Trang chủ Tết Việt Phong tục Trảy hội đầu xuân ngưỡng dân gian

Trảy hội đầu xuân ngưỡng dân gian

94

Mỗi độ xuân về, muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm, cũng là lúc mọi người nô nức cùng nhau đi trẩy hội, để cầu mong cho cả năm nhiều điều tốt đẹp. Đây cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ đến tổ tiên, nguồn cội. Dù ở những ngôi chùa cổ kính thờ Phật, hay đình làng thờ bổn thổ Thành hoàng hoặc chốn đền đài, miếu mạo…, chỉ với vài nén hương cùng những đóa hoa tươi cũng đủ để chúng ta bày tỏ lòng thành.



Phật tử đi lễ chùa Phật Tích – Bắc Ninh


Hòa vào dòng người đi trẩy hội đầu xuân, ta cảm thấy như đất trời giao hợp, con người như gần gũi nhau hơn. Chúng ta có thể hành hương tìm về cội nguồn Phật giáo như Trúc Lâm Yên Tử, hay đến non nước Hương Sơn.



Trên đỉnh Non thiêng Yên Tử


Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ thời Lê Trịnh, khi các cung tần, công chúa đi trẩy hội đã đóng góp công đức xây dựng chùa. Mùa Xuân năm 1770, chúa Trịnh Sâm khi trẩy hội đã khắc lên vách đá động Hương Tích dòng chữ “Nam Thiên đệ nhất động”. Động Hương Tích còn gọi là Hương Sơn, nghĩa là dấu thơm. Tương truyền, đây là nơi Bồ tát Nam Hải Quan Thế Âm tu hành đắc đạo. Vào thế kỷ XVII, thời Lê Thánh Tông, có ba vị Hòa thượng tới đây tu hành, hàng ngày vào động Hương Tích tọa thiền, tối lại ra Thiên Trù nghỉ ngơi, nhưng khi các vị viên tịch thì không ai tìm thấy dấu tích. Năm 1687, niên hiệu Chánh Hòa, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang tới đây tái lập cảnh Hương Tích.



Trảy hội chùa Hương


Quần thể di tích chùa Hương tựa chốn bồng lai tiên cảnh ngay trần thế, bao gồm nhiều đền, chùa, hang động như: chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan, chùa Bảo Đài, đền Vân Song, động Tiên Sơn, động Hương Tích, động Tuyết Sơn, động Chùa cá… Chẳng thế mà dân gian có câu: “Cảnh tiên cứ tưởng là tiên thật. Thuở trước bồng lai cũng thế chăng?”. Từ đó, cứ mỗi độ xuân về, hoa mơ nở trắng rừng Hương Sơn, hàng ngàn hàng vạn Phật tử cùng khách thập phương lại nô nức về đây trẩy hội…


Đầu xuân đi trẩy hội, lễ chùa còn là thú vui của mọi người khi nó trở thành chuyến du lịch văn hóa. Bạn có thể bắt gặp những dòng người bất tận vào những ngày lễ tại hội chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương. Tại Hà Nội có phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ, hay tại An Giang có chùa Tây An. Hoặc cũng có thể thành kính thắp hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (nơi thờ Khổng Tử), Lăng Ông Bà Chiểu ở TP.HCM cầu mong cho con cháu trở thành những người hiền tài, chủ nhân tương lai của đất nước.


Thông thường đi trẩy hội, đi lễ đầu xuân phải có mâm lễ, bao gồm hương hoa cúng lễ để xin lộc đầu năm. Khi đi lễ bao giờ cũng thắp hương ở án Tam bảo trước, sau đó là đến bàn Đức Ông (bên trái tòa Tam bảo) và tiếp là bàn Đức Thánh Hiền (bên phải)… Lời khấn ở chùa thường bắt đầu bằng những câu giới thiệu địa danh, người dâng lễ và các lễ vật… cuối cùng mới đến lời thỉnh cầu theo ý nguyện. Đối với những cụ ông, cụ bà thì lời khấn dài và phong phú hơn. Lời khấn nguyện cất lên rất nhịp nhàng, câu cú rõ ràng, tạo ra âm thanh trầm bổng hòa quyện với làn khói hương như thể gởi gắm tấm lòng thành kính hướng về cõi Phật… Còn những liền anh, liền chị thì cầu mong sớm gặp được mối lương duyên “tâm đầu ý hợp”… Với họ, việc đi trẩy hội, lễ chùa đầu xuân là nhằm hướng tới “vạn sự hanh thông, nhất bản vạn lợi”. Do vậy, tùy từng người, từng hoàn cảnh mà người đi lễ chọn cho mình một địa điểm thích hợp, ứng với những điều mà họ mong ước.


Không biết những thỉnh cầu có đến được với họ hay không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi trẩy hội, đi lễ đầu xuân trở về, tâm hồn họ như được thắp sáng hơn và ngày mai cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn. Vượt trên tất cả những yếu tố tâm linh, trẩy hội, lễ chùa đầu năm vẫn mãi là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam.