Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Huyền bí chùa Việt trên đất Phật

Huyền bí chùa Việt trên đất Phật

89

1. Trên đường đi từ sân bay Bốt Gaya về Bồ Đề Đạo Tràng – nơi có cây bồ đề linh thiêng mà Phật Thích Ca đã tu hành đắc đạo – Thiền sư Thích Huyền Diệu chỉ cho chúng tôi ngôi chùa Việt Nam mang tên “Việt Nam Phật Quốc Tự.” Thật dễ phân biệt với các ngôi chùa khác bởi từ xa, ai cũng đã trông thấy một ngọn tháp có kiến trúc rất đẹp với mái ngói cong cong đặc trưng của kiến trúc đình chùa Việt Nam cao vút lên trời xanh. Hơn thế, chùa tọa lạc trên một cuộc đất khá cao nên Việt Nam Phật Quốc Tự càng nổi bật so với hàng trăm ngôi chùa khác.

Chính điện Việt Nam Phật Quốc tự.

Một người bạn Ấn Độ đón chúng tôi  từ sân bay cho biết thêm:  Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều ngôi chùa của các quốc gia đại diện cho các châu lục trên toàn thế giới. Nhiều nhất là chùa của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Bu-tan; mỗi chùa có một nét kiến trúc đặc trưng riêng theo phong cách của từng nước. Riêng Việt Nam Phật Quốc Tự  được đánh giá là ngôi chùa đẹp nhất, cao nhất và có khuôn viên rộng nhất trong số hàng trăm ngôi chùa của các nước tại đây.

2. Sau khi dẫn chúng tôi chiêm bái cây bồ đề linh thiêng và Bồ Đề Đạo Tràng, Thiền sư Thích Huyền Diệu đưa chúng tôi về thăm và làm lễ tại Việt Nam Phật Quốc Tự. Thiền sư giải thích: "Tên chùa là Việt Nam Phật Quốc Tự do tôi đặt, là đặt Tổ quốc lên trên hết”. Việt Nam Phật Quốc Tự được khởi công xây dựng từ năm 1987 trong khuôn viên rộng 3,4ha.

Đến nay, chùa hoàn thành được cổng tam quan, tháp chuông chính điện và Tháp chín tầng (cao nhất trong các tháp chùa ở xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng, đứng trên tầng thứ 9 của tháp có thể nhìn thấy hầu hết các ngôi chùa xung quanh). Cổng tam quan, tháp chuông và chính điện của Việt Nam Phật Quốc Tự đều có mái cong mềm mại không khác các ngôi chùa ở Việt Nam. Các câu đối, trướng và các chữ viết trong chùa cũng đều dùng chữ Việt Nam (chữ Quốc ngữ). Theo Thiền sư Thích Huyền Diệu, phải dùng chữ Việt Nam để mọi người Việt Nam đến đây đều đọc được và nhắc nhở họ phải nhớ về Tổ quốc.

Trong chính điện, ngoài các bức tượng Phật, còn có hai bàn thờ lớn: Bàn thờ Tổ quốc – thờ những người đã có công dựng nước Việt Nam và Bàn thờ các Anh hùng liệt sĩ, những người đã có công gìn giữ đất nước Việt Nam. Nói chuyện với chúng tôi, Thiền sư Thích Huyền Diệu luôn tỏ lòng tri ân đất nước Việt Nam và rất thích lời của bài hát “Quê hương”: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

3. Thiền sư Thích Huyền Diệu kể, quá trình xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bốt Gaya khá gian nan. Tiền xây dựng chùa là do các học sinh của thiền sư từ nhiều quốc gia trên thế giới đóng góp, lúc nhiều, lúc ít. Khi đang xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bốt Gaya thì Thiền sư lại được Nhà nước Nê-pan cấp đất để xây cất ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật đản sinh nên cùng lúc, Thiền sư phải coi sóc việc xây chùa ở cả hai nơi.

Có điều kỳ lạ là tại  công trường xây dựng cả hai ngôi chùa, rất nhiều trường hợp người thợ xây dựng bớt xén vật liệu hoặc ăn cắp vật liệu mang đi bán đều không thể thực hiện được ý đồ.  Có người bán xong, đêm về mơ thấy mình bị chết, sợ quá phải thú nhận. Có người mang xi măng ra đến cổng, nhưng không thể bước qua được. Có người mang ngói ra ngoài bán nhưng khi mở bao ra thì ngói đã nát vụn…

Còn Việt Nam Phật Quốc tự tại Nê-pan cũng có không ít điều huyền bí, trong đó huyền bí hơn cả là chim hồng hạc bay về chùa rất nhiều. Đến khi Việt Nam Phật Quốc tự khánh thành, cũng đã có rất nhiều điều huyền bí và màu nhiệm đã xảy ra: Nhiều người bị bệnh nặng đến đây tu tập và đã khỏi bệnh; nhiều người u phiền đến đây cũng được tĩnh tâm.

4. Vườn trong khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự rất rộng, được Thiền sư Thích Huyền Diệu cho trồng đầy những cây xanh mà nhiều loại cây trong đó có liên quan đến đạo Phật, nhiều cây thuốc rất quý. Đặc biệt, trong vườn còn có khá nhiều cây được đem từ Việt Nam trồng tại đây như bụi tre Đằng Ngà gắn với truyền thuyết Thánh Gióng, cây mai vàng quê hương của Thiền sư Thích Huyền Diệu… và cả cây bồ đề được ươm từ cây bồ đề linh thiêng nơi Đức Phật Thích Ca tu hành và đắc đạo. 

Tôn trọng quy luật của tự nhiên, Thiền sư Thích Huyền Diệu cho cây cối trong vườn mọc… tự nhiên. Những con đường trong khuôn viên nhà chùa được thiền sư cho xây dựng quanh co, khúc khuỷu, không thẳng tắp, như đường đời vốn quanh co vậy.

Có một điều lạ là trong khuôn viên của Việt Nam Phật Quốc Tự, từ cổng lên chùa đến dãy nhà ở của người nhà chùa, nhà ở của khách… chỗ nào cũng thấy có bản đồ Việt Nam. Trả lời thắc mắc của khách, Thiền sư Thích Huyền Diệu thong thả: "Tôi cho đắp và cho vẽ rất nhiều bản đồ Việt Nam là để gợi cho mọi người Việt Nam đến đây lúc nào cũng nhớ đến quê hương, đất nước. Ai quên đất nước Việt Nam thì phải tìm đường mà về. Khi nào tôi chết, nếu có ai đó muốn xóa bản đồ Việt Nam ở đây cũng không xóa hết được…".

Dừng chân thăm Việt Nam Phật Quốc Tự không nhiều, nhưng như có phép màu nhiệm thật sự, mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi ai cũng có cảm giác muốn được làm một việc gì đó cho quê hương đất nước thêm giàu, thêm đẹp…