Trang chủ PGVN Cửa thiền Chuyện không dễ kể ở chùa Đông Am

Chuyện không dễ kể ở chùa Đông Am

117

Ngôi chùa nép mình bên cạnh ngôi trường làng ở xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Men theo con đường nhỏ, chúng tôi đến với chùa vào đúng ngày rằm nên nườm nượp người đi lễ Phật.

Nữ sư trụ trì Thích Đàm Thân đang ngồi tiếp chuyện khách vãn cảnh chùa ở giữa điện thờ. Khuôn mặt hình chữ điền, đôi mắt trầm buồn là những điểm chú ý chúng tôi nhất về con người này.

Khép quá khứ, ẩn mình vào cõi Phật

Vừa nói chuyện với khách vừa tiếp chúng tôi như những phật tử tứ phương khác, sư Đàm Thân chỉ nói đến chuyện phật pháp kinh kệ chứ không kể gì về cuộc đời của bản thân mình. Những tiếng mõ tiếng kinh lại vang lên như át đi những lời tâm sự từ đáy lòng của người xuất gia đã cắt đứt duyên đời và nợ trần tục.

Sư thầy Thích Đàm Thân
Câu chuyện tưởng chừng như sẽ đứt quãng và không được tiếp nối. Nhưng một người già trong số khách vãn cảnh bắt đầu kể. Cụ bỏm bẻm nhai trầu rồi đi vào câu chuyện: “Ngày xưa, chùa này rách nát lắm vì dân lúc đó nghèo, lại không có chính sách tôn tạo gì nên chùa càng tiêu điều thêm. Sư thầy về thì khác hẳn. Tự tay người làm đấy, tự tay người dọn dẹp quét tước, rồi chặt cây dại mọc um tùm. Mà tôi cho cô biết, sư thầy không phải ở mạn Kiến Xương này đâu mà sư mãi bên Nam Cường (huyện Tiền Hải) cơ đấy”.

Lúc ấy, sư Đàm Thân mới xong bài kinh kệ và tiếp chuyện: “Tôi tên thật là Lương Thị Thân, Thích Đàm Thân chỉ là pháp danh mà Phật ban cho tôi thôi. Tôi sinh năm con khỉ nên cha mẹ đặt tên Thân”. Trong thời quá vãng, hình ảnh của vị trụ trì này cũng giống như bao cô gái vùng quê lúa đôn hậu đảm đang và yêu đời. Chị sinh năm 1956, khi ấy đất nước vẫn còn lầm than trong bão lửa.

Rồi đến lúc 17, 18 tuổi tuổi, thanh niên hừng hực khí thế ra tiền tuyến hi sinh thân mình để làm việc đại nghĩa cho quê hương. Từ giã cha mẹ già, chị Thân ra chiến trường tiếp sức cho tuyến lửa. Học đến lớp 7, lại học giỏi nên đơn vị cử chị ngược ra Hà Nội học y tá. Hơn hai năm sau, chị quay lại chiến trường và sống trong tình yêu thương của đồng đội. Nhìn những cái chết trên tay mình, đã biết bao lần chị khóc như chết đi, như đứt từng khúc ruột.

Khi nói về đồng đội mình, người lính đã xuất gia nức nở: “Đã biết bao người như tôi, các bạn tôi trẻ lắm đẹp lắm. Vậy mà chỉ một loạt bom rơi là các bạn tôi đi hết. Nhiều bạn lúc ra đi còn chưa kịp cười hết nụ cười, chưa kịp gửi bức thư về cho mẹ già…”.

Tiếng khóc nức lên làm bầu không khí càng thêm chùng xuống. Mấy người già ngồi cạnh đấy cũng rưng rức khóc theo. Kẽ mắt đã nhăn nheo của những người già nhỏ ra những giọt lệ thương xót.

Sư Đàm Thân lặng đi, nhắm nghiền mắt để cho hai hàng lệ sẽ sàng tuôn chảy. Dừng lại trong giây lát, nhà sư mới nghẹn ngào nói tiếp: “Tôi xuất gia để cầu siêu cho những linh hồn của bạn tôi. Những cái chết không toàn vẹn mà chỉ có những người sống với nó và tận mắt chứng kiến nó mới hiểu. Cái chết ấy đánh đổi cho sự an lành của quê hương đất nước”. 

