Trang chủ Tết Việt Du xuân Yên Tử chưa khai hội đã đông

Yên Tử chưa khai hội đã đông

59

Yên Tử là một thắng cảnh thiên nhiên, thắng tích Phật giáo và được mệnh danh là “đất tổ Phật giáo Việt Nam”. Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Lễ hội xuân Yên Tử hàng năm thu hút đông đảo khách thập phương. Năm 2010, lễ hội đã thu hút khoảng hơn 2 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Năm nay, do thời tiết đầu xuân ấm áp, du khách nhiều nơi đã hành hương về đất Phật cầu mong quốc thái dân an và những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Hội xuân Yên Tử năm nào cũng thu hút đông đảo du khách thập phương xa gần.
Hội xuân Yên Tử năm nào cũng thu hút đông đảo du khách thập phương xa gần.

Được biết, lễ hội Yên Tử 2011 ngoài những nghi lễ truyền thống (như: lễ dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử) còn có sự tham gia của đồng bào các dân tộc thiểu số quanh vùng núi Yên Tử và các vùng lân cận. Hệ thống cáp treo đã được nâng cấp và đưa vào sử dụng thêm tuyến cáp treo từ bến Giải Oan – chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên – khu vực tượng An Kỳ Sinh nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc và quá tải cáp treo.

Đoạn đường lên đến đỉnh Yên Tử, nơi có ngôi chùa Đồng dài khoảng 6.000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi… Nhiều cụ tuổi đã cao nhưng sức khỏe dẻo dai vẫn chống gậy leo từng bậc đá. Cụ Miên (đoàn Hải Dương) hành hương về đất thiêng Yên Tử cùng con cháu năm nay đã là năm thứ 3 liên tiếp ngâm nga câu thơ: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”.

Du khách hành hương về Yên Tử có thể lên núi bằng đường cáp treo, ngắm nhìn toàn bộ cảnh núi rừng Yên Tử hoặc đi theo đường bộ dài khoảng 6km đã được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá xếp, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông.

Do hội kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch nên dòng người tấp nập trẩy hội không ngớt.
Do hội kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch nên dòng người tấp nập trẩy hội không ngớt.

Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Cầu dài 10m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi. Tục truyền, xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Cung tần và mỹ nữ khuyên ông trở về cung gấm nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho họ, cho lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan. Từ đó, con suối mang tên Giải Oan.

Chùa Hoa Yên (hay chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên) nằm ở độ cao 543m với hàng cây tùng cổ, tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử.

Phía trên độ cao 700m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Sau điểm này là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068m. Chùa được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Đầu năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất (cao 3m, rộng 12m², nặng 60 tấn) và được đưa lên đỉnh Yên Tử.

Đứng ở độ cao 1.068m trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng.

Dọc đường đi, du khách có thể dừng chân tham quan Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá An Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc. Đặc biệt, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam.