Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay TT Chân Tính chia sẻ kinh nghiệm tổ chức khóa tu hè...

TT Chân Tính chia sẻ kinh nghiệm tổ chức khóa tu hè cho thanh thiếu niên

271

Tin về việc chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn, TPHCM khai thác khoa tu hè đợt 2 dành cho thanh thiếu niên với hơn 2000 bạn trẻ tham gia, đã làm Tăng ni Phật tử cả nước hết sức hoan hỷ.

Trong cố gắng góp phần cổ động quảng bá một Phật sự tích cực, mang tính thời đại và nhiều ý nghĩa này, chúng tôi đã có cuộc thưa chuyện cùng Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn, TPHCM.

Mục tiêu trên hết của buổi nói chuyện là ghi lại những kinh nghiệm tổ chức khóa tu, chuyển tải đến đối tượng là quý tăng ni trên cả nước, với mong muốn những khóa tu những khóa tu tương tự như ở chùa Hoằng Pháp được tổ chức đều khắp ở tất cả các ngôi chùa từ Bắc đến Nam.

Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Bạch Thượng tọa, từ lâu, chùa Hoằng Pháp đã nổi tiếng cả nước và cả trong giới Phật tử Việt Kiều ở nhiều nước trên thế giới về các khóa tu Phật thất. Trong mấy năm nay, chùa Hoằng Pháp lại tổ chức các khóa tu hè dành cho giới trẻ. Như vậy, thưa thầy, có phải đây là một sự chuyển hướng trong hoạt động hoằng pháp?

Thượng tọa Thích Chân Tính (TTTCT): Phải nói đây là một bước mở rộng, nâng cao trong Phật sự hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử. Chùa Hoằng Pháp vẫn duy trì và phát triển những khóa tu Phật thất.

Còn đối với các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, thì thầy đã nghĩ đến từ ngay khi tổ chức các khóa tu Phật thất.

Tuy nhiên, nhà chùa phải đi từng bước thận trọng để bảo đảm trọn vẹn kết quả.

Việc tổ chức các khóa tu Phật thất đương nhiên dễ dàng hơn, vì đối tượng phần lớn là Phật tử đã có tuổi, ý thức tu tập rất cao, số đông các vị đến tham gia khóa tu đã có kiến thức Phật học cơ bản.

Sau khi việc tổ chức các khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp đi vào ổn định, thầy nghĩ ngay đến khóa tu dành cho các em thanh thiếu niên.

Với yêu cầu của đạo hữu là muốn ghi lại kinh nghiệm để Tăng ni cả nước có thể áp dụng, thì việc tổ chức khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên trước hết nên quan niệm là một sự mở rộng trên nền tảng các khóa tu thường kỳ đã có dành cho người lớn. Tổ chức quen khóa tu dành cho người lớn, thì tổ chức khóa tu dành cho các em thanh thiếu niên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.


TT. Thích Chân Tính trong chuyến hoằng pháp châu Âu

CSMT: Bạch Thượng tọa, xin Thượng tọa nêu ra những điều lưu ý khi chuẩn bị tổ chức khóa tu dành cho thanh thiếu niên. Qua câu trả lời vừa rồi của thượng tọa, phải chăng tổ chức khóa tu cho thanh, thiếu niên khó khăn hơn so với khóa tu cho người lớn rất nhiều?

TTTCT: Các em thanh thiếu niên Phật tử là một phần của Phật giáo Việt Nam mai sau. Vì vậy, chúng ta phải hết sức quan tâm đến đối tượng này, mà tổ chức khóa tu là một mặt hoạt động.

Chúng ta đều biết lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa tuổi hiếu động. Vì vậy, đưa các em vào khóa tu nghiêm mật 7 ngày là khó khăn phải lưu ý đến trước tiên.

Nếu tổ chức không khéo, khóa tu có thể bị hỏng do các hành động xốc nổi, hiếu sự của các em, thậm chí quậy phá.

Như vậy, tinh thần kỷ luật, chặt chẽ trong tổ chức, chu đáo trong điều hành là điều phải chuẩn bị trước tiên

Nếu dể dãi, lơi lỏng, điều mà chúng ta cần có là môi trường tu, không khí tu sẽ không có. Sẽ chỉ là một cuộc họp bạn, không phải khóa tu.

Điểm lưu ý thứ 2 là phải chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất

Nơi cư trú, chiếu, gối, chăn, màn, chỗ ngồi trong nhà ăn, chỗ ngồi trong hội trường, số lượng nhà vệ sinh… phải cân đối để thích ứng với số lượng các em tham gia khóa tu.

Chùa Hoằng Pháp, với cơ sở vật chất như hiện có, phải giới hạn số lượng các em tham gia, sao cho có thể chăm sóc các em thật chu đáo. Nếu không giới hạn bằng những biện pháp như thu hẹp độ tuổi, buộc phải đến đăng ký trực tiếp… , thì số lượng các em đăng ký có thể lên đến 10 – 12 ngàn. Căn cứ vào khả năng đáp ứng cơ sở vật chất, năm nay chùa tổ chức 2 khóa, mỗi khóa hơn 2000 em.

Mục tiêu của khóa tu là hướng các em vào con đường tu học, tin kính Tam Bảo, nên phải thiết kế chi tiết một chương trình với định hướng như trên, chú trọng đến việc giúp các em tiếp xúc với Phật, Pháp, Tăng.

Tuy nhiên, nội dung chương trình cũng đáp ứng được yêu cầu giáo dục thanh thiếu niên thành những người có đạo đức cho xã hội, nên dù cung thỉnh chư tăng thuyết giảng, nội dung cũng phải tập trung vào những vấn đề thiết thân của các em, như tinh thần hiếu để, từ bi, vị tha, chỉ rõ sự nguy hiểm của rượu, của thuốc lá, của game online, của nếp sống buông thả, phóng túng.

Một kinh nghiệm nữa trong hoạt động chuẩn bị là khả năng, phương tiện kiểm soát các em.

Ý thức tổ chức kỷ luật của các em trong các khóa tu không đồng đều, nên cần phải có nhân sự dự phòng trong việc quản lý. Qua quá trình tổ chức các khóa tu hè, thầy thấy là nếu khi số em được phụ huynh gửi vào chùa do có vấn đề về đạo đức tăng cao, thì số nhân sự quản lý phải được tăng cường, cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát.

Khi vào khóa tu, để sống trong môi trường thanh tịnh biệt lập hoàn toàn, các em phải gửi lại điện thoại di động, các em nam không được đem vào thuốc lá, bật lửa, thức ăn mặn…

Nhưng có khóa, có em trai cố gắng mang theo dao, vật nhọn, có em dấu mang vào điện thoại di động, nên nhà chùa phải trang bị máy rà kim loại.

Thực đơn phục vụ cho các em phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ sao cho các em được ngon miệng, đủ chất khi phải ăn chay.

Khi tổ chức khóa tu hè dành cho thanh thiếu niên, tùy theo hoàn cảnh từng địa phương, tùy chùa cụ thể, thiết kế chương trình chi tiết có thể thay đổi, nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu như trên, giữ vững mục tiêu trang nghiêm, thanh tịnh, chuyển hóa có kết quả về mặt đạo đức.

CSMT: Bạch Thượng tọa, thời gian khóa tu là 7 ngày nhưng việc tập trung, ổn định nơi cư trú, sinh hoạt nội quy…, và việc chuẩn bị của ban tổ chức cần bao nhiêu thời gian trước đó.

TTTCT: Các em tập trung trước khi khai mạc khóa tu 2 ngày. Thời gian nhà chùa chuẩn bị cho khóa tu là khoảng 7 ngày trước đó.

Cùng với quý thầy trong chùa, hỗ trợ các em tu tập còn có lực lượng bảo vệ, hành chính, các bác sĩ y tá, quý vị cư sĩ công quả chăm lo ẩm thực…

Chùa Hoằng Pháp đã rất quen với việc tổ chức khóa tu có đông người tham dự, nên việc tổ chức cũng thoải mái, lần nào cũng như lần nào, đâu đều vào đó. Vì vậy, nói khó thì cũng có, nhưng làm quen rồi sẽ thành dễ.

CSMT: Bạch Thượng tọa, chi phí cho một khóa tu hè 7 ngày với 2000 em tham dự khoảng độ bao nhiêu tiền? Tính bình quân phí tổn cho mỗi em là bao nhiêu? Vấn đề kinh phí tổ chức, nhà chùa cân đối ra sao? Các em có phải đóng tiền?

TTTCT: Chi phí cho mỗi khóa tu 7 ngày như thế là hơn 500 triệu/khóa, gồm cả nhiều mặt, từ ẩm thực, phục vụ xà bông giặt giũ, vệ sinh cá nhân, bảo vệ, chăm sóc y tế, tập vở, bút mực, quà kỷ niệm cho các em…

Tất cả chi phí do nhà chùa đài thọ, tức là do bá tính thí chủ đóng góp, các em không phải đóng một khoản tiền nào hết.

