Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Tự xưng là “Đại đức”, Nguyễn Minh Phúc có thể bị xử...

Tự xưng là “Đại đức”, Nguyễn Minh Phúc có thể bị xử lý hình sự?

689
Ông Nguyễn Minh Phúc trong một video trên Youtube.

Việc sử dụng các giấy tờ, chứng điệp, chứng nhận Tăng ni giả, được sao chép, giả mạo chữ ký và khuôn dấu của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN của ông Nguyễn Minh Phúc có dấu hiệu hình sự.


Liên quan đến việc ông Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, trú tại số nhà 144/45 đường Giòng Cát, tổ 8, ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) sử dụng các giấy tờ, chứng điệp, chứng nhận Tăng ni giả, được sao chép, giả mạo chữ ký và khuôn dấu của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, luật sư cho rằng, hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Luật sư Nguyễn Văn Lâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích các dấu hiệu cấu thành tội giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức liên quan hành vi trên.

Theo đó, về mặt khách quan của tội làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức là hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu của cơ quan, tổ chức đang sử dụng (tức dấu thật) vào những việc trái pháp luật (như sử dụng để làm các loại giấy từ giả mao,..).

Có hành vi làm giả tài liệu, giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi viết, vẽ, in… các loại giấy tờ, tài liệu giả giống như các loại tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức đang sử dụng để sử dụng vào những việc trái pháp luật (như làm giả các tài liệu công nhận con liệt sĩ để hưởng các ưu đãi của Nhà nước…). Đúc, in, vẽ, khắc, viết, phô tô… giống như thật.

Sử dụng các giấy tờ thật có chữ ký, con dấu, mẫu giấy thật nhưng tên người trong các tài liệu giấy tờ đó là giả hoặc đối tượng được nêu trong các tài liệu đó không phù hợp với quy định của pháp luật. Có hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức nhằm để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức phải là những cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp.

Về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội này thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội biết hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả đó để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào.

Động cơ phạm tội cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng việc xác định động cơ của người phạm tội là rất quan trọng. Nếu vì nể nang, vì thành tích cục bộ thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác với trường hợp vì lợi ích vật chất hoặc vì trả thù cá nhân hay vì một động cơ hèn hạ khác.

Nhiều tờ giấy A4 được ghi khá rõ về chi tiết về việc chùa nhận tất cả các loại thịt động vật tại ngôi chùa của người tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc.

Về mặt khách thể của tội phạm, hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính.

Chủ thể của tội phạm, chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của điều 341 BLHS về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trước đó, trong công văn trả lời tờ trình xác minh thông tin về đương sự tự xưng là “Đại đức Thích Tâm Phúc” (Nguyễn Minh Phúc), “trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung ương”…,Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội PGVN ngày 27/1 xác nhận tất cả giấy tờ như chứng điệp thọ giới, giấy chứng nhận Tăng Ni, quyết định bổ nhiệm trụ trì “chùa Hoằng Pháp Trung ương”… liên quan đến Tăng sĩ “Đại đức Thích Tâm Phúc” không có trong lưu trữ danh bộ Phật giáo, không do Giáo hội PGVN cấp.

Kết quả xác minh cho thấy, các giấy tờ mang tên “Đại đức Thích Tâm Phúc” (Nguyễn Minh Phúc) được ghép, sao chụp ảnh chữ ký của lãnh đạo và khuôn dấu của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN.

Nguyễn Minh Phúc tự in danh thiếp xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc, trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung ương.

Ông Nguyễn Minh Phúc tự đặt pháp danh Thích Tâm Phúc và tự đặt tên nhà là chùa Ngộ Chân Tử – Tổ khai sáng chùa Hoằng Pháp.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi xác nhận trong danh bộ Phật giáo địa phương không hề có tên “Đại đức Thích Tâm Phúc” (thế danh Nguyễn Minh Phúc), không có một vị trụ trì nào tên như thế, cơ sở tại địa chỉ 174/13A, hẻm 63, đường Giồng Cát, ấp Láng Cát, xã Tân Trung Phú, huyện Củ Chi, tự xưng là “chùa Hoằng Pháp Trung ương”, không thuộc sự quản lý của Ban Trị sự Phật giáo địa phương.

UBND huyện Củ Chi cũng cho biết, ông Nguyễn Minh Phúc không phải là tu sĩ Phật giáo nhưng thường xuyên núp bóng, lợi dụng danh nghĩa tu sĩ để kêu gọi, vận động, quyên góp gây quỹ nhằm mục đích trục lợi cá nhân bất hợp pháp và tụ tập đông người tại nhà riêng.


Tâm Đức/ Kiến thức (Tổng hợp)