Giọng nói lúc trầm lúc lại bổng vang vang trong điện thờ càng làm cho không gian thêm trầm tịch. Đâu đó, tiếng chuông chùa vang vọng u nghiêm như hòa vào những câu chuyện trong quá khứ. Và những câu chuyện ấy như hiện về, hòa vào mùi nhang khói đang nghi ngút trong điện lẫn trong tiếng khóc của những người quanh đấy.

 

 

…Rồi tai họa cũng giáng xuống người y tá này, khi một lần chị theo cả đoàn vào sâu trong vùng chiến tuyến. Nhiệm vụ của chị là phải đi băng bó cứu thương cho thương binh, nhưng không may quả bom rơi trúng chiếc xe mà chị đang đi. Mấy ngày sau khi tỉnh lại, chị đang nằm trong nhà một người dân vùng Lao Bảo (Quảng Trị). Theo người dân nói, thì cả xe của chị đã hi sinh hết, may mắn còn một mình chị mà thôi. 

Hơn 9 năm gắn bó với đồng đội, với con đường mòn chạy theo dọc dãy Trường Sơn hiểm trở, vì vết thương quá nặng chị Thân được đưa điều trị tuyến ngoại. Trên người băng bó chằng chịt và vết thương vẫn rỉ máu nhưng trái tim người con gái vẫn còn nặng lòng với những đồng đội của mình nơi mũi tên hòn đạn.

Trở lại thực tại, nhà sư nghẹn ngào: “Biết bao giờ đồng đội tôi mới được trở về hết quê hương? Còn bao người nằm lại, còn bao người chưa được tìm thấy”. Tiếng nấc khẽ khàng, nhưng da diết và xót xa.

Như câu chuyện “Lan – Điệp”…

Trở về quê nhà với chiếc ba lô nhỏ trên vai, nhìn bóng dáng mẹ, chị Thân như vỡ òa đi. Bao nhiêu năm xa cách, người mẹ đã gầy còng queo, mắt nhòa đi, nhưng bà hạnh phúc khi con gái trở về.

Vết thương đã biến chị từ một cô gái bình thường thành một người tàn phế, mất 62% sức khỏe. Nỗi buồn càng chồng chất trong lòng chị khi mẹ già ngày đêm mong mỏi con gái có một bờ vai đàn ông để nương tựa.

 

Sư thầy Thích Đàm Thân cũng như hàng triệu phụ nữ khác trên dải đất hình chữ S, đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước này và đang làm những việc tốt đẹp cho cuộc đời, dù chấp nhận hy sinh hạnh phúc của riêng mình.
Chị biết mình khó lòng mà lãnh được trách nhiệm ấy, nhưng vẫn cố gắng để mẹ già bớt đau khổ. Cuộc sống hậu chiến không mấy dễ dàng. Cuộc đời thực khác xa với nơi tuyến lửa vất vả, và nhiều lần chị muốn chết đi khi bị bệnh tật hành hạ. 

Nhà sư lúc này mới cất tiếng: “Quá khứ đi qua rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ lắm. Quá khứ bi ai mà lạnh lẽo vô cùng”.

Đó là chuyện người con trai mà hai gia đình đã hẹn ước đột nhiên quay trở về sau khi chị có tin anh đã hy sinh. Chị bàng hoàng, nhưng trong thâm tâm rất hạnh phúc vì thấy người thương đã quay trở về.

Hai người gặp nhau, lệ chan chứa mà lời nói không thể thốt thành tiếng. Yêu thương là thế, nhưng chị Thân vẫn khước từ những lời nói ân tình của anh và quyết tránh xa khỏi người đàn ông mà trong quá khứ đã chắc chắn thuộc về mình. Bao đêm, chị khóc ròng vì chỉ một mình biết đã không còn như xưa, không thể làm thiên chức người mẹ…

Nước mắt một lần nữa lại rơi mặn mòi trên khuôn mặt vị nữ trụ trì. Sư bà Phạm Thị Xuân ngồi bên còn kể thêm: “Gần chục năm sau, chú ấy vẫn chưa lấy vợ. Chú ấy lên năn nỉ sư quay lại nhưng sư thầy tôi nhất quyết không quay về chốn trần tục”.

Sư thầy ngắt lời: “Thôi không nên nhắc lại chuyện quá khứ, vì tôi đã cắt cái nợ đa đoan với chốn hồng trần. Bây giờ tôi đã là người nhà Phật nên không muốn nhắc đến xưa xa. Nhà Phật đã dạy “tham sân si”. Bao giờ các vị hiểu được hết đạo nhà Phật mới hiểu hết lòng của tôi”.

San sẻ từ bi cho thân phận đồng cảnh

Chịu quá nhiều mất mát hi sinh nên sư Đàm Thân lúc nào cũng mong sẽ làm được những việc ý nghĩa cho những thân phận giống như mình. Hơn chục năm về chùa Đông Am là hơn chục năm sư thầy vun vén lo cho chùa, từ chuyện xây sửa cho đến việc lễ lạt.

 

 

Sư thầy Đàm Thân và một cháu nhỏ được sư thầy nuôi tại chùa
Tuần rằm mùng một, tiếng kinh vẫn vang vọng trong ngôi chùa nhỏ. Chùa là linh hồn tâm linh của làng nên sư Đàm Thân đã cố gắng chăm lo mọi việc. Và chùa cũng là nơi để những mảnh đời khốn khó có thể ghé nương nhờ. Hơn chục năm qua, có gần 40 đứa trẻ bị bỏ rơi được nhà chùa nuôi nấng chăm sóc, trong đó có nhiều em bị tàn tật.

 

 

Chưa dừng lại ở đó, sư thầy đã liên hệ với Trường Nguyễn Đình Chiểu cho các em nhỏ đi học chữ nổi. Sư Đàm Thân tâm sự rằng, không làm thế thì các em khổ lắm. Đã không may bị cướp mất đôi mắt, đôi tai, lại không biết chữ thì suốt cuộc đời là bể khổ. 

Kinh qua những trần ai bi lụy của “bể đời” nên nhà sư cảm thông với những mảnh đời khốn khó. Có trường hợp một chị tâm thần trong xã bị đuổi đi rồi lang thang đến chùa, thầy cũng nhận nuôi. Một lần, thầy bị người đó lên cơn và đánh dập, nhưng thầy vẫn nhẫn nại chịu đựng.

Hạnh phúc nhất là khi chăm các em bé, thầy Thân cảm thấy mình như được làm mẹ. Thầy bộc bạch: “Lúc cho các cháu ăn, tôi cứ nghĩ mình là mẹ chúng. Cảm giác hạnh phúc vô cùng mà không thể nói thành lời được. Nhưng nghĩ xa hơn sâu hơn thì lại đau buồn hơn vì chính bản thân mình đã không còn cái thiên chức ấy”.

Nhìn cảnh người dân, sau vụ không có việc làm sư Đàm Thân lại đi liên hệ xin mối làm sợi, làm hương để bán. Vừa giúp cho người dân có thêm thu nhập, vừa giúp chùa ngày càng được khang trang hơn. Chị Đinh Thị Hợp – nhà gần chùa bảo: “Tôi cứ hết việc ngoài đồng ruộng lại sang chùa xin thầy làm hương, vừa có tiền lại được thầy nuôi. Thế mới có thêm đồng ra đồng vào”. Đơn đặt hàng nhiều, sư Đàm Thân lại phải xây thêm nhà cho người làm để khi mệt họ có thể ngủ luôn.

Sư thầy nói, ước mơ và dự định của thầy là muốn dựng xưởng làm hương, muốn xây trạm xá thăm khám cho những chị em phụ nữ có số phận và hoàn cảnh giống mình. Những ước mơ ấy, nhà sư bảo là còn rất lâu mới có thể làm được, vì đó là một quá trình dài phải dồn cả tâm và sức, nhưng sẽ quyết tâm làm.

Đây là một câu chuyện về một nhân chứng thời chiến có thật mà chúng tôi đã gặp và rất khó khăn để sư thầy có thể nói về quá khứ của mình, nhất là vào những ngày khắp nơi trên đất nước đang kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4 và 50 năm ngày mở đường Trường Sơn. Sư thầy Thích Đàm Thân cũng như hàng triệu phụ nữ khác trên dải đất hình chữ S, đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước này và đang làm những việc tốt đẹp cho cuộc đời, dù chấp nhận hy sinh hạnh phúc của riêng mình.