Trang chủ Nghiên cứu Về những nguy hiểm của trạng thái định

Về những nguy hiểm của trạng thái định

97
 Điều có thể mang lại nhiều tai họa nhất cho người hành thiền chính là trạng thái định an chỉ (thiền định), trạng thái định được biểu hiện bằng sự an tĩnh sâu lắng và miên mật. Trạng thái định này mang lại cho người hành thiền một sự an tĩnh mênh mông. Nơi nào có sự an tĩnh, nơi đó có hạnh phúc. Khi có hạnh phúc thì việc dính mắc, bám víu vào niềm hạnh phúc ấy sinh khởi. Người hành thiền sẽ không muốn quán sát bất kỳ điều gì khác nữa, mà chỉ muốn tự dung dưỡng mình trong cái cảm giác dễ chịu ấy. Khi đã hành trì trong một thời gian đủ dài, người hành thiền có thể trở nên thông thạo và đạt tới trạng thái định an chỉ này thật nhanh chóng. Ngay khi người hành thiền bắt đầu chú tâm đến đối tượng của sự thiền định, tâm thức người ấy liền vắng lặng, và hành giả có khuynh hướng không muốn ra ngoài để quán sát bất cứ điều gì khác. Hành giả bị đóng cứng trong niềm hạnh phúc ấy. Đó chính là một hiểm họa đối với những ai đang hành thiền. 
 
Chúng ta phải ứng dụng định tiếp cận (Upacara Samadhi). Trong trạng thái định này, chúng ta thâm nhập sự tĩnh lặng, và rồi khi tâm thức đã đạt đến sự tĩnh lặng vừa đủ, chúng ta lại xuất định để nhìn vào những hoạt động bên ngoài. Việc quán sát ngoại giới với một tâm tĩnh lặng sẽ làm tuệ giác sinh khởi. Điều này thật khó hiểu, bởi vì hầu như sự quán sát đó chẳng khác gì với việc nghĩ tưởng thông thường. Khi sự suy nghĩ có mặt, ta có thể cho rằng tâm thức không an bình, nhưng thật ra, sự suy nghĩ đang diễn ra bên trong sự tĩnh lặng. Ở đây có sự quán chiếu, nhưng sự quán chiếu ấy không hề quấy rầy sự tĩnh lặng. Chúng ta còn có thể mang cả sự suy nghĩ ấy vào để  quán chiếu sự tĩnh lặng đó. Ở đây chúng ta dành lấy sự tư duy để truy vấn sự tĩnh lặng, chứ không phải chúng ta đang suy tư để truy vấn không mục đích, chẳng phải là chúng ta suy tư không mục đích hay tiếp tục đoán mò, ngược lại, đang có một điều gì đó xuất sinh từ một tâm thức vắng lặng. Điều đó được gọi là “sự nhận biết trong tĩnh lặng, và tĩnh lặng trong sự nhận biết”. Nếu đó chỉ là một sự nghĩ tưởng thông thường, tâm thức sẽ không có sự an bình mà nó bị quấy động. Nhưng ở đây tôi không nói đến sự nghĩ tưởng thông thường, mà đó là một cảm giác xuất sinh từ tâm thức an bình. Đó chính là sự “quán niệm”. Chính từ sự quán niệm đó mà tuệ giác sinh khởi. 
 
Cho nên có thể có trạng thái định đúng (hay chánh niệm) và trạng thái định sai (hay tà niệm). Tà định xảy ra khi tâm đạt đến trạng thái tĩnh lặng mà hành giả hoàn toàn không nhận biết gì cả. Hành giả có thể ngồi hai tiếng đồng hồ hoặc ngồi suốt cả ngày nhưng tâm thức không hề biết mình đang ở đâu hoặc điều gì đang xảy ra. Tâm thức của hành giả không biết gì cả. Có sự tĩnh lặng đấy, nhưng tất cả chỉ có thế. Điều đó giống hệt như có một con dao được mài bén mà chúng ta không màng đến việc sử dụng nó vào bất cứ một việc gì. Đó là một kiểu vắng lặng si ngốc vì ở đó không có sự tự nhận thức. Kẻ hành thiền có thể nghĩ mình đã đạt tới cảnh giới tối hậu cho nên người ấy không màng tìm kiếm bất kỳ điều gì khác. Ở mức độ này, trạng thái định có thể là kẻ thù của hành giả, tuệ giác không thể phát sinh vì không hề có sự nhận thức về đúng hoặc sai. 
 
Với trạng thái định chân thật, bất kể mức độ tĩnh lặng nào đạt được luôn luôn có nhận thức, luôn luôn có sự tỉnh thức trọn vẹn và sự hiểu biết rõ rệt. Đó chính là trạng thái định có thể làm xuất sinh tuệ giác, hành giả không thể bị lạc trong đó.  Mọi hành giả đều phải hiểu rõ điều này. Chúng ta không thể hành thiền mà không có sự nhận thức ấy, sự nhận thức ấy phải có mặt từ khởi đầu cho đến kết thúc. Loại trạng thái định này không hề chứa đựng hiểm họa. 
 
Chúng ta có thể tự hỏi, ở nơi có sự lợi lạc xuất sinh từ trạng thái định ấy, tuệ giác sinh khởi như thế nào? Khi trạng thái định đúng đã được phát triển, tuệ giác có cơ hội sinh khởi vào bất kỳ lúc nào. Khi mắt thấy hình tướng, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân nhận biết sự xúc chạm hoặc ý trải nghiệm các cảm thức – ở mọi phương vị trên thân thể – thì tâm thức vẫn nhận biết đầy đủ về bản chất thật của các thức cảm giác ấy mà không hề lọc lựa một cách xét nét. Ở bất cứ phương vị  nào, chúng ta đều nhận thức một cách trọn vẹn về sự sinh khởi của hạnh phúc và của đau khổ rồi chúng ta để cho những điều ấy trôi đi, không bám víu vào chúng. 
 
Khi nói đến mọi phương vị, chúng ta không thể chỉ nói đến các phương vị của thân thể như đi, đứng, nằm, ngồi mà còn chỉ đến phương vị của tâm thức, vốn luôn tỉnh thức và có sự hiểu biết rõ rệt về thực tại vào mọi thời điểm. Khi trạng thái định được phát triển một cách đúng đắn, tuệ giác sinh khởi như vậy, điều đó được gọi là “minh sát tuệ”, sự hiểu biết trọn vẹn về chân lý. 
 
Có hai loại an tĩnh – thô và tế. Sự an tĩnh đến từ trạng thái định an chỉ mới chỉ là sự an tĩnh thô. Khi tâm thức được an tĩnh, hạnh phúc sinh khởi, bấy giờ tâm cho rằng tình trạng hạnh phúc ấy chính là sự an lạc, nhưng hạnh phúc và đau khổ chỉ là các pháp sanh diệt. Ở đây chưa thể có việc thoát khỏi luân hồi vì chúng ta còn bám víu vào các pháp sanh diệt ấy, cho nên hạnh phúc chẳng phải là an lạc, mà an lạc không chỉ là hạnh phúc.
 
Sự an tĩnh kia đến từ tuệ giác. Ở đó, hành giả không hề nhầm lẫn an lạc với hạnh phúc, hành giả biết rõ tâm thức đang quán chiếu và biết rằng hạnh phúc cũng như đau khổ đều là an lạc. Sự an lạc xuất sinh từ tuệ giác không phải là hạnh phúc mà là sự thấy biết như thật về cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Việc bám víu vào những trạng thái ấy hoàn tòan không xảy ra vì tâm thức vượt lên trên tất cả những trạng thái ấy. Đó mới là mục đích chân thật của mọi sự hành trì Phật pháp.
 
Người dịch: Nguyễn Văn Nhật
Theo: Văn hóa Phật giáo