Trang chủ Blog chùa TT. Chân Quang giảng đề tài ''Tự giác – giác tha'' ...

TT. Chân Quang giảng đề tài ''Tự giác – giác tha'' tại Đại Tùng Lâm

72

Với sự tham dự của khoảng 3000 phật tử các giới. Ý nghĩa của bài Pháp thoại này nhằm chỉ ra những điều trái ngược của sự tự giác và giác tha để mọi người có thể thấy được đặc điểm, sự khác biệt của hai phạm trù này. Từ đó, Thượng tọa gợi mở cho mọi người làm thế nào để dung hòa được những điều khác biệt đó, để vừa tu cho mình và vừa giúp người khác cùng tu tốt hơn.

Được biết, nhằm tôn vinh ngày đản sinh của đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni, tại chùa Đại Tòng Lâm, sáng ngày 13/04 đã diễn ra nhiều hoạt động mang ý nghĩa tốt đạo đẹp đời như: Tổ chức hội trại Gia đình phật tử, diễu hành xe hoa, thuyết pháp, phát quà từ thiện cho đồng bào nghèo v.v…

Đúng 18h30”, tại Lễ đài chùa Đại Tòng Lâm diễn ra Lễ khai mạc diễu hành xe hoa từ chùa Đại Tòng Lâm về các tuyến đường chính của TP. Vũng Tàu và dừng lại ở lễ đài chính, với cờ hoa rực rở tạo nên một không khí lễ hội thật hoan hỷ để cúng dường Phật Đản PL.2559 – DL.2015.

Buổi Lễ có sự chứng minh tham dự của Chư tôn Hòa thượng, Chư Thượng tọa, Đại đức tăng ni và đông đảo phật tử xa gần.

Tiếp đến, vào lúc 19h00”, TT Thích Chân Quang đăng đàn thuyết Pháp.

Mở đầu, HT Thích Giải Thiện – Trưởng BTS GHPGVN huyện Tân Thành có đôi lời huấn thị với các phật tử, Hòa thượng dạy “Chúng ta được làm thân người đã khó, gặp được Phật pháp lại càng khó hơn, nhưng hôm nay các phật tử đã có được cả hai cái khó ấy”.

Những phật tử đang hiện diện trong Pháp hội đây đều có hạt giống Phật. Nếu biết đem hạt giống Phật đó gieo đúng nơi, đúng chỗ thì Phật giáo được sinh sôi nẩy nở  tươi tốt, hạt giống đó không bị uổng phí. Nhân đây, Hòa thượng cũng gửi lời chúc tốt đẹp đến các phật tử, mong rằng mọi người có một mùa Phật đản an vui, mạnh khỏe, tinh tấn và tích cực làm nhiều công tác từ thiện xã hội.

Tiếp lời của HT Thích Giải Thiện, TT Thích Chân Quang khẳng định thêm rằng cuộc đời chúng ta sẽ mắc rất nhiều lỗi, tạo rất nhiều nghiệp nếu không có Phật pháp. Nhờ có Phật pháp, cuộc đời mình trở nên ý nghĩa hơn, vì chúng ta biết đứng lên, biết dấn thân, biết hy sinh, biết yêu thương và tử tế với tất cả. Vì vậy, chúng ta biết ơn và đền ơn Phật thì phải thực hiện bổn hoài của Phật đối với chúng sinh là làm sao cho tất cả chúng sinh đều được giác ngộ hết.

Và chúng ta đi trên lộ trình đó “Tự giác và giác tha” là ta đền ơn Phật, nghĩa là chúng ta tự tu để cho mình tiến đạo, chứng đạo. Đồng thời, ta phải đem ánh sáng Phật pháp chia sẻ cho mọi người để ngày càng có nhiều người biết và đến với Phật pháp. Làm được những việc này, phước của chúng ta rất lớn.

Tuy nhiên, tu tập để đạt được sự giác ngộ giải thoát và giáo hóa chúng sinh là hai con đường đối lập, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ: Tự tu thì cần im lặng, khiêm hạ, ít nói về con đường mình đi, nhưng giáo hóa chúng sinh thì phải nói nhiều, kể nhiều về thành tựu của sự tu tập. Vì thế, người phật tử phải khéo léo, biết dung hòa hai điều này thì mới thực hiện được giác hạnh viên mãn. Hai việc “Tự giác và giác tha” phải thực hiện song song, nếu lệch về một bên là ta bị hư đạo. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến đạo Phật khó phát triển.

Để giúp các phật tử dung hòa được hai việc đó, Thượng tọa chỉ dạy rằng: Chúng ta phải “Nín mà như nói – nói mà như nín”, giống như các vị Thiền sư hay khuyên “Mặc như lôi”, có nghĩa là im lặng như sấm sét. Khi chúng ta nhìn thấy các vị Thánh trông như hư vô điềm đạm, ta bị cuốn hút mạnh mẽ vào cái hư vô, điềm đạm đó hoặc ta bị rúng động tâm can khi nhìn các vị đó cười thì đó là “Mặc như lôi” (nín mà như nói). Còn khi các vị đó trình bày Phật pháp mà ta không thấy dấu vết của bản ngã, không thấy các vị đó trong bài nói chuyện, đó là nói mà như nín.

Đành rằng, để tiến tu trên con đường giải thoát, trong điều kiện thúc liễm thân tâm thì chúng ta phải tránh duyên, ít tiếp xúc, ít sự sinh. Ở đây, tuy không tiếp xúc nhưng chúng ta vẫn yêu thương chúng sinh, vẫn trải lòng từ bi và giữ mình như trong rừng vắng cô độc, không ham muốn, không buông lung. Đó là bản lĩnh của người biết tu hành.

Còn nếu ta nghiêng một bên thì giống như con chim chỉ có một cánh. Đôi cánh của con chim nằm ở hai phía ngược nhau, nhưng nó nâng con chim bay cả bầu trời  này. Cũng vậy, cái phương pháp tự giác (tự tu) với phương pháp giác tha (giáo hóa chúng sinh) ngược nhau ở hai phía, nhưng ta phải vừa tu được, vừa giáo hóa được để đền ơn Phật, đây là một điều tế nhị và khó xử lý.

Và Thượng tọa đã phân tích, dẫn chứng từng điểm… từng điểm những mặt đối lập của tự giác – giác tha để cho mọi người thấy vấn đề rõ hơn. Có 8 điều khác biệt cơ bản sau:

– Thứ nhất, ta tự tu thì cần đời sống đơn sơ, giản dị nhưng khi giáo hóa chúng sinh thì cần màu mè, đẹp đẽ. Người tu theo Phật là những người rất vĩ đại vì họ giản dị. Tuy nhiên, giản dị thì lợi mình nhưng không tiếp độ được chúng sinh. Để dung hòa được hai điều này thì chúng ta cần giản dị khi tự tu và màu mè, đẹp đẽ khi làm vì chúng sinh, vì Phật pháp. Nếu tu mà giản dị, còn độ sinh mới màu mè thì không có lỗi.

– Thứ hai, khi tự tu, ta cần kinh điển thôi nhưng khi giáo hóa thì ta cần phải biết hết mọi chuyện trên đời này, vì ta phải giỏi hơn thì mọi người mới phục. Chúng ta biết hết tất cả mọi thứ nhưng chúng ta vẫn khước từ để đi tu, để mọi người hiểu rằng cuộc sống xô bồ, màu mè đó không hạnh phúc. Chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc, an lạc khi đi theo Phật pháp. Vậy nên, nếu tu thì ta chỉ cần biết nội điển nhưng giáo hóa thì cần biết hết mọi chuyện, như vậy mới dung hòa được hai việc này.

– Thứ ba, chúng ta tu tập là mong một ngày được giải thoát, chứng Thánh. Tuy nhiên, nếu chỉ gieo duyên phúc với Thánh thì khi nhập Niết bàn, ta không độ được ai. Vậy nên, khi còn tu tập, chúng ta vừa phải gieo duyên lành với Thánh, vừa phải kết duyên lành với vô số chúng sinh. Thực hiện hai việc này rất vất vả, lâu dài nhưng hễ có mặt trên cuộc đời này thì chúng ta đều phải theo Phật pháp, đều phải tìm những bậc Thánh để nương tựa và yêu thương tất cả chúng sinh xung quanh mình.

