Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo và Khoa học Vũ trụ quan Tây Phương và Đông Phương

Vũ trụ quan Tây Phương và Đông Phương

779

VŨ TRỤ QUAN CỦA KHOA HỌC HIỆN ĐẠI

Vũ trụ của chúng ta được tạo thành từ một vụ nổ lớn gọi là Big Bang cách đây khoảng 14 tỷ năm. Lúc đó toàn bộ vũ trụ chỉ lớn bằng đầu kim. Vật lý học không thể biết cái gì trước thời điểm 10ˉ43 giây của vụ nổ, vì chúng ta đụng phải “bức tường Planck”: khoa học không thể biết đó là trạng thái gì khi lực hấp dẫn ở mức cực độ.

Vũ trụ tiếp tục giãn nở đến 10-32 giây, các hạt quark, electron, nơtrinô cùng các phản hạt của chúng xuất hiện từ chân không. Các hạt và phản hạt hủy nhau, nhưng không biết tại sao cứ 1 tỷ phản quark xuất hiện từ chân không thì có 1 tỷ + 1 hạt quark xuất hiện.

Tỷ số 1 trên 1 tỷ này đã làm cho vật chất có được để tạo thành vũ trụ.

Vũ trụ hiện vẫn đang giản nở với tốc độ càng lúc càng nhanh và sự tiến hóa của vũ trụ là phức tạp hóa. Nói theo ngôn ngữ triết học là từ cái một đến cái nhiều, từ cái đơn dạng đến đa dạng.

Lúc ba tỷ năm vũ trụ vẫn giãn nở, bắt đầu có các đám mây hydro và hêli, chúng co lại tạo thành những thiên hà. Hệ mặt trời hình thành sau Big Bang khoảng 10,4 tỷ năm.

Sau đó 1 tỷ năm trái đất nguội nhiều, mưa làm nước ngập ba phần tư bề mặt trái đất. Sinh vật đơn bào, dạng sự sống sơ đẳng đầu tiên xuất hiện cách đây 3,8 tỷ năm. Sự sống đã cần 300 triệu năm để tiến hóa từ vật chất vô sinh  đến vật chất hữu sinh và khoảng 3 tỷ năm để từ đơn bào lên đa bào.

Cách đây 500 triệu năm là các động vật có xương sống. Khoảng 70 triệu năm, các loài chim và thú. Và khoảng 2 triệu năm, bắt đầu loài người.

Trong tìm hiểu sự sinh thành vũ trụ có rất nhiều khâu chưa thể giải thích, chưa thể kết nối. Chẳng hạn hiện nay chúng ta mới chỉ biết có 7% vật chất của vũ trụ chúng ta (phải luôn luôn nhấn mạnh vũ trụ của chúng ta vì đây là vũ trụ chúng ta đang kinh nghiệm và có thể có những vũ trụ khác, những Big Bang khác trước, sau hay đồng thời với chúng ta nhưng nằm ngoài mức hiểu biết vật lý của  chúng ta), còn lại khoảng 93% thì chúng ta chưa biết, do đó chúng ta gọi là “vật chất tối”.

Chẳng hạn một nỗ lực gần 40 năm cho tới cuối đời của Einstein nhằm tìm ra một lý thuyết “Trường thống nhất” đã không làm được. Sau đó các nhà vật lý cũng tìm cách kết hợp thuyết tương đối và cơ học luợng tử nhưng cũng chưa thành. “Lý thuyết dây” có vẻ triển vọng nhất nhưng cũng chưa hoàn tất, chưa vượt hết những khó khăn.

Ở đây, chúng ta chỉ nêu lên ba vấn đề, vì chúng có liên quan đến những phần sau.

Năm 1801, nhà vật lý Anh – Thomas Young làm thí nghiệm, một nguồn sáng trước một mặt phẳng có hai khe hở, phía sau là một tấm màn sẽ tạo ra hiện tượng giao thoa. Nếu che khe phải thì những photon chỉ đi qua khe bên trái, photon sẽ đến một chỗ xác định trên màn. Giảm nguồn sáng chỉ để nó phát ra mỗi lần một photon và bắn qua khe bên trái, photon sẽ đến một chỗ xác định trên màn.Chuyện lạ là mở luôn khe phải và vẫn bắn qua khe trái một hạt photon như trước thì thay vì hạt này đến cùng một chỗ với hạt thứ nhất, nó lại đến một chỗ khác.

Hạt photon thứ hai như biết rằng khe phải đã được mở. Rồi tiếp tục bắn từng hạt , không nhắm vào khe nào, chúng ta lại có hiện tượng giao thoa. Thế thì tại sao các hạt photon tự biết chọn lựa qua đồng đều cả hai khe để thành giao thoa? Theo R.Feynman, “Thí nghiệm khe kép mang trong nó trái tim của cơ học lượng tử. Quả thực nó chứa đựng điều huyền bí duy nhất”.

Năm 1935, Einstein, Podolsky và Rosen đã tưởng tượng ra thí nghiệm EPR (viết tắt ba tên tác giả) để chống lại tính chất may rủi xác suất và hiện tượng bất định vị (non-locality) của cơ học lượng tử. Einstein nói. “Thượng đế không gởi đi các tín hiệu ngoại cảm”, “tương tác ma quái” (spooky interaction), “tác động ma quỷ từ xa”. Báo Guadian năm 2002 cho rằng ‘Hiện tượng này còn bí ẩn hơn cả sự tồn tại của vũ trụ’.

Quan điểm của Bohr để trả lời cho EPR là: Hai hệ thống hay hai hạt trong thí nghiệm ý tưởng của EPR không thể được xem là hai hệ thống khác nhau sau khi chúng đã tương tác với nhau, mà là một hệ thống lượng tử duy nhất. Cho nên mỗi sự thay đổi ở một hệ thống sẽ gây ra ảnh hưởng tức thì ở hệ thống kia, dầu chúng cách xa đến bao nhiêu. Đây là tính toàn thể không thể chia cắt của vũ trụ. Ý kiến này về sau được John Bell chứng minh, nghĩa là sự phản bác cơ học lượng tử của Einstein đã sai lầm.

Năm 1964, Bell công bố “ Về nghịch lý EPR” với bất đẳng thức Bell, nói rằng: cơ học lượng tử là phi cục bộ, các hạt tác động với nhau bất chấp thời gian không gian, nhanh hơn ánh sáng, không do bốn lực trong vật lý hiện đại hay sự truyền tín hiệu giữa các hạt.

Về sau, David Bohm xem cái thế giới này là trật tự ẩn (implicate order) so với thế giới hiện tượng của chúng ta là trật tự hiển (explicate order) (xem 2 chương The Implicate Order và The Edge of Something Unknow-Infinite Potential, David Peat, 1997). Nhà hóa học Nobel 1977 là Prigogine nói đến “một trường thông tin vũ trụ” hay một “Lý trí vũ trụ”. Chúng ta thấy lý thuyết Siêu Dây cũng nói đến một vũ trụ hòa âm như một toàn thể.

Vấn đề thứ hai là vấn đề sinh học. Nếu sự sống hữu sinh ngẫu nhiên đột khởi từ thế giới vật chất vô sinh thì để tạo thành một phần tử AND, thiên nhiên phải mò mẫm thí nghiệm trong 1015 năm, tức là 100.000 lần lâu hơn số tuổi vũ trụ.

Xác suất để một con vi-rút thành hình theo lối kết hợp ngẫu nhiên các phân tử trong vòng 1 tỷ năm (từ khi có trái đất cho đến lúc có tế bào đầu tiên) trong món súp nguyên thủy của trái đất là 10-2.000.000. (Hỗn độn và Hài hòa, Trịnh Xuân Thuận, tr367). Vì thế, Jean Guitton, triết gia Pháp hiện đại, kết luận: ‘Bản thân của vũ trụ là thông minh’ (Dieu et la Science, Jean Guitton, Igor và Grichka Bogdanow, 1990).

Francis Crick, giải Nobel Sinh học nhờ khám phá AND nói: “Một người thành thật được trang bị bằng tất cả hiểu biết của hôm nay phải chấp nhận rằng nguồn gốc đời sống quả là một phép lạ, bởi vì phải có không biết bao nhiêu điều kiện được tập hợp để có ra đời sống”.

Jacques Monod, một nhà sinh học của Pháp được xem là nhà vô thần nổi tiếng nói, “Một trong những thuộc tính cơ bản đặc trưng cho tất cả cơ thể sống là chúng được giao cho một dự định mà chúng vừa thể hiện trong cấu trúc vừa thể hiện bằng những khả năng của mình. Thay vì từ chối thuộc tính đó (như một số nhà sinh học đã làm), chúng ta nhất thiết phải thừa nhận nó như một thuộc tính căn bản của các cơ thể sống. Các cơ thể sống khác biệt với tất cả các cấu trúc khác trong vũ trụ là do thuộc tính này, thuộc tính mà chúng tôi gọi là ‘cứu cánh luận’ (téléonomie)” (Le Harsard et la Nécessité, 1970, trích từ Hỗn độn và Hài hòa, tr.358).

Đặc trưng của sự sống là sự tổ chức, tự trao đổi với môi trường chung quanh và sự sanh sản, thế nên Edgar Morin gọi là sự tổ chức sinh thái (auto-éco-organisation) (La vie de la vie,1980, tr.65-70). Chính đặc tính ‘tự’ này cho chúng ta nhận xét rằng mỗi tế bào sự sống đều như có trí thông minh, có cái biết trong nó.

Vấn đề thứ ba là sự xuất hiện của con người. Đây là một bí ẩn mà khoa học ở thế kỷ XX chưa giải quyết được.  Sự đột khởi từ loài động vật đến loài người, nói theo chữ của Monod, không thể xảy ra do ‘ngẫu nhiên’ hay ‘tất định’.

VŨ TRỤ QUAN TÂY PHƯƠNG

Tư tưởng Tây Phương (TP) chủ yếu là văn minh Do Thái-Thiên Chúa giáo hợp với nguồn văn minh Hy Lạp. Thực tại tối hậu của TP là Thượng Đế (TĐ), và vũ trụ là do TĐ sáng tạo ra. Mặc dù Thượng Đế theo định nghĩa của sách Khải huyền của Thánh Jean là “Ta là Alfa và Oméga” (Alfa và Oméga là hai chữ đầu và cuối của bảng chữ cái Hy Lạp, nên câu trên có nghĩa là: Ta là cái đầu tiên và cái cuối cùng), nhưng theo truyền thống TP, đó là một Thượng Đế nhân hình có hình dáng và cá tính như con người. Chữ Dieu, God (Thượng Đế, Thiên Chúa giáo Việt Nam dịch là Thiên Chúa) gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là Thần. Do đó, khi TP nói ai đó “vô thần” có nghĩa là người đó không tin vào một vị thần tối cao, một Thượng Đế nhân hình.

Vũ trụ và mọi sinh vật, loài người do Thượng Đế nhân hình sáng tạo ra trong 7 ngày (Sáng thế kí 1,2). Thượng Đế và vũ trụ là hoàn toàn tách biệt, như người tạo ra một bộ máy hoàn toàn ở ngoài bộ máy đó. Nói theo ngôn ngữ triết học TP, Thượng Đế là siêu việt (transcendant) đối với vũ trụ và con người, chứ không có phần nào nội tại (immanent) trong vũ trụ và con người. Con người chỉ được xem là giống theo ‘hình ảnh’ của Thượng Đế.

Đến đây chúng ta chỉ nêu ra ba vấn đề, trong nhiều vấn đề khác.

1-Với một Thượng Đế nhân hình và trọn hảo đã sáng tạo ra thế giới, tại sao trong thế giới lại có sự xấu ác? Đức Giê Hô Va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, ý tưởng luôn xấu xa, thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất và buồn rầu trong lòng. Ngài phán rằng. Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên, từ người cho đến thú vật, côn trùng, chim chóc, vì ta tự trách đã dựng nên các loài đó (Sáng thế kí 6:5-7).

Hơn nữa, Thượng Đế trực tiếp tạo ra con người thế thì sự bất bình đẳng giữa con người phải chăng là sự bất công của Thượng Đế? Có những người sinh ra vốn đã rất ít niềm tin vào Thượng Đế, thế mà trong giờ phán xét cuối cùng , họ đã bị ném vào địa ngục đời đời, tại sao họ phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết bẩm sinh không phải do họ mà có?

2-Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ trong 7 ngày. Đúng ra chỉ trong 6 ngày còn ngày thứ 7 Ngài nghỉ, không làm việc nữa. Chúng ta có thể xem 6 ngày là một ẩn dụ, có nghĩa là 6 tỉ năm. Như vậy, khi ngài đã nghỉ tại sao vũ trụ lại tự tiến hóa cho đến ngày nay? Còn nếu cho rằng Thượng Đế đã cài chương trình cho sự tạo ra vũ trụ thì mọi thứ đều là tất định, con người không còn ý chí và tự do.

3-Thân xác và linh hồn con người do Thượng Đế tạo nên. Linh hồn đó trong truyền thống TP là một thực thể mang đậm bản sắc cá nhân, phân biệt nam nữ và tính tình riêng biệt. Thượng Đế hữu ngã cho nên con người cũng hữu ngã và cái ngã con người cũng là một giá trị,  có thật và thường hằng một cách vĩnh cửu nên cần phải xây đắp vun bồi.

Chính một linh hồn vẫn giữ nguyên thể trạng như vậy khiến có nhiều vấn nạn không thể giải quyết . Chẳng hạn, một người có vợ chết, lấy thêm người nữa, khi về Thiên Đàng mà vẫn giữ nguyên linh hồn như cũ thì chẳng lẽ có hai vợ, biết đối xử thế nào. Nhấn mạnh vào tính cách bất diệt của từng linh hồn con người là điều khiến trong truyền thống văn hóa TP cái tôi là quan trọng, bản ngã là quan trọng và mọi rắc rối đều xuất phát từ đó.

Đã thế, bản ngã ấy còn được “hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị các loài cá loài chim, các sinh vật trên mặt đất”.

Con người có quyền thống trị tất cả thiên nhiên và các loài sinh vật. Con người lấy mình làm trung tâm đối với thế giới, thiên nhiên, sinh vật và thậm chí đối với cả những người khác, những dân tộc khác “không được Thượng Đế chọn”.

Như trong bài thơ của vua David có những câu cầu xin Thượng Đế “làm tản lạc những kẻ thù nghịch, kẻ ngoại bang, miệng chúng nó đều buông lời dối gạt, tay phải chúng nó là tay phải láo xược…”(Thi Thiên,144).

Tinh thần “quản trị thế giới” này đã làm cho khoa học kỹ thuật phát triển rất mạnh, nhưng cũng gây ra sự quá đà trong việc bắt thiên nhiên phục vụ con người  cho đến cạn kiệt và cũng là nguyên nhân của bạo lực, chiến tranh, kể cả chiến tranh tôn giáo. Những cuộc chiến tranh tôn giáo đều xảy ra ở Tây Phương  và Trung Đông, nơi phát sinh các tôn giáo độc thần. Ở Đông Phương hầu như không có chiến tranh tôn giáo.

Một nền văn hóa đặt tất cả chú trọng vào một “cái tôi”-và do đó cả “cái của tôi”, – tất yếu sẽ dẫn đến một cái tôi biệt lập và cô lập. Đó là sự cô đơn của con người TP như chúng ta đã thấy trong thế kỉ XX. Những khủng hoảng xã hội TP phần nhiều do cá nhân chủ nghĩa quá độ: ly dị, không chịu sinh con khiến dân số già đi, gia đình không còn là một thực thể quan trọng, xã hội là một cuộc đấu tranh không thương tiếc để nhằm đoạt được những thành công cho cá nhân…

Sự tuyệt đối hóa cái tôi đưa đến thảm kịch “Địa ngục, chính là người khác” như J.P.Sartre đã nói khi chấm dứt  một tác phẩm của ông. Nếu nói theo tinh thần Phật giáo, có lẽ phải nói: “Địa ngục , chính là cái tôi”. Cuối thế kỉ XX nhận  xét của Mẹ Thérésa, thành phố Calcutta, nói về tình trạng của thế giới: “Thế giới bị đói tình thương yêu và sự tôn trọng, sự quan tâm hơn là đói bánh mì”.

Tóm lại, văn hóa TP dã sinh ra một Thượng Đế nhân hình, độc tôn, tách biệt với vũ trụ và những triết gia chống lại điều ấy đều rơi vào một cực đoan đối lập khác là hư vô chủ nghĩa ‘không nền tảng’ (non-fondationalisme) của chủ nghĩa hậu hiện đại ngày nay.

VŨ TRỤ QUAN ĐÔNG PHƯƠNG

Với Đông phương, Phật giáo, Ấn giáo, Khổng giáo, Lão giáo đều quan niệm thực tại tối hậu (và cũng là thực tại khởi thủy) là không nhân hình, không nhân cách, mặc dù những tôn giáo ấy có những mức độ tinh tế khác nhau, nằm ở những mức độ sâu cạn khác nhau.

Vì không nhân hình, không nhân cách, thực tại đó thường được định nghĩa là ở khắp tất cả  chỗ mà cũng không ở riêng một chỗ nào cả. Thực tại đó siêu việt tất cả thời gian không gian nhưng đồng thời cũng hiện hữu trong thời gian không gian. Đây là ý niệm then chốt để người Đông Phương thường nói “Đạo và đời là một” , “tính không tách lìa”,  “bất nhị”,  “bất dị” (không khác)…

Đó là Thái Cực của Kinh Dịch, sinh ra Âm Dương, Tứ tượng, Bát quái và rồi 64 quẻ tượng trưng cho tất cả thế giới hiện tượng. Đó là Đạo của Đạo Đức Kinh vừa siêu việt vừa nội tại, là mẹ của vạn vật: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Đó là Chân như (trong thuyết Chân như duyên khởi của Phật giáo đại thừa) vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của tất cả, và đạt đến mức độ rốt ráo thì nhân và quả đồng thời, không gian, thời gian và con người là sự thể hiện tức thời và vĩnh cửu của chân như. Đây là điều kinh Hoa Nghiêm nói là “trùng trùng duyên khởi”, “tương tức tương nhập”.

Các nhà vật lý hiện đại hay nói đến nguyên lý toàn hình (hologramme) như là một tính cách của vũ trụ. Một tấm ảnh toàn hình chụp bằng tia laser khi được cắt nhỏ thì mỗi phần cắt nhỏ đó đều cho ta toàn thể hình ảnh của tấm ảnh. Cái toàn thể và cái phần tử dù nhỏ bao nhiêu đều là một cái duy nhất và như nhau.

Với David Bohm, toàn hình là một sự tương tự với “trật tự ẩn, là trật tự toàn thể và không thể phân chia của vũ trụ”. Nói theo Edgar Morin, “cái toàn thể nằm trong bộ phận và bộ phận lại nằm trong toàn thể, trong đó bộ phận có khả năng sinh ra cái toàn thể một cách ít nhiều khác nhau”. Toàn hình minh chứng cho một nguyên lý nổi tiếng của kinh Hoa Nghiêm: “Tất cả là một, một là tất cả”.

Với vũ trụ quan Đông phương, thực tại ban sơ mà tối hậu (mà ở đây chúng ta gọi một danh từ chung là Đạo) thì không tách lìa với vũ trụ được sáng tạo. Có thể nói vũ trụ là do Đạo biểu lộ ra và vũ trụ là một phần của Đạo, vũ trụ là hiện thân (embodiment) của Đạo. Vũ trụ có một phần ý thức, cái biết của Đạo, do đó vũ trụ có thể tự tổ chức, tự tiến hóa.

Nhờ có một phần cái biết để tự tổ chức, tự tiến hóa này mà vật chất vô sinh có thể đột biến thành hữu sinh và sinh vật có thể đột biến thành loài người. Nói theo vũ trụ quan Kinh Dịch, sự tiến hóa của vũ trụ là sự tương tranh tương hòa của Âm (vật chất) và Dương (tinh thần), và cả hai Âm Dương đều nằm trong Đạo.

Từ khi có con người, con người cũng biết tự tổ chức, tự tiến hóa, tự chịu trách nhiệm về hiện hữu của mình trong những quy luật vật lý và tâm lý của vũ trụ. Tự trong sâu thẳm, con người bình đẳng với tất cả và với Đạo. Đây là sự bình đẳng mà một mô hình vũ trụ do một Thượng Đế nhân hình tạo ra không thể có.

Chỉ vì thực tại tối hậu là không nhân hình, không nhân cách, vô ngã (mà Phật giáo Đại Thừa gọi là Vô tướng, Vô niệm và Vô trụ) nên triết học Đông phương không nhấn mạnh vào một ‘cái tôi’ cá thể biệt lập, bởi vì trong vũ trụ chẳng  có cái gì (kể cả Thượng Đế) có thể hiện hữu biệt lập cả.

Hơn nữa, để đạt đến thực tại tối hậu, con người phải thoát khỏi ám ảnh về một cái tôi tự cho là biệt lập và phân cách. Một cái tôi (mà nói theo Đại thừa chỉ là một “chân lý tương đối và quy ước” so với thực tại tối hậu là “chân lý tuyệt đối và tối hậu”) bớt quy mọi thứ về mình, một cái tôi tự biết mình chỉ là một sự thật quy ước và do đó vô ngã, là điều kiện tất yếu để đạt đến, để kinh nghiệm được thực tại tối hậu vô ngã, hoặc ít nhất, để đời sống không phân cách mà hài hòa với thế giới và con người.

Vũ trụ quan Đông phương là một sự hài hòa, con người hài hòa (và hơn nữa, hợp nhất) với thực tại tối thượng là Đạo, với người khác và với thiên nhiên (Thiên Địa Nhân nhất thể). Nhìn vào lịch sử, bởi vì Đông phương nhìn thực tại tối hậu không nhân hình, không nhân cách, vô ngã cho nên Phật giáo Ấn Độ đã thâm nhập và hài hòa dễ dàng với Khổng giáo và Lão giáo, đồng thời nâng cấp cho Khổng giáo và Lão giáo để thành Tam giáo đồng nguyên, đưa văn hóa Trung Hoa thành một trong ba nguồn mạch của văn hóa nhân loại côn sống động cho tới ngày nay.

Trong khi đó, văn hóa Hy Lạp, cội nguồn của văn hóa Tây phương, là một bình minh đã chìm khuất trong sương mù lịch sử.

Đông phương không thiết lập một cái cá nhân riêng biệt làm mục đích tối hậu, do đó tránh được những xung đột vô ích. Chẳng hạn xung đột với Tây phương, như Nietzsche, Sartre. Xung đột với người khác: Sartre,Camus. Xung đột đối với thiên nhiên: kỹ thuật được sử dụng cho lòng tham của con người đang làm thiên nhiên mất dần sự sống. Xung đột giữa cái bình phàm và cái thiêng liêng, giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa vật chất và tâm linh.

Với Đông phương vũ trụ vốn là hài hòa (điều này tương tự với Hy Lạp: chữ cosmos ‘vũ trụ’ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là hài hòa). Vũ trụ là hài hòa, hài hòa từ trước lúc sinh thành, đang lúc sinh thành và hài hòa cho đến lúc chấm dứt. Tất cả đều hài hòa từ vô thủy đến vô chung vì tất cả là một, vĩnh viễn là một. Hài hòa là một trong những ý nghĩa và giá trị quan trọng nhất của đời sống con người, đó cũng chính là hạnh phúc,an lạc.

Bằng những con đường tiếp cận có thể khác nhau, bằng những phương tiện có thể khác nhau, bằng những tính tình khuynh hướng khác nhau, và cả mức độ thực hiện có thể cao thấp khác nhau nhưng văn hóa và văn minh Đông phương đều nhằm đến một mục đích chung: sự hài hòa, hợp nhất với thiên nhiên, với người khác và với thực tại tối thượng ở trong chính mỗi người và trong tất cả.

Tóm lại, đó là sự hài hòa, hợp nhất với tất cả hiện hữu. “Một tức là tất cả, tất cả tức là một”, không chỉ là đời sống lý tưởng của Đông phương mà còn là lý tưởng của Hy Lạp Tây phương, như Héraclite nói trong câu đầu tiên của bản văn của ông: “Quả là minh triết, khi không phải nghe ta nói, mà là Lời ở nơi ta đang nói,  để thể nghiệm được tất cả là một”.

NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ HIỆU QUẢ

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét qua vài giá trị và hiệu quả của vũ trụ quan Đông phương. Kinh nghiệm, hiệu quả và giá trị là điều được chủ nghĩa thực dụng (pragmatisme) đề cao, như các triết gia khởi đầu cho triết học Mỹ Charles Peirce. William James và John Dewey đã làm từ thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX.

Đặt trọng tâm vào kinh nghiệm, hiệu quả và giá trị, chúng ta thấy những nhà đạo học, những nhà tôn giáo Đông phương là những nhà thực dụng theo nghĩa cao đẹp và chân chánh của nó. Chẳng hạn Trần Nhân Tông ở cuối thế kỉ XIII chẳng phải là một nhà thực dụng Phật giáo Việt Nam sao?

1.Đạo có trong vật (nói theo Đại thừa, Niết bàn có trong sinh tử, bản tính của sinh tử chính là Niết bàn). Chịu ảnh hưởng Phật giáo, các triết gia đời Tống (Trung Hoa) khi giải Kinh Dịch đã nói, “Các hữu Thái cực”, nghĩa là mỗi sự vật đều có Thái cực, đều có Đạo. Khác với tâm thức Tây phương, cái thiêng liêng cao cả là cái siêu việt, nằm ngoài vũ trụ, thì Đông phương thể nghiệm cái thiêng liêng cao cả nằm trong từng sự vật.

Chính vì sự khác biệt này mà Tây phương, nhất là thần học Tây phương,  cho Đông phương là phiếm thần (panthéisme). Dĩ nhiên với quan niệm một  Thượng Đế ở ngoài, cách biệt hẳn với vũ trụ thì những quan điểm nào nói đến cái thiêng liêng cao cả có trong vũ trụ phải chịu sự kết án là phiếm thần.

Do vũ trụ chỉ là một khối vật chất không có cái thiêng liêng, không có tinh thần như một bộ máy mà con người có thể tự do tháo mở ra để khám phá, Tây phương đi mạnh về khoa học và kỹ thuật. Và cũng chính quan niệm trên dẫn đến một cực đoan: thế giới bị khai thác, bị sử dụng quá mức, kết quả là môi trường trái đất bị hủy hoại do nhân loại chạy theo một nền văn minh tiêu thụ. Trái đất này chỉ là một chỗ tạm, dùng xong thì bỏ, một khách sạn đến ở rồi đi, ý nghĩa cuộc đời là ở bên kia, nơi vương quốc Thiên đường với sự sống đời đời.

Ngược lại,  Đông phương cũng dễ dẫn tới một cực đoan khác. Nếu Đông phương sống cái nội tại một cách thiên lệch, chỉ chú trọng cái nội tại bên trong tâm thức mình thì nội tại sẽ trở thành tĩnh tại, không “cách vật trí tri”, do đó yếu kém về sự hiểu biết thế giới, mà kém hiểu biết thế giới cũng tức là kém hiểu biết chính mình, vì mỗi người là một thế giới. Đó là điều xảy ra từ ba thế kỉ nay đối với Đông phương: yếu kém về thế giới hiện tượng, về tất cả mọi khoa học liên hệ đến thế giới.

Đông phương đã đánh mất cái đạo “nội thánh ngoại vương”, trong là thánh ngoài là vua: trong thì có văn hóa cao, đạt đến chiều kích tâm linh, ngoài thì có đủ phương tiện thiện xảo (mà ngày nay chúng ta gọi là kỹ năng, kỹ thuật) để sống ở đời.

Vì yếu kém về ngoại vương (do đó về nội thánh cũng yếu kém theo, cả hai là hai mặt của một chỉnh thể con người), toàn bộ Đông phương đã bị Tây phuong đô hộ. Và rồi khi dành lại được độc lập, vì mặc cảm tự ti, người Đông phương chúng ta hoàn toàn chạy theo ngoại vương, bỏ quên, thậm chí cả chê bai nội thánh.

Những nước đang phát triển dễ dàng mắc phải sai lầm này: kinh tế phát triển nhưng không bền vững, văn hóa, xã hội, đạo đức xuống cấp. Sự hài hòa giữa ngoại và nội, bên ngoài và bên trong, ở bất cứ thời nào và hoàn cảnh nào đều là một tỉ lệ vàng cho con người của Đông phương và cả Tây phương, như Platon đã có cùng ý kiến “một nhà vua đồng thời là hiền triết”.

Với Đông phương, cái thiêng liêng, cái siêu việt luôn luôn ngầm ẩn trong thế giới hiện tượng. Thiên đường là ở đây, sự hài hòa là ở đây, và vĩnh cửu, sự sống đời đời là ở trong lúc bây giờ, trong khoảnh khắc này. Vì thế mọi sinh hoạt vànghề nghiệp đối với Đông phương đều là Đạo: đạo võ, đạo trà, đạo dưỡng sinh, đạo cắm hoa, đạo hội họa… cho đến đạo vợ chồng, đạo cha con, đạo thầy trò, đạo chính trị (như bây giờ Tây phương hay nói ‘chính trị phải có đạo lý’), đạo kinh tế, đạo làm người, đạo sống và đạo chết. Đạo biểu lộ trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn với đạo Phật: Tỳ Ni nhật dụng, kinh Nhật tụng…

Vì tính nội tại trong triết học Đông phương, người Đông phương không thấy trái đất này là chỗ tạm bợ, thậm chí là chốn lưu đày, còn nơi về sau khi chết mới là chỗ vĩnh cửu, mới là quê nhà (Lưu đày và quê nhà, một tác phẩm của A.Camus). Người Đông phương thấy nơi đây chính là quê nhà , còn lưu đày chỉ là sự lưu đày của một tâm thức thấy không đúng do đó sống sai lầm.

Thiền sư Thường Chiếu (?-1203) nói:
Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày mỗi mới khoe
Khắp đại thiên sa giới
Nơi đâu chẳng phải nhà?

2-Cái gi ngăn cản chúng ta sống một đời sống rộng mở tỏa khắp và hạnh phúc? Chướng ngại là ‘cái tôi’. Tự thấy mình có một cái tôi biệt lập rồi củng cố cho cái tôi tương đối và quy ước ấy, Ấn giáo và Phật giáo dùng chữ vô minh, Khổng giáo và Lão giáo gọi là ngu (so với trí).

Quả thật, những nguyên tử có trong thân thể chúng ta đều là những nguyên tử có từ ngày đầu vũ trụ, nghĩa là của chung. So với thực vật và sinh vật, số gen của chúng ta không nhiều hơn bao nhiêu, chỉ vài phần trăm. Chỉ có điều khác biệt duy nhất là các loài cao hơn thì sự tổ chức của hệ thống phức tạp hơn mà thôi.

Chính ý thức làm cho con người vượt hơn các loài khác để làm anh cả của muôn vật, dìu dắt muôn vật, nuôi dưỡng muôn vật và thay mặt cho vũ trụ để tìm thấy nguồn gốc và cứu cánh của muôn loài, tìm thấy cái Nhất thể của vũ trụ. Sứ mạng ấy chỉ có con người có khả năng đảm trách và cả vũ trụ nương dựa vào con người. Nhưng cũng chính ý thức ấy vì vô minh cũng dễ dàng cuộn lại trên chính nó, ru ngủ chính nó để tạo thành một cái ta biệt lập giả tạo.

Thay vì thực hiện được sứ mạng mà vũ trụ trông chờ để tìm lại nguồn gốc và cứu cánh Nhất thể của vũ trụ, con người đã chỉ lo cho một cái tôi giả tạo, và cũng từ đó mọi khốn khổ và tai họa sinh ra: chiến tranh, môi trường hủy diệt, thiên tai, giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói láo, say sưa…Tất cả mọi tai họa, mọi cái xấu trên đời này đều do vô minh chấp lấy “cái tôi và cái của tôi”.

Ngược lại với vô minh là giác ngộ, là thực hiện được sứ mạng cao cả nhất trong toàn bộ vũ trụ.

3-Ý nghĩa của đời sống

Ở đời ai trong chúng ta cũng đi tìm hạnh phúc. Nhưng thường thì chúng ta chỉ sờ mó, trải nghiệm đời sống ở mặt ngoài của nó, bằng những giác quan và tâm thức cạn cợt của chúng ta. Chúng ta không thể đi sâu thêm, rộng thêm, cao thêm, xa thêm, nên cuộc đời chúng ta thường không mãn nguyện. Chúng ta chỉ thể nghiệm một số hiện tượng, nhưng chúng ta không thể nghiệm được thể tánh của tất cả các hiện tượng, mà chữ dùng của Phật giáo là “thật tướng của tất cả các pháp”.

Không mãn nguyện nên cảm giác đòi thêm cảm giác, kích thích càng đòi thêm cường độ nhưng vẫn không bao giờ mãn nguyện, không thể nào đủ để dừng lại. Đó là hiện trạng của nền văn minh hiện thời của chúng ta. Với đời sống chúng ta chỉ thể nghiệm những cái gì ở bề ngoài, manh mún và cạn cợt. Chúng là những cảm giác và ý tưởng mau qua, chóng tàn, để lại một dư vị trống rỗng. Đó là căn bệnh của thời đại chúng ta, căn bệnh hư vô chủ nghĩa. Tất cả nguyên nhân là do chúng ta không thể trải nghiệm đời sống ở bề sâu xa của nó, hay nói theo vật lý lượng tử, cái đời sống “toàn thể”, cái “trật tự ngầm ẩn” của nó, cái “toàn hình” của nó.

Thế là chúng ta sống một đời sống cạn cợt, nghèo nàn, những vụ mùa trống rỗng, để rồi ‘”cát bụi lại trở về lại cát bụi” (Sáng thế ký 3:19). Nếu chúng ta biết sống như văn hóa Đông phương đề nghị, nửa trong nửa ngoài (nội thánh ngoại vương), thì chúng ta sẽ khám phá ra một đời sống tâm linh phong phú, chúng ta sẽ xuyên qua những hiện tượng, những cảm giác, những ý tưởng để tìm thấy cái đời sống vĩnh cửu, an vui, hạnh phúc mà tất cả tôn giáo Đông phương hướng đến.

Chúng ta sẽ tìm thấy cái vĩnh cửu, cái siêu việt, cái nội tại muôn đời ở ngay nơi cuộc sống phù du, giả tạm này. Và có lẽ cuộc sống trần thế này đã được trao cho chúng ta để cho chúng ta thấy ra cái đó. Cát bụi không chỉ là cát bụi, và cát bụi không lại trở về với cát bụi một cách vô ích mà nơi cát bụi có ngầm ẩn cái siêu việt, cái giải thoát. Như Bát Nhã Tâm kinh nói, “Sắc tức thì không”, vật chất tức là thực tại giải thoát tối hậu.

Chính trong một nền văn minh tiêu thụ hiện nay, xài phí và thải rác như không hề biết có ngày mai, không cần biết đến hy vọng, đến độ trái đất phải kêu cứu, chính trong một thế giới đang khát khao, đang tìm kiếm mà không hề tìm ra sự mãn nguyện, chính trong cuộc sống giác quan càng nhiều bao nhiêu càng làm nổi hư vô trống rỗng lan rộng bấy nhiêu, chính lúc này lời kêu gọi của Đông phương càng thống thiết hơn bao giờ hết. Để chúng ta tìm thấy đời sống đích thật, hạnh phúc chân thật, mãn nguyện chân thật.

Lúc này không còn là Tây Phương hay Đông Phương, mà tất cả chúng ta cần phải nghe và tìm ra sự thật: “Nước Thiên Đàng ở trong chính các người” (Luca 17: 21)

Hơn 2.000 năm của văn hóa Đông phương và Tây phương, những ưu điểm và cả những khuyết điểm (mà có lẽ do sự hiểu lầm, cả vô tình lẩn cố ý, của những đời về sau càng làm cho thêm trầm trọng) thể hiện rõ ràng trên bình diện đời sống hằng ngày, phần đông chúng ta đều thấy có lẽ chân lý muôn đời vẫn là Trung đạo như đức Phật đã nêu ra.

Một con đường Trung đạo thu góp những tinh hoa của hai bên và bỏ bớt những gì cực đoan đã gây ra và sẽ còn gây ra những rắc rối đau khổ chắc hẳn là con đường tối ưu cho nhân loại ngày nay.

Chúng ta đang chứng kiến sự hài hòa những giá trị của Tây phương và Đông phương. Và chắc chắn nước ta là một môi trường tốt cho sự hài hòa đó, vì với bản sắc Đông phương, trong 3 thế kỷ qua, chúng ta đã trải qua đủ mọi loại gặp gỡ với Tây phương, từ bị đô hộ, chiến tranh, tiếp nhận bất đắc dĩ hay tự chủ chọn lựa tất cả mọi học thuyết chủ nghĩa của Tây phương cho đến sự hội nhập toàn cầu hóa ngày nay.