
Ngày 3/5, tại chùa Phật Tích (Luang Prabang, Lào) đã long trọng tổ chức Lễ Phật đản Phật lịch 2569 (dương lịch 2025).
Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm; Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Luang Prabang Bun-xôm Khun-ma-ni; đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Lào, các cơ quan chính quyền địa phương của tỉnh Luang Prabang, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang, cùng đông đảo cư sĩ, Phật tử, bà con cộng đồng người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Lào.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Điều phối và hợp tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam-Lào, Trụ trì chùa Phật tích đã chuyển tới các tăng ni, Phật tử và cộng đồng người Việt Nam thông điệp của Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kêu gọi toàn thể mọi người cùng nhau gác lại những khác biệt để xây dựng một cộng đồng toàn cầu đoàn kết, dùng ánh sáng của trí tuệ để hóa giải vô minh và bạo lực, lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Luang Prabang Bun-xôm Khun-ma-ni nhắc lại ý nghĩa của ngày lễ Phật đản sinh đối với các Phật tử. Ông cảm ơn và đánh giá cao việc Ban điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào đã chọn Luang Prabang để tổ chức buổi Lễ. Theo ông Bun-xôm Khun-ma-ni, năm nay, Việt Nam và Lào sẽ diễn ra các sự kiện trọng đại, việc tổ chức buổi lễ với sự tham dự của các Phật tử hai nước sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai dân tộc.

Cũng tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm cho biết, Lễ Phật đản là hoạt động rất ý nghĩa, gắn liền với truyền thống văn hoá, lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng nhân văn, từ bi, bác ái của Phật giáo đã lan toả, ảnh hưởng tích cực tới mọi mặt đời sống của người dân. Ngày nay, Phật giáo vẫn đang tiếp tục đóng vai trò to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Đại sứ Nguyễn Minh Tâm, sự hiện diện của chùa Phật Tích tại thành phố Luang Prabang từ nhiều năm qua không chỉ là nơi tu tập của các chư tôn, tăng ni mà đã trở thành một trong những nơi sinh hoạt văn hoá giáo dục, đạo đức và tâm linh của đông đảo cộng đồng người Việt sở tại.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của 14 ngôi chùa Việt và một điện thờ với khoảng 20 chư tăng trên khắp 3 miền đất nước Lào từ hàng chục năm qua cho thấy vai trò quan trọng của Phật giáo, của “mái chùa” trong đời sống của cộng đồng người Việt tại đất nước triệu voi.
Không chỉ là nơi tu tập, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của bà con, những ngôi chùa Việt còn phát huy vai trò gắn kết cộng đồng, tăng cường quan hệ gắn bó đoàn kết đặc biệt với đất nước Lào; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; giáo dục thế hệ trẻ kiều bào hướng về cội nguồn và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

Đại sứ nhấn mạnh, trong những thành tựu chung của quan hệ Việt Nam-Lào có sự đóng góp quý báu cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân hai nước, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Đại sứ biểu dương và chúc mừng những kết quả hoạt động của Ban Điều phối hợp tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam-Lào. Theo Đại sứ, các hoạt động văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng được các chùa Việt tổ chức đã trở thành sợi dây kết nối giữa cộng đồng nguời Việt với chính quyền và người dân Lào, là cầu nối để bà con kiều bào luôn hướng về quê hương, Tổ quốc.
Đại sứ Nguyễn Minh Tâm hy vọng, các chư tôn, tăng ni, Phật tử, bà con kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần tốt đẹp, từ bi, bác ái của Phật giáo, tích cực xây dựng cộng đồng người Việt tại Lào đoàn kết, yêu thương, đóng góp thực chất vào thúc đẩy quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Ông Nguyễn Trọng Khuê, đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang đánh giá, Lễ Phật đản là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng có ý nghĩa tâm linh truyền thống, mang tính nhân văn, tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Tại buổi lễ, các chư tôn đức, tăng ni Việt Nam, Lào cũng như bà con người Việt cùng thực hiện các nghi lễ như thả chim bồ câu, cúng dường và tắm Phật để cầu hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho toàn dân tộc nói chung cũng như cho cộng đồng người Việt tại Lào nói riêng, đồng thời thể hiện lòng tôn kính, hân hoan đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

