Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Xuân chín trên cội bồ đề

Xuân chín trên cội bồ đề

96

Vào lứa tuổi lục tuần, tôi thuộc về thế hệ “chiến tranh Việt Nam”, một thế hệ mà các bạn cùng lớp, cùng lứa với tôi ở trường Hàm Nghi và Quốc Học Huế có đến hai phần ba đã ra đi… về đất!  Những người còn lại ở bên nầy đại dương hay bên kia đất nước thường hỏi thăm nhau với nỗi ám ánh về sự xế bóng giữa vô thường:  Bên bờ sinh tử vẫn còn có nhau.

Ba mươi năm nhìn lại. Mùa Xuân rất xanh ngày nào bây giờ đã… chín.

Mùa Xuân chín tới trên quê hương vì bao nỗi lo lắng tận tình vào thời điểm cuối năm để nghênh đón mùa Xuân.  Nhưng mùa Xuân cũng “chín tới” ở quê người vì sự vô tình và lặng lẽ quên mất mùa Xuân.  Hai đầu múi — thái quá hay bất cập — đều làm cho mùa Xuân mau già mà đời thường cho là "Xuân chín tới"; nghĩa là đã hết một thời Xuân xanh hoa mộng, hồn nhiên!

Một mùa Xuân hai mươi lăm năm trước, tôi đang ở trên một quê hương mà ngày đầu năm, mùa Tết mang một ý nghĩa trọng đại trong cả lòng người và vạn vật.  Rồi tôi bỗng hụt hẫng khi đi qua một vùng đất lạ mà những ngày như thế chẳng mang một ý nghĩa gì cả.  Mồng Một Tết — cũng chỉ là một ngày bình thường — như mọi ngày theo kim đồng hồ lững thững trôi qua.

Bé Quan Thư ngày đó hỏi một câu thật bất ngờ:

– Ba ơi! Mỹ có trồng Tết được không ba?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Trồng Tết? Tết là… là… làm sao trồng được hở con?

Tôi không biết phải gọi tên, định nghĩa Tết là gì cho hợp người, hợp cảnh, hợp với sự nhận biết của một người chưa từng có kinh nghiệm "ăn Tết" trên quê hương Việt Nam.  Ngay cả những nhà ngôn ngữ học tài danh xứ Anh, xứ Mỹ cũng chỉ có thể gọi cái Tết Việt Nam bằng cái tên cúng cơm nguyên thủy là "the Tet of Vietnam" mới lột tả được khái niệm tròn đầy của nó.  Bé Thư nhìn Tết với đôi mắt trẻ thơ. Vì trẻ thơ nên hồn nhiên và không dính mắc, mới đủ tươi mát để cảm nhận xuyên suốt cả mùa Xuân:

– Trồng Tết là trồng cây Mai cho có bông, trồng cây chuối cho có lá mà gói bánh như mệ nội, o Thuyền dưới làng đó Ba tề.

Ý nghĩ của tuổi măng non thật ngộ nghĩnh.  Ngày đó, tôi đã đóng khung lòng mình bằng hoài niệm.  Tôi mang nỗi nhớ không nguôi nhốt trong chiếc lồng định kiến để tự cho rằng, "làm gì có Tết trong lòng người đi!"  Có chăng một hình ảnh Tết mang theo là nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi xót xa của sự mất mát lạc loài sạch nhẵn.  Hình ảnh lễ hội tưng bừng của ngày Tết chỉ còn là dư vang quá khứ mà thôi.

Cuộc sống đời thường thì đang thay đổi như chong chóng trong vòng "không-có, có-không" qua từng chớp mắt mà định kiến của con người thì lại đóng khung trong cách kiểu tượng đài ngỡ như thường hằng bất biến.  Niềm vui tươi mới cùa con người mang nhiều định kiến thường bị đóng băng trong lúc những mùa Xuân tươi mầm, xanh lá vẫn xôn xao đi về không ngớt.  Làm người xa xứ trong mùa Tết, tôi cứ sống hoài trong quá khứ.  Ý nghĩ "đất lề quê thói" già khằn và mỗi ngày một khô quắt trong tôi.  Ý nghĩ về làng xóm, phố phường xinh đẹp nhất; con vịt con gà thơm ngon nhất; nãi chuối buồng cau tươi ngọt nhất chỉ có trên quê hương mình… bao năm làm tôi không "lớn" nổi để thật sự làm khách ly hương trọn vẹn ở xứ người.

Tết đã mất trong lòng người đi chăng?  Khi tự hỏi "mất chưa" là đã tự đã lời trong nỗi bâng khuâng nhận ra rằng… đã mất!  Nỗi thương nhớ sụt sùi xa xứ rất "mít ướt" đó chỉ còn là nỗi nhớ — một nỗi nhớ liên tưởng thuần cảm tính — rằng:  Nhớ Tết là nhớ quê hương; nhớ quê hương là nhớ Mẹ; và… nhớ làm thơ (rất chi là Nguyễn Bính) để khỏi làm thinh:

Bóng Mẹ khuất rồi Xuân vẫn đến

Mưa trời đang rũ bụi bên sông

Mẹ ơi trong bóng Giao Thừa cũ

Con nhớ ngàn xưa dáng Mẹ trông…

Tôi yên chí như thế cho đến năm thứ 5 sống trên đất Mỹ.  Lần đầu tiên đi viếng phố Tàu (China Town) ở San Francisco trong chiều Ba Mươi và Mồng Một Tết.  Tiếng trống múa lân và pháo Tết nổ ran khắp các dãy phố từ nhà nầy sang nhà kia không ngớt.  Cảnh sát gốc da trắng và Á châu tuần tra quanh các khu phố cười toe với lời chúc xôi đậu điển hình cho Năm Mới: "Happy New Year — Cung Hỷ Pạt Chòi!" không ngớt trên môi.  Cả khu phố Tàu rộng lớn tràn ngập mầu sắc rực rỡ của đèn lồng, bánh mứt, cây trái, hoa kiểng… ngày Xuân.  Hình ảnh Chợ Tết và cảnh Ăn Tết của Thượng Hải, Bắc Kinh, Hồng Kông, Chợ Lớn… đang ngự trị nơi đây.  Tết Trung Hoa đã được gieo trồng và mọc lên trên đất Mỹ từ những năm 1850, khi từng đợt người Trung Hoa đặt chân lên châu Mỹ để làm thuê, làm mướn, tìm vàng hay lao động làm đường rầy xe lửa.  Hơn một trăm năm sau mới có bước chân người Việt Nam đặt lên xứ nầy.  Những hạt mầm Tết truyền thống Trung Hoa gieo xuống đất nầy hơn cả trăm năm trước bây giờ đã mọc lên thành cây đại thụ. Dường như khi những hạt mầm truyền thống còn tươi và khi chất phù sa của tấm lòng chưa cạn kiệt thì những chồi xanh văn hóa có thể nẩy mầm, đâm nhánh và mọc lên khỏe mạnh bất cứ nơi đâu.

Tôi thường đi chùa sáng Chủ Nhật hằng tuần như phần đông những người Việt khác ở Mỹ.  Nhưng tất cả lễ nghi và nếp sinh hoạt chùa chiền, tự viện vẫn là nếp cũ, không có gì khác hơn ở quê nhà.  Sự lập lại đó không “trồng” mà cũng chẳng “mọc” nên sức hút không mấy mạnh để mời gọi những tâm hồn tươi mới – trẻ trung và chưa quy y – vào cửa nhà chùa.

Có một đôi lần tôi không đến chùa vào ngày Chủ Nhật mà vào ngày thứ Bảy.  Gặp lúc các em trong Gia đình Phật tử đang sinh hoạt.  Lẫn trong tiếng Việt có tiếng Anh, có nụ cười vang hồn nhiên như nhạc… Rock, có những điệu bộ tự nhiên rất “Mỹ Việt đề huề.” Tôi tìm trong phong thái sinh hoạt và hành xử của các em một nét gì tươi mới như những chồi xanh Việt Nam không “đốn nguyên gốc” từ quê cũ mang theo mà mọc lên từ vùng đất nầy.  Tôi có cảm tưởng như đó là một sự “chuyển cành” tự nhiên và đầy ý thức.

Tôi học cách trồng Tết bằng phương pháp chuyển cành.  Nghĩa là cành mới, được chiết ra từ gốc cũ để ươm vào đất mới. Như khái niệm về Hoa Xuân chẳng hạn. Tại sao phải dính chặt vào Hoàng Mai một khi những rừng mai dại và những vườn mai khôn không thể mọc được ở bờ đất bên nầy. Sao lại không thể thay bằng anh đào, hoa đào, thủy tiên, quince, tulip, huệ, hồng đại đóa… Tuy những loài hoa Xuân mới ấy không e ấp như Mai Vàng "xóm cũ" nhưng vẫn vươn mình nở nang và đầy tròn mời đón mùa Xuân nơi đây.

