Trang chủ Văn học Từ nhà sư Chí Hiên tới nhà thơ Nguyễn Du

Từ nhà sư Chí Hiên tới nhà thơ Nguyễn Du

311

Thi hào Nguyễn Du (1766–1820) mang trong tâm rất nhiều nỗi buồn sâu thẳm… Đó là điểm nổi bật hiện ra khi đọc lại thơ Nguyễn Du, nơi đó từng trang sách, từng câu văn là những suy nghĩ rất buồn. Hình ảnh Nguyễn Du trong văn học Việt Nam  đã trở thành một đỉnh cao ngôn ngữ, một tượng đài thi ca cho muôn đời sau, tuy tuổi thọ của cụ chỉ 54 tuổi (ghi nhận, một số sách cũ ghi rằng Nguyễn Du sinh năm 1765, nhưng các sách mới ghi theo Nguyễn tộc gia phả viết rằng Nguyễn Du sinh năm 1766).

Như thế, năm nay, năm 2020, là 200 năm tính từ năm cụ khuất núi. Nguyễn Du từng có thời xuất gia… Nếu cụ ẩn trong chùa, sống suốt một đời tăng sĩ, hẳn là chúng ta sẽ thấy sự nghiệp văn học của cụ mang ngôn phong khác; có thể sẽ là một Thiền sư để lại nhiều bài thơ Thiền và một số sách luận giải kinh điển. Nhưng khói lửa thời ly loạn đã kéo Nguyễn Du về với nội chiến phân tranh, và tâm hồn lãng mạn đã dẫn cụ về những những hình bóng giai nhân trong thơ (và cả trong đời thường).

Trong thời đất nước điêu linh, gia tộc Nguyễn và bằng hữu chia nhiều phe – một phần theo phò nhà Lê, một phần theo nhà Tây Sơn dựng nghiệp, một phần theo Nguyễn Ánh, người sau này thống nhất đất nước và trở thành Vua Gia Long (sử ghi: năm 1796, Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An, sau án tù được tha về quê sống ở Tiên Điền)  – nhà thơ Nguyễn Du từng trực tiếp tham dự cuộc chiến phân tranh, rồi do cơ duyên lưu lạc (nói theo chữ bây giờ: làm du tăng? hay tỵ nạn? hay lưu vong?) nhiều năm trên đất Trung Hoa. Rồi cũng có một thời kỳ nhà thơ nho sĩ Nguyễn Du dấy binh nổi dậy, thua trận và rồi trốn về quê vợ, ăn rau nhiều năm tới xanh cả mặt… Khi Tây Sơn bị tận diệt, Nguyễn Du ra làm quan cho Vua Gia Long, nhưng thơ ông cho thấy một tấm lòng muốn lui về ẩn cư nơi quê nhà Hồng Lĩnh. Nỗi buồn sâu thẳm tới mức khi bệnh nặng, Nguyễn Du không uống thuốc, nói người nhà sờ vào tay chân xem; khi người thân nói lạnh rồi, Nguyễn Du chỉ nói, “Được” – và từ trần, không lời nào trăn trối để lại.

Nỗi buồn đó không chỉ ẩn trong Truyện Kiều với những câu như:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…

Nỗi buồn đã hiển lộ rất mực đa dạng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, trong nhiều bài viết và nhiều đề tài. Thơ buồn tới mức có thể nói rằng Nguyễn Du đang tuyên thuyết Khổ Đế của nhà Phật.

Một điểm cho thấy rằng ngay cả khi trong cõi nhân gian, có mối tình lãng mạn với Hồ Xuân Hương khoảng ba năm, Nguyễn Du từng làm 2 bài thơ tặng nữ sĩ họ Hồ với bút hiệu Chí Hiên (và như thế, Nguyễn Du từng làm thơ tặng cô với một hay nhiều bút hiệu khác)… Tại sao làm thơ tặng nữ sĩ lại ký bút hiệu bằng pháp hiệu Chí Hiên thời còn là một tăng sĩ? Hay là, có ai trùng tên Chí Hiên? Hay là, Nguyễn Du làm thơ tặng nàng họ Hồ nhưng không muốn nhiều người biết, nên dùng pháp danh khi còn là tăng sĩ Chí Hiên trong thời lưu lạc bên Trung Hoa?

Trong khi đó, Nguyễn Du trong thi tập “Nam trung tạp ngâm” có 5 bài thơ nhan đề Mộng đắc thái liên (từ kỳ 1 tới kỳ 5), lời rất lãng mạn, được học giả Hoàng Xuân Hãn và Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (trong sách Lưu Hương Ký do NNB dịch và chú) suy đoán là Nguyễn Du làm tặng Hồ Xuân Hương.

Nơi đây, sẽ trích  các bản dịch nghĩa của Thivien.net để thấy chất thơ rất lãng mạn của Nguyễn Du. Để dễ đối chiếu các văn bản, sẽ viết như văn xuôi.

— Mộng đắc thái liên kỳ 1 (Mộng thấy hái sen kỳ 1): Khẩn thúc giáp điệp quần / Thái liên trạo tiểu đĩnh. / Hồ thuỷ hà xung dung / Thuỷ trung hữu nhân ảnh.

Dịch nghĩa: Buộc chặt váy cánh bướm / Chèo thuyền con hái sen / Nước hồ sao lai láng / Trong nước có bóng người.

— Mộng đắc thái liên kỳ 2: Thái thái Tây Hồ liên / Hoa thực câu thướng thuyền / Hoa dĩ tặng sở uý / Thực dĩ tặng sở liên.

Dịch nghĩa: Hái, hái sen Hồ Tây / Hoa và gương sen đều để trên thuyền / Hoa để tặng người mình trọng / Gương để tặng người mình thương.

— Mộng đắc thái liên kỳ 3: Kim thần khứ thái liên / Nãi ước đông lân nữ / Bất tri lai bất tri / Cách hoa văn tiếu ngữ.

Dịch nghĩa: Sớm nay đi hái sen / Nên hẹn với cô láng giềng / Chẳng biết đến lúc nào không biết / Cách hoa nghe tiếng cười.

— Mộng đắc thái liên kỳ 4: Cộng tri liên liên hoa / Thuỳ giả liên liên cán / Kỳ trung hữu chân ti / Khiên liên bất khả đoạn.

Dịch nghĩa: Mọi người đều biết yêu hoa sen / Nhưng ai là kẻ yêu thân sen / Trong thân cây sen thật có tơ sen / Vương vấn không đứt được.

— Mộng đắc thái liên kỳ 5: Liên diệp hà thanh thanh / Liên hoa kiều doanh doanh / Thái chi vật thương ngẫu / Minh niên bất phục sinh.

Dịch nghĩa: Lá sen sao mà xanh xanh / Hoa sen đẹp đầy đặn / Hái sen chớ làm tổn thương ngó sen / Sang năm sen không mọc lại được.

Làm tới 5 bài thơ lãng mạn tuyệt vời, chỉ để tặng một cô hái sen vô danh? Hiển nhiên là tặng ai đó, nhiều phần hẳn là nữ sĩ họ Hồ.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Chánh trong bài viết nhan đề “Tiểu Sử Nguyễn Du Qua Những Phát Hiện Mới” trên Việt Báo ngày 02 / 01 / 2016 ghi nhận như sau, trích:

