Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Những ngôi chùa linh thiêng trên đảo Trường Sa

Những ngôi chùa linh thiêng trên đảo Trường Sa

329

Giữa biển khơi, những ngôi chùa ở các hòn đảo ngoài quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là những địa điểm linh thiêng, khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân vùng biển đảo.


ừ xa xưa, trên các đảo giữa Biển Đông của nước ta, đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu Trời, khấn Phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Trên cơ sở tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người xưa, ba ngôi chùa đã được tôn tạo là Chùa Song Tử Tây, Chùa Sinh Tồn và Chùa Trường Sa Lớn.

Chùa Song Tử Tây

Chùa tọa lạc trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất trong Quần đảo Trường Sa, là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa.

Chùa Song Tử Tây. Ảnh Lê Thao – Bá Ngọc.

Chùa Song Tử Tây được xây dựng theo phong cách truyền thống, có tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian hai chái, hai nhà tả hữu vu, vườn chùa trồng nhiều loại cây đặc sản của Trường Sa như cây phong ba, cây bàng vuông.

Chùa Song Tử Tây, hợp với ngọn Hải đăng và Tượng đài Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo, thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, dân sinh, tâm linh và lịch sử, tiêu biểu, thuần túy Việt Nam trên biển Đông.

Chính điện chùa Song Tử Tây. Ảnh Lê Thao – Bá Ngọc.

Trong không gian tĩnh mịch của biển trong một sớm bình minh, tiếng chuông chùa vang lên và ngân xa hòa cùng tiếng sóng biển hiền hòa khiến đảo Song Tử Tây như một làng quê yên bình trong đất liền. Tọa lạc trên hòn đảo xa nhất trong toàn quần đảo Trường Sa, chùa Song Tử Tây được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái cong vút. Chùa có tam điện, điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sĩ.

“Chùa Song Tử Tây là chỗ dựa tinh thần và tâm linh của bà con ở đây nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ, vào lễ chùa, ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản”- Thầy Thích Thượng Đạt, Trụ trì chùa Song Tử Tây cho biết.

Các sư Thầy hành lễ tại chùa Song Tử Tây. Ảnh Trần Minh Ngọc.

Chùa Sinh Tồn

Chùa Sinh Tồn. Ảnh Lê Thao – Bá Ngọc.

Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn chùa Song Tử Tây, tọa lạc sát cạnh khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, có diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, một gian hai chái, tường bao trổ hoa, và vườn chùa xinh xắn, với những cây phong ba, cây bồ đề được trồng trong sân chùa.

Ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn
Chính điện chùa Sinh Tồn.
Cổng chùa Sinh Tồn. Ảnh Lê Thao – Bá Ngọc.

Chùa Trường Sa Lớn

Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa khu trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa lớn, khuôn viên chùa khá rộng, vuông vức.

Qua sân chùa và vườn chùa là tòa chính điện một gian hai chái, mái cong, có đầu đao. Phật điện chùa Trường Sa Lớn có pho tượng Phật bằng đá quý mầu trắng, gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar, là món quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng đã tặng lại nhà chùa.

Chùa Trường Sa

Đặc điểm chung của những ngôi chùa trên Quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển.

Phật điện được trần thiết uy nghi với những pho tượng được chế tác công phu bằng đá quý và gỗ quý. Cửa võng, hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng; viết bằng chữ quốc ngữ.

Cùng với điện thờ Phật, các ngôi chùa ở Trường Sa đều có các ban thờ Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đảo Trường Sa chợt lắng đọng bởi tiếng chuông chùa khoan thai loang ra trên sóng biển. Dù bị pha trộn trong tiếng sóng và tiếng gió biển đêm nhưng không lấn án được tiếng chuông chùa vọng lại. Chỉ một tiếng chuông nhưng đong đầy bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Tiếng chuông chùa nghe da diết như được gióng lên từ niềm khát khao hòa bình của người Việt giữa biển Đông.

Chính điện chùa Trường Sa Lớn

Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân huyện đảo và ngư dân mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển, đảo từ xa xưa. Chùa ở Trường Sa thể hiện nét văn hóa với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, đồng thời là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vùng biển, đảo Trường Sa.

Trường Sa giờ đây không còn là những roi đất nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển cả, nơi chỉ có sóng gió, bão giông mà trở nên thân quen, gần gũi như một làng chài của ngư dân ven biển. Những ngôi chùa giữa biển Đông không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo mà còn thể hiện sự khát vọng về cuộc sống bình yên, hòa bình của mỗi cư dân nơi đảo xa.


TUẤN QUỲNH/TC THỜI ĐẠI