Trang chủ PGVN Nhân vật Vị quốc sư “dựng cây tích trượng…”

Vị quốc sư “dựng cây tích trượng…”

100

Họ là những thiền sư không chỉ giỏi về Hán-Nôm mà còn tinh thông Phạn ngữ; không chỉ uyên thâm về Phật học mà còn hiểu biết sâu sắc về Lão-Khổng và đặc biệt còn là những nhà sấm vĩ học và phong thủy học trứ danh.

Chính sách hà khắc và ngu dân của nhà Đường đã hạn chế việc học hành của dân ta. Trong hoàn cảnh ấy, các thiền sư-tăng sĩ ngoài vai trò hướng dẫn sinh hoạt đạo đức, tôn giáo… còn kiêm luôn chức năng “thầy đồ”. Nhà chùa trở thành trường dạy chữ. Trẻ em đến học ở chùa không hẳn là xuất gia.

Cậu bé Lý Công Uẩn ở làng Cổ Pháp (Từ Sơn-Bắc Ninh ngày nay) là một trường hợp như thế. “Thầy giáo nhà chùa” là những người có học và gần gũi dân chúng, có ý thức độc lập quốc gia. Nhiều người còn thực hành pháp thuật, sử dụng thuật sấm vĩ và phong thủy trong việc góp phần xây dựng ý thức dân tộc về một quốc gia độc lập.

Trong tác phẩm “Việt Nam Phật giáo sử luận” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2000, giáo sư Nguyễn Lang cho rằng, chính thiền sư Vạn Hạnh, một “thầy giáo nhà chùa” của Lý Công Uẩn, đã thuyết phục nhà vua dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long với ý nguyện bảo vệ nền độc lập dân tộc vững bền.

Trong bài “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ thể hiện rất rõ những kiến thức phong thủy từ thầy giáo Thiền sư Vạn Hạnh. Theo đó, đất Hoa Lư là nơi “địa thế không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, vạn vật không nên…”. Trong khi đất Thăng Long thì “ở giữa khu vực trời đất, có địa thế rồng cuốn hổ phục, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước: Đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh…”.

Giáo sư Nguyễn Lang cho rằng: Với vai trò là Quốc sư, rất có thể Vạn Hạnh vừa là người thảo Chiếu dời đô, vừa là người thiết kế họa đồ cho Kinh đô Thăng Long. Ý kiến trên đây của giáo sư Nguyễn Lang cũng nhận được sự đồng tình của các giáo sư: Vũ Khiêu, Hà Văn Tấn, Nguyễn Huệ Chi.

Thiền sư Vạn Hạnh là người họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, từ thuở nhỏ đã nổi tiếng thông minh siêu dị; học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo.

Năm 21 tuổi, ông xuất gia vào chùa, tu học theo sư Thiền Ông ở chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông mất, ông chuyên thực tập về sấm vĩ và phong thủy, được dân chúng tôn sùng là rất linh nghiệm. Nhiều lời nói của ông được thiên hạ cho là phù sấm.

Bản thân vua Lê Đại Hành sinh thời cũng rất sùng kính ông, nhiều việc quốc gia đại sự vẫn hỏi ý kiến ông suy xét. Vì thế Thiền sư Vạn Hạnh đã sử dụng sấm vĩ một cách tài tình trong cuộc cách mạng bất bạo động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

Vạn Hạnh không chỉ là một nhà sư uyên bác mà còn là một nhà chính trị sắc sảo. Ông không chỉ là một vị lãnh đạo đời sống tâm linh mà còn là một nhà tổ chức hành động. Khối lượng kiến thức sâu rộng nhiều lĩnh vực của ông cũng được đưa ra sử dụng trong phạm vi hành động trong tinh thần tự do phá chấp của đạo Phật. Ông đã được Lý Thái Tổ suy tôn là Quốc sư.

Về sau, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) có làm bài thơ ca ngợi ông, vị thiền sư có công lao to lớn đối với triều Lý, dịch nghĩa như sau:

Hành tung thấu triệt ba đời
Ngũ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa
Quê hương Cổ Pháp bây giờ
Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền.