim Cương ở chỗ cốt yếu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Xem ra, từ chỗ trực ngộ này, Trần Thái Tông đã sáng tác bài “Thiền tông chỉ nam” có lẽ nhằm trình bày sở đắc của mình trong quá trình nghiên cứu điển Thiền tông, thực tập công phu hành trì. Chúng ta cũng có thể hiểu cái trí tuệ mà Trần Thái Tông sở ngộ đó chính là kim “chỉ nam” của Thiền tông, như ánh sáng rọi soi vào rừng Thiền. Sự chứng đắc, sở ngộ của các Thiền sư thực chất là sự chứng đắc, sở ngộ cái Không tính của vạn pháp, hay nói cách khác là chứng đắc thực tướng vô tướng của mọi hiện hữu vạn pháp. Suy cho cùng, đó là Vô ngã tính, hay Duyên khởi tính ở ngoài vòng chấp thủ của thế giới “đang là”, được soi rọi từ cái nhìn trí tuệ chân thực.


Rõ ràng, công phu các Thiền gia chứng ngộ bao giờ cũng giác tỉnh an trú tâm vào tâm không dính mắc vào bất cứ điều gì hiện hữu trên đời. Chính cái tâm “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” mà kinh Kim Cang nói đến đã làm khai mở trí tuệ vua Trần Thái Tông như đã từng khai mở trí tuệ ngài Huệ Năng xưa kia. Trong kinh Kim Cang hành giả Tu Bồ Đề thỉnh cầu đức Phật lý giải người phát tâm vô thượng Bồ đề, làm thế nào an trụ và làm sao hàng phục cái tâm ấy? Chính Thế Tôn đã chỉ dạy phương pháp an trụ tâm ấy là: “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm”.  Nghĩa là, hành giả phát tâm vô thượng Bồ đề không nên trụ nơi sắc mà sanh tâm, không nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm ấy. Tâm vô trụ ấy là tâm vô thượng Bồ đề.


Xem ra, bất cứ hành giả nào khi tiếp cận với sáu trần mà còn bị hệ luỵ bởi tâm tham ái và chấp thủ thì chưa an trụ và hàng phục tâm. Thực tế, một tâm không trụ chỗ nào hết là cái tâm chân thật, tâm thanh tịnh. Khi hành giả tiếp cận các pháp trần thì khởi niệm giác tỉnh vô ngã tưởng ngay giữa lòng đời. Cũng chính tại chỗ ngộ này mà Lục Tổ thốt lên: “Nào ngờ tự tính vốn tự thanh tịnh, vốn không sinh diệt, vốn tự đầy đủ vốn không lay động, có thể sanh muôn pháp”. Ý tứ câu này là tâm mình xưa nay vốn thanh tịnh, nhưng do sáu căn bị lôi cuốn theo sáu trần nên chúng ta bị hệ luỵ giữa cơn lốc cuộc đời. Như vậy để thăng chứng, người hành giả cần phải nuôi dưỡng cái tâm vô trụ bằng công phu phát triển định và tuệ. Điểm này thật phù hợp với kinh điển Nikaya mà đức Phật đã tuyên thuyết qua tinh thần kinh Tử niệm xứ: “chú tâm, tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác, không trú trước vào bất cứ điều gì ở đời”.


Con đường đó trở thành kim chỉ nam của Ngài để đi vào thế giới công phu thiền quán. Ngài khuyến cáo mọi người cần phải giữ sáu căn thanh tịnh khi tiếp xúc sáu trần qua phương pháp thực hành sám hối. Sám hối là hình thức phản tỉnh để tịnh hoá tâm thức ra khỏi vùng tâm thức bị rối loạn vì chúng bị chất chứa các hạt giống tham sân si nên không an trú trong định và không phát huệ được.


