Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Viết tiếp về những bất hợp lý trong tổ chức Đại lễ...

Viết tiếp về những bất hợp lý trong tổ chức Đại lễ Phật Đản

83

Bài viết này không nhằm mục tiêu đề cao một hay nhiều vị tăng sĩ đã tổ chức thành công một số sự kiện Phật giáo nào đó, và ngược lại, cũng không nhằm vào mục tiêu phê phán những trường hợp nào đó.

Người viết bài chỉ muốn nhắm tới mục tiêu cao nhất là tổ chức ngày càng lớn hơn, quy mô hơn, thành công hơn các ngày lễ Phật giáo, đặc biệt là Đại lễ Phật Đản, là ngày lễ lớn nhất của Phật giáo.

Do vậy, việc ghi nhận các sự kiện trong sự so sánh là điều bắt buộc, khách quan, và nếu có liên hệ đến cá nhân nào, thì đó là do từ liên hệ của tự thân sự việc. Tất nhiên là ở đây không có những tên người cụ thể.

Chúng ta đã có dịp bàn luận về những bất hợp lý trong việc tổ chức lễ Phật Đản với quy mô trong sự so sánh với các ngày lễ khác trong chùa hằng năm như lễ Rằm Tháng Bảy, Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Mười, lễ cúng sao giải hạn…

Trong bài viết này, chúng ta lại tiếp tục bàn luận về bất hợp lý trong việc tổ chức lễ Phật Đản trong một trục so sánh, trục so sánh trong hệ thống tổ chức, cấp bậc sơn môn.

Trước đây khoảng 10 năm, trong Phật giáo, đại lễ Phật Đản hầu như là ngày lễ duy nhất tập trung đông đảo tăng ni Phật tử tới hành lễ trong một thời điểm với lễ đài ngoài trời.

Ở những một vài năm cao điểm, tổ chức tại các quảng trường lớn, số lượng Phật tử tham dự lễ Phật Đản có thể lên đến hàng trăm ngàn. Tại TPHCM thời gian gần đây số người tham dự Đại lễ Phật Đản tổ chức tập trung đã giảm xuống chỉ vài ngàn do khuôn viên tổ chức lễ chỉ có diện tích giới hạn cho người tham dự tương ứng như trên.

Cũng trong khoảng vài năm trở lại đây, đã có một hiện tượng, mà chúng tôi cho là không bình thường, nếu đặt trong sự so sánh tương quan với ngày lễ Phật Đản khi được tổ chức với quy mô hiện tại và ngày càng giảm sút số lượng tín đồ tham dự do vấn đề địa điểm tổ chức như một số tỉnh thành.

Tại TPHCM, một ngôi chùa ở ngoại thành TPHCM, nhờ lợi thế khuôn viên riêng vì ở vùng nông thôn đang đô thị hóa, đã tổ chức thành công ngày Khánh đản Đức Phật A Di Đà và đã trở thành truyền thống hằng năm vào ngày 7 tháng 11 Âm lịch.

Khởi đầu, đây chỉ là một cuộc lễ của riêng một chùa, số Phật tử tham dự chỉ là Phật tử của chùa. Tuy nhiên nhờ vào các hình thức tổ chức sinh động, đặc biệt là thắp nến hoa đăng, cũng như các tiết mục hỗ trợ phong phú, nên dần dần lễ Khánh Đản Đức Phật A Di Đà trở thành ngày lễ thu hút tăng ni Phật tử của cả thành phố, rồi hiện nay là lễ của cả khu  vực.

Ngày lễ Khánh Đản Phật A Di Đà, xe khách cỡ lớn trên 50 chỗ ngồi đậu kín trên một dải đường hàng mấy trăm mét, với biển số đủ các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Bến Tre,  Vĩnh Long…, thậm chí Lâm Đồng, Cà Mau…

Xét cho cùng, lễ Khánh Đản Phật A Di Đà như trên tổ chức tại TPHCM đã vượt quy mô lễ Phật Đản (Đức Thích Ca Mâu Ni) do thành hội là cuộc lễ Phật giáo tập trung tín đồ hàng thứ nhất tại TPHCM, với số người dự ngày càng tăng, có thể lên đến hàng chục ngàn người (đứng kín sân chùa, ngoại thành có lễ lớn hơn gấp đôi, gấp ba sân chùa Vĩnh Nghiêm).

Hiện nay, nhiều chùa trong cả nước cũng đã tổ chức Khánh Đản Đức Phật A Di Đà theo hình mẫu nói trên. Lễ đều được tổ chức ngoài trời, có lễ đài trang nghiêm, chiếu sáng mỹ thuật. Thường người dự đến chật sân chùa khá đông ở các tỉnh, nên con số ước lượng vài ngàn người cũng là có cơ sở.

Một trường hợp khác, lễ hội riêng một nhà chùa tổ chức phát triển thành lễ hội của cả khu vực là trường hợp một chùa trên núi cao ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khởi đầu lễ Phật thành đạo mùng 8 tháng chạp Âm lịch là lễ của Phật tử trong chùa, là một trong nhiều lễ vía Phật trong năm. Tuy nhiên, nhờ vào chương trình văn nghệ mừng Phật thành đạo ngày càng đặc sắc, nhờ cố gắng lơn lao của ban tổ chức trong việc phục vụ nên từ con số vài ngàn Phật tử tham dự ban đầu, thông tin về cuộc lễ Phật thành đạo gần đây nhất cho biết số lượng tăng ni Phật tử về dự là 13.000 người.

Chùa nói trên trong sân trống trải, nhưng mặt tiền chùa là một vườn cây lớn. Nên cuộc lễ trở thành một cuộc lễ trong vườn và khả năng nâng cao số lượng hơn nữa người tham dự là chắc chắn.

Cuộc lễ đã biến một ngôi chùa nơi thâm sơn cùng cốc trở thành một địa chỉ du lịch mới của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tất nhiên cũng như lễ Khánh Đản Phật A Di Đà đã nói ở trên, lễ Phật Thành đạo trên núi Dinh, với số lượng người tham dự như thế, đã trở thành ngày lễ Phật giáo tập trung, với nghi thức trang trọng, thu hút quần chúng của cả khu vực Nam Bộ, và đương nhiên trở thành lễ Phật giáo vào loại lớn nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong khi đó, Lễ Phật Đản do Ban Trị sự Tỉnh hội Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức, theo thông tin từ bạn đọc Phattuvietnam.net, được tổ chức trong sân chùa Từ Quang hết sức chật hẹp.

Cho nên số người tham dự, do địa điểm tổ chức giới hạn diện tích,chỉ có thể bằng 1/10 số người tham dự lễ hội Phật Thành Đạo trong cùng tỉnh.

Thực tế hiện trạng vừa ghi nhận ở trên chắc chắn phải làm cho tăng ni Phật tử phải suy nghĩ về trách nhiệm và năng lực của Ban Tổ chức các cuộc lễ Phật Đản ở những tỉnh thành liên hệ.

Tại sao Đại lễ Phật Đản, lễ lớn nhất của Phật giáo hàng năm, do Phật giáo toàn thành phố, toàn tỉnh hợp lực tổ chức, lại dần dần trở thành cuộc lễ nhỏ hơn rất nhiều, so với những cuộc lễ tập trung tín đồ do các chùa riêng lẻ tự tổ chức, vốn là những ngày lễ ít quan trọng hơn theo truyền thống Phật giáo.

Vấn đề đặt ra, tất nhiên, không phải đối với các chùa tổ chức thành công, những ngày lễ Phật giáo khác, mà là đối với các Thành hội, Tỉnh hội đã tổ chức lễ Phật Đản theo chiều hướng tín đồ tham dự ngày càng ít đi (do yếu tố khách quan trong việc lựa chọn địa điểm là chính). Ngoài ra, bên cạnh đó cũng không loại trừ yếu tố chủ quan về mặt năng lực tổ chức.

Điều đó dẫn đến bức tranh nghi lễ Phật giáo ở cấp độ tập trung đông đảo tu sĩ và tín đồ ở một số địa phương bị đảo lộn. Hỏi Phật tử TPHCM có nhớ, có đi dự lễ Khánh Đản Đức Phật A Di Đà tổ chức tập trung ở Hóc Môn, hầu hết đều biết, đều nhớ và đều đến dự lễ tập trung.

Nhưng hỏi Phật tử TPHCM về việc dự lễ Phật Đản năm rồi ở một ngôi chùa nào đó trong hẻm khu vực sân bay ngoại vi thành phố trước đây thì chắc chắn sẽ ít người trả lời đã dự.

Trách nhiệm tổ chức lễ Phật Đản tập trung tín đồ đã được quy định theo hoạt động hành chính trong giáo hội, nên tất nhiên, các chùa không thể tổ chức lễ Phật Đản tập trung quần chúng.

Vì vậy, nên những vị có khả năng tổ chức tất nhiên phải hướng năng lực của mình vào những cuộc lễ phụ so với đại lễ Phật Đản. Thành công của họ nói lên điều gì?

Lễ vía mà các chùa tổ chức, từ các ngày lễ nhỏ trở thành những ngày lễ lớn, thực tế ở cấp khu vực, với số người tham dự vượt con số hàng chục ngàn, và tiếp tục sẽ có quy mô lớn hơn nữa.

Và liệu cuộc lễ Phật Đản với số người tham dự ngày càng ít đi ở một số địa phương liên hệ, nhìn trong sự so sánh, phải chăng là một thất bại, cần cấp tốc điều chỉnh, vì sự phát triển hợp lý của Phật giáo Việt Nam.

MT