“Từ khi tìm ra Lưu Hương Ký thơ Hồ Xuân Hương có chép hai bài thơ Chí Hiên tặng. Suy diễn từ tình cảm oán trách trong bài, tôi cho rằng đó là thơ Nguyễn Du, oán trách Hồ Xuân Hương đi lấy chồng Thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm, khi Nguyễn Du bị tù tại Hồng Lĩnh năm 1796. Tôi cho rằng đó là bút hiệu Nguyễn Du dùng trước khi đổi thành bút hiệu Thanh Hiên. Cuối năm 1787 Nguyễn Du sang Vân Nam bị bệnh ba tháng xuân, sau đó Nguyễn Du xuất gia thành nhà sư Chí Hiên, để đi giang hồ đến Trường An và hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Trung Châu. Thành nhà sư đi nhờ các thuyền buôn không mất tiền, đêm trú lại một ngôi chùa trên đường đi tụng Kinh Kim Cương làm công quả, ăn ngủ tại các chùa trên đường đi. Chí là danh hiệu Chí Thiện Thiền Sư Chưởng môn Thiếu Lâm Tự thời vua Càn Long. được người đương thời kính phục, đề tài của nhiều bộ tiểu thuyết. Nhà sư giỏi võ vác thanh trường kiếm trên vai, được các thuyền buôn tin tưởng và có thể nhờ làm lễ cầu phúc cầu may buôn bán tốt lành. Với phương tiện này Nguyễn Du có thể đi Giang Bắc Giang Nam cái túi không, Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế, (đi gần 5000 km) và Tụng Kinh Kim Cương nghìn lượt (1000: 365 ngày= khoảng 3 năm).” (1)

Đó là một giả thuyết cũng có thể khả tín. Tuy nhiên, không ai biết chính xác các chi tiết đó. Bởi vì, một Thiền sư hẳn là quan tâm về Thiền hơn tụng kinh, và  không chắc đã tụng kinh hàng ngày trong khi lưu lạc trên đất Trung Hoa. Một điểm nên thấy, Nguyễn Du (trong vai trò nhà sư Chí Hiên) có thể giỏi làm thơ, viết văn chữ Hán, nhưng để giao tiếp là phải nói, hẳn nhiên là giọng không phải là giọng nói của người bản xứ Trung Hoa, như thế chuyện “tụng kinh để làm lễ cầu phúc cầu may buôn bán tốt lành” thì đa số dân Trung Hoa có lẽ không thỉnh mời một nhà sư Việt Nam, với cách tụng kinh giọng người Hà Tĩnh như cụ. Hẳn là, cụ Nguyễn Du tụng ngàn biến Kinh Kim Cương nhiều phần là trong những khi ẩn cư ở Việt Nam. Có thể đoán rằng, trong bộ y phục nhà sư, Nguyễn Du chỉ cần viết thư pháp vài chữ là được Phật tử cúng tiền, thậm chí chỉ cần đứng chắp tay trước cửa nhà hay góc phố là được dân Trung Hoa bước tới cúng dường; đó là truyền thống của các Thiền sư Trung Hoa, tùy trường hợp: vấn đạo, thỉnh pháp, du hóa… Bởi vì, Nguyễn Du không lẽ chỉ mặc áo sư để có tiền đi bụi đời Giang Nam, Giang Bắc…

Nhưng khát vọng sống đời xuất gia lúc nào cũng mang trong tâm Nguyễn Du (có thể, kể cả khi đã lấy vợ?)… Giọng thơ Nguyễn Du bàng bạc chất buồn của một người sống thâm sâu với ý thức về Khổ Đế, như trong bài thơ nhan đề Tự thán kỳ 2, trong tập Thanh Hiên Thi Tập viết trong thời kỳ Mười năm gió bụi (1786-1795), trích:

Thư kiếm vô thành sinh kế xúc / Xuân thu đại tự bạch đầu tân / Hà năng lạc phát quy lâm khứ / Ngoạ thính tùng phong hưởng bán vân!

Bản dịch nghĩa trên Thuvien.net: Văn võ không thành sinh kế quẫn bách / Hết xuân lại thu, đầu cứ bạc thêm / Ước gì có thể gọt tóc vào rừng / Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây!

.

Hãy hình dung rằng Nguyễn Du tự biết mình có tài văn chương, tự tin có tài võ lược (Sử ghi: năm 1787, Nguyễn Du bốn năm trấn đóng Thái Nguyên, sau trận chiến với quân Tây Sơn, đi giang hồ không nhà không cửa cùng Nguyễn Đại Lang) nhưng cuộc nội chiến đã làm tan nát cả gia tộc nhà Nguyễn, và rồi Nguyễn Du phải bụi đời (tỵ nạn? lưu vong?) sang Trung Hoa – và trở thành nhà sư du tăng trong thời kỳ này.

