Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Từ thư viện HVPGVN tại TP.HCM, nghĩ về hoạt động lưu trữ...

Từ thư viện HVPGVN tại TP.HCM, nghĩ về hoạt động lưu trữ của PGVN

92

Phật giáo có thế mạnh là ở hoạt động lưu trữ có thể rất tốt ở một số chùa, bao gồm lưu trữ kinh sách, tức thư viện, lưu trữ tài liệu giấy tờ, gồm mộc bản và lưu giữ cổ vật. Một số chùa đã như là một bảo tàng nhỏ.

Nhưng nhược điểm của PGVN cũng chính ở đây. Hoạt động lưu trữ nói chung cho toàn PGVN không có. Khiếm khuyết này là do mãi tận đầu thế kỷ XX, Phật giáo vẫn tổ chức theo dạng sơn môn, pháp phái, tức là không có một tổ chức Phật giáo thống nhất, có một đầu não, có bộ máy điều hành chung. Nên mỗi chùa, mỗi sơn môn, pháp phái tổ chức lưu trữ sách vở, tài liệu, hiện vật theo cách riêng của mình. Có nơi thực hiện tốt, có nơi không. Vì vậy, việc bảo tồn sách vở, tài liệu, hiện vật của PGVN rất phiến diện. Bên cạnh nhiều cổ vật, kinh bổn, mộc bản còn lưu giữ được, thì số sách vở, bảo vật, tư liệu bị thất tán, tiêu hủy vì nhiều lý do cũng rất lớn.
Nhưng tiếc rằng, từ đầu thế kỷ XX, trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, ý thức chung về việc bảo tồn những giá trị truyền thống của PGVN đã có, nhưng những hoạt động lưu trữ, tàng trữ, bảo tồn được triển khai cụ thể lại không.

Ở đây, cần thấy mâu thuẫn trong chính nhận thức về vấn đề này. Một mặt, hàng giáo phẩm PGVN cũng đã thấy yêu cầu bảo tồn những giá trị truyền thống của PGVN, và sử dụng những giá trị đó trong hoạt động tu học, hoằng pháp. Mặt khác vẫn có nhiều vị tôn đức xem cõi đời là vô thường, vạn vật đều hư hoại, ngay cả thân tứ đại còn không gìn giữ được, thì lý gì lo toan đến việc tổ chức gìn giữ, lưu trữ?

Ngoài ra, còn có những vị tu sĩ lớn tuổi chưa quen với hoạt động lưu trữ sách vở, sử liệu, sưu tầm cổ vật theo kiểu khoa học lịch sử, khoa học thư viện hiện đại. Với một trình độ giới hạn như vậy, thì việc xem nhẹ hoạt động lưu trữ, thư viện cũng như bảo tàng là điều có thể lý giải.

Vì vậy, ngay khi Phật giáo thành lập tổ chức hội, giáo hội tăng già cho từng miền, rồi tiến hành đến thống nhất cả nước, thì một thư viện chung cho PGVN, cũng như một cơ quan lưu trữ như thế, đã không được lưu ý.

Thư viện và lưu trữ là 2 hoạt động tách biệt nhau. Hiện nay, trong khi thư viện thông tin học được tổ chức thành một ngành riêng, thì lưu trữ vẫn được xem là một bộ phận của khoa học lịch sử (1). Tuy nhiên, đối với tôn giáo, thì thư viện có thể kiêm nhiệm hoạt động lưu trữ (có thể nghiên cứu trường hợp Thư viện Vatican).

Trước năm 1975, không có một thư viện chung cho PGVN, cũng không có cơ quan lưu trữ của PGVN. Sách vở, tài liệu, văn bản, phim, ảnh, dĩa băng ghi âm của PGVN đều không được lưu trữ bởi cơ quan chuyên trách (2).

Do vẫn những sử liệu quan trọng của PGVN đều không còn. Có thể thí dụ những đại lễ Phật đản trước 1975 đều có quay phim nhựa, nhưng đều không còn .Cũng có một bộ sưu tập ảnh đen trắng, ảnh màu, phim màu lễ tang Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, nhưng nay không thấy dấu vết. Có nghe nói vài đoạn băng âm thanh về pháp nạn 1963 còn lưu trữ ở gia đình. Vài ảnh màu đại lễ Phật đản 1964 thì scan lại từ tủ sách riêng. Hình ảnh, video băng âm thanh của những đại lễ Phật đản sau năm 1975 cũng thất lạc hết.

Hầu hết văn bản của các tổ chức, hội đoàn cũng không còn vết tích. Hầu như những gì giữ được chẳng có là bao, và rải rác khắp nơi!

