Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Vài suy nghĩ về quá trình hình thành và phát triển Đoàn...

Vài suy nghĩ về quá trình hình thành và phát triển Đoàn giảng sư

100

I. Ý NGHĨA VỀ VIỆC THÀNH LẬP GIẢNG SƯ ĐOÀN:


Hoằng pháp là nhiệm vụ hàng đầu, là hoạt động đặc thù trong mọi hoạt động của Phật giáo, là một trong những ngành mũi nhọn để đưa giáo lý Phật giáo lan tỏa khắp nơi. Đạo Phật có được hưng thịnh hay suy yếu phần lớn do những người làm công tác hoằng pháp có biết cách vận dụng và truyền bá chánh pháp một cách linh hoạt hay không? Tương lai của PGVN nói chung và sự nghiệp hoằng pháp nói riêng đang mong đợi các vị giảng sư của cả nước hôm nay cần phải nỗ lực đóng góp hết sức mình và phát huy Chánh pháp ở khắp mọi nơi. Vì thế, vai trò của Tăng sĩ hết sức quan trọng, nhất là Tăng sĩ đó lại là một giảng sư. Hơn bao giờ hết, sứ mạng truyền bá chánh pháp của Phật giáo đang đòi hỏi Giáo hội cần phải có nhiều động thái tích cực hơn nữa và cũng chính vì vậy, việc thành lập Giảng Sư Đoàn là một nhu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm phát huy tinh thần thống nhất tổ chức trong công tác hoằng pháp, thực hiện theo chủ trương của GHPGVN: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức” để cho công tác hoằng pháp đạt được nhiều hiệu quả.


II. NHỮNG TIỀN ĐỀ LỊCH SỬ THÀNH LẬP GIẢNG SƯ ĐOÀN:


1/ ĐỨC PHẬT –  NHÀ HOẰNG PHÁP VĨ ĐẠI:


Trong thời kỳ Phật còn tại thế tuy không có một tổ chức đi truyền bá giáo pháp riêng biệt như ngày nay, nhưng Đức Phật và các vị Tỳ Kheo Thánh đệ tử đều thực thi sứ mạng hoằng pháp cao cả, thông qua việc du hành khất thực, đem giáo lý đến với mọi người, mọi giai tầng xã hội. Có thể nói Đức Phật từ vườn Lộc Uyển ở Isipatana nơi chuyển Pháp luân đầu tiên cho đến ngày Niết Bàn tại Câu Thi Na (Kusinara), không có nơi nào trong lưu vực sông Hằng mà đức Đạo sư và các vị Tỳ kheo không đặt chân đến. Bắt đầu từ năm vị Tỳ kheo đệ tử đầu tiên, Tam bảo hình thành, giáo đoàn ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt là sự cho phép nữ giới xuất gia, thành lập Ni đoàn cùng với chủ trương xoá bỏ giai cấp thực hành bình đẳng, hòa hợp đã thu hút đông đảo mọi thành phần trong xã hội xuất gia tu học. Khi giáo đoàn đã vững mạnh, Đức Phật vẫn nỗ lực chuyển pháp luân, huấn thị hàng đệ tử du hành để hoằng pháp: “Này các Tỳ-kheo, hãy đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem hạnh phúc lại cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp và hạnh phúc cho nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Hãy hoằng dương giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối trong cả hai tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng… Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Được như vậy, các ông đã làm tròn nhiệm vụ…”. Suốt 45 năm tận lực truyền bá chánh pháp, giờ phút cuối cùng trước lúc Niết Bàn, Đức Phật còn căn dặn hàng đệ tử nỗ lực tu học, nương theo giáo pháp làm Thầy. Cũng từ đó, Pháp Phật ngày càng lan rộng và trở thành Đạo sư cho tất cả những người con Phật hậu thế.


2/ NHỮNG VỊ THÁNH TĂNG HOẰNG PHÁP TIÊU BIỂU THỜI PHẬT TẠI THẾ:


Trong thời kỳ Phật tại thế, tiếp nối sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của đức Phật, các đại đệ tử của Ngài như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… là những vị Thánh đệ tử đã có nhiều công lao trong việc xiễn dương giáo lý và hoằng hoá chánh pháp buổi đầu. Bên cạnh những nỗ lực đó, một trong những vị tiêu biểu về Hoằng pháp thời kỳ Đức Phật còn tại thế là Ngài Phú Lâu Na, vị Thánh đệ tử được tôn xưng là thuyết pháp đệ nhất trong thập đại đệ tử của Phật. Vì Ngài không ngại xa xôi hẻo lánh, đường đi nguy hiểm, dân tình bạo ngược, miễn làm sao đem được giáo lý giải thoát giúp đến với mọi người, giúp cho chúng sanh vượt thoát khổ đau. Ngài được Đức Phật khen ngợi là một con người dũng cảm trên con đường thuyết pháp độ sinh. Trong hàng ngũ Ni giới, nữ Tôn giả Pháp Thí (Dhammadinnà) cũng được Phật khen ngợi là bậc Đại tuệ, vị thuyết pháp đệ nhất. Không chỉ những bậc xuất gia mà hàng Phật tử tại gia cũng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp hoằng pháp. Từ những hoạt động truyền giáo của đức Phật cùng các vị Thánh đệ tử, chúng ta có thể khái quát, trong công tác truyền giáo, một vị giảng sư cần phải hội đủ những tiêu chuẩn cơ bản sau:


– Thông hiểu giáo nghĩa.


– Nói năng lưu loát.


– Không lo sợ trước đám người.


– Biện tài vô ngại.


– Vận dụng phương tiện khôn khéo.


– Tùy theo hoàn cảnh căn cơ mà giáo hoá.


– Đầy đủ oai nghi.


– Tinh tấn dõng mãnh.


– Thân tâm tráng kiện.


– Có đầy đủ uy đức.


3/ A DỤC VÀ CÁC ĐOÀN TRUYỀN GIÁO:


Có thể nói, A Dục vương, một đại đế, nhà hộ pháp vĩ đại, là vị đầu tiên thành lập những Đoàn truyền giáo quy mô, tổ chức chặt chẽ, hoằng truyền Phật pháp trong toàn cõi Ấn Độ và đặc biệt là hoằng pháp ra nước ngoài. Sử liệu cho rằng những “Đoàn Như Lai sứ giả” của A Dục đã đến các nước phương Tây như Hy Lạp, Ba Lan…, các nước vùng Trung Đông như Ai Cập, Sirya… Đặc biệt, các đoàn truyền giáo đã đi về phương Nam như Tích Lan, Miến Điện… và các nước thuộc vùng viễn Đông như Việt Nam, Trung Quốc. Như vậy, trong lịch sử hoằng pháp, khoảng 300 năm sau Phật Niết Bàn, tổ chức Đoàn truyền giáo quy mô, hoàn chỉnh do A Dục đề xướng đã hình thành và hoạt động hoằng pháp hiệu quả. Nhờ vào hoạt động tích cực của những Đoàn truyền giáo, Chánh pháp được lan tỏa khắp toàn cõi Ấn Độ và gần khắp thế giới. Những kết quả hoằng pháp vô cùng to lớn của những Đoàn truyền giáo cách nay hơn 2000 năm sẽ là tiền đề để hàng Phật tử hậu thế chúng ta học tập, nhận thức về tầm quan trọng của Phật sự hoằng pháp, nhất là việc thành lập Giảng sư đoàn.


4/ NHỮNG ĐOÀN TRUYỀN GIÁO VÀO VIỆT NAM:


1/ Những đoàn truyền giáo vào Việt Nam:


Có 3 đoàn truyền giáo:


a) Đoàn thứ nhất: Gồm có Pháp Sư Minh Viễn, Huệ Mạng và Vô Hành.


b) Đoàn thứ hai: Gồm có các Ngài Đoàn Thuận, Trí Hoằng và Tăng Già Bạt Ma.


c) Đoàn thứ ba: Gồm có 6 Nhà Sư Việt Nam: Gồm có Ngài Vân Kỳ, Mộc Xoa Đề Bà, Khuy Sung, Huệ Diệm, Tri Hành và Đại Thặng Đăng.


Qua 3 đoàn truyền giáo nêu trên, chúng ta thấy trong số đó có nhiều vị là người Việt Nam, có thể nói đó là những vị Tăng sĩ đóng vai trò hoằng pháp. Bên cạnh những hoạt động hoằng pháp của các vị danh tăng nổi bật trong giai đoạn đầu có công góp phần cho Phật giáo phát triển là Khương Tăng Hội. Ngài là một nhà truyền giáo đại tài, biết vận dụng nhiều phương tiện thiện xảo, không những làm cho Phật giáo tại Giao Châu toả sáng mà còn là người đem giáo lý Phật giáo sang Kiến Nghiệp, Đông Ngô (Trung Quốc). Trong “Tục Cao Tăng Truyện “, hành tích của Ngài được ghi nhận như: lập Chùa Kiến Sơ, giảng đạo và dịch nhiều bộ kinh tại đây, được Ngô Tôn Quyền cảm mến, thu phục nhân tâm, khiến cho nhà vua và dân chúng Đông Ngô thời ấy sanh tâm khát ngưỡng giáo lý của đạo Phật và qui về với Phật giáo.


2/ Các nhà Truyền giáo thời Lý Trần:


Trong thời kỳ Lý – Trần, Phật giáo bắt đầu chiếm vị trí quan trọng trong mọi sinh hoạt của xã hội, đạo Phật được vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào công cuộc trị quốc an dân. Nơi nơi, dân chúng đều tin Phật, từ vua quan cho đến thứ dân, làm cho Phật giáo thực sự có ích cho cuộc đời. Thành tựu huy hoàng sáng rỡ đó sở dĩ đạt được là do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do những nỗ lực hoằng pháp của các vị danh tăng như: Vạn Hạnh, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang…


Chính nhờ các vị Truyền giáo bằng nhiều phương cách khác nhau như; dịch thuật, chú giải và giảng đạo mà trải qua nhiều thời kỳ nối tiếp của đất nước ta, Phật giáo thực sự gắn bó với dân tộc, tạo nên những cơ sở làm tiền đề cho Phật giáo phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc. 


3/ Sự nghiệp hoằng pháp trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo:


1/ Trong thời kỳ Chấn Hưng Phật giáo, ngoài những vị Tôn túc là cây đại thụ của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ nầy như: HT Tố Liên, HT. Mật Thể, HT Khánh Anh, HT. Khánh Hoà, HT. Huệ Quang… đã để lại biết bao bài học và công hạnh quí giá, làm cho Phật giáo nước ta có những khởi sắc trong những năm tháng gian khổ vì chiến tranh. Sau đó, tiếp nối công hạnh của các bậc tiền nhân, sự nghiệp hoằng pháp tại Việt Nam thời cận hiện đại sở dĩ được hưng thịnh là do những đóng góp của các hoà thượng như: HT Thiện Hoa, HT. Thiện Hoà, HT. Trí Thủ, HT. Minh Châu… Với nhiều hoạt động nhằm phát huy, xương minh Phật giáo qua những hành động cụ thể như: xây dựng Phật học đường, đào tạo Tăng tài, tạo những cơ sở bước đầu cho Phật giáo phát triển suốt gần một thế kỷ.


2/ Trong giai đoạn này, ngoài các Phật học đường chuyên đào tạo Phật học, các vị tôn túc đã xây dựng, đào tạo thế hệ kế thừa chuyên trách hoằng pháp qua các khoá như: “Như Lai Sứ Giả, Phú Lâu Na…” được tổ chức nhằm bổ sung tri thức Phật học và củng cố tổ chức của Tăng sĩ Việt Nam trong tình hình mới và cũng từ đó tổ chức “Giảng sư đoàn” được hình thành. Từ đây, các vị giảng sư được Giáo hội công cử đi khắp mọi nơi, từ thành thị cho đến nông thôn thuyết giảng giáo lý cho Phật tử, bên cạnh đó các lớp giáo lý hằng tuần tại Ấn Quang, Xá Lợi… cũng được mở nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử. 


III. CÔNG CUỘC HOẰNG PHÁP HIỆN NAY VÀ VAI TRÒ CỦA GIẢNG SƯ ĐOÀN:


1/ Yêu cầu Hoằng Pháp trong tình hình mới hiện nay:


Trong nhiệm kỳ V của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta nhận thấy điểm nổi bật là về thành phần nhân sự, gần như tất cả ban, ngành, viện đều cơ cấu lớp Tăng Ni trẻ, có học vị, tốt nghiệp trong nước cũng như nước ngoài. Vì vậy, với lực lượng Tăng Ni hùng hậu, năng nổ, có trình độ tham gia sinh hoạt. . 


Riêng ngành hoằng pháp đã đề ra chủ trương cho năm 2004, sẽ thực hiện những việc làm rất quan trọng và có ý nghĩa đối với sự phát triển của đạo pháp. Thật vậy, để làm nền tảng cho mọi hoạt động truyền bá Chánh pháp được vững mạnh, sự hiện hữu của Giảng sư đoàn là điều tất yếu cần có. Với định hình đúng đắn như vậy, một Giảng sư đoàn của Ban Hoằng pháp Trung ương và các tỉnh, thành sẽ được thành lập để thực hiện công việc giảng dạy giáo pháp cho Tăng Ni, Phật tử cả nước.


Ngoài ra, đặc biệt còn có những phân ban phụ trách việc hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, nhằm mục đích phổ biến Phật pháp cho mọi người, mọi giới, mọi trình độ được thấm nhuần tinh ba trong sáng, tốt đẹp của đạo Phật.


Thực hiện công việc hoằng dương Chánh pháp theo mô hình nói trên, Ban Hoằng pháp sẽ mở rộng tầm hoạt động và cập nhật hóa phương châm mà từ xưa các bậc cổ đức luôn chủ trương “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”.


2/ Những cơ hội và thử thách trong sự nghiệp hoằng pháp: 


a) Cơ hội: Với nhiều phương tiện thông tin, khoa học kỹ thuật tiến tiến của thời đại và hơn hết là được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Tăng Ni trẻ có năng lực, tâm huyết?. Thiết nghĩ muốn thực hiện con đường truyền bá Chánh pháp một cách có hệ thống, có hiệu quả ở giai đoạn mới là điều chúng ta có thể thực hiện được. 


b) Thử thách: Tuy nhiên, bên cạnh đó, không phải là không có những trở ngại, khó khăn. Một trong những khó khăn chủ yếu là việc những người thực hiện công tác truyền bá pháp vẫn chưa thực sự chủ động vận dụng, khai thác phương tiện hỗ trợ của KHKT hiện đại tiên tiến nhằm phát huy một cách tối ưu và có hiệu quả trong sự truyền bá giáo lý của Đức Phật trong giai đoạn hiên nay.


IV. NHỮNG ĐỀ XUẤT VÀ ĐỊNH HƯỚNG THÀNH LẬP GIẢNG SƯ ĐOÀN:


a) Về thành phần giảng sư đoàn:


Như đã trình bày, để đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử ngày càng cao, việc cần nhất của Ngành hoằng pháp trong giai đoạn này là thành lập Giảng sư đoàn, đội ngũ hoằng pháp có tính chất chuyên nghiệp.


Nhân sự của Giảng sư đoàn, trước hết lực lượng nòng cốt vẫn là những vị giảng sư, giáo thọ sư hiện đang giảng dạy, hoằng pháp trên khắp cả nước. Cùng với sự phát triển của ngành Giáo dục và Hoằng pháp, nhân sự của Giảng sư đoàn sẽ được bổ sung từ những học viên ưu tú của các khoá đào tạo Giảng sư, các Học viện Phật giáo và những Du học Tăng tu nghiệp ở nước ngoài trở về. Tiêu chuẩn của một vị giảng sư là phải có năng lực và kinh nghiệm hoằng pháp và nhất là phải trẻ, nhiệt huyết, năng động, không vướng bận các Phật sự khác, hội đủ điều kiện để tác nghiệp hoằng pháp có tính chuyên nghiệp và chuyên môn cao.


Nhân sự của Giảng sư đoàn được cấp thẻ Giảng sư đoàn và được Ban Hoằng pháp trung ương chuẩn y bằng một quyết định đồng thời danh sách các thành viên Giảng sư đoàn được gởi đến Ban Trị sự các tỉnh thành trên toàn quốc.


b) Cơ sở pháp lý cho Giảng sư đoàn:


Giảng sư đoàn là lực lượng hoằng pháp, trực thuộc Ban Hoằng pháp trung ương, có tính cơ động cao, được điều động thực thi sứ mạng hoằng pháp trên toàn quốc. Do đó, trước nhất, Giảng sư đoàn phải được Hội Đồng Trị Sự chuẩn y bằng một quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Giảng sư đoàn. Một trong những điều cơ bản của quyết định này là:


– Các Ban Trị sự tỉnh, thành phải có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các Giảng sư của Giảng sư đoàn khi đến thực thi sứ mạng hoằng pháp tại địa phương.


– Giảng sư đoàn có quyền điều phối Giảng sư trực tiếp xuống cơ sở (tự, viện, đạo tràng Bát quan trai, khoá tu, khoá bồi dưỡng trụ trì, trường hạ…) thuyết giảng nếu có yêu cầu.


Mặt khác, về phía Giảng sư của Giảng sư đoàn khi đến cơ sở phải mang theo quyết định công tác của Ban Hoằng pháp.


c) Phương hướng hoạt động của Giảng sư đoàn:


Trước hết, Giảng sư đoàn sẽ cung cấp giảng sư cho các Ban Trị sự tỉnh, thành trong cả nước nếu có yêu cầu về thuyết giảng trong các Đại lễ như Phật Đản, Vu Lan v.v…


Khi nhận được yêu cầu từ cơ sở (tự, viện, đạo tràng Bát quan trai, khoá tu, khoá bồi dưỡng trụ trì, trường hạ…), Giảng sư đoàn sẽ lên kế hoạch cụ thể, điều phối Giảng sư thuyết pháp đúng như thỉnh cầu, đáp ứng kịp thời nhu cầu tu học của Phật tử.


Hiện nay, nhu cầu thính pháp để tu học của hàng Phật tử rất cao. Vì thế, Giảng sư đoàn đặc biệt quan tâm đến Phật tử ở những địa phương thiếu nhân sự hoằng pháp, nhất là những vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, biên giới và hải đảo. 


d) Tổ chức tập huấn:


Tập huấn để bồi dưỡng tri thức, thu thập kinh nghiệm tu tập nhằm kiện toàn và nâng cao nghiệp vụ hoằng pháp là việc không thể thiếu đối với Giảng sư đoàn. Đối với một vị Giảng sư, việc cập nhật và chia sẻ tri thức vốn cực kỳ quan trọng. Ngoài kiến thức Phật học có tính kinh viện, từ chương vị Giảng sư cần phải am tường những tri thức về cuộc sống, tâm lý, lịch sử, xã hội, pháp luật v.v nhất là những kinh nghiệm ứng dụng chánh pháp vào đời sống thực tiễn để truyền đạt cho Phật tử. Do đặc điểm Giảng sư phải tác nghiệp với nhiều đối tượng ở các địa phương khác nhau cho nên những đợt tập huấn sẽ giúp Giảng sư mở rộng tầm nhìn, nhận diện trực quan đồng thời tiếp cận với nhiều tri thức mới, nhất là tri thức về dân tộc học, bao gồm tập quán, phong tục, luật lệ của từng cộng đồng ở mỗi địa phương. 


Để tiện ích cho công tác tổ chức, Giảng sư đoàn sẽ tổ chức tập huấn theo từng khu vực, mỗi khu vực được tập huấn một lần trong năm, với thời hạn tối đa không quá mười ngày. Chương trình tập huấn sẽ do Ban Hoằng pháp và Giảng sư đoàn đảm trách và trực tiếp điều hành.


e) Họp tổng kết công tác:


Giảng sư đoàn tổ chức họp định kỳ sáu tháng một lần nhằm tổng kết và đánh giá công tác hoạt động hoằng pháp của Giảng sư trong sáu tháng vừa qua đồng thời đề xuất phương hướng cho hoạt động của Giảng sư đoàn trong sáu tháng kế tiếp. Tại cuộc họp tổng kết này, Ban lãnh đạo Giảng sư đoàn sẽ thu thập toàn bộ ý kiến của Giảng sư về tình hình thực tế tu học của các địa phương, những vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ hoằng pháp, những đề xuất về chiến lược và phương thức hoằng pháp trong tình hình mới bằng các văn bản tham luận. Mặt khác, Ban lãnh đạo Giảng sư đoàn sẽ tuyên dương, khen thưởng những Giảng sư xuất sắc đồng thời thẳng thắn góp ý hoặc có thể góp ý những Giảng sư không hoàn thành nhiệm vụ sau khi thẩm tra các ý kiến phản ánh từ cơ sở.


Tuy tổ chức định kỳ sáu tháng một lần song tuỳ vào tình hình thực tế, Giảng sư đoàn sẽ tổ chức những cuộc họp bất thường nhằm triển khai công tác phù hợp với tình hình mới.


f) Soạn thảo và in ấn giáo trình hoằng pháp:


Thời gian đầu, Giảng sư đoàn dùng bộ sách Phật học cơ bản của Ban Hoằng pháp Trung ương xuất bản làm cơ sở cùng với tri thức Phật học của từng vị Giảng sư để giảng thuyết Phật pháp. Tiếp đến, mối vị Giảng sư sau ba tháng phải nộp một tiểu luận về một đề tài Phật pháp hoàn chỉnh. Giảng sư đoàn sẽ lần lượt in ấn các tiểu luận này trên Nội san Chuyển Pháp Luân, bốn số trên một năm và những bài trong Nội san Chuyển Pháp Luân được xem như Giáo trình chính thức của Giảng sư đoàn. Mỗi vị Giảng sư của Giảng sư đoàn y cứ vào Giáo trình cùng với năng lực của tự thân và sự uyển chuyển tuỳ địa phương để làm cơ sở cho bài Pháp.


Nội san Chuyển Pháp Luân sẽ được phát hành rộng rãi, có thể dùng làm giáo trình thuyết giảng cho các Giảng sư ngoài Giảng sư đoàn; làm tài liệu nghiên cứu, học tập, tham khảo cho Tăng Ni sinh và các Phật tử.


V. KẾT LUẬN


Việc thành lập Giảng sư đoàn để đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử là điều tối cần trong tình hình mới. Chư vị tiền nhân đã xác định tầm quan trọng của việc hoằng pháp, vai trò của Giảng sư cũng như sự tồn vong của Đạo pháp qua pháp ngữ ” Đạo tại Tăng hoằng “. Thành lập Giảng sư đoàn là thể hiện sự thừa tiếp truyền thống của Phật Tổ, chư vị Thánh tăng đã tận lực hoằng pháp trên 2000 năm qua. Chúng tôi, những ngươi con Phật trong thời hiện đại, được sự chỉ đạo của chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN cùng với sự thao thức với vận mệnh Phật pháp, tâm nguyện góp phần dựng xây và phát triển ngôi nhà Phật pháp Việt Nam nên mạnh dạn thành lập Giảng sư đoàn. Với tất cả những nỗ lực hiện có, chúng tôi rất mong nhận được sự gia hộ và tán trợ của chư Tôn đức các cấp lãnh đạo Giáo hội và sự ủng hộ, trợ duyên của toàn thể Phật tử xa gần, để Giảng sư đoàn được thành lập, phát triển và phụng sự Đạo pháp – Dân tộc ngày một tốt hơn.


Tài liệu tham khảo:


– 50 năm Chấn Hưng Phật giáo, tập 1 và 2 tác giả HT Thích Thiện Hoa
– Lịch sứ Đức Phật và thập đại đệ tử tác giả Thích Minh Tuệ.
– Nội san Hoằng pháp của GHPGVNTN.
– Kỷ yếu đại hội Hoằng Pháp của Tổng vụ Hoằng Pháp GHPGVNTN năm 1968