Trang chủ Tết Việt Phong tục Xuân đến chúc nhau phát tài

Xuân đến chúc nhau phát tài

78

Ðạo Phật ra đời nhằm xây dựng một đời sống hạnh phúc, an lạc cho mọi người. Cho nên khát vọng trở nên người giàu có nhằm vơi đi khổ đau do đời sống vật chất đem lại, tiến tới thiết lập một đời sống an bình nội tại, là một tâm lý thường tình. Vấn đề đặt ra là cần thực thi phương thức làm giàu như thế nào và sử dụng tài sản do giàu có đem lại ra sau để đúng với chánh pháp.


Câu chuyện Thế Tôn dạy cho gia chủ Anathapindika ở xứ Savathi, tại Jetavana, chúng ta thấy Ðức Phật đã trình bày diễn giải cho gia chủ này về năm lý do để gây dựng tài sản, thực thi đời sống an lạc và hạnh phúc (1).


1 . Lý do làm giàu thứ nhất


“Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra thâu được một cách hợp pháp – tự làm mình an lạc, hoan hỷ chơn chánh duy trì sự an lạc. Làm cho cha mẹ an lạc, hoan hỷ chơn chánh duy trì sự an lạc, làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm cũng được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Ðây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản”.


Rõ ràng, Ðức Phật khuyến cáo hàng đệ tử tại gia muốn trở thành người giàu có, điều kiện đầu tiên và thiết yếu là phải nỗ lực tự thân bằng ý chí và hành động cụ thể. Hay nói một cách khác đi, tài sản bạn có được là phải do công ăn việc làm ổn định của chính mình đem lại bằng một nghề nghiệp chơn chánh (chánh nghiệp) để nuôi dưỡng thân mạng hợp pháp (chánh mạng). Chính những giá trị này sẽ làm cho đời sống vật chất của bạn trở nên đầy đủ, hoặc sung túc. Vấn đề đáng nói là phải sử dụng tiền bạc tài sản có được trong sự chi tiêu hàng ngày hợp lý để tự thân an lạc, hoan hỷ và người khác cũng hoan hỷ, an lạc. Tại đây, “người khác” mà bạn cần nghĩ đến đầu tiên là những người thân trong gia đình như cha mẹ, anh em, vợ con, người phục vụ, làm công để hỗ trợ, chia sẻ niềm vui do mình đem lại. Ðây là thái độ sống mang tinh thần hòa hợp, trách nhiệm giáo dục tự thân đối với gia đình, cha mẹ, anh em bà con quyến thuộc, người  cộng sự lẫn người giúp việc.


2. Lý do làm giàu thứ hai


Phật dạy “Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Nó làm cho thân hữu bạn bè an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Ðây là lý do thư  hai để gầy dựng tài sản”.


Tiêu chí này được Ðức Phật đề cập cho hàng đệ tử tại gia là hướng đến bạn bè thân hữu. Sau khi thể hiện tấm lòng của mình đối với người thân, bạn cần thực tập đời sống hướng  thiện là quan tâm đến người khác. Bằng hữu là đối tượng gần gũi thứ hai sau những người thân trong gia đình. Thực tế không ai lớn lên, trưởng thành, mà không có đôi lần nhờ vả bạn bè. Thực tế ở đời người ta nói: “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”, cho nên khi trở thành người thành đạt trong xã hội, bạn phải biết chia sẻ niềm vui của mình đối với những bạn bè thân hữu đã từng hết lòng hết dạ giúp đỡ chúng ta.


3. Lý do làm giàu thứ ba


Phật dạy “Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Các tai họa từ hỏa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự  được chặn đứng và nó giữ tài sản được an toàn cho nó. Ðây là lý do thứ ba để gây dựng tài sản”.


Với toàn bộ tài sản do tự mình làm ra, được tích lũy giàu có do công sức đem lại, hẳn nhiên bạn sẽ được an nhiên hưởng thọ, không có thái độ sợ hãi, lo âu. Các tai họa bên ngoài như lửa, nước, hoặc người khác không thể vô cớ phá hủy hay chiếm hữu tài sản của bạn. Tự mình làm ra của cải tài sản, thì tự mình sẽ biết gìn giữ tài sản, duy trì tài sản đúng với chánh pháp.


4. Lý do làm giàu thứ tư


Phật dạy “Lại nữa, này gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đỗ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp có thể làm năm hiến cúng – Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho hương linh đã chết, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư thiên. Ðây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản”.


Ðiểm đáng chú ý ở lý do làm giàu này là Ðức Phật chỉ dạy cho hàng đệ tử tại gia thực tập đời sống hướng thượng. Sinh ra ở đời, mỗi người đều có vô số mối quan hệ, con người không thể sống một mình, mà phải sống với mọi người. Việc thực thi năm sự hiến cúng là thực thi nếp sống báo đáp tứ ân, hay nói một cách sâu xa là thực tập đời sống biết nghĩ đến “ân tình nghĩa cảm” giữa người còn kẻ mất trong cuộc sống vô thường luôn biến đổi.Trên hết, bạn là người thực tập hạnh xả ly, gieo phước lành cho chính mình và cho người khác.


5. Lý do làm giàu thứ năm


Phật dạy “Này gia chủ, đối với vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, đối với các Sa môn Bà la môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú, nhẫn nhục nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa môn, Bà la môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục đưa đến cõi Trời. Ðây là lý do thứ năm gầy  dựng tài sản”.


Xem ra, đây là một những lý do cao đẹp để bạn có cơ hội thân cận gần gũi các vị thầy khả kính nhằm nghe pháp học pháp hành pháp. Từ đó, tự thân được an lạc ngay trong hiện tại, khi chết đi do công đức gieo phước lành mà được sanh vào thiện thú.


Cuối cùng, điều đáng nói ở đây là Phật dạy: khi đã trở thành người giàu có, người thành đạt thì cần thực thi, cần thể hiện sự giàu có đó đúng như tâm nguyện, sở nguyện của mình đối với chánh pháp Như Lai từng tuyên thuyết. Có như vậy, khi tài sản bị hủy diệt, hoặc tăng trưởng thì cả hai phương diện này đều không bị dao động tâm, hay hối hận phiền não.


“Này gia chủ, đối với Thánh đệ tử gầy dựng tài sản với năm lý do này, khi tài sản có được với năm lý do này nếu khi tài sản bị hoại diệt, nó suy nghĩ như sau: “các tài sản do những lý do để gầy dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến hoại diệt, nó không hối hận”. Này gia chủ, đối với vị Thánh đệ tử gầy dựng với năm lý do này, nếu tài sản ấy đi đến tăng trưởng nó suy nghĩ như sau: “Các tài sản ấy của ta đi đến tăng trưởng”. Như vậy cả hai phương diện, nó không có hối hận”.


Ðến đây mong rằng khát vọng làm giàu của bạn từng ấp ủ được hóa hiện giữa đời thường. Nhất là trong đời sống kinh tế thị trường này, mọi giá trị hầu như được quy chiếu vào giá trị vật chất. Vấn đề đặt ra là bạn phải biết chuyển hóa tâm thức sử dụng tài sản cũng như của cải vật chất phải đúng giáo pháp mới thiết lập trật tự ổn định đời sống hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Xem ra, đầu xuân “chúc nhau phát tài” là chúc nhau thành đạt trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực mà con người hằng mong muốn. Thực thi lời cầu chúc này là thực thi đời sống an lành hạnh phúc đúng như lời Phật dạy.


“Tài sản được thọ hưởng
Gia nhân được nuôi dưỡng
Chính nhờ có tài sản
Do ta tránh tai họa
Là cúng dường tối thượng
Làm năm loại hiến vật
Dành cho bậc trì giới
Bậc tự điều phạm hạnh
Mục đích gì bậc trí
Trú nha, cầu tài sản
Mục đích ấy ta đạt
Ðược làm không hối hận
Người nào nhớ nghĩ vậy
An trú trên thánh pháp
Ðời này được tán thán
Ðời sau được hoan hỉ
Trên cảnh giới chư Thiên”.


(1) Tham khảo kinh Tăng Chi, tập II, trang 50-51-52, Trường Cao cấp Phật học VN ấn hành.