Chùa Hoằng Pháp cũng không tính toán đến chi phí, có tiền là lo cho các em, còn phụ  huynh hay các em đã là thanh niên trưởng thành muốn hiến cúng thì cứ đặt tịnh tài vào thùng phước điền, nhà chùa không ghi sổ hay làm biên nhận lưu gì hết. Do đó, khó có thể trả lời đạo hữu chi tiết hơn.

Tuy vậy, nhờ ơn Tam Bảo gia hộ, đã tổ chức được khóa tu thì đương nhiên là kinh phí đã được thiện tín mười phương lo giúp đâu vào đó.

CSMT: Bạch Thượng tọa, chương trình tổng quát hàng ngày cho một khóa tu hè ra sao? Cũng xin Thượng tọa giải thích cơ chế thiết kế chương trình để những vị tăng ni muốn tham khảo kinh nghiệm tổ chức chi tiết để vận dụng.

TTTCT: Lịch sinh hoạt ngày của khóa tu hè có điều chỉnh đôi chút so với lịch sinh hoạt của nhà chùa, vì cố gắng tạo thuận lợi cho các em.

Hàng ngày, chùa dậy từ 3g30 sáng, 4g công phu, nhưng khi có khóa tu hè, vì các em chưa quen dậy sớm, nên giờ báo thức dời lại vào 4g30.

Cụ thể:
–    4g30 đến 5g: Vệ sinh cá nhân
–    5g đến 5g30: Công phu
–    6g ăn sáng, chuẩn bị nghe pháp
–    Từ 7g đến khoảng gần 11g: nghe pháp và pháp đàm (nêu câu hỏi với giảng sư)
–    11g – 12g: thọ trai
–    12g – 13g30: nghỉ trưa
–    13g30 đến 15g30: Tụng kinh
–    15g30 – 18g: Tự do, đọc sách
–    18g: Dùng cơm chiều
–    19g: Tụng kinh Vu Lan – Báo hiếu
–    21g15 đến 21g30 tĩnh tọa trước khi ngủ.

Việc tụng kinh chú trọng vào mục tiêu giúp các em làm quen với nghi lễ Phật giáo và giáo dục các em tinh thần hiếu để đối với ông bà cha mẹ.

Hoạt động thuyết pháp nhằm vào mục tiêu giới thiệu các khái niệm căn bản của giáo lý Phật giáo, chú trọng nhân thừa, ứng dụng giáo lý vào cuộc sống, xa lánh thói hư tật xấu.

Chương trình sinh hoạt tổng quát nhằm hướng các em làm quen với nếp sống thiền môn, tự viện.

Khi kết thúc khóa tu, các em được khuyến khích viết bài cảm tưởng và tất cả các em được tặng một phần quà kỷ niệm gồm kinh sách và đĩa giảng giáo lý. Số kinh sách và đĩa quang giáo lý là quà tặng này cũng được tuyển chọn theo hướng tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên.

Quà kỷ niệm có tác dụng góp phần phát huy kết quả khóa tu, củng cố và mở rộng kiến thức giáo lý Phật giáo.

CSMT: Bạch Thượng tọa, kết quả của các khóa tu hè dành cho thanh thiếu niên ra sao?

TTTCT: Những phản hồi chùa Hoằng Pháp nhận được phản ánh kết quả khóa tu đều rất tốt.

–    Điều trước tiên là các em đã tiếp cận được với Phật pháp, biết tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền…, tiếp xúc với quý thầy.

–    Số đông phụ huynh các em trong ý kiến gửi về chùa Hoằng Pháp dưới nhiều hình thức đều ghi nhận có sự chuyển biến ở các em trong quan niệm sống, nếp sống, phong cách sống. Các em có ý thức hơn về bổn phận, trách nhiệm của người con trong gia đình, đứng đắn hơn trong sinh hoạt…

Tuy nhiên, tu 7 ngày không thể chuyển đổi được cả một con người. Những chuyển biến được ghi nhận có, nhưng chỉ là những bước khởi đầu.

–    70%  trong tổng số các em tham dự khóa tu hè được quy y theo nguyện vọng trong một cuộc lễ tổ chức vào cuối khóa tu. Đây là kết quả đáng ghi nhận của khóa tu trong cố gắng xây dựng, bồi đắp mối quan hệ giữa các em và đạo Phật, đưa các em trở thành Phật tử.

CSMT: Bạch Thượng tọa, xin Thượng tọa cho biết về tiến trình tổ chức khóa tu hè của chùa Hoằng Pháp trong sự phát triển của công việc tổ chức, để chư tăng ni có thể tham khảo về tiến độ tổ chức, quy mô tổ chức?

TTTCT: Tính từ lần tổ chức đầu tiên cho đến nay, số thanh niên tham dự khóa tăng khoảng 15 lần. Cụ thể:
–    Khóa 2005: hơn 300 em
–    Khóa 2006: hơn 700 em
–    Khóa 2007: Hơn 1.600 em
–    Khóa 2008: Hơn 3000 em
–    Khóa 2009: Hơn 6000 em
–    Khóa 2010: Hơn 6000 em, chia 2 đợt.
–    Khóa 2011: Hơn 4.500 em, chia 2 đợt.

Khi số các em tham dự khóa tu hè đạt đến mức 6000 em vào năm 2009, thì các vấn đề đã nảy sinh, trong đó lớn nhất là cơ sở hạ tầng của chùa Hoằng Pháp không đủ đáp ứng số lượng các em có nguyện vọng tham gia khóa tu.

Từ đó, nhà chùa buộc phải bắt đầu thu hẹp giới hạn số lượng, bằng cách giới hạn tiêu chuẩn được tham dự về tuổi (từ 13 đến 25 xuống 15 đến 25 tuổi, rồi hơn nữa, giới hạn từ 15 đến 22 tuổi), buộc các em phải đến đăng ký tham dự trực tiếp, không nhận đăng ký qua email, thư bưu chính, đăng ký hộ, chặt chẽ hơn trong hồ sơ đăng ký…

Mức tăng mạnh số lượng các em đăng ký dự tu cho thấy nhu cầu được tu học tập trung trong các khóa tu của các em rất lớn. Nếu chùa Hoằng Pháo đủ cơ sở vật chất để đáp ứng, nới rộng tiêu chuẩn thì có thể số lượng các em đăng ký dự tu có thể lên đến 15.000 em trong năm nay, nếu thời giant u không trùng vào kỳ thi đại học.

Một kết luận có thể rút ra là không phải đạo Phật không thích hợp với tuổi trẻ, mà ngược lại, đạo Phật, với sự ưu việt của giáo lý có sức thu hút rất mạnh với tuổi trẻ. Chỉ cần chúng ta tìm được hình thức tu học thích hợp cho các em là chúng ta có thể trẻ hóa số lượng Phật tử đến chùa.

Nếu tỷ lệ người trẻ/người đứng tuổi trong các khóa tu Phật thất là 25% (trẻ) so với 75% (đứng tuổi), và tỷ lệ nam so với nữ cũng xấp xỉ mức trên, thì trong khóa tu hè dành cho thanh thiếu niên thì tỷ lệ nam nữ xấp xỉ như nhau (50/50), có khóa số lượng các em nam còn đông hơn.

Như vậy, nhu cầu đến với Phật pháp trong môi trường được tổ chức thích hợp, giữa nam và nữ là như nhau.

Các khóa tu hè dành cho thanh thiếu niên cho thấy thành kiến đạo Phật chỉ thích hợp với các bà, các cô lớn tuổi là một quan niệm sai lầm, và nếu có quyết tâm, các cơ sở Phật giáo có thể điều chỉnh  thực tế lệch lạc hiện nay (phần lớn Phật tử đến chùa là người lớn tuổi).

CSMT: Bạch Thượng tọa, để đáp ứng nhu cầu tu học rất cao của thanh thiếu niên, vì sao chùa Hoằng Pháp không tìm đến giải pháp mới, chẳng hạn như tổ chức nhiều khóa tu hè nối tiếp nhau chẳng hạn?

TTTCT: Đạo hữu khó có thể chia sẻ tâm trạng của các thầy, khi thấy các em khóc do không được dự tu vì không hội đủ các điều kiện. Thầy và tập thể chư tăng chùa Hoằng Pháp vẫn chưa thể thỏa mãn nhu cầu tu học của các em thanh thiếu niên, dù nhiều giải pháp đã được tính đến.

–    Thời gian tổ chức các khóa tu hè là thời gian an cư kiết hạ của chư tăng. Việc tập trung đông đảo các em trong chùa như vậy phải chỉ giới hạn trong một thời gian để khỏi ảnh hưởng nhiều đến việc an cư của chư tăng. Cho nên, hướng tổ chức nhiều đợt nối tiếp không khả thi.

–    Để bảo đảm thanh tịnh, trang nghiêm, trong thời gian khóa tu, chùa phải đóng cửa hoàn toàn, “nột bất xuất, ngoại bất nhập”. Nếu nới lỏng yêu cầu này thì trước hết sẽ xảy ra hiện tượng có một số em lén ra ngoài với đủ lý do, phá vỡ kỷ luật chung. Nhưng đóng cửa chùa như thế thì sinh hoạt tín ngưỡng thường nhật của đông đảo Phật tử bị ảnh hưởng.

–    Tổ chức nhiều đợt nối tiếp trong thực tế, vất vả hơn nhiều so với tổ chức tập trung một khóa tu đông đảo. Thí dụ, tổ chức khóa tu cho 2000 em chẳng hạn chỉ vất vả hơn cho 500 em một chút.

Nhưng tổ chức 2 đợt thì có thể coi là vất vả gấp đôi. Các thầy không ngại vất vả, nhưng vấn đề là ảnh hưởng đến cao điểm tu học trong mùa an cư.

Chùa Hoằng Pháp hướng tới giải pháp là xây dựng cơ sở mới, dành riêng cho việc tổ chức khóa tu cho cư sĩ và có thể tổ chức cùng lúc nhiều khóa tu theo các loại hình khác nhau, đáp ứng cùng lúc khoảng 10.000 người dự tu đủ mọi lứa tuổi.

Cũng như nhiều trung tâm tu học Phật giáo lớn trên thế giới, chính điện có chức năng của giảng đường cần có quy mô của một sân vận động có mái che, giải quyết trường hợp người dự tu khi hành lễ, nghe pháp phải tập trung ở nhiều điểm, từ các điểm phụ phải theo dõi qua màn hình video trực tiếp truyền hình từ chính điện như hiện nay ở chùa Hoằng Pháp.

Yêu cầu của diện tích kiến trúc so với diện tích khuôn viên cây xanh, tiểu cảnh phải là 30% kiến trúc so với 70% diện tích khuôn viên cây xanh cảnh trí, để có thể tổ chức thiền tọa, thiền hành ngoài trời.

Chùa Hoằng Pháp đang trong giai đoạn tìm địa điểm xây dựng cơ sở dành riêng cho việc tu tập của cư sĩ nói trên. Một số khu đất có thể coi là đáp ứng được nhu cầu, nhưng khó khăn chính vẫn là nhà chùa vẫn chưa tích lũy được một ngân khoản cần thiết.

Giải pháp trước mắt và hiệu quả nhất là các chùa ở khắp các địa phương trên cả nước, ít nhất là mỗi huyện một đơn vị, tổ chức các khóa tu hè cho thanh thiếu niên.

Qua email, thư tín, điện thoại, các thầy ở chùa Hoằng Pháp biết rằng còn có nhiều em từ Bắc vào Nam mong tới chùa Hoằng Pháp để dự tu, nhưng ngay tiền tàu xe cũng không đủ. Nếu ở khắp các địa phương đều có khóa tu, thì tốt cho các em vô cùng, cũng như giúp giảm tải cho chùa Hoằng Pháp.

CSMT: Bạch Thượng tọa, còn những hình thức tu học khác cho giới trẻ, như các ngày tu ngắn hạn cũng có thể giúp giảm tải cho khóa tu hè.

TTTCT: Vẫn có đấy chứ. Chùa Hoằng Pháp hiện tổ chức ngày tu cho các em sinh viên vào chủ nhật, với tần suất 2 tháng 1 lần. Số lượng các em tham dự là hơn 1000 em/ngày.

Ngoài ra, các em cũng được khuyến khích dự tu Phật thất định kỳ, nếu có thời gian.

CSMT: Bạch Thượng tọa, gọi là khóa tu, ngày tu thì những hoạt động trên có hạn chế trong đối tượng là thanh thiếu niên khác tôn giáo nếu muốn tham dự có thể được không?

TTTCT: Chùa Hoằng Pháp mở rộng của đón tất cả các em thanh thiếu niên đến dự tu, không phân biệt tôn giáo miễn là chấp nhận tuân thủ nội quy. Trong thực tế, cũng đã có nhiều em theo các tôn giáo khác dự tu. Các em dù theo tôn giáo khác nhưng muốn tìm hiểu đạo Phật qua các khóa tu, ngày tu, chùa Hoằng Pháp đều hoan nghênh.

CSMT: Bạch Thượng tọa, ngoài ra, nếu các chùa tổ chức khóa tu, cần chú ý kinh nghiệm gì nữa?

TTTCT: Một vài kinh nghiệm nữa là:

–    Đối với các em đến dự tu không tự nguyện mà do cha mẹ gửi vào nhờ nhà chùa, thì nên tìm hiểu rõ hơn các em qua phụ huynh, vì một số không nhỏ các em như thể thường hiếu động cá biệt, phụ huynh trông cậy nhà chùa chuyển hóa tâm tính. Với nhóm các em này, quý tăng ni phải lưu ý quan tâm cảm hóa riêng. Còn nhóm các em tự đăng ký dự tu, xuất phát từ nguyện vọng của các em, thì thường là chúng ta có thể yên tâm.

–    Những sự cố như ăn cắp vặt, cãi cọ, va chạm… có nguy cơ xảy ra. Nên khuyên các em không nên mang theo đồ trang sức, quá nhiều tiền bạc so với yêu cầu chi tiêu.

–    Đề phòng một số trường hợp cá biệt ghi danh không phải vì thật sự muốn tu mà với những dụng ý riêng, như móc túi, chọc ghẹo các em khác phái…

–    Thời gian các em giải lao nghỉ ngơi tự do là thời gian ban tổ chức, đội bảo vệ làm việc căng thẳng.

–    Chú trọng đến nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của các em, khi cần có thể dành nhiều thời giờ để các em nêu câu hỏi về giáo lý.

–    Thầy biết được những trường hợp đặc biệt có chuyển hóa căn bản về suy nghĩ sau khóa tu. Ví dụ, một em qua bài cảm tưởng cho biết em biết ơn ba em và thương ba nhiều hơn sau khóa tu. Gia đình em rất giàu có, em không muốn dự tu, nhưng ba em đánh đổi 7 ngày khóa tu lấy 7 ngày du lịch nước ngoài. Em miễn cưỡng dự tu nhưng sau những ngày đầu khó khăn em cảm thấy chuyển hóa an lạc, yêu kính cha mẹ bội phần. Có thể những trường hợp đặc biệt, thay đổi căn bản sang hướng tích cực như thế không nhiều, nhưng đó là nguồn động viên lớn cho các thầy tổ chức khóa tu.

–    Mọi chùa, mọi thầy đều có thể tổ chức khóa tu và có nhiều hình thức, nhiều cấp độ để tổ chức. Chúng ta nên mạnh dạn đi từng bước chắc chắn, từ ít đến nhiều, từ ngắn ngày đến dài ngày, từ những người lớn tuổi đến thanh niên. Năm nay nhiều chùa đã làm được và cũng đều thành tựu Phật sự.

CSMT: Bạch Thượng tọa câu hỏi cuối cùng, xin Thượng tọa có đôi lời nhận xét và góp ý  đối với trang tin Phattuvietnam.net.

TTTCT: Trang tin Phattuvietnam.net có nhiều thế mạnh và đã khai thác có hiệu quả những thế mạnh đó, tạo nên những thành quả tốt.

Chùa Hoằng Pháp cũng như nhiều chùa khác đều có trang tin, nhưng trang tin nhà chùa có những yêu cầu riêng, đặc trưng riêng, nên dù muốn cũng khó có thể đề cập đến những vấn đề nóng như Phattuvietnam.net đã làm và tạo nên ưu thế cho trang tin, chẳng hạn vấn đề cải đạo, sư giả…

Phattuvietnam.net cũng nóng vì chất trẻ của trang tin, nơi mà thong tin và bài viết dành cho Phật tử trẻ chiếm một tỷ lệ cao.

Trong Phật sự khóa tu dành cho giới trẻ, mà chúng ta đang đề cập, Phattuvietnam.net có thể đóng vai trò sách tấn nhau trong Phật sự mới mẻ này, cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc cách giải quyết khi gặp trở ngại, góp phần thúc đẩy Phật sự hoằng pháp và hướng dẫn thanh thiếu niên ngày càng phát triển đều khắp và ngày càng đi vào chiều sâu.

CSMT: Bạch Thượng tọa, xin cảm ơn Thượng tọa và kính chúc Thượng tọa cũng như chùa Hoằng Pháp ngày càng có nhiều bước tiến mới trong Phật sự.

MT