– Thứ tư, tự giác tu thì cần sự ổn định nhưng giáo hóa thì cần sự sáng tạo liên tục. Cái ổn định khiến ta ít phải suy nghĩ, nhưng lại làm ta cố chấp. Còn sự sáng tạo giúp ta bắt kịp với thời đại, thu hút sự quan tâm, chú ý của chúng sinh nhưng dễ làm ta bị trật ra ngoài Phật pháp. Để dung hòa hai điều này rất khó.

– Thứ năm, tự giác, tự tu thì cần cái phước vừa đủ để đắc đạo, để chuyển biến trong thiền định. Tâm ta có thể tu một thời gian chừng 5 năm bắt đầu nhiếp được vào trong “Chánh niệm tỉnh giác”, tâm bắt đầu rỗng sáng, ta làm chủ được tâm mình dù ý niệm chưa tắt, vì ta chưa nhập định được. Và khi có chánh niệm tỉnh giác rồi, ta cũng vừa sống, vừa tu, vừa làm phước chừng chừng, cho đến 30 năm sau bắt đầu nhập vào Sơ thiền … tới chết thì lên cõi trời Sắc giới, tức ta tu ổn định như vậy, nhưng được phần mình thôi. Muốn độ chúng sinh thì phước ta phải lớn gấp ngàn lần mới nhiếp hóa được tâm hồn chúng sinh, giúp chúng ta được yêu mến mỗi khi xuất hiện.

– Thứ sáu, tự tu thì cần ở một mình nhưng để giáo hóa chúng sinh thì cần đông người cùng góp sức. Chúng ta đủ đạo lực ở một mình tuy là có sức mạnh nhưng không có lợi cho chúng sinh. Cái lợi cho chúng sinh là ở chung với mọi người mà vẫn không làm động tới ai, giống như các vị Tổ sư hay nói “Vào rừng không khua lá, vào nước không gợn sóng”. Chúng ta ở đông mà như ở một mình, tâm hồn không đụng chạm, không làm phiền đến ai, nhưng vẫn phải hợp tác, hỗ trợ với mọi người. Nên đây là bản lĩnh của việc mà ta ở một mình vẫn ở được, mà làm việc chung đồng hợp tác vẫn làm việc được, tâm phải thanh tịnh như vậy.

– Thứ bảy, tự tu thì không cần hò hét, chỉ cần tụng kinh, gõ mõ, còn giáo hóa thì cần phải biết hát.

– Thứ tám, tự giác tu thì chúng ta không sợ gì cho bản thân nhưng khi giáo hóa chúng sinh thì phải cẩn thận từng chút một, nhất là cẩn thận trước những âm mưu chống phá Phật pháp của các thế lực thù địch để bảo vệ đạo tâm cho mọi người.

Từ những phân tích đó, Thượng tọa đi đến kết luận rằng: Tự giác và giác tha có mối quan hệ biện chứng với nhau, vừa đối lập, lại vừa hỗ trợ nhau. Nếu biết kết hợp hai việc đó lại, chúng ta có thể hạn chế thấp nhất nhược điểm của từng công việc. Vậy nên, ta phải tùy thuận được với thời đại để tu và giáo hóa. Dung hòa được hai điều đó thì ta đến với chúng sinh và chúng sinh đến với chúng ta.

Không thể đi sâu vào từng khía cạnh trong bài Pháp thoại nhưng Người đã chỉ ra những điều đối nghịch cơ bản nhất của tự giác và giác tha. Cả hai công việc này đều rất quan trọng đối với một người đệ tử Phật.

Dung hòa được những điều trái ngược đó vừa là nhiệm vụ, vừa là điều kiện để mọi người mới có thể thực hiện được giác hạnh viên mãn. Việc làm này vừa giúp quá trình tu tập của mọi người mau chứng đạo, vừa góp phần truyền trao, gìn giữ Phật pháp cho muôn đời sau. Đồng thời, đây cũng là cách để mọi người thể hiện lòng biết ơn đến Đức Phật nhân mừng ngày Phật đản sinh. Phải chăng:

Phật sinh ra đời chiếu soi thế giới

Ta sinh ra đời khổ đau vời vợi

Theo bước Phật Đà gột rửa thân tâm

Đi qua từng ngày xây cuộc đời mới.