Trà, mứt, bánh, trái, thịt mỡ, dưa hành… câu đối đỏ tìm đâu cũng có trong các chợ Tàu và phố Tàu bày bán la liệt.  Tại sao phải chăm bẳm trụ vào "vườn rau trước ngõ, bụi chuối sau hè" không hề có ở nơi nầy.

 Ngày ấy trên quê hương, khi nói về Tết, Năm Mới chẳng hạn, tôi thường chỉ đơn giản nghĩ đến Tết Ta theo âm lịch và Tết Tây theo dương lịch cũng gọi là đủ.  Mãi cho đến khi sống chung với các dân tộc khác giữa cộng đồng thế giới, chúng ta mới thấy là "hàng xóm láng giềng không giống như ta."  Người láng giềng Nhật bỏ "tết Ta" theo "tết Tây" từ năm 1873.  Anh hàng xóm Lào, Miên theo lịch Gregorian để mừng năm mới vào giữa tháng 4.  Chú bạn Hờ-Mông mừng Tân Niên sau mùa gặt cuối Xuân; qua Mỹ hết gặt hái thì chọn ngày "đầu năm" lửng lơ, du mục không nhất định.

Sự dính mắc là một hệ lụy nhân sinh.  Khi suy nghĩ về mùa Xuân, về Tết, về quê hương bên kia và bên nầy tôi liên tưởng đến đạo Phật, đến đóa sen vật lý mọc lên từ bùn; đóa sen tâm lý mọc ra từ lửa; và đóa sen triết lý mọc từ nụ cười Ca Diếp.  Hoa Phật, cành Phật, mầm Phật trồng đâu cũng nẩy mầm xanh lá, nhưng chẳng bị dính mắc từ chốn sinh thành.  Sao con người phải bị dính mắc, phải cột chặt cái tâm vào thế giới hình tướng thoắt đến, thoắt đi như Xuân, như Tết. 

Phật giáo Việt Nam đến Mỹ cùng thời với Tết và đang đứng trước một sự thử thách chưa từng có trong môi trường xã hội Âu Mỹ. Văn hóa và nếp nghĩ kinh tế thị trường đang ngự trị xã hội Âu Mỹ.  Phật giáo Đài Loan, Nhật bản, Tây Tạng, Đại Hàn đã và đang thâm nhập vào xã hội phương Tây bằng hai hình thức:  Chùa chiền, tự viện nguy nga, đồ sộ, có tầm cỡ thu hút được sự quan tâm của người bản xứ.  Bên cạnh đó, hình thái tu học tăng đoàn, đa số tu sĩ trẻ được đào tạo từ các trường đại học và thông thạo ngoại ngữ.  Trong lúc đó đạo Phật Việt Nam tại hải ngoại thì có vẻ như đang phát triển theo chiều ngược lại.  Chùa chiền Việt Nam phát triển rất nhiều nhưng phần lớn chưa thoát khỏi hình thức “thảo am” đơn sơ và đạm bạc so với các nước châu Á trong vùng.  Rất có thể đây là hậu quả trực tiếp của hình thái sinh hoạt tăng đoàn ngày một mỏng, phân hóa và phần đông các tu sĩ trẻ tuổi có khuynh hướng “thầy cúng” phổ biến hơn là khuynh hướng thiền sư.

Đất Âu Mỹ không có nguồn mạch của Hồng Hà, Cửu Long nhưng mầm văn hóa và văn hiến Việt Nam vẫn có thể gieo trồng và mọc lên tươi tốt.  Thế hệ đàn anh đã ươm mầm một bản sắc Việt Nam.  Tất nhiên trong đó có cả mầm Tết, mầm đạo Phật Việt Nam nơi đây.  Nhưng cội bồ đề Việt Nam mai kia có phát triển sum sê đủ cho thế hệ đàn em Việt Nam núp bóng mát khi mùa Xuân chín tới — tất sẽ chuyển sang mùa Hè nóng bức —  hay không thì vẫn còn là một câu hỏi.