Cho nên Trần Thái Tông mới biên soạn khoa nghi sám hối để “tự làm lợi cho mình để làm lợi cho người ta”, mục đích là trở về cái tự tánh vốn thanh tịnh trong sáng không bị cấu nhiễm bởi các trần. Ngài viết: “Tâm nhi tư chi, nhân chi tích tích hữu nghiệp giả tận thị lục căn sở tạo. Thị dĩ Thích Ca Văn Phật vị thành đạo thì, tiên nhập Tuyết Sơn lục niên khổ hạnh, cái vị lục căn cố dã. Nhân phỏng kỳ ý, đi lục căn phân vi lục thì, nhất thì lễ sám nhất căn; thân chế kỳ nghi văn , mục chi viết “Lục thì lễ Phật sám hối khoa nghi”. Bản dịch của Thơ văn Lý Trần tập 11 dịch “Sau đó lại nghĩ rằng: Phàm những nghiệp chướng tích tụ đều do sáu căn tạo thành, cho nên Thích Ca Văn Phật khi chưa thành đạo trước tiện phải vào Tuyết Sơn tu hành khổ hạnh trong sáu năm, cũng vì sáu căn đó. Vậy Trẫm phỏng theo ý ấy, chia sáu căn thành sáu thì, mỗi thì sám hối một căn. Trẫm tự tay viết ra lời sám, gọi là “Lục thì lễ Phật sám hối khoa nghi”.


Và như thế công phu Thiền quán theo Trần Thái Tông là phải giác tỉnh sáu căn thường xuyên tiếp xúc sáu trần gây ra các nghiệp tội lỗi. Điều đáng nói thời đó, sau khi Đại tạng kinh từ Trung Hoa được thỉnh về đã khoa nghi sám hối như Lương Hoàng sám, Từ bi thuỷ sám văn đã có, nhưng Trần Thái Tông vẫn trước tác ra khoa nghi sám hối riêng biệt cho mình và người dân Đại Việt như càng khẳng định ý thức tự chủ của dân tộc trên con đường thực nghiệm tâm linh.


Lại nữa, theo Trần Thái Tông để công phu thiền quán dễ tiến sâu vào định cần phải thực thi hành trì giới luật. Vai trò của giới luật vô cùng to lớn trong việc làm hoá hiện các điều thiện xuất phát từ một tâm thức thanh tịnh, nó cũng có công năng làm huỷ diệt các hạt giống bất thiện có nguy cơ nẩy mầm, nhờ giữ giới mà hành giả có thể an định tâm đến bờ giác ngộ. Trong bài “Thụ giới luận” (Luận về thụ giới), Trần Thái Tông viết:


“Kinh vân Giới như bình địa, vạn thiện tòng sinh. Giới như lương y, năng liệu chúng bệnh. Giới như minh châu, năng phá hôn ám. Giới như thuyền phiệt, năng độ khổ hải. Giới như anh lạc, trang nghiêm pháp thân. Hữu tội giả đương sám hối. Nhược bất sám hối giả, kỳ tội ích thâm. Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục. Kim nhật tuy an, minh triêu nan bảo. Nghi trì thử pháp, tốc độ sinh tử; phụng Phật vi sư, tiên y giới luật. Cổ đức hữu ngôn: quá hà tu dụng phiệt, đáo ngạn bất tu thuyền. Thử cái cổ nhân dĩ giới vi thuyền phiệt, nhi kim bất dĩ thử vi độ chi, nhi đắc đáo ư bỉ ngạn giả, tiên hỹ”


(Kinh nói rằng: Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thầy thuốc giỏi chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tối tăm. Giới như thuyền bè, vượt qua bể khổ. Giới như chuỗi ngọc làm pháp thân trang nghiêm. Kẻ có tội cần sám hối. Nếu không sám hối, tội càng sâu thêm. Một lần bỏ mất thân mình thì muôn kiếp không thể tìm lại. Ngày nay tuy yên, mai sau khó giữ. Vậy nên giữ phép này, vượt mau qua đường sanh tử; thờ Phật làm thầy, trước hết tuân theo giới luật. Bậc cổ đức có nói: qua sông nên dùng mảng, đến bến hết cần thuyền. Như vậy người xưa coi giới là thuyền mảng. Ngày nay những người không dùng phương tiện đó qua sông mà tới được bờ bên kia là thì thật hiếm vậy).


Trên bước đường tiến sâu vào định giải thoát tuệ giải thoát, công phu toạ thiền sẽ hỗ trợ sẽ làm cho định lực phát sinh, từ đó tuệ sinh khởi. Mỗi bước đi của việc tụng kinh trì giới toạ thiền là mỗi bước đi tiến sâu hướng vào miền đất an lạc, giải thoát. Hướng giải thoát của theo Trần Thái Tông chủ trương là hướng đi đích thực của truyền thống Giới – Định – Tuệ mà Thế Tôn và các bậc Thánh đã đi qua, và về sau Thiếu Thất (Đạt Ma), Tào Khê (Lục Tổ) chứng đạt.


Đúng như Trần Thái Tông viết trong “Khoá hư lục”: “Phù học đạo chi nhân, duy cầu kiến tính. Tuy thụ kỳ nhất thiết tịnh giới nhi vô toạ thiền tắc định bất sinh” và “Phù tụê giả sinh ư định lực. Nhược tâm định tắc tuệ giám sinh”. Nghĩa là người học đạo chỉ cốt thấy bản tính, tuy chịu tất cả mọi tịnh giới mà không ngồi thiền thì định lực không sinh và người có trí tuệ được phát sinh từ định lực, nếu như tâm định thì gương tuệ phát sinh. Cũng chính hướng đi này về sau Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông đã khai mở dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển, đi vào lòng dân tộc.


Tại đây, chúng ta có thể nói nội dung tư tưởng triết lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều dựa vào Khoá hư lục như là một nền tảng để các vị Tổ dòng thiền này lấy đó làm kim chỉ nam sáng lập và truyền thừa. Nếu Trần Thái Tông là người manh nha kết cấu, đặt nền tảng thì Trần Nhân Tông là người đầu tiên làm cho phái Thiền Trúc Lâm thăng hoa, sống mãi với thời gian, không gian trên mảnh đất Việt Nam thân thương này.


Chúng ta có thể dựa vào các thư tịch còn lại để hiểu rõ nội dung tư tưởng triết lý dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, qua đó cũng thấy được sự xuyên suốt dòng mạch tư tưởng Thiền tông Trúc Lâm thật là nhất quán. Trần Thái Tông viết “Thiền tông chỉ nam”, “Kim cương Tam muội”, “Lục thời sám hối khoa nghi”, “Khoá hư lục”, “Bình đẳng lễ sám văn”, “Thái tông thi tập”; Tuệ Trung Thượng sĩ thì để lại “Thượng sĩ ngũ lục”; Trần Nhân Tông trước tác “Thiền Lâm Thiết chuỷ ngữ lục”, “Tăng già toái sự” và “Đại Hương Hải ấn thi tập”, “Thạch thất mỵ ngữ” và một số thơ, phú khác…; Pháp Loa trước tác “Đoạn sách lục”, “Tham thiền chỉ yếu”; Huyền Quang với tác phẩm “Ngọc tiên tập”, “Phổ tuệ ngữ lục”… Đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau, chúng ta chỉ còn lại một số văn bản như bài tựa “Thiền tông chỉ nam tự”, “Khoá hư lục”, “Thượng Trung Tuệ sĩ”, “Cư trần lạc đạo”, “Đắc thú lâm tuyền đạo ca” và một số bài thơ, kệ, phú các bài giảng của các Tổ sư Thiền phái này.


Thông qua việc khảo sát các văn bản nói trên, chúng ta có thể nhận định các vấn đề lý luận cũng như hành trì được đặt ra để lý giải và thực nghiệm tâm linh của Thiền phái Nhất tông này, về cơ bản đều đồng nhất với quan điểm tư tưởng Trần Thái Tông đưa ra trong “Khoá hư lục”. Chẳng hạn như bàn về cảnh giới giác ngộ, Tâm Phật và Chúng sanh không khác, phương thức hành thiền, thế giới khổ đau và con đường giải thoát khổ đau, xây dựng nếp sống hướng thượng, nhân sinh quan Phật giáo…Tất cả các tác phẩm kinh điển của các hành giả nói trên đều có chung chí hướng cùng một quan điểm lập trường.


Khi bàn về cảnh giới giác ngộ, trong bài “Niệm Phật luận”, Trần Thái Tông viết: “Tâm thức thị Phật, bất giả tu thiêm. Niệm tức là thị trần bất dung nhất điểm, trần niệm bản tĩnh, cố viết như bất động, tức nhị Phật thân. Phật thân tức ngã thị thân thị, vô hữu nhị tướng. Tướng tướng vô nhị, tịch nhi thường tồn, tồn nhi bất tri, thị danh hoạt Phật”.


Cụ Nguyễn Đăng Thục dịch: “Tâm tức là Phật, không muốn sự thêm vào. Ý niệm là bụi, không dung một điểm nào ở trong tâm ấy, ở đấy vốn trong sạch bụi nhơ, cho nên bao giờ cũng như thế không vang động gọi là Như như, tức là thể của Phật. Thực thể Phật thế nào thì thực thể ngã như thế, không có hai hình tướng. Hình tướng và hình tướng không có hai, yên lặng còn luôn mà không biết, thế là Phật sống”.


Rõ ràng, cảnh giới giác ngộ là cảnh giới của một tâm thức bừng sáng. Bách Trượng Tổ sư nói: “Đất lòng nếu rỗng không, thì mặt trời tự nhiên tự chiếu sáng, như vậy vén mặt trời hiện”. Tâm tức Phật chẳng có gì phải bàn phải tu thêm nữa! Một cái tâm thanh tịnh thì xả ly hết mọi vọng niệm, đây cũng chính là cảnh giới Tứ thiền như Kinh tạng Pàli thường diễn đạt. Đây cũng là của Phật, cảnh giới của vô tướng, vô ngã siêu việt như như bất động của một tâm thức vắng lặng ngay giữa trần thế, đó chính là Phật sống.


Thế nên sự chuyển hoá tâm thức trong mỗi con người ai cũng có thể trực nhận và chứng đắc. Tâm Phật và tâm chúng sanh chẳng dị đồng. Chân lý thực tại chẳng ở đâu xa, không thể truy tìm từ bên ngoài mà ngay trong tâm thức của mỗi cá nhân hiện hữu. Trần Thái Tông từng thọ giáo ý chỉ của Quốc sư Phù Vân: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm” thì đệ nhất Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông thì phát biểu trong bài “Cư trần lạc đạo phú”:


“Vậy mới hay
Bất ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay chín Bụt là ta”


Trần Nhân Tông đã triển khai tư tưởng thiền học Trần Thái Tông thật là sinh động và và thật rõ ràng theo quan điểm của người Việt Nam khi tiếp nhận tư tưởng Phật học. Cuộc sống vốn biến động không ngừng, con người hiểu đạo tuỳ duyên theo đó mà sống để an vui. Khi tiếp xúc với trần cảnh lòng vẫn tỉnh lặng, an trú trong chánh niệm tỉnh giác mà bừng sáng giác ngộ:


“Cư trần lạc đao thả tuỳ duyên
Cơ tắc san hề khốn tắc miền
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đố cảnh vô tâm mạc vấn thiền”


(Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền)


Đây cũng là tư tưởng cơ bản xuyên suốt lịch sử Phật giáo Việt Nam, không chỉ phải đợi đến nhà Trần mới nói trong mỗi chúng sánh đều có Phật tánh, có mầm giác ngộ. Sư Khuông Việt đời Đinh và Tiền Lê cũng phát biểu:


Mộc nguyên trung hữu hoả
Nguyên hoả phục hoàn sinh”


(Vốn trong cây có lửa
(Yếu tố lửa ấy tái sinh miền tục)


Như vậy lửa trong cây được ví như là chân lý, với mầm giác ngộ, là Phật tánh chân như. Cũng thế, trong nhà có vốn có sẵn ngọc quý cần gì phải tìm kiếm bên ngoài. Có điều Trần Thái Tông diễn đạt tư tưởng ấy thật với hình ảnh gần gũi thân thương với tình cảm con người mà thôi.


Con đường bước vào cảnh giới giác ngộ không gì khác hơn trở về tự tính chân như. Trong nhiều bài viết của mình, Ngài đã thường nhắc đến vấn đề kiến tính.


Khái niệm “Tính” được ông diễn đạt bằng nhiều ngôn từ khác nhau như Bản tính, Pháp tính, Phật tính, Chân tâm, Chân như…  Kiến tính là thấy rõ bản trình chân thật của mình, thấy rõ chân tâm, con đường đi đến giác ngộ giải thoát. Đây cũng là nguyên lý mà trong Thiền tông thường được diễn đạt bằng hình tượng quen thuộc: “Kiến tánh thành Phật”. Trong bài “Toạ thiền luận”, Ngài nói: “Phàm người học đạo, chỉ cần thấy tính”, trong bài Phổ thuyết bồ đề tâm văn ông lại nói: “Do thấy ánh sáng trí tuệ, phản chiếu lại mình thấy được tính mà thành Phật”.


Thế nên, cuộc hành trình chứng ngộ tâm linh mà Trần Thái Tông đi qua, suy cho cùng là sự phản tỉnh để hồi đầu, để trực ngộ thấy rõ tâm tính của mình bằng cách chuyên chú hành trì theo Ngài là “biện tâm”. Trong kinh Pháp cú Phẩm Tâm cũng chỉ rõ biện tâm là uốn nắn cho tâm thẳng là điều phục tâm, phòng hộ tâm, an trú tâm, khiến tâm trở nên nhu nhuyễn trong sáng thanh tịch, không cầu nhiễm bởi các ham muốn dục lạc, sự si mê và thù hận.


Cho nên, trong tác phẩm “Khoá hư lục”, Ngài đã thường xuyên cảnh tỉnh mọi người dù vương hầu bá tước hay thường dân đừng có hệ luỵ về danh sắc, âm thanh, đường nét, tiền tài,…Cuộc đời như giấc mộng phù du, cần xem nhẹ như tơ hồng. Trong bài “Phổ Khuyến Bồ đề tâm”, Ngài cũng khuyến cáo mọi người thật chân tình:


“Tường phù bách niên quang ảnh toàn tại sát na; tứ đại huyễn thân, khởi năng trường cửu. Mỗi nhật trần lao cốt cốt; chung triêu nghiệp thức mang mang. Bất tri nhất tính chi viên minh; đồ sính lục căn chi tham dục. Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường; phú quý kinh nhân, nan miễn vô thường nhị tự. Tranh nhân tranh ngã, đáo để thành không; khoa hội khoa năng, tất cánh phi thực”.


“Phong hoả tán thời vô lão thiếu
Khê sơn ma tận kỷ anh hùng”.


“Lục man vị kỷ nhi bạch phát tảo xâm; hạ giả tài lâm nhi điếu giả tuỳ chi. Nhất bao nùng huyết trường niên khổ luyến ân tình; thất xích độc lâu tứ ý kiên tham tài bảo. Xuất tức nan kỳ nhập tức, kim triêu bất bảo lai triêu.”


“Ái hà xuất một kỷ thời hưu,
Hoả trạch ưu tiên hà nhật liễu”


(Rõ ràng thay, ngày tháng trăm năm chỉ là phút chốc. Cái ảo thân tứ đại hết được dài lâu. Càng ngày càng đắm trần lao, mỗi lúc mỗi vương nghiệp thức. Chẳng hiểu biết sự viên mình của một tính, chỉ buông tuồng cái dục của sáu căn. Công danh rất mực chỉ là giấc mộng to, phú quý hơn người cũng tránh vô thường hai chữ. Cậy mình cậy nó, rút cuộc thành không; khoe giỏi khoe tài, cuối cùng chẳng thực:


“Gió lửa tan tành kể chi già trẻ
Núi khe mòn mỏi biết mấy anh hùng”


“Tóc xanh chửa  bao lâu, tóc  bạc đã sớm nhuốm vào; kẻ chúc mừng vừa đến người phân ưu liền theo. Một bao máu mủ, bao năm khổ luỵ ân tình; bảy thước xương khô mặc sức tham lận tài sản; thở ra khó hẹn thở vào, ngày mai chẳng giữ ngày sau:


Sông ái tuôn ngưng lúc nào cũng dứt,
Nhà lửa cháy nung bao giờ hết)


(Đỗ Văn Hỷ – Băng Thanh dịch trong thơ văn Lý Trần tập II)


Theo Trần Thái Tông sự cảnh tỉnh này cần phải được người tu hành thực thi trong tâm thức mỗi phút mỗi giây, ở nơi hoàn cảnh qua việc thực tập thiền định. Trong Toạ thiền luận, ông đã bàn về 4 loại thiền: Thiền ngoại đạo, Thiền phàm phu, Thiền tiểu thừa, Thiền đại thừa.


Tuy nhiên, Ngài khuyến cáo mọi người lên tu pháp thiền đại thừa mà thôi, vì nó có khả năng thấu đạt cả hai lý nhân không và pháp không. Trần Thái Tông giải thích công năng ngồi thiền là dứt bỏ hết mọi mọi niệm và nói kiến giải: “Thử tập toạ thiền tức niệm, vật sanh kiến giải”. Điều này cho thấy còn sanh bất cứ kiến giải nào thì đó chỉ là lý luận thôi. Thế nên, vấn đề là thể nhập thực tại qua việc hành trì. Tu định là một loại hành trì chuyển hoá thân tâm. Trong bài “Tuệ giáo giám luận”, Trần Thái Tông viết:


“Phù tuệ giả sinh ư định 1ực. Nhược tâm định tắc tuệ giám sinh. Nhược tâm loạn tắc tuệ giám diệt. Diệc như đồng kính, tiên giả ma lung, nhiên hậu phương hữu quanh tịnh minh chiếu. Nhược bất ma lung tắc đài ngàn hôn cấu. Kỳ dĩ hôn cấu, quang hà dĩ sinh? Cố tri tuệ do định hiện, định tự tuệ sinh, định tuệ tương y, lưỡng vô di nhất. Nhược giả danh toạ thiền, tâm vị đắc định, nhi tuệ giám sinh giả, vi chi hữu dã. Tuy hữu tuệ tính nhi bất toạ thiền, tự vị tuỷ hữu tuệ giả, hà giả tuệ vi?”.


Nhược như thị giả, tuy hữu tuệ giả, nhi vô giám thể. Nhược ư định thời, tâm vị đắc định, nhi dục cầu tuệ, thí nhược phong ba vị tĩnh nhi cầu kiến nguyệt ảnh giả dã. Nhược tâm kỳ định nhi phản sinh tà giả, cầu ư tuệ  giả, nhược như phong ba ký tĩnh, nguyệt ảnh trừng thanh, nhi phục lãm ư thuỷ trưng cầu thủ nguyệt ảnh, hà đắc kiến tai!”


“Cố Tổ sư vân: “Tịch nhi thường chiếu, chiếu nhi thường tịch”.


(Nói chung tuệ sinh ra từ định lực. Nếu như tâm định thì gương tuệ sinh; nếu tâm loạn thì gương tuệ mất. Cũng như chiếc gương đồng, trước hết phải lau chùi sau mới trong trẻo chiếu sáng. Nhược bằng không lau chùi thì rêu bụi mờ tối. Đã mờ tối ánh sáng sinh ra sao được? Cho nên biết rằng tuệ xuất hiện từ định; định nảy sinh từ tuệ. Định và tuệ nương tựa vào nhau, không bỏ sót một bên nào. Nếu giả danh ngồi thiền nhưng tâm chưa định, thế mà gương tuệ vẫn sinh, thì điều nó chưa có bao giờ. Tuy có tuệ tính, nhưng không tập ngồi thiền lại tự bảo: “Mình đã có trí tuệ còn mượn việc ngồi thiền làm gì?”. Những kẻ như thế, dù có trí tuệ đấy nhưng vẫn không có thể chất gương của tuệ. Lại như khi ngồi định mà tâm chưa định, nhưng vẫn muốn tìm tuệ thì cũng ví như sóng gió chưa yên đã muốn tìm bóng trăng. Nếu tâm đã định, lại nảy sinh kiến giải không ngay thẳng, như thế mà muốn tìm tuệ thì cũng như sóng gió đã lặng, bóng trăng trong trẻo, nhưng lại thò tay khoắng nước để vớt bóng trăng, vậy thì làm sao lấy được!


“Cho nên Tổ sư nói rằng: “Yên lặng mà thường chiếu, thường chiếu mà yên lặng)


(Đỗ Văn Hỷ – Băng Thanh dịch – Thơ văn Lý Trần tập II)


Nhờ tinh thần này, dù ai có sống trong hoàng cung cảnh đời giàu sang cũng không đắm chìm trong trong dục lạc, luôn làm tròn bổn phận với dân và đồng thời thành tựu sự nghiệp giải thoát giác ngộ. Trần Thái Tông là ông vua cũng là nhà triết lý kiêm thiền sư, cuộc đời của Ngài là cuộc trải nghiệm kinh qua sự phú quý, công danh, tiền bạc, vợ đẹp con thơ, cung phi mỹ nữ và ông cũng trải qua nhiều năm tháng thực nghiệm cuộc hành trình hướng nội, chuyển dẫn nội tâm tử sự tán loạn sang định tỉnh, từ chỗ đắm say các dục vọng ngoại cảnh chuyển sang trạng thái bất động sáng suốt, từ chỗ thô tháo, khó sử dụng đến chỗ nhu nhuyễn dễ sử dụng, hướng tâm đến đâu là tuỳ theo tâm nguyện của mình. Tất cả là nhờ sự công phu thiền định, chuyển tâm, phòng hộ tâm, biện tâm mà phát sanh trí tuệ chứng ngộ.


Suy cho cùng sự thai nghén của Trần Thái Tông ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và sự hoằng pháp của Ngài đã hun đúc ra một lớp người lãnh đạo của đất nước kế tiếp là Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông và một số tướng lãnh quan lại hướng dẫn mọi người dân thực hiện con đường chuyển hoá thân tâm bằng con đường hường nội, thực hành thiền định ngang qua nếp sống hường thiện đầy đủ của giới đức, tâm đức, tuệ đức.


Chính Thiền hướng nội và biện tâm Trần Thái Tông không chỉ thống nhất các dòng Thiền vốn có thành “dòng Thiền Nhất tông” mà còn tạo nên sức mạnh tổng hợp đoàn kết toàn dân trong đời sống thiết thực xã hội, cũng như đời sống chính trị kinh tế xã hội của đất nước. Các mâu thuẫn đối kháng của các mối quan hệ giữa vua tôi, tăng tục, quý tộc và nhân dân lao động được giải quyết một cách êm đẹp. Tất cả chỉ vì niềm tin, vì lý tưởng phụng đạo yêu nước, vì ai cũng muốn thể hiện “ý muốn của mình là ý muốn thiên hạ, tấm lòng của mình là tấm lòng của thiên “hạ” mà Trần Thái Tông chủ trương thực thiện.


Cũng vì tôn chỉ và mục đích thiết thực của Thiền phái Trúc Lâm là thống nhất và mang bản sắc dân tộc như thế, nên càng ngày nó càng cắm sâu trong lòng dân chúng. Nó không chỉ tồn tại trong các ngôi chùa nguy nga mỹ lệ mà nó có thể hoạt động bất cứ nơi nào dù thành thị, nông thôn, chợ búa hay núi non hiểm trở, thậm chí nó còn phát huy ngay giữa chiến trường để đối đầu với giặc Nguyên Mông. Trần Thái Tông chủ trương Phật tại tâm, và không phân biệt tăng lục, nam nữ, và bất cứ thành phần nào trong xã hội đều có thể trở thành thành viên thiến phái, với một tấm lòng “chỉ cốt yếu biện tâm”.


Nhờ vậy, những vị vua như Trần Thái Tông, Trần Thánh Thông, chưa từng xuất gia đã trở thành thiền sư lỗi lạc, những cư sĩ như Tuệ Trung Thượng sĩ, Thông Thiên, Ứng Thuận… các Ngài cũng trở thành những bậc cao minh đắc đạo được các Thiền sư nổi tiếng đương thời tôn vinh làm Tổ sư dạy thiền cho hậu thế. Thực tế, Tuệ Trung Thượng sĩ là thầy dạy thiền cho vua Trần Nhân Tông, và chính Ngài trở thành Trúc Lâm đệ nhất Tổ -vị giáo chủ khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trần Nhân Tông hiện thân của một vị Phật ở Đại Việt với nhiều nét riêng biệt phong cách riêng so với các dòng thiền trước đó. Hẳn nhiên, Thiền phái này sinh hoạt độc lập tự chủ không có sự chi phối hay phụ thuộc bất cứ Thiền phái Trung Hoa nào.


Nếu Trần Nhân Tông được nhân dân Đại Việt tôn xưng là Phật Biến Chiếu Tôn của nước Đại Việt bấy giờ, thì vua Trần Thái Tông là người xứng đáng là được tôn vinh là “Bó đuốc Thiền tông”, đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nảy mầm, và phát triển truyền thừa trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp của ông mãi mãi được khắc sâu vào tận con tim khối óc cõi lòng người con Phật Việt Nam đã và đang sống trên khắp hành tinh này.