Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Vai trò Trụ trì trong sự nghiệp Hoằng pháp

Vai trò Trụ trì trong sự nghiệp Hoằng pháp

1380

Nằm trong chương trình khóa bồi dưỡng trụ trì Hệ phái Khất sĩ (từ ngày 01-07/06/2018) lần thứ 15 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 xa lộ Hà Nội – P.An Phú – Q.2). Nhận lời mời của ban tổ chức, chiều ngày 03/06/2018 (20/04 Mậu Tuất), Hòa thượng Thích Huệ Thông (Phó tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng 2 TW.GHPGVN) chia sẻ đến hành giả về “Vai trò của trụ trì trong sự nghiệp hoằng pháp và quản lý tự viện”.

Sự thị hiện của Đức Phật là một đại sự nhân duyên vì an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và nhân lọai. Kế thừa bổn hoài thiêng liêng ấy, với bốn chữ ngắn gọn “Hoằng pháp lợi sanh”, nếu pháp không hoằng, sanh không lợi thì Tăng đoàn không có lý do chính đáng nào khác để tự biện minh cho sự hiện diện của mình.

Đức Phật sau khi thành đạo, thành lập Tăng đoàn cũng không ngoài chủ đích là hoằng pháp. Trước khi chư Tăng lên đường hoằng pháp, Ngài nhắn nhủ:“Hãy ra đi, các Tỳ-kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ-kheo, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai, nghĩa lý và văn tự”.[1]

Giáo pháp của Đức Phật là phương pháp sống thực tiễn, không thể tách rời con người và cuộc sống. Phật giáo đã thích ứng khá nhuần nhuyễn với tín ngưỡng, phong tục, tập quán bản địa và nhờ đó những tinh hoa giáo lý của Phật giáo đã tìm được môi trường thích hợp để nở hoa, kết trái. Là những người con ưu tú, là trưởng tử của Như Lai, nhất là vai trò người trụ trì, nếu chúng ta không đem giáo pháp hoằng truyền cho chúng sanh, Phật giáo sẽ mất đi tính năng hữu dụng vô cùng lợi ích và thiết thực, có chăng chỉ là món đồ cổ trưng bày thu hút sự hiếu thị của người xung quanh.

Hãy đặt một câu hỏi cho chính chúng ta, chúng ta đã làm gì cho đạo pháp khi chúng ta là những trang Thích tử Thiền môn?

Khái niệm Trụ trì: Với sứ mạng thiêng liêng “Trụ pháp vương gia – Trì Như Lai tạng” mà trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật chỉ dạy đó là “An trú trong ngôi nhà chánh pháp và gìn giữ bản thể chân như Phật tánh nơi tự thân”. Đây chính là công việc của một hành giả xuất trần thượng sĩ trọn đời sống trong ngôi nhà Chánh pháp, và cũng trong ý nghĩa sâu xa ấy, vào thời đức Phật còn tại thế, mỗi vị Tăng đều là một vị trụ trì dù đang sống theo hạnh đầu đà khất sĩ nay đây mai đó, qúy Ngài luôn tri hành hợp nhất cả pháp học lẫn pháp hành, luôn nỗ lực tu tập để hoàn thành trách nhiệm thiêng liêng cao cả trong sự nghiệp tiến tu giải thoát.

Trải qua trên 2550 năm, song song với sự phát triển của Phật giáo khắp mọi nơi là sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của các cơ sở tự viện. Tại mỗi cơ sở có rất nhiều Tăng sĩ cùng cộng trú, cộng tu, nhiều nơi có đến hàng trăm, hàng ngàn Tăng sĩ quy tụ về tu học. Vào thời nhà Đường, Phật giáo Thiền tông rất hưng thịnh, người học đạo quy tụ về dưới thời Ngài Thiền sư Hoài Hải Bá Trượng lên đến hàng ngàn người, để việc tu hành của Tăng chúng đi vào nề nếp quy củ, thiền sư Bách Trượng đồng thời cắt cử thiền sư Nghiêm Truyền làm “Trụ trì” để điều hành các Phật sự chốn thiền môn. Cũng vào thời này, thiền sư Quy Sơn Linh Hựu đã biên soạn bộ “Quy Sơn Cảnh Sách” để làm kim chỉ nam dành cho những ai theo đuổi mục đích tu hành giải thoát, và thiền sư viện chủ Quy sơn đã cắt cử người làm trụ trì điều hành thiền viện. Có thể nói đây là lịch sử chức danh “Trụ trì” đầu tiên trong sinh hoạt Tăng-già sau thời Đức Phật.

Nếu như vào thời Đức Phật còn tại thế, danh từ trụ trì chính là chỉ chung cho mỗi hành giả tu tập, thì ngày nay khi nói tới danh từ trụ trì, người ta nghĩ ngay đến người đang đảm trách quản lý một cơ sở tự viện và điều hành mọi Phật sự tại ngôi tự viện đó.

Như vậy danh tự trụ trì ở đây nhằm nhắc nhở bổn phận thiêng liêng của một vị Sa-môn Thích tử “Trụ pháp vương gia – Trì Như Lai tạng”, vừa có ý nghĩa gắn kết trách nhiệm của người gìn giữ, quản lý cơ sở sinh hoạt tu hành cho Giáo hội, và cũng là chức vị được Giáo hội bổ nhiệm và phân công tác rất rõ ràng, đó là tổ chức, điều hành, quản lý và gánh vác sứ mạng hoằng pháp tại nơi mình cư trú.

Vai trò quản lí điều hành tự viện của một vị trụ trì: Khi nói về vai trò quản lý tự viện của vị trụ trì, chúng tôi thiết nghĩ rất cần khái quát vài nét về nhiệm vụ của vị trụ trì trên phương diện quản lý bảo tồn phát triển cơ sở, mà trong thuật ngữ Phật giáo chúng ta thường gọi nôm na là “Cơ sở trụ trì”, cụ thể ở đây là vai trò quản lý những ngôi chùa, tịnh xá hay tu viện mà vị trụ trì được giáo hội bổ nhiệm đến quản lý điều hành Phật sự tại đây. Kế tiếp chúng ta sẽ trao đổi về trọng trách của vị trụ trì trên phương diện hoằng pháp độ sanh, mà thuật ngữ Phật giáo gọi là “Pháp Tạng trụ trì”.

 Phát triển Y báo và Chánh báo: Như chúng ta đã biết, theo truyền thống của Phật giáo, những ngôi chùa, tịnh xá hay thiền viện được xem là y báo của vị trụ trì. Nói dễ hiểu hơn, đó là phước báu của vị trụ trì do bản thân nhiều đời nhiều kiếp từng gieo trồng chánh nhân trong tu tập và nhất là thành tựu công đức trong công tác trụ trì, nên hiện kiếp mới hội đủ nhân duyên được Giáo hội bổ nhiệm chức vụ trụ trì. Đứng đầu một cơ sở tu hành của giáo hội để quản lý điều hành Phật sự, chúng ta gọi là “trụ trì”. Như vậy, trụ trì có thể hiểu ở đây đó là Chánh báo và cơ sở tu hành là Y báo.

Như trên đã nói, do nhiều đời nhiều kiếp gieo trồng công đức trụ trì, ngày nay chúng ta mới có được Y báo thắng phước thắng duyên như vậy. Cho nên khi đã là một vị trụ trì, chúng ta phải không ngừng ra sức giữ gìn, phát triển, trang nghiêm ngôi Tam bảo bằng cách thường xuyên tự cảnh sách bản thân, luôn tàm qúy để sửa mình, nỗ lực công phu trau dồi giới hạnh. Bởi tự thân Chánh báo có thật sự thanh tịnh thì Y báo mới trở nên trang nghiêm. Một khi Y báo, Chánh báo thảy đều trang nghiêm thanh tịnh thì Giáo hội, Tăng-già cũng trở nên trang nghiêm thanh tịnh. Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tích cực đến đời sống an sinh xã hội và tạo nên một sức mạnh vô hình trợ duyên rất lớn cho sự phát triển đất nước và thăng hoa của cả dân tộc. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng vai trò quản lý tự viện của một vị trụ trì là rất nặng và vô cùng quan trọng đối với đạo pháp và dân tộc, chứ không đơn thuần chỉ là một ông sư giữ chùa, quét rác, tụng kinh cho qua ngày đoạn tháng…