Trong thời kỳ lưu lạc bên Trung Hoa (từ 1787 tới 1790), Nguyễn Du lúc nào cũng nghĩ tới quê nhà. Bài thơ nhan đề Bát Muộn (Xua Nỗi Buồn) trong tập Thanh Hiên Thi Tập có 4 dòng cuối như sau:

Tang tử binh tiền thiên lý lệ / Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư / Ngư long lãnh lạc nhàn thu dạ / Bách chủng u hoài vị nhất sư.

Dịch nghĩa: Quê nhà trong cơn binh lửa hẳn đã tiêu điều / Ở xa muôn dặm nghĩ đến mà rơi nước mắt / Bạn bè, bà con chỉ còn lại mấy hàng thư dưới đèn / Đêm thu vắng, cá rồng lặng lẽ, trăm mối u hoài chưa dẹp được chút nào!

Nỗi buồn không chỉ là từ xa muôn dặm nghĩ về quê nhà, mà tự thấy là suốt đời không gỡ nổi. Trong bài thơ nhan đê “Thu Chí (II)” trong cùng tập thơ trên, có hai câu rất buồn, trích:

Trù trướng lưu quang thôi bạch phát / Nhất sinh u tứ vị tằng khai.

Dịch nghĩa: Thời gian thấm thoắt làm cho mái tóc chóng bạc / Nghĩ mà ngậm ngùi, suốt đời ta chưa hề gỡ được mối u sầu.

Nỗi buồn sâu thẳm tới mức Nguyễn Du không nói nên lời. Ngay cả khi làm quan cho Vua Gia Long cũng  giả vờ như ngu, như khờ, như sợ cung đình… Tại sao? Nguyễn Du là một nhà thơ tài năng tự biết hơn người, bản thân cũng đã từng vào sinh ra tử với đao kiếm, cũng từng là nhà sư và ý thức về vô thường, lẽ nào lại thực sự là ngu, thực sự là khờ, thực sự là sợ? Trong khi đó, theo gia phả, Nguyễn Du là chú vợ của Vua Gia Long Nguyễn Ánh (một cung tần của vua là bà Thị Uyên, con Nguyễn Trừ, anh thứ năm của Nguyễn Du).

Tự điển Bách khoa Mở viết về thái độ Nguyễn Du trong cung đình:

“Đại Nam thực lục chép về Nguyễn Du: ‘Du là người Nghệ An, học rộng giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì.’ Đại Nam liệt truyện chép: ‘Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến, sợ hãi như không nói được.’ Người đời sau, như ý kiến của các ông Trịnh Vân Định, Trần Nho Thìn cho đó là một cách khéo léo để giữ toàn mạng và thăng tiến trong thời loạn, mặc dù trong văn thơ của Nguyễn Du thường đề cao những anh hùng thời loạn, nhưng ông chọn cách sống khác, cống hiến nhưng “ẩn dật” trong chốn quan trường.”

Ngẫm lại, nỗi buồn sâu kín của Nguyễn Du kéo dài hơn một đời người. Ông nghĩ rằng ba trăm năm sau may ra mới có người thương tiếc ông… Bài thơ nhan đề “Độc Tiểu Thanh ký” trong Thanh Hiên Thi Tập) có hai câu cuối:

Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Dịch nghĩa: Chẳng biết ba trăm năm sau nữa / Thiên hạ có ai khóc Tố Như ta?

Buồn chi mà gửi tâm sự tới ba trăm năm sau? Hẳn là từ cuộc nội chiến binh đao… Anh vợ của Nguyễn Du theo nhà Tây Sơn, trong khi hai người anh / em của Nguyễn Du dự tính chạy theo Lê Chiêu Thống sang Tàu nhưng không kịp.

Bài thơ nhan đề “Ngô gia đệ cựu ca cơ” trong thi tập Bắc Hành Tạp Lục, tương truyền là Nguyễn Du tặng cho em khác mẹ là Nguyễn Úc. Theo Wikisource:

“Gia đệ: Em, có thể là em cùng mẹ, mà cũng có thể là em khác mẹ. Đây có thể chỉ người em cùng mẹ là Nguyễn Úc được tập ấm là Hoàng Tín đại phu Trung Thành Môn Vệ Úy. Năm Kỷ Dậu (1789) vua Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, Nguyễn Úc chạy theo không kịp, về ngụ nơi quê vợ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm Tân Vị (1811), Gia Long nghe ông có tài khéo, xuống chiếu triệu vào kinh, bổ làm Thiêm Sự bộ Công, tước Hầu. Những miếu điện ở kinh thành đều do ông sáng chế kiểu thức.” (2)

Trong khi đó, sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Trần Văn Nhĩ, NXB Văn Nghệ, 2007) ghi rằng: “Anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ (1761-1805) giữ chức Hiệp tán quân cơ Sơn Tây. Khi Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc, ông theo không kịp, về quê mẹ ở Bắc Ninh. Sau có người tiến cử, ông theo Tây Sơn, giữ chức Hàn lâm thị thư, sau đó làm Phó sứ tuế cống sang Trung Quốc. Khi Gia Long lên ngôi, ông ra trình diện, làm quan vài năm rồi mất.”

Mặt khác, Wkipedia kể về một người anh Nguyễn Du lui về quê dấy binh chống Tây Sơn, và các gia trang nhà Nguyễn đều bị đốt sạch:

“Tháng mười, năm Tân Hợi (1791), anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết. Dinh cơ, từ đường họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh bị tướng Tây Sơn Lê Văn Dụ đốt cháy, phá hủy, làng Tiên Điền bị làm cỏ vì cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh.”

Trong khi đó, Nguyễn Đề (anh của Nguyễn Du) và Đoàn Nguyễn Tuấn đều đã rời nhà Lê để theo Tây Sơn (nhưng Nguyễn Du hướng tâm về Nguyễn Ánh, người sau trở thành Vua Gia Long). Wikipedia viết, trích:

“Năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Du về thăm quê Tiên Điền và đến cuối năm ông vào kinh đô Phú Xuân thăm anh là Nguyễn Đề đang làm thái sử ở viện cơ mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn.

Năm Giáp Dần (1794), Nguyễn Đề được thăng Tả phụng nghi bộ Binh và vào Quy Nhơn giữ chức Hiệp tán nhung vụ. Nguyễn Du và Nguyễn Ức được Nguyễn Đề giao cho việc về Hồng Lĩnh xây dựng lại từ đường và làng Tiên Điền mà ông bận việc quan không thể trực tiếp trông coi.

Năm 1795, Nguyễn Đề đi sứ sang Yên Kinh dự lễ nhường ngôi của vua Càn Long nhà Thanh, đến năm 1796 trở về được thăng chức Tả đồng nghị Trung thư sảnh.

Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. sau khi được tha ông về sống ở Tiên Điền. Trong thời gian bị giam ông có làm thơ My trung mạn hứng (Cảm hứng trong tù). Nguyễn Du ra Thăng Long, thì Hồ Xuân Hương đã được mẹ gả cho thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm.” (hết trích)

Trong bài thơ làm trong tù đó, Nguyễn Du viết:

Tứ hải phong trần gia quốc lệ / Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.

Dịch nghĩa: Khắp bốn bể đầy gió bụi, chuyện nhà chuyện nước nghĩ tới là rơi lệ / Mười tuần nằm trong lao tù, trong lòng băn khoăn chuyện sống chết.

Lúc đó là liều thân rồi: Nguyễn Du liều thân từ khi trốn vào Gia Định tìm theo Nguyễn Ánh, thì chuyện tù hay hy sinh thân mạng không còn  là điều quan tâm.  Do vậy, băn khoăn chuyện sống chết có thể là nghĩ tới theo quan điểm nhà Phật, đặc biệt là với cựu tăng sĩ Chí Hiên (Nguyễn Du), cũng là người đã từng tụng tới một ngàn lần Kinh Kim Cương… Nghĩa là, chuẩn bị cho giây phút cận tử? Chúng ta chỉ có thể suy đoán thôi.

Trong khi đó, lúc nào Nguyễn Du cũng ý thức về pháp ấn Vô Thường của nhà Phật, trong khi tâm vẫn giữ được an nhiên. Ngôn ngữ về pháp ấn Vô Thường rất minh bạch trong các trích thơ sau.

Tạp thi kỳ 2, trích: Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự / Tứ thì tâm kính tự như như.

Dịch nghĩa: Chuyện trước mắt đổi thay như hoa nở lá rụng / Quanh năm, cõi lòng vẫn thản nhiên như không.

Ký hữu (I), trích: Nhãn để phù vân khan thế sự / Yêu gian trường kiếm quải thu phong.

Dịch nghĩa: Mắt xem việc đời như một đám phù vân / Thanh kiếm đeo lưng trước làn gió thu.

Đặc biệt là hình ảnh chỉ có trong Kinh Luận, khi dùng trăng sáng để chỉ cho bản tâm, hiện lên minh bạch khi sóng lặng.

Đạo ý, trích: Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh / Tỉnh thuỷ vô ba đào / Bất bị nhân khiên xả / Thử tâm chung bất dao / Túng bị nhân khiên xã / Nhất dao hoàn phục chỉ / Trạm trạm nhất phiến tâm / Minh nguyệt cổ tỉnh thuỷ.

Dịch nghĩa: Trăng sáng chiếu giếng xưa / Nước giếng không nổi sóng / Không bị người khuấy lên / Lòng này không xao động / Dù bị khuấy lên / Dao động một lúc lại lặng ngay / Tấm lòng trong vằng vặc / Như ánh trăng sáng chiếu giếng nước năm xưa.

Nỗi buồn sâu thẳm của Nguyễn Du hiển lộ minh bạch trong tác phẩm có tên quen thuộc với chúng ta là Truyện Kiều (nhan đề: Đoạn Trường Tân Thanh, dịch là “Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột.”). Hình ảnh Thúy Kiều bán mình chuộc cha có phải ám chỉ tự thân từng có những hành xử bất như ý nào đó? Thí dụ: muốn làm tăng sĩ trọn đời, nhưng rồi phải về cõi thế tục, vào cuộc nội chiến, rồi làm quan? Thí dụ: nhìn thấy gia tộc chia nhiều hướng trong cuộc binh lửa, và ông muốn giải thích rằng có rất nhiều lựa chọn không hoàn toàn như ý? Hiển nhiên, chúng ta không biết minh bạch.

Nhưng di hại chiến tranh luôn luôn là tan nát, chết chóc. Đó là lý do Nguyễn Du sáng tác Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (Văn Tế Mười Loại Chúng Sinh), với 184 câu thơ song thất lục bát, mang tấm lòng từ bi của ông. Chúng ta có thể nêu giả thuyết rằng, nếu Nguyễn Du không phải cựu tăng sĩ Chí Hiên, văn phong không thể co giọng của người trong cửa Thiền như thế.

Trong đó, thấy rõ là nỗi đau hậu chiến. Trích Văn Tế, từ câu 21:

Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh / Chí những lăm cướp gánh non sông / Nói chi những buổi tranh hùng / Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau / 25. Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở / Khôn đem mình làm đứa sất phu / Lớn sang giàu nặng oán thù / Máu tươi lai láng, xương khô rã rời / Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc / 30. Quỷ không đầu than khóc đêm mưa / Cho hay thành bại là cơ / Mà cô hồn biết bao giờ cho tan

Nhìn theo mắt của người học Phật, một bài thơ nổi bật của Nguyễn Du là bài “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài” (Đài đá chia kinh của thái tử Chiêu Minh nhà Lương). Ngôn phong của Nguyễn Du nơi đây không còn là thơ, mà thực sự chính là kinh, là luận, là lời của Bồ Đề Đạt Ma, là ngôn ngữ của Huệ Năng… Không phải người đã trực nhận bản tâm, sẽ không viết nổi như thế.

Thiền sư Đại Lãn (Hòa Thượng Thích Đức Thắng) ghi nhận: “Qua nội dung bài thơ này, Nguyễn Du tiên sinh đã cho chúng ta biết được sự thông hiểu về giáo lý Đại thừa nhà Phật nói chung và, nhất là Thiền Tông Phật giáo nói riêng của cụ, không những về mặt nghiên cứu học hỏi thâm hiểu thông suốt sâu xa không thôi, mà ngay cả đến vấn đề thực hành trong tu tập để đưa đến sự đạt ngộ về Thiền qua “Vô Tự” là chân kinh cũng được cụ thể hiện rốt ráo nữa.” (2)

Nơi đây, chúng ta trích các câu thơ cuối bài “Phân Kinh Thạch Đài” như sau:

Nhân liễu thử tâm nhân tự độ / Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu / Minh kính diệc phi đài / Bồ Đề bản vô thụ / Ngã độc Kim Cương thiên biến linh / Kì trung áo chỉ đa bất minh / Cập đáo phân kinh thạch đài hạ / Chung tri vô tự thị chân kinh.

Đại Lãn dịch:

Người tỏ tâm này người tự độ / Linh sơn chỉ tại tấm lòng ngươi / Gương sáng trong veo cũng không đài / Bồ-đề xưa nay vốn không cây / Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến / Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều / Cho đến dưới đài đá phân kinh / Cuối cùng “Vô tự” biết là chân kinh.

Than ôi, lấy đâu ra một nhà thơ viết được như thế? Người tự độ, tại tấm lòng ngươi, gương sáng không đài, Bồ-đề không cây, vô tự chân kinh… Không phải Thiền sư, không viết nổi như thế.

Tụng kinh tới mức như thế, thấu rõ kinh luận như thế, viết rành mạch như thế, nhưng rồi vẫn trở về nơi gió bụi… để tới một ngày, ngồi xuống viết văn tế chiêu hồn cho những người bị chém đầu trong cuộc nội chiến: “Quỷ không đầu than khóc đêm mưa / Cho hay thành bại là cơ / Mà cô hồn biết bao giờ cho tan…”

Nỗi buồn nào sâu thẳm hơn… cho nhà sư Chí Hiên, người một hôm đã lang thang vào chợ để đóng vai nhà thơ Nguyễn Du.

GHI CHÚ:

(1) TS Phạm Trọng Chánh. “Tiểu Sử Nguyễn Du…” https: / / vietbao.com / a247531 / tieu-su-nguyen-du-qua-nhung-phat-hien-moi

(2) Đại Lãn. Nguyễn Du Và Phân Kinh Thạch Đài. https: / / thuvienhoasen.org / a8357 / nguyen-du-va-phan-kinh-thach-dai

Tên khai sinh: Phan Tấn Hải Sinh ngày 22 tháng 2 năm 1952 tại Sài Gòn, Việt Nam. Học Pháp với quý Hòa Thượng: Thích Tịch Chiếu, Chùa Tây Tạng, Bình Dương; Thích Thiền Tâm, Đại Ninh, Lâm Đồng; Thích Tài Quang, Phú Nhuận, Sài Gòn. Đã từng cộng tác với nhiều báo như Tâp san nghiên cứu Triết Học (Đại học Văn Khoa, Sài Gòn), Tự Thức, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Việt Báo, Tạp chí Giao Điểm, Giác Ngộ và nhiều báo khác. Đang cư ngụ tại California, Hoa Kỳ. Góp bài trong một số tuyển tập Văn học nhiều tác giả. Tác giả, dịch giả một số sách về Phật Giáo: - Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ - 1990 - Thiền Tập – Biên dịch - Ba Thiền Sư – Tác giả: John Stevens, Nguyên Giác dịch Việt - Chú Giải Về Phowa – Tác giả: Chagdud Khadro, Nguyên Giác dịch Việt - Lời Dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn - Teachings From Ancient Vietnamese Zen Masters - Cậu Bé Và Hoa Mai - Tập truyện ngắn - Ở Một Nơi Gọi Là Việt Nam - Tập thơ - Teachings and Poetry of the Vietnamese Zen Master Tue Trung Thuong Si (1230-1291) - Tran Nhan Tong (1258 – 1308): The King Who Founded A Zen School