Dường như, cho đến bài viết này, thì Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM, thư viện PG lớn nhất Việt Nam đã để xuống cấp tệ hại như thế, thì còn ai nghĩ đến một cơ quan lưu trữ, hay tổ chức bộ phận lưu trữ trong PGVN. Có lần, tôi có dịp hỏi một “thượng tọa tiến sĩ” về hoạt động lưu trữ PGVN thì được nghe một câu trả lời rất thiền học: “lông rùa sừng thỏ”. Tôi không biết gì khi đi tìm hoạt động học thuật đó của PGVN, hay trình độ các nhà khoa bảng PG quá giới hạn?

Thực ra, tổ chức một đơn vị chuyên trách lưu trữ của PGVN, hoặc bổ sung chức năng lưu trữ cho Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM là phục vụ lợi ích không chỉ xã hội, đất nước, khoa học nói chung, mà trước hết là phục vụ cho PGVN, cho những nhà lãnh đạo PGVN. Bút tích, văn bản ấn ký, hiện vật, tư liệu… về các ngài sẽ được lưu trữ, phục vụ cho việc nghiên cứu PGVN và về chính các ngài, lưu truyền cho hậu thế, góp phần vào việc hoằng hóa PG. Để tài liệu, sách vở, hiện vật như thế thất lạc, hoặc lưu trữ tản mác, thiếu khoa học, chất lượng bảo quản kém, chính là đánh mất và làm hủy hoại những tài liệu, hiện vật những giá trị của PGVN, trong đó, có tài sản tinh thần vô giá của những nhà lãnh đạo PGVN tiền bối cũng như đương đại.

Vì vậy, nhân việc đặt vấn đề về trách nhiệm đối với việc quản lý, khai thác Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM, chúng tôi xin nếu vấn đề lưu trữ tư liệu PGVN.

Đây không phải là chuyện một Phật tử viết web có học qua về thư viện méo mó nghề nghiệp, mà là vấn đề học thuật nghiêm túc và cấp bách. Nghiêm túc và cấp bách vì nếu không chăm lo sưu tập, gìn giữ thì sách vở, tư liệu tất nhiên sẽ hủy hoại. Khi đó, có tốn kém và với bao nhiêu công sức cũng không tìm lại được.

Những học giả nước ngoài khi đến VN tìm hiểu về PGVN, khi nhìn thấy thư viện lớn nhất của PGVN nghèo nàn, ít sách hơn một thư viện huyện, với 2/3 sách gói thùng để dưới hầm, còn hỏi đến cơ quan lưu trữ thì không hề có, là “lông rùa sừng thỏ”, như cách nói của một “thượng tọa tiến sĩ”, thì họ sẽ nghĩ gì, phản ứng ra sao?

MT

Thông tin, góp ý riêng tư: [email protected] và facebook.com/cusiminhthanh

(1)    Theo nhiều tác giả Những vấn đề của Khoa học lưu trữ ở các tỉnh phía Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kỷ yếu hội thảo khoa học. Tổ chức biên soạn: Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM, 2005.

(2)    Có thể thấy quan trọng của hoạt động lưu trữ qua tài liệu đã dẫn, thí dụ quyết định sau (dẫn ở trang 27) về đối tượng lưu trữ):
““Quyết định số 168 – HĐBT ngày 26-12-1981 của Hội đồng Bộ trưởng do Phó Chủ tịch HĐBT Tố Hữu ký về việc thành lập Phông lưu trữ quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 2 đã ghi: “Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là khối toàn bộ tài liệu có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội, lịch sử… của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không kể thời gian, văn tự, chế độ xã hội, xuất xứ, nơi bảo quản, phương pháp và kỹ thuật làm ra. Đó là tài sản xã hội chủ nghĩa hết sức quan trọng và quý giá, mọi cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội và mọi công dân Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chu đáo”.
Điều 3 đã ghi: “Thành phần Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm bản chính (hoặc bản sao có giá trị như bản chính) của các văn kiện; tài liệu khoa học kỹ thuật (dự án, đồ án, thiết kế, bản vẽ, bản đồ, công trình nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế, luận án tốt nghiệp…); tài liệu chuyên môn (sổ sách, thống kê, biển báo, hồ sơ nhân sự…); bản thảo, bản nháp các tác phẩm văn học, nghệ thuật; âm bản và dương bản các bộ phim, các bức ảnh, mi-cro-phim; tài liệu âm, khuôn đúc đĩa; sổ công tác, nhật ký; tranh vẽ hoặc in và tài liệu viết tay để tuyên truyền, cổ động, kêu gọi; sách báo nội bộ và tài liệu khác… hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, trong các thời kỳ lịch sử của xã hội Việt Nam; các bút tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa của các tập thể, gia đình, cá nhân điển hình, tiêu biểu trên các mặt trong các thời kỳ lịch sử đã được Nhà nước quản lý”.