Một điều nữa cũng cần lưu ý ở đây, đối với mỗi người dân Việt Nam chúng ta, từ hàng ngàn năm qua, mái chùa đã trở thành ngôi nhà tâm linh vô cùng thiêng liêng và ấm cúng giữa cuộc đời dẫy đầy khổ đau phiền trược. Điều này vô hình chung khiến cho ngôi chùa trở thành linh hồn của dân tộc và trở thành một nét văn hóa tâm linh rất đặc thù. Văn hóa tâm linh này có khả năng lay thức hồn người trong si mê ảo mộng, hóa giải khổ đau trong đời sống thế gian, có lẽ do vậy mà đối với mọi người, hễ mỗi khi trong đời sống xảy ra biến cố gì họ thường tìm đến cảnh chùa để nguôi ngoai bớt lòng trần và vơi bớt ưu phiền đau khổ. Dẫu rằng cảnh chùa vắng lặng chẳng có lời nào, nhưng không gian thanh tịnh dưới mái chùa ngập tràn tình yêu thương và sự sẻ chia cảm thông sâu sắc nhất, chính lúc này người trụ trì sẽ làm trách nhiệm của nhà hoằng pháp đem đạo vào đời.

Phải có tầm nhìn xa, sâu và rộng: Người trụ trì không chỉ quản lý tự viện mà còn đóng một vai trò rất quan trọng, đó là vai trò lãnh đạo, tổ chức, điều hành tất cả công việc từ gìn giữ, trùng tu, xây dựng phát triển. Chính vì vậy mà ngoài việc quản lý cơ sở tự viện ra, người trụ trì rất cần tăng cường phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh qua hình ảnh một ngôi chùa thông thoáng, sạch đẹp, trang nghiêm, thanh tịnh, ấm áp tình người. Ngôi chùa có trở thành biểu tượng nhập thế của đạo Phật hay không? Phật pháp có trường tồn hưng thịnh hay không? Già lam có trở nên trang nghiêm thanh tịnh hay không? Tất cả đều tùy thuộc vào giới đức, trí tuệ và tài năng lãnh đạo, trách nhiệm quản lý, điều hành và nhất là tâm nguyện từ bi tha thiết độ sanh của vị trụ trì, bởi vị trụ trì chính là linh hồn của ngôi chùa mà mình đang quản lý.

Một thực tế quan trọng khác cần phải nhìn nhận là khả năng thích nghi của Phật giáo với những thay đổi và cải tiến không ngừng của con người và xã hội, vì vậy vị trụ trì phải có tầm nhìn xa, sâu và rộng.

Hiện nay, có thể nói những thách thức mà các nền văn hóa đương thời đang đối mặt hình như chưa được giới Phật giáo nhận thức đúng mức. Trong làn sóng toàn cầu hóa, văn hóa là một vấn nạn mà giới Phật giáo cần phải cân nhắc thận trọng. Bởi vì nếu người ta có thói quen chuộng ngoại, đề cao mọi sản phẩm ngoại nhập, bao gồm cả sản phẩm tôn giáo, thì sự bành trướng của tôn giáo ngoại lai là điều khó tránh được. Sự cải đạo tín đồ Phật giáo, những sinh hoạt tôn giáo mang tính thần quyền như là một vết dầu loang đang thẩm thấu từng ngày, từng giờ vào các sinh hoạt của người Phật tử. Hệ lụy của nó đang làm xói mòn và suy yếu dần những truyền thống tâm linh của Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh ấy, sự khủng hoảng về đạo đức, văn hóa, giáo dục… mà xã hội Việt Nam đang phải đối đầu thì giới Phật giáo vẫn chưa nhận chân đúng mức và chưa vận dụng được tinh thần trí tuệ và nhân bản qua lời Phật dạy để xây dựng một định hướng hoằng pháp trong bối cảnh văn hóa đầy phức tạp, rối ren này.

Rõ ràng, đây là những vấn nạn khó có thể giải đáp thỏa đáng tức thời, cần phải có một nỗ lực chung để xây dựng chiến lược quy mô và hiệu qủa.

Cần phải nói rằng, trong định hướng cho tương lai, hoằng pháp vẫn là một giải pháp không thể thiếu trong sứ mệnh hoằng truyền đạo pháp, vì nó đáp ứng được một số nhu cầu thiết thực của tín đồ Phật tử.

Ngoài oai nghi, đạo đức, giới hạnh ra, người trụ trì cần phải có nền tảng trí tuệ, tối thiểu, phải thông suốt giáo lý căn bản; phải am tường nghi lễ; phải có kiến thức phong phú đa dạng như một bách khoa toàn thư, kể cả các môn tâm lý học, thần học và các môn học thuật khác cho dù không liên quan đến Phật pháp, nhưng đó sẽ là phương tiện để nhiếp dẫn người ngoại đạo và kẻ sơ cơ học Phật.

Chú trọng đến lớp trẻ, phần lớn tuổi trẻ ngày nay mỗi ngày một cách xa đạo Phật là một câu hỏi bức thiết cần phải được quan tâm. Có ý kiến cho rằng chùa chiền Việt Nam là nơi dành cho những người lớn tuổi và phụ nữ. Nhìn số lượng tín đồ đến chùa vào những ngày chủ nhật, lễ Vía có lẽ nhiều người có thể đồng tình với quan điểm vừa nêu. Bởi lẽ, nhà chùa vẫn là một trú xứ còn xa lạ với tuổi trẻ. Chính vì vậy, chúng ta nên trẻ hóa Phật tử, hãy tạo những sân chơi lành mạnh thu hút lớp trẻ, tập cho lớp trẻ quen dần với việc đến chùa như một thói quen. Đây có lẽ là những ẩn số cần phải được giải đáp trong sự nghiệp hoằng pháp thời hiện đại.

Quan trọng hơn chúng ta phải có trình độ và kinh nghiệm tổ chức, điều hành, hướng dẫn và nhất là rất cần đến tố chất thông minh nhạy bén để tùy duyên uyển chuyển, linh hoạt đối với từng trường hợp, đối với từng sự việc… mới có thể làm tốt vai trò của một trụ trì trong sứ mạng hoằng pháp độ sanh nhất là trong thời kỳ hội nhập.

Tổ chức các sự kiện văn hóa lễ hội Phật giáo: Việc tổ chức văn hóa lễ hội mang tính truyền thống đặc thù của Phật giáo như Đại lễ Phật đản, Lễ Vu lan, Lễ hội Quán Thế Âm, Vía Phật A Di Đà… đều mang đậm dấu ấn hoằng pháp của đạo Phật. Tuy nhiên, việc mang đạo vào đời bằng cách thu hút quần chúng thông qua không gian màu sắc âm thanh và nét văn hóa đặc trưng của từng lễ hội diễn ra từ nhiều năm qua dường như đã trở thành thông lệ “đến hẹn lại gặp”, và nó chỉ dừng lại ở việc biểu dương hay kỷ niệm trong giới hạn của thời gian lễ hội, chứ chưa thật sự thu hút quần chúng ở chiều sâu tâm linh. Cụ thể là nội dung thông điệp mà lễ hội truyền tải chưa thật sự tác động đến nội thức quần chúng để chuyển hóa nghiệp lực và khai sáng tâm hồn. Đây là chỗ khiếm khuyết rất đáng quan tâm trong việc tổ chức các lễ hội văn hóa đặc thù của Phật giáo hiện nay. Chính vì vậy, các vị trụ trì cần đặt ra mục đích hoằng pháp lên hàng đầu và nội dung lễ hội phải sâu sát với mục đích hoằng pháp trong qúa trình tổ chức thực hiện lễ hội.

Ngoài một số trách nhiệm mang tính điển hình của người trụ trì trong vai trì hoằng pháp như đã nêu trên, việc kiến trúc xây dựng phát triển ngôi chùa mình đang quản lý ngày càng trang nghiêm thanh tịnh, toát lên vẻ đẹp văn hóa tâm linh thu hút và chiêu cảm lòng người quay về nẻo thiện cũng được xem là một trong những trách nhiệm không kém phần quan trọng của người trụ trì.

Trụ trì trong công tác Hoằng pháp (Pháp tạng trụ trì)

Đạo đức tâm linh: Đối với một người bình thường trong xã hội cũng rất cần đến một nền tảng đạo đức vững vàng mới có thể xây dựng cho mình một nhân cách sống, huống gì là một vị Tăng, hơn nữa lại là một vị trụ trì trong chốn thiền môn trang nghiêm thanh tịnh, làm mô phạm, làm tấm gương sáng cho quần chúng Phật tử, thập phương bá tánh noi theo để hướng về con đường tuệ giác của đức Phật. Nền tảng đạo đức đương nhiên phải là yếu tố căn bản đầu tiên luôn ngự trị trong đời sống tinh thần cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ý thức một điều, đời sống đạo đức của người đời khác xa với đời sống đạo đức của Tăng sĩ. Bởi một khi nói đến đạo đức của một vị Tăng, tức là chúng ta nói đến đạo đức tâm linh. Nền đạo đức tâm linh đặc thù này đòi hỏi tự thân vị Tăng đó phải tròn đầy tứ vô lượng tâm Từ Bi Hỷ Xả, phải thường hằng tỉnh thức để tự tri tự độ, tự giác giác tha, thuần thiện và vô ngã. Có như vậy, người trụ trì mới có thể cảm thông chia sẻ và mang lại lợi lạc thiết thực cho đời sống muôn loài.

Như chúng ta đã thống nhất với nhau rằng, vị trụ trì là linh hồn của một ngôi chùa, là người giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoằng truyền chánh pháp của Như Lai, là người trực tiếp dìu dắt Phật tử trên con đường tu học. Chính vì vậy, thân tướng người trụ trì cần phải oai nghi đoan chánh, tam nghiệp thuần hòa, lục căn thanh tịnh. Hội đủ những điều này sẽ tạo nên một phong thái trang nghiêm đĩnh đạc. Đây là yếu tố rất quan trọng trong vai trò hoằng pháp, vì điều này, trước hết chắc chắn sẽ gây ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn Phật tử, khiến cho quần chúng Phật tử càng thêm kính tin Phật pháp, nhân đó giúp họ thăng tiến trên con đường tu hành giải thoát.

Để đạt được một nền tảng đạo đức tâm linh vững chắc, điều đầu tiên đòi hỏi Tăng sĩ chúng ta phải nghiêm trì giới luật. Khi Đức Phật sắp vào Niết-bàn, Ngài đã di huấn: “Sau khi Ta diệt độ các thầy Tỳ-kheo phải lấy giới luật làm thầy”. Đối với một vị trụ trì, đang gánh trọng trách “Trụ pháp vương gia – Trì Như Lai tạng”, việc chấp trì giới luật càng phải chuyên chú thiết tha nhiều hơn nữa mới có thể làm chỗ nương dựa cho tứ chúng và đảm đương vai trò sứ mạng hoằng pháp độ sanh. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, phẩm Upàli và Ananda, đức Phật dạy mười mục đích mà các học pháp được thiết lập và Giới bổn Pàtimokkha được tuyên đọc như sau:

Để Tăng chúng được cực thịnh
Để Tăng chúng được an ổn
Để chặn đứng các người cứng đầu
Để các thiện Tỷ-kheo được sống an ổn
Để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại
Để chặn đứng các lậu hoặc trong tương lai
Để đem lại tịnh tín cho những người không tin
Để làm tịnh tín tăng trưởng cho những người có lòng tin
Để diệu pháp được tồn tại
Để luật được chấp nhận.[2]

Chúng ta nên biết rằng sức mạnh của người tu là ở giới đức. Người giữ giới trang nghiêm, thân tướng sẽ đẹp như có hào quang vậy. Đức hạnh của người tu là do người tu tạo, không một ai phá hoại được ngoại trừ chính người đó. Do vậy, người tu tự phòng hộ cho mình bằng chính việc giữ giới.

Ngoài những đức hạnh vô cùng cần thiết như đã nêu trên thì người trụ trì cần phải chánh niệm. Khi có chánh niệm, vị trụ trì tự nhiên sẽ biểu hiện ra bên ngoài phong thái an nhiên, điềm tĩnh và sáng suốt, và có như vậy mới có thể diệu dụng, linh hoạt để xử lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống tu hành của tứ chúng một cách trôi chảy thông suốt.

Tiếp tăng độ chúng: Như chúng ta đã biết, hoằng pháp thực chất là mang đạo vào đời, là tinh thần nhập thế cao cả của đạo Phật, cho nên trách nhiệm của người trụ trì trong vai trò hoằng pháp rất lớn lao và bao quát. Bởi bất cứ duyên sự nào liên quan đến chùa, liên quan đến bản thân người trụ trì, người trụ trì cũng đều có thể tùy duyên hoằng pháp. Tiếp tăng độ chúng là một việc vô cùng thiết yếu để duy trì mạng mạch của Phật pháp. Đã là một vị trụ trì thì việc thu nhận đệ tử và hướng dẫn họ tu tập là ta đang nuôi dưỡng thế hệ kế thừa cho tương lai. Đây được xem là “Giới pháp trụ trì” và cũng là sự nghiệp hoằng pháp.

Độ chúng xuất gia: Thông thường một đệ tử xuất gia đến với đạo có rất nhiều lí do, có người vì yêu mến hình ảnh khả kính của một vị thầy, vị sư; có người vì gia đình theo truyền thống Phật giáo; có người có nhân duyên sâu dày trong nhiều kiếp; có người sau khi trải qua biến cố trong cuộc sống, họ trực nhận được sự vô thường trước mắt và muốn xa lìa cuộc sống thế tục vào chùa xuất gia…. Chung quy họ đều là những người hảo tâm xuất gia. Vì vậy, khi thâu nhận đệ tử vào xuất gia chúng ta phải có trách nhiệm nuôi dạy, trưởng dưỡng đạo tâm cho đệ tử. Chúng ta biết đệ tử bỏ nhà, bỏ việc, bỏ tất cả đi tu nhưng vô chùa rồi thầy trụ trì ít có dịp gần gũi, thương yêu chỉ dạy, họ cũng phân vân. Con người cũng giống như bông hoa, ta trồng hoa mà không tưới nước, bón phân cho đất thì hoa cũng từ từ khô héo.

Đối với học trò, thầy không động viên, không khích lệ, không chăm sóc dạy dỗ, đệ tử cũng không tiến bộ. Cho nên người làm trụ trì phải có tâm bao dung, hỷ xả, dành chút ít thời gian quan tâm đến chuyện tu học của đại chúng trong chùa. Đó là chất liệu tưới tẩm cho chúng đệ tử có được một cuộc sống an vui, mát mẻ.

Chúng ta làm trụ trì, dù phải tham dự lễ lạc nhiều, công việc nhiều, lo nhiều, sợ nhiều, căng thẳng nhiều, cũng đừng quên dành thời gian cho công phu tu tập, gần gũi khuyên nhủ dạy bảo đệ tử, để không uổng phí một đời xuất gia tu tập.

Tất cả hãy vì thế hệ kế thừa, ở thế gian ưu ái cho thế hệ trẻ vì họ là những chủ nhân của đất nước trong tương lai, còn chúng ta vì mầm non của Giáo hội hãy vì thế hệ trẻ kế vãng khai lai báo Phật ân đức.

Hướng dẫn Phật tử tu tập: Chúng ta nên nhớ rằng, đối với bất cứ ngôi chùa nào hiện nay cũng đều có hai dạng Phật tử lui tới lễ Phật và công phu công qủa. Trong số đó, người công quả, cúng dường tích phước thì nhiều, còn người tham cứu học hỏi giáo lý rất ít. Do vậy vào những ngày 30, mồng 1, 14 và rằm hàng tháng, là ngày mà Phật tử đi chùa lễ Phật bái sám đông nhất, sau thời sám hối, qúy vị trụ trì nên tranh thủ thời gian thuyết một thời pháp ngắn với các đề tài gần gũi với đời sống của người Phật tử tại gia, đồng thời giúp cho họ có chánh kiến, gieo cho họ chánh nhân tu học và nhận thức vai trò bổn phận của người Phật tử đối với Phật pháp. Đối với những Phật tử thuần thành, nếu chưa có điều kiện chuyên tu thì nên tổ chức cho Phật tử tu thọ Bát quan trai mỗi tháng một lần tại chùa, để giúp họ tập làm quen với nếp sống của người đã xuất gia. Đối với Phật tử có tâm tha thiết tu tập, tùy theo hoàn cảnh mỗi người, vị trụ trì cũng nên khuyến khích họ tinh tấn công phu, niệm Phật.

Thực tế tại các ngôi chùa hiện nay, số lượng quần chúng đến tham quan và hành hương lễ bái rất đông, trong số đó đa phần là đến nhờ thầy trụ trì cầu an cầu siêu, thậm chí xin xăm bói quẻ, coi ngày giờ ma chay cưới hỏi, xây nhà đào giếng, khai trương mở tiệm… Với hạng người này, nếu chúng ta khư khư cố chấp cho rằng muốn siêu thoát muốn bình an thì do bản thân mình chớ cầu cạnh bên ngoài làm sao an được? Hay chúng ta trả lời với họ rằng, ngày nào giờ nào cũng tốt hết nếu qúy vị có chánh niệm… Nếu chúng ta cứng ngắt cho rằng họ mê tín dị đoan, không quan tâm và không tùy duyên phương tiện, vô tình chúng ta đánh mất đi một lực lượng hùng hậu rất hữu ích cho Phật pháp. Chúng ta đừng quên rằng, trách nhiệm của chúng ta là hoằng pháp độ sanh, đối với những người mê tín nông nỗi như thế này chúng ta nên khởi lên lòng từ bi thương xót mới phải. Hơn nữa họ tự tìm đến cửa chùa, tự tìm đến chúng ta vì đặt niềm tin vào chúng ta và chúng ta khỏi cất công đi tìm họ, do vậy hà cớ gì chúng ta bỏ rơi họ. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải uyển chuyển, linh hoạt đối với những trường hợp này, phải “phương tiện quyền xảo từ bi độ chúng sanh giả”. Có như thế sẽ từng bước gieo vào tâm thức họ hạt giống Bồ-đề, một khi họ đã tin tưởng và có thành ý thì việc giúp cho họ Quy y Tam bảo, trao truyền Ngũ giới và định hướng cho họ con đường tu hành chân chánh chỉ là việc một sớm một chiều.

Đối với những trường hợp mà vị trụ trì gặp phải những quần chúng đặc biệt này, đòi hỏi cần phải có tâm từ bi tha thiết độ sanh và phải có trí tuệ, không câu nệ và cố chấp, phải có kiến thức phong phú đa dạng và nhạy bén, thông minh để linh hoạt diệu dụng thì mới có thể đưa người qua sông mà không bị chết đuối giữa dòng.

Phương tiện quyền xảo trong công tác hoằng pháp thời hiện đại: Trong bối cảnh đất nước mở cửa, kinh tế không chỉ lớn mạnh, nghành công nghệ hiện đại phát triển đang vươn tới đỉnh cao, đặc biệt là các mạng lưới thông tin vô cùng nhạy bén. Đó là một điều kiện thuận lợi cho tất cả chúng ta nhưng cũng chính chúng ta phải đang đối mặt với muôn vàn thách thức. Trước tình hình như vậy, vị trụ trì không những chỉ am hiểu giáo pháp, gìn giữ giới luật trang nghiêm mà còn phải nắm bắt tốt mọi thông tin, mọi chuyển biến của xã hội và cuộc sống quanh mình. Bởi lẽ, ngoài kiến thức Phật học sâu rộng, vị trụ trì cũng phải trang bị cho mình kiến thức xã hội để làm phương tiện đi vào cuộc đời trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, đồng hành cùng dân tộc.

Chúng ta đều biết rằng thời đại ngày nay, trình độ nhận thức của quần chúng rất cao, khả năng hiểu Phật pháp của họ rất tinh tế, cơ hội, điều kiện và phương tiện hoằng pháp thời hiện đại lại vô cùng phong phú, đa dạng và sinh động. Với qúa nhiều mặt thuận lợi như vậy, tất nhiên công tác hoằng pháp sẽ gặt hái những kết qủa nhất định. Trước hết hiệu qủa hoằng pháp có được số lượng tín đồ ngày càng cao, kế đến sự hình thành hệ thống chùa chiền tự viện, kinh sách, báo chí, văn hóa phẩm Phật giáo mang tính quy mô rộng khắp trên toàn quốc. Vì vậy, chúng ta phải thiết thực hơn trong công tác hoằng pháp điển hình:

Không nên xem công tác hoằng pháp chỉ là một công việc truyền đạt kiến thức giáo lý mà hãy hướng đối tượng đến sự thực hành pháp.

Hãy xem việc hoằng pháp như thể nhịp đập của con tim, để cảm nhận sự thao thức trăn trở trước sự chênh lệch giữa vật chất và tinh thần của con người và cuộc sống.

Mỗi nhà hoằng pháp hãy trang bị cho chính bản thân một kiến thức sâu và rộng cả Phật học và thế học nhưng đừng xem hoằng pháp như là một cơ hội để trình bày quan điểm, kiến giải, phô trương sự hiểu biết.

Hãy trang bị cho mình đầy đủ sự cân bằng giữa Lý và Sự tức khả năng thuyết và khả năng hành.

Tựu trung lại, nói đến công tác hoằng pháp thời hiện đại, chúng ta hãy tùy duyên vận dụng những phương tiện tiện ích của thời hiện đại để trợ duyên cho công tác hoằng pháp. Tuy nhiên, điều cốt lõi của công tác hoằng pháp vẫn luôn lệ thuộc vào oai nghi tư cách, giới hạnh đạo đức, năng lực chuyên môn và nhất là tâm huyết độ sanh của nhà hoằng pháp.

Tóm lại, “trụ trì” của một ngôi chùa là người gánh vác sứ mạng “Truyền trì mạng mạch Phật pháp” và là người trực tiếp đảm đương trọng trách “Tác Như Lai sứ – Hành Như Lai sự”. Chúng ta cần phải luôn khơi dậy và phát triển bốn đức hạnh Từ Bi Hỷ Xả một cách thường xuyên, để tâm hồn chúng ta lúc nào cũng rộng mở, sẵn sàng đón tiếp và hóa giải những nỗi niềm bất hạnh khổ đau nơi nhân thế. Một điều vô cùng quan trọng nữa, đối với người trụ trì thì nhất quyết không thể đánh mất đi phẩm hạnh “Vô ngã – Vị tha”, vì đây là phẩm hạnh then chốt quyết định vai trò của người làm công tác trụ trì. Bởi nếu chúng ta vì người mà cứ chấp nhân chấp ngã một cách nặng nề như vậy, ngay bản thân chúng ta cũng không được lợi ích chứ nói gì đến tha nhân. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, chúng ta cũng không nên qúa lạm dụng phương tiện của nền văn minh hiện đại mà đồng hóa chính mình. Ngày nay, một khi con người hướng đến Phật giáo, trong số họ có khá nhiều người đã mệt mỏi chán chường với lối sống thực dụng. Đôi khi do cuộc sống hiện đại mang lại, người ta đến với đạo cần sự đơn giản, bình yên thanh thoát, nhất là sự chân chất, mộc mạc và thánh thiện của các nhà hoằng pháp. Do vậy, chúng ta không nên đem những thứ mà họ ngán ra tiếp tục đãi họ. Nói như vậy để thêm một lần nữa khẳng định rằng, chỉ có tâm huyết độ sanh và căn bản đạo đức giới hạnh, mới có thể tạo nên một mẫu người “viên dung lí sự, ngôn hạnh tương ưng”, mới tạo nên sự hấp dẫn và thu hút quần chúng đến với đạo Phật, mới giúp quần chúng vững tiến tu trên con đường đạo pháp.

Thiết nghĩ, vị trụ trì là cái hồn của ngôi chùa, ngôi chùa có hưng thịnh hay không, Tăng Ni Phật tử có quy tụ về tu tập đông đủ hay không, đều nhờ vị trụ trì có đức độ, quyền xảo, có khả năng chuyển hóa và tâm hồn bi mẫn. Vị trụ trì là nhà hoằng pháp hữu hiệu nhất, là điều kiện thuận lợi để đưa đạo pháp vào đời sống nhân sinh.

[1] Tương Ưng V, Thiên Đại Phẩm.

[2]Tăng Chi Bộ Kinh, Tập III, Quyển B, HT. Thích Minh Châu (dịch), Tu thư Phật học Vạn Hạnh, 1981, tr. 73.

HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng thư ký Kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN 

( Thực Hiện